Tuesday, April 10, 2012

Tình đã vào thu .


Author : Kathy Trần

Tuổi thơ trôi qua như mơ. Khi nhìn lại thì ngày sắp hết, lá đã ửng vàng và trời chớm vào thu.

Gia Long, Trưng Vương, Đồng Khánh, Bùi Thị Xuân, Lê Văn Duyệt... những tên trường gợi lên cả trời mơ mộng và những cô nữ sinh ngây thơ với nhan sắc tự nhiên làm đắm lòng các chàng cũng đã xa xôi dù những ngôi trường vẫn còn đó và các cô nữ sinh mới lớn vẫn vui tươi, ngây thơ cắp sách đến trường để làm đắm lòng những lớp chàng trai trẻ... khác.

Các cô bé xinh xắn nhẩy nhót chơi đùa, thân hình mảnh mai như cành liễu, nói năng líu lo như chim hót nhưng lại chẳng ăn ít như chim mà ăn quà vặt khủng khiếp làm các cậu chạy quà gần chết nhưng... tự nhiên các cô ngưng cười, nghỉ nói, thẫn thờ, giận hờn, mơ mộng ngang xương và đó mới là những lúc chết người như chơi:

“Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba.
Tôi phải van lơn, ngoan nhé đừng ngờ
Tôi phải nói như là tôi đã lớn!...”
(Tuổi 13 –Nguyên Sa)

Cũng 13 tuổi, cô bé của nhà thơ Nguyên Sa đã dễ thương thì cô bé Trưng Vương càng đáng yêu hơn nữa:

“Cô bé Trưng Vương
Mười ba dễ thương
Mắt nai ngơ ngác,
Long lanh như sương...”

Hai con mắt nai tơ, long lanh chứa cả một trời yêu với tiếng nói cười trong vắt, dáng điệu nhí nhảnh của những tà áo trắng mười ba còn mãi hoài trong lòng người thơ.
Thời gian trôi mau, cô bé lớn dần; cô biết e thẹn, cô biết dịu dàng và cô biết mơ mộng:

“Cô bé Trưng Vương
Mười lăm dịu dàng
Áo dài khép nép
Tóc xõa mơ màng”
 


Đó là hình ảnh cô bé Trưng Vương dưới mắt người ngoài, trong “nội bộ”, với những người trong gia đình, với bạn bè trong lớp, với thầy cô trong trường thì các cô bé chẳng dễ thương đến thế. Các cô ương ngạnh, khó chịu ra gì. Các cô cũng lười biếng, chua ngoa, đanh đá. Các cô cãi nhau, giận hờn, trốn học. Các cô ăn vụng, các cô không thuộc bài... Ôi thôi, không thiếu gì nết... xấu.

Nhưng mà thôi, đừng nói cho “người ngoài” họ biết, hãy để họ dại dột tưởng tượng, mê man:

“Cô gái Trưng Vương
Mười bẩy điểm trang
Diễm lệ lên ngôi
Cho tôi bàng hoàng...”

Cô gái mười bẩy đã đẹp lại còn điểm trang cẩn thận thì làm sao không diễm lệ! Cô đẹp để nhiều chàng trồng cây si, ngẩn ngơ chờ đợi trước cổng trường và... thất tình để về làm thơ:

“Mười tám sang xuân
Trưng Vương hết tuổi
Đón em chẳng gặp
Ngẩn ngơ bên đường..."

(Áo lam ngậm ngùi - Nguyễn Thị Sâm)

Cứ để người thất tình ngẩn ngơ bên đường. Một buổi, một ngày, một tuần, một tháng cũng chẳng sao. Chàng thẫn thờ mơ mộng, chàng đi tới, đi lui, chàng đau thắt tim, đau đứt ruột, đứt lòng. Chàng thấy cả “Trưng Vương khung cửa mùa thu” sụp đổ khi thiếu bóng một người. Chàng sẽ mua bao thuốc lá, châm điếu thuốc lên để thấy mình thêm cô đơn:

“Ngó trên tay, điếu thuốc cháy lụi dần,
Anh khẽ nói ‘Gớm sao mà nhớ thế!’”

Chàng tưởng tượng mình đang chờ người yêu và biết chắc rằng người yêu không bao giờ đến nên... chàng sẽ phải tỉnh lại, chàng sẽ về nhà nằm dài đến con ruồi đậu bên mép cũng chẳng thèm xua, sống buồn buồn, rầu rầu, nhăn nhăn, nhó nhó, ỉu ỉu, xìu xìu ít lâu. 
 Có chàng còn “gia nhập đời chiến binh” để tìm quên bóng hình ai nhưng “Khi muốn quên là khi lòng nhớ thêm...”

Dù quên luôn hay nhớ thêm thì... tiểu muội bảo đảm, với sức thanh niên, chàng sẽ phục hồi, sẽ sống hùng, sống mạnh như hay còn hơn trước khi thất tình.
Trong hàng trăm ngàn người thất tình thì rủi lắm, rủi lắm lắm mới có một chàng “thân bại danh liệt” vì các cô bé ngây thơ. 
Giản dị vì chàng cũng còn tay trắng thì có gì để mất mát.
- Tội nghiệp, chàng mất lòng tin vào con người, vào cuộc đời?
- Đùa đấy à? Chàng sẽ tìm lại được lòng tin ngay khi chàng tìm được bóng hình mới. Cô bé đừng quá lo cho chàng.

