Tuesday, November 15, 2011

BA TÔI




Author: Nguyễn Thị Yêu Thương

Nhớ hồi nhỏ mỗi lần xin tiền Ba mua sách đọc, Ba hay gạt phăng và nói: “Mua làm gì cho uổng tiền, viết mà đọc đi con!” Làm con nhỏ đứng tò te, ngẩn ngơ không biết phải làm sao? Và có lẽ cũng nhờ đó mà đến ngày nay tôi cứ lẩn thẩn hay viết lách lung tung, động lực thúc đẩy tôi viết có lẽ vì Ba không cho tiền để mua sách đọc hay chính mình đôi khi có những tư tưởng cứ muốn đem ra giải baỳ lên trang giấy? Ba tôi đã mất từ lâu, có những bài tôi viết từ khi ông còn sống và đã được đăng báo Chiêu Dương, Việt Luận những năm 83-84 nhưng có lẽ lúc đó tôi còn mắc cỡ, chưa dám khoe khoang ai cả, ngay chính đưa cho Ba tôi đọc tôi cũng không dám. Đến khi ông mất đi tôi vẫn không có dịp trình cho ông xem những giòng chữ lời văn của mình. Nay thì tôi không còn thấy mắc cỡ, e ngại nữa, không phải vì viết hay hơn, cũng không phải vì được mọi ngươì biết đến nhiều hơn. Có lẽ là vì khi tuổi đời chồng chất lên cao, con người ta tự dưng thấy mọi việc trở nên bình dị, đơn giản hơn xưa, có những việc ta không còn coi là quan trọng, ghê gớm nữa, thế thôi.
Nhắc đến ba tôi là nhắc đến những ngaỳ còn bé vì khi lớn lên trí nhớ của tôi lại không còn mấy hình ảnh về Ba tôi nữa. Có lẽ lúc đó là khi chính quyền miền Nam đã bị lật đổ, Ba tôi đã bắt đầu những chuyến phiêu lưu xa nhà, xa gia đình và lũ con cái lúc nhúc, lu bu. Khi ấy là khi Ba tôi đã không còn ‘hét ra lửa’ nữa, ông đã biến thành một con Rồng chỉ nhả khói, phà hơi ấm đôi khi mà thôi. Dạo ông lẫy lừng một thuở là khi ông còn đương thời tại chức, uy quyền một bậc. Đã hơn bốn mươi năm qua là ít.
Lúc ấy tôi mới vừa bắt đầu vô mẫu giáo, cái tội nhà con đông nên để cho bớt việc, má tôi đã thả tôi vào trường mẫu giáo gần nhà khi tôi mới lên bốn mà thôi! Trường mẫu giáo ở Việt Nam thời đó phải được như những trường mẫu giáo ở xứ Úc hay xứ Mỹ thì nói gì. Đằng naỳ vô trường mẫu giáo lúc nào là học mút chỉ lúc ấy, làm gì có học và chơi như ở đây! Chơi nhiều hơn học là khác ở những trường mẫu giáo xứ naỳ. Hỡi ơi, theo những phương pháp xưa cũ thời đại Pháp năm nào, đám trẻ con lốc chốc như tôi cũng phải hì hục tập đánh vần, tập viết, học đếm và cộng trừ loạn cào cào… Mặc dù mới bốn tuổi nhưng như đã nói, vì nhà con đông nên tôi bị đẩy theo mấy anh chị đi học thật sớm. Và một trong những mẫu chuyện của gia đình mỗi khi cả nhà quay quần bên nhau nhắc chuyện xưa là chuyện Tôi Đi Học!
 Chẳng phải chuyện Tôi Đi Học của Thanh Tịnh… Mỗi năm khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây trôi bàng bạc, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường naỳ tôi đã đi lại lắm lần… thơ mộng và lênh láng tình cảm vang danh trong làng văn học Việt Nam. Mà là chuyện Tôi Không Muốn Đi Học! Không phải tự nhiên tôi không muốn đi học đâu, chỉ vì còn nhỏ quá mà. Trong khi thằng em út ở nhà nhởn nha, nhởn nhơ được tâng tiu, ẳm bồng thì tôi đã phải lồm cồm bò dậy mỗi sáng cắp sách đến trường. Thiệt là không công bằng tí nào! Từ cái ý tưởng phải tranh đấu cho chính mình quyền lợi công dân căn bản tôi cứ nhấp nha nhấp nhỏm đi đến trường và… lê lết đi về nhà, ngang nhiên tự tại, coi như không có gì là sai trái cả. Nghĩa là tôi đã biết cách bỏ học ngang xương từ thuở còn bé tí teo!