Ai chê ác khi thấy các chàng hì hục leo cây, ngồi dài người ăn thịt thỏ, hút hết dăm bẩy bao thuốc lá hay điên đảo thất tình tiểu muội đành chịu nhưng riêng cá nhân tiểu muội, tiểu muội đã từng làm thế mà chỉ thấy hơi hơi... tội người ta chứ chẳng thấy mình tội lỗi gì cả.
Tuổi trẻ, tài cao, người ta thất tình là thường nhưng mấy ai chết vì thất tình mà lo. Họ kêu rên thảm thiết, họ thề thốt “Cuộc đời anh, trái tim anh từ nay đã...chết ngắc và anh thề sẽ không bao giờ yêu ai nữa”. 

Nghe ghê gớm lắm nhưng mấy ai giữ được lời thề? 

Đau khổ vì tình như các chàng, thiệt ra, không sao, vì sau đau khổ người ta sẽ trưởng thành, chín chắn hơn và dễ dàng tìm được tình yêu (đích thực hay không) khác.
Đời mà, đâu phải cứ yêu ai là bắt người ta yêu mình?
Có khi thất tình làm người ta đổi cả quan niệm về cuộc đời và hướng đi tương lai nhưng phải chăng đó là những thử thách nên và phải có để làm vững, làm giầu và làm đẹp cuộc đời?

Nhạc sĩ Nam Lộc, là người đã từng ngơ ngẩn vì “Trưng Vương, khung cửa mùa thu”, từng yêu ghê gớm lắm mà vẫn sống rất bình thường, có sao đâu. Chả biết bây giờ ông ở với “khung cửa” ông mơ mộng hay với một “khung cửa” khác mà ông làm ăn danh vọng lên quá trời.
Có chàng thất tình chỉ giản dị vì chàng... không dám tỏ tình!

“Nay về lối cũ,
Tiếc nuối đong đầy
Ngại ngùng không ngỏ
Nên mầu thu phai!
Tình vương một thuở
Nỗi đau còn dài
Một trời nhung nhớ
Cho vàng áo ai?”

Chán mớ đời! Không nói thì làm sao người ta biết được mà không tiếc nuối, không thất tình? Rồi lại bảo tại người ta đáng yêu nên mình mới khổ sở và thất tình!
Chàng không nói nên thất tình thì cũng đáng đời nhưng bao năm sau gặp lại, chàng vẫn mắc bệnh “làm thinh”

“Bao điều chưa nói
Đã thành xa xôi
Mùa thu Hà Nội
Áo lam ngậm ngùi!”

(Áo lam ngậm ngùi - Nguyễn thị Sâm)

Tiểu muội trách những chàng chậm chân, chậm tay, ít mồm, ít miệng, bị thất tình để rồi ân hận vì không rước được một mợ Trưng Vương về “giặt khăn, giữ bóp” cho chàng, làm cuộc đời chàng tưng bừng nở hoa. 
Nhưng, nói nhỏ các chị nghe nha, không chừng nhờ thế mà chàng còn mãi mơ tưởng đến “Trưng Vương khung cửa mùa thu!” 
Rước được một mợ về rồi, biết đâu chàng chẳng âm thầm ân hận những lúc bị “người yêu muôn thuở” rầy rà chuyện áo quần, tóc tai, cơm nước, chuyện cắt cỏ, trồng cây, xe cộ, thuế má..., toàn những chuyện đời thường, bình thường và tầm thường mà khi ta yêu nhau, tìm hiểu nhau ta không bao giờ thèm đề cập tới. 

Ta chỉ nói với nhau “những lời ngọt ngào, êm ái”, ta chỉ nói tới chuyện xây dựng tương lai xán lạn toàn một mầu hồng, sự nghiệp hiển hách cỡ... chuyện đội đá, vá trời.
Anh có đầy những ước vọng tương lai, công danh, sự nghiệp, cứu nhân, độ thế mà chưa ai hiểu cho tới bây giờ anh mới tìm ra người tri kỷ, người bạn đời giúp anh hoàn thành mộng ước, đó là em, chỉ là em.

Em cũng sẵn sàng ngọt ngào hứa hẹn sẽ là người đàn bà luôn đứng bên cạnh chồng trong bất cứ khó khăn nào trong cuộc đời.
“Đằng sau một người đàn ông thành công là một người đàn bà... lý tưởng”. Em sẽ giúp đỡ chồng, em sẽ nuôi dậy con, em sẽ là linh hồn của gia đình, em sẽ đem lại mùa xuân muôn thuở cho anh và cuộc đời chúng ta sẽ là câu chuyện tình bất diệt...

Trời ơi, cái thời đó có xa xôi gì đâu, mới có...vài chục năm chứ mấy.  Bây giờ nhìn lại người xưa, thấy hơi... ngài ngại và lẩn thẩn tự hỏi:
Không chừng ông nhà thơ nói thế mà đúng:

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề...”
 
Vậy mà khi xưa mình cứ chê nhà thơ lẩm cẩm.
Phải, thuở xa xưa ấy, thuở cuộc đời còn là mùa xuân.
Xuân sang, hè tới, thu đến, đông qua... bao nhiêu lần rồi.
Nhìn lại nhau thì: 

“Tuổi nào như lá vàng úa mùa thu!”
 
Các em bé ngây thơ ngày xưa đã chớm vào thu, người tròn trĩnh, đậm đà, tối ngày đi tìm... kính lão và những chàng tuổi trẻ ngày xưa, bây giờ, có người đã vĩnh biệt cuộc chơi, có người răng chiếc rụng, chiếc lung lay, tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm và có khi còn thêm chiếc đầu sói hay hàm răng giả làm “kỷ vật cho em!” dù ta vẫn còn có nhau!

Buồn!

Kathy Trần .
 _________________________________________________

No comments:

Post a Comment