Lúc ấy nhà còn sung túc, Ba tôi đang làm Thanh Tra Bộ Tài Chánh. Sở làm của ông nằm trên đường Hồng Thập Tự cách nhà tôi không xa lắm và cách trường mẫu giáo của tôi cũng không xa lắm. Vì còn khá giả nên nhà còn người làm lung tung. Ý là vậy mà tôi vẫn bị đẩy đi học sớm như thường!!! Mỗi sáng, sau khi đánh răng rửa mặt cho tôi và thay quần áo xong là chị Tư giúp việc âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường Hồng Thập Tự đến trường ở đường Trần Quý Cáp. Với cái bước chân nhỏ nhắn của một đứa bé, tôi nhớ con đường Hồng Thập Tự thật là vĩ đại và mênh mông, xe cộ tấp nập và được xem như là đại lộ. Đứng ở bên nay đường mắt nhìn không hết đến tận bên kia, vô tận và xa tít. Đoạn đường từ nhà đến trường phải qua hai con đường, Hồng Thập Tự và Cao Thắng. Đường Cao Thắng thì nhỏ hơn nên không coi là quan trọng, tôi đã liệt kê nó vào hàng bé. Số là, cứ mỗi sáng chị Tư dẫn tôi đi học qua hai con đường để đến trường. Vậy đó mà khi quay lưng vòng trở về nhà chị đã sững sờ, hoảng kinh lúc mở cửa và nhìn thấy tôi đứng lẳng lặng sát ngay sau mình! Chẳng nói, chẳng rằng tôi cứ đi sát gót chân chị để về nhà và không đi học! Tôi ngoan ngoãn theo lời của người lớn là đánh răng, rửa mặt và thay quần áo. Xong, ăn sáng với bánh mì chấm ly sữa nóng pha bằng sữa Ông Thọ trong lon rồi lửng thửng theo chân chị Tư đến trường. Và chẳng nói chẳng rằng tôi đã im lìm đi theo chân chị Tư về đến nhà, không có gì là ầm ĩ cả!
Tiếng chị Tư vừa tức tối vừa buồn cười vang lên phân trần với má tôi:
-     Cô Ba! Coi kìa! Cô Út đi dzìa nữa rồi kìa! Làm sao đây cô Ba! Con dẫn cô Út dzô đến tận cửa trường rồi mới quay dzìa vậy mà cũng không xong! Con không đưa cô Út đi nữa đâu…
Vậy là tôi đã loại được chị Tư ra vòng ngoài. Sau cả tuần lễ đưa tôi đến trường và nhìn thấy tôi xuất hiện ngay sau lưng khi về đến nhà chị Tư đã đầu hàng với má tôi và từ chối việc đưa tôi đi học nữa. Má tôi vẫn không nản lòng, lần naỳ bà sai bà chị lớn của tôi đi thế. Qua ngaỳ hôm sau, chị Viên lãnh phần công tác khó khăn naỳ. Tôi vẫn y như thường lệ, là vẫn không khóc, không la, không phàn nàn xách cặp theo chân chị Viên đi dài qua hai con đường, một thật lớn và vĩ đại và một thật tầm thường nhỏ bé trong cái trí nhớ nhỏ nhoi của một đứa bé gái mới bốn tuổi. Hai chị em vui vẻ đến nơi, lần naỳ chị Viên không những dẫn tôi qua khỏi cổng trường mà lại đi theo vô đến trong khuôn viên của lớp mới yên tâm đi về. Không sao, vì thuộc gia đình ngoan ngoãn mà nên lúc nào tôi cũng đến nơi sớm hơn giờ chuông reo cả 5-10 phút.  Tôi thấy không cần phải theo dính chân chị Viên như theo chân chị Tư nữa, vì lấy kinh nghiệm của chị Tư, chị Viên cứ ngoáy đầu nhìn sau lưng làm tôi không giở trò đó được nữa. Cho chị đi về khuất bóng, tôi lần bước ra khỏi cổng trường trước khi cổng bị khoá bên trong, xong ung dung dò bước cũ trở về nhà. Đoạn đường đã trở nên hơi quen thuộc sau cả tuần lễ đi đi về về. Băng qua đường Cao Thắng là chuyện tầm thường của tôi nhưng đến khi tới ngã tư Hồng Thập Tự, Cao Thắng và Cống Quỳnh thì tôi hơi khớp. Ối chà, cũng không sao! Ngang nhiên, tự tại tôi hùng dũng tiến tới ông cảnh sát lưu thông trẻ tuổi và lên tiếng nhờ  ông ấy dẫn tôi qua đường, coi như một hiện tượng tầm thường xảy ra hằng ngày. Chuyện một cô bé gái bốn tuổi đầu đi lang thang một mình trên đường không có gì là nguy hiểm và quái lạ cả! Nghĩ lại, đến bây giờ tôi mới thấy là người lớn ở xứ ta hời hợt với an ninh xã hội ghê đi chứ. Một nhân viên giao thông đưa một cô bé băng qua đường rồi thả cho đi một mình không thắc mắc điều gì thì quá ngộ nghĩnh đi chứ!
Đó là những giai đoạn đầu khi tôi phải đi học. Má tôi đã hết hồn, tảng kinh khi thấy tôi bấm chuông nhà và bước vào cửa không lâu sau khi chị Viên. Cả nhà phục lăn cái tính cứng đầu cứng cổ và gan dạ của tôi… và má tôi thì lắc đầu ngao ngán hỏi thất thanh:
-          Trời đất, làm sao đi về nhà được? Làm sao con băng qua đường?
Tôi đã ngang nhiên thỏ thẻ trả lời:
-          Con nhờ chú lính nắm tay dắt qua …
Vậy mà cũng không xong! Má tôi cũng thuộc loại chì thứ thiệt, bà nhất định bắt tôi đi học tiếp tục. Sau những lần đi về tôi cảm thấy không qua mặt người lớn được nữa vì chính má tôi đã phải thay áo dài trịnh trọng dẫn tôi đến trường rồi ngồi chờ trong lớp ở cuối dãy ghế sát tường cả mấy tiếng đồng hồ sau đến giờ ăn trưa mới chịu về nhà. Thế là tôi đã phải đi học! Nhưng cũng nhờ đó mà tôi không phải đi bộ đến trường nữa. Cái chiến công vẻ vang của tôi đã làm người lớn khiếp vía không để tôi đi bộ mà lại được Ba tôi chở đi bằng xe hơi. Tôi nhớ là mình cũng lấy làm hãnh diện lắm vì đã được ba chở đi tận nơi, bước xuống xe còn được ba ôm ấp hôn chùn chụt lên trán, lên má trước bao nhiêu con mắt của đám trẻ con. Mặc dù chuyện được ba hôn hoặc ẳm bồng trước mặt người lạ làm tôi mắc cỡ ghê lắm vì thói quen của người Việt Nam ta ít khi nào tỏ lộ tình cảm nồng nhiệt như vậy bao giờ. Nhưng Ba Má tôi thì có lẽ đã quen với nề nếp Tây nên cứ hay ôm ấp, nựng nịu, vồn vã hôn hít con cái tự nhiên nên khi lớn lên chúng tôi lại thấm thêm cái tự nhiên hiếm có ấy. Cái tự nhiên bộc lộ tình cảm mà người Á Châu ta thường hay che kín, e dè mắc cỡ! Mãi đến khi lên trung học rồi mà khi tan trường về tôi vẫn bị ba ẳm tung lên trên không, hôn chùn chụt trước mặt bạn bè! Thiệt là mắc cỡ hết sức!
Được ba chở đến trường, tôi không có cách gì hơn là bước vô lớp học mà thôi. Nhưng đôi khi cái tư tưởng trốn học lại nẩy lên thỉnh thoảng trong đầu và vậy là tôi bắt đầu giở trò. Trước khi bước xuống xe tôi có vẻ như buồn buồn làm sao, thiểu não lê bước đến cổng trường. Đứng dựa cổng, đôi mắt tôi có lẽ đã đượm những tia ưu sầu thê lương, rươm rướm nước mắt đến nổi ba tôi phải động lòng, quay ngược xe trở lại, mở cửa ngoắc tôi bước lên xe chở theo ông đến sở làm. Chu choa ơi, không gì sung sướng bằng, đó là một trong những giây phút hạnh phúc nhất của tôi dạo ấy! Không phải đi học mà lại được theo ba đến văn phòng để ngồi chơi và được các cô thư ký tưng tiu, cưng chìu… tha hồ mà nhỏng nhẻo và yêu sách! Vì là con gái cưng của ông Thanh Tra cơ mà, còn gì bằng! Ba tôi có một bàn giấy riêng, bệ vệ và văn phòng thì trang trọng oai nghi còn tôi thì được ngồi ở bàn cô thư ký kế bên, nhỏ nhắn bé tí nhưng vẫn thấy mình oai vô cùng, cũng đem giấy viết ra vẽ rồng vẽ rắn cả buổi không chán.
Được cả năm, vâng, tôi đi học được cả năm. Mặc dù không biết bao nhiêu ngaỳ đã theo ba đến sở và bao nhiêu ngaỳ đã tự tiện đi về nhà, nhưng một năm đã trôi qua. Hè xong đến ngày tựu trường lên lớp, tôi cũng chỉ mới có năm tuổi mà thôi nhưng đã học xong lớp mẫu giáo và năm mới sẽ lên lớp một. Thật là khiếp vía vì tôi nghe phong phanh ông anh và bà chị kế của mình dọa dẳm tứ tung cô giáo Trinh, cô giáo dạy lớp một dữ ghê lắm, đánh đòn liên miên và ai cũng sợ cả. Nghe vậy thì làm sao tôi có tinh thần đi học nữa đâu! Ngày đầu tiên phải đến trường tôi đã nằm yên không nhúc nhích tí nào. Sáng hôm đó thay vì phải ngồi dậy thay quần áo và chuẩn bị đi học thì tôi thay đổi chiến thuật mới bằng cách nhắm mắt kín mít, tay chân đơ cứng ra không động đậy, nhúc nhích tí nào. Cứ đơ ra như một khúc gỗ. Kim, bà chị kế của tôi, thủ phạm đã doạ nạt tôi là cô giáo lớp một dữ dằn, hung tợn ghê lắm; lung lay tôi dậy cả mười phút rồi mà sao không thấy tôi mở mắt ra là đã ngạc nhiên lắm. Kim khổ sở báo cáo với má tôi:
-          Má, sao con Thu không thức dậy mà cũng không nhúc nhích gì cả. Nó có sao không kìa!
Má tôi lắc đầu ngao ngán, thiệt là khổ, bà lại phải đương đầu với cái cứng đầu cứng cổ của con nhỏ nữa rồi:
-          Cứ thay quần áo nó ra đi, chút nữa là nó dậy thôi, coi chừng trễ giờ đi học đó.
Thế là ông anh kế, Bình, và Kim hì hục chồng quần áo vào cái cơ thể đơ như khúc gỗ của tôi. Tay chân tôi nhất định không buông thả, mắt thì nhắm kín không chịu mở. Miệng thì nín thin thít, không la không hét câu nào. Cứ để mặc cho ai muốn làm gì thì làm, miễn là làm được thì thôi, tôi không thèm chống cự, vùng vẫy hoặc la hét mà chỉ im lặng… cứng đơ cứng còng, không cong chân cong tay không nhúc nhích… Hai tên kia thì nhất chí phải mặc quần áo cho tôi nên cuối cùng cũng xong phận sự. Nhưng tôi vẫn không thèm mở mắt ra hoặc ngồi dậy. Đã đến giờ đi học mà tôi chưa xong. Thế là thoát nạn! Tôi đã không phải đi học ngày khai giảng và kế tiếp những ngaỳ sau tôi cứ làm cho trễ giờ ra thì chu toàn ngay. Cả năm đó tôi được ở nhà, hú viá! Đâu có sao đâu, vì khi khai giảng trường công, tôi vào học lớp một ngon ơ, được bảng danh dự đều đều, đứng đầu lớp một cách dễ dàng nhờ đã học qua lớp mẫu giáo trường tư cả hai năm trước! Tôi nhớ cứ mỗi tháng anh chị em tôi đứa nào được bảng danh dự thì để dành đó để đem ra khoe với ba và được ba tôi thưởng cho. Ngay chính như đem ra khoe với bác Lê Công Chất, bạn thân của ba, và là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ uy danh thời đó cũng làm tụi tôi háo hức lắm. Mỗi khi bác Chất đến nhà là cảnh sát giao thông, quân cảnh đón đường, chặn xe ở hai đầu bảo vệ an ninh vậy mà tôi đã được bác ôm vào lòng, đã hỏi han tường tận mấy anh chị em tôi và cho quà thưởng khi chúng tôi đưa khoe những tấm bảng danh dự thời đó. Ngay bây giờ, những đứa con tôi có vẻ coi thường những món quà nho nhỏ tôi cho chúng nhưng thuở còn thơ tôi thấy mình rất hãnh diện và sung sướng chỉ khi được vuốt đầu khen giỏi và cho một cái bánh, cây kẹo là quý vô cùng.
Rồi khi chính quyền bị lật đổ, ba tôi vì chỉ là công chức nên tất cả mọi tài sản đều bỏ hết trong băng nhà nước. Nghĩa là mất hết. Từ đó cuộc sống vất vả. Ba tôi đi lên rẫy ở Long Khánh, Ngã Ba Ông Đồn, thường xuyên hơn. Lúc xưa, đi lên rẫy chỉ là đi chơi, đi nhậu, tán dóc với những ông bạn ở đó. Nay đi rẫy còn có nghĩa là kiếm tìm những huê hồng, hoa quả để bán và làm kế sinh nhai. Vườn Long Khánh đất đỏ cao nguyên, đu đủ và chuối là hai nguồn lợi chính. Vì là vùng cao nguyên nên khan hiếm nước là thường. Đôi khi ba về từ Long Khánh, đất đỏ bám đầy quần áo, da thịt, tóc tai khuân về nào đu đủ và chuối chất đầy nhà. Những ngày hè chúng tôi không còn nhởn nhơ đi ra đi vào sung sướng nữa mà phải theo ba má tôi lên rẫy cuốc đất, làm cỏ, trồng bắp, trồng khoai mì. Tôi nhớ mình rất ghét đất đỏ. Mỗi khi mưa xuống nó trở thành đất sét, dính vào chân vào dép dẻo nhẹo rửa không ra. Khi khô đi thì lại cứng ngắc khô cằn gỡ cũng không ra luôn! Tôi nhớ bị ba chọc vì đã lấy bọc ny-lông bao hết hai chân trước khi bước xuống đất. Nhưng không được bao lâu thì phải đầu hàng để chân tay bê bết những đám đất đỏ kinh hồn.
Những ngày hè nắng cháy da ở rẫy làm nông dân của tụi tôi chẳng biết có đem lại lợi ích gì cho ba má tôi không nhưng chúng tôi đã học được nhiều kinh nghiệm sương gió và cũng cảm thấy vui vẻ, yêu đời như thường. Cái đức tính đó có lẽ nhờ di truyền của cả ba và má tôi. Hai người sinh thành ra chúng tôi đã phải daỳ dạn mưa nắng, trãi qua bao nhiêu gian truân gian khổ, qua biết bao thăng trầm của đất nước. Từ thời Pháp thuộc, qua đến chiến tranh Nhật, qua đến Việt Minh, Hoà Hảo, giặc giã miền Nam, Ba Cụt… Qua đến cộng sản, tự do, vượt biên và di tản. Cuộc đời của những nạn nhân thời cuộc.
 
Tôi nhớ nhất những buổi chiều, trời nhá nhem tối, lá cây xào xạc ngoài sân. Ở rẫy mà, làm gì có điện, đôi khi nhờ bình phát điện thì cũng có ngày sáng sủa chút ít. Phần đông thì thắp đèn dầu hoặc đèn cầy. Những ngọn đèn dầu le lói trong mái nhà tranh vách lá toả ánh sáng yếu ớt lên vách, lên tường trong không gian tối mịt mùng ở vùng cao nguyên gió lạnh bao giờ cũng làm tôi ngờ ngợ những tình cảm khó diễn tả. Ba tôi hay nấu chè ỉ. Hình như chỉ có người miền Nam là biết món chè naỳ. Chỉ là những viên bột nếp vo tròn thả trong nước đường, sang trọng lắm mới có nước cốt dừa hoặc rải rác những hột mè tán nhuyễn trên mặt. Còn không thì chỉ là những viên chè ỉ trong chén nước đường thẻ vàng sóng sánh đơn giãn. Nhìn cái dáng lom khom của ba, loay hoay xoe tròn những viên bột thả vào nồi trong gian bếp thấp lè tè của căn nhà tranh hở hang tứ tung, gió luà qua khẻ vách lá từng cơn, bên cái bếp khói lên mịt mù, lửa reo tí tách vàng tươi của củi rừng mà không ngờ rằng đã có một thời ông oai danh lừng lẫy.
Vậy đó, mà chúng tôi mê món chè ỉ của ba tôi tít thò lò. Chúng tôi ngồi co ro trong mái nhà tranh, vách lá, ánh đèn dầu loang trên nền đất sét gập ghềnh, khập khễnh, mờ mờ; với áo ấm và hơi lạnh của miền núi rừng cao nguyên, tay nâng niu chén chè thơm mùi gừng thoang thoảng thật hấp dẫn. Đến bây giờ tôi chưa có cơ hội ăn lại chén chè ỉ nào thơm ngon hương vị đồng quê, cỏ nội như vậy.
Chúng tôi ngồi ăn chè ỉ quay quần bên bàn cờ tướng giữa ba và chú Hai. Bên trong nhà tranh thì khói ung muỗi tuôn tuôn cuồn cuộn những ngụm đen ngòm cuả hương củi rừng. Mặt mũi đứa nào cũng lem nhem vì khói cay mắt, ngộp hơi, nhưng vẫn đỡ hơn phải tranh đấu với những con muỗi rừng to gần bằng con kiếng! Tôi nhớ lần đầu tiên khi nhìn thấy con cuốn chiếu mập lù, tròn xoe và con bọ xít, con bọ cạp miền cao nguyên là đã hết hồn, hết viá. Chúng to gấp đôi, gấp ba những thứ ấy ở miền thôn quê phía Tây. Chúng tôi ngồi xem, ngoài trời tiếng côn trùng, ve sầu nỉ non vang vang và say mê với tiếng con cờ gỗ đặt chồng lên nhau, lộc cộc nghe thật vui tai khi chú Hai hăng hái ăn một hơi những con cờ của ba ngon lành. Đối với chú Hai thì ba không dám hung dữ nhưng đôi khi anh Trung chơi với ba mà có lỡ bắt chước chú Hai, chồng côm cốp con xe đỏ ăn con pháo xanh của ba khoái trá hí hửng chừng vài lần là coi chừng ba sẽ đứng dậy lấy nguyên bàn cờ khõ lên đầu anh Trung cái tội dám chọc quê ba, qua mặt mà không sợ bị la! Chừng vài bận là anh Trung hết dám hùng hổ ăn cờ côm cốp mà chỉ đặt nhẹ nhàng từng con cờ một xuống mặt bàn nhưng miệng thì vẫn không tránh khỏi cái cười khoái trí của kẻ hậu bối có cơ hội làm le với đám em đang ngồi ăn chè chầu rìa.
Bây giờ mỗi khi đi bộ ngoài đường có hương khói củi bay lên từ những ống khói thoang thoảng trong không gian, với khí lạnh nhè nhẹ khi trơì vào đông là tôi nhớ đến ba tôi thật nhiều. Có những kỷ niệm khó quên mà chỉ cần nghe hương thơm thoang thoảng của mùi vị nào đó là trí nhớ của con người ta lại quay về những ký ức sâu đậm ấy ngất ngây, tha thiết! Tôi cũng có nhắc nhở thằng con trai út của mình. Nhắc với nó rằng, mỗi khi mẹ hít thở trong không khí lành lạnh của những buổi tối chớm vào đông với hương khói củi lơ lững trên những ống khói rải rác của vài căn nhà còn chịu khó đốt củi sưởi ấm là mỗi lần mẹ lại nhớ đến ông ngoại. Tôi dặn dò nó là phải tìm kiếm cho nó những hương thơm đặc biệt nào đó khi nghĩ về tôi, về mẹ của nó. Để sau naỳ khi tôi đã khuất bóng, xa lìa cõi trần gian ô trọc thì nó sẽ nhớ đến tôi với nỗi nhớ sâu đậm hơn, nồng ấm hơn khi hương thơm đó thoang thoảng đánh thức khứu giác của nó, đánh thức kỷ niệm của những ngaỳ còn quay quần bên nhau. Giống như tôi đã nhớ đến ba tôi bằng cả trí nhớ, thị giác và mùi hương của củi rừng, của khí lạnh cao nguyên và món chè ỉ mộc mạc rẻ tiền nhưng đậm đà hương vị của tình thương và gia đình.
Nhân Ngày Nhớ Ơn và giỗ Ba (Father’s Day)
September 2008


NTYT.

No comments:

Post a Comment