Thursday, May 17, 2012

Hạnh Phúc của Chúng Ta

Author: Nguyễn Thị Yêu Thương.

Nhà Văn NTYT ( Áo Trắng )


Con Kính tặng Vú
Mến tặng tất cả những người thân, bạn bè đã có mặt trong buổi tiệc và cám ơn tất cả .

Đã một lúc tôi có viết về những chặng đường trong cuộc đời con người ta nhưng chưa hoàn tất, nay thì nó đã lạc đâu rồi. Sáng nay tôi lại nhớ về nó, một nhắc nhở hơi buồn buồn. Hay tại vì sau những cơn vui thì người ta lại hay buồn buồn? Sau khi chất adrenaline trong người đã xài hết thì tâm tư lại lắng đọng, lòng chùng xuống bất ngờ? Sinh nhật Thượng Thọ của má tôi vừa được tổ chức 'thật cảm động và rất vui', đó là lời viết của một người bạn đã gởi lại, anh Dân. Tối hôm sau, quây quần với anh chị em, tôi và mọi người đã có những lúc cười to hả hê với những cử chỉ khôi hài, những lời nói chọc cười và sự náo nhộn, hưởng ứng nồng nhiệt của quan khách, anh chị em và bạn bè con cháu trong buổi tiệc. Một buổi tiệc đã bắt đầu thật thân thương, nồng nàn tình cảm của anh chị em chúng tôi dành cho má và kết thúc bằng sự hồn nhiên vui tươi đầy thân thiện của tất cả quan khách. Từ đứa cháu mới lên bảy đến bà cụ lớn nhất; nhân vật chính, là má tôi, đều thật vui và hài lòng. Đó chính là hạnh phúc. Vì còn hiện diện bên nhau là còn tất cả, là còn hạnh phúc

Má tôi, mà đám con quen miệng gọi là Vú, vì nguồn gốc tiếng kêu ấy phát xuất từ Bạc Liêu. Nơi mà ba má tôi đã gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau. Má tôi lúc đó chỉ mới là cô con gái mười tám tuổi, mơn mởn xuân thì, xinh như hoa, tươi như mộng. Một người con gái căng tràn nhựa sống đã được lòng ông quận trưởng một quận nhỏ tỉnh Bạc Liêu, gấp đôi tuổi cô nàng và đã về làm vợ, sinh đứa con gái đầu lòng nơi đó. Đến đứa con gái thứ hai thì gia đình đã dọn lên Sài Gòn và đám anh chị em sau đó lại là dân Sài Gòn. Cuộc đời của người con gái xinh tươi ấy đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm đi theo vận mệnh của đất nước. Nay má tôi đã tám mươi, da nhăn tóc bạc, răng long, đi đứng những bước dè dặt khập khễnh vì xương xẩu yếu ớt đau khớp, đau đầu gối. Bà đã từng khốn khó lao đao trong thời Pháp thuộc, rồi Nhật thuộc, với những hình ảnh đau thương di tản trốn bom đạn. Má tôi đã kể đến những lúc ngồi dưới xuồng bơi lần dưới những lùm mắm, bần hay ô rô ở vùng sình lầy Cà Mau. Nơi má tôi đã sinh ra và lớn lên. Một đứa con gái nhỏ còn ngây thơ năm mười mấy tuổi đã nếm mùi bom đạn khói lửa và kinh hoàng nghe tiếng bom nổ, đạn bay trên đầu. Đã biết đói khổ và giặc giã chiến tranh khi phải canh chừng cái mồi lửa thật quý giá, vì đó chính là nguồn sống cho mọi người lúc ấy. Cái mồi lửa sinh tử làm bằng những mảnh áo quần cũ xé ra bện chặt vào nhau thành ngọn dài, hay bằng những thớ xé nhỏ của cây cỏ nếu có ngay lúc ấy để dành nấu cơm, luộc cá. Mồi lửa sinh tử này không thể để cháy thành ngọn lúc trời chạng vạng tối, đêm về vì sẽ gây ra ánh sáng sợ máy bay thả bom nên phải canh chừng suốt đêm. Tuy không thể cho nó cháy thành ngọn nhưng cũng không cho nó tắt ngủm thì không tài nào tạo ra lửa được nữa. Vì tản cư trốn bom, nhà nhà nào cũng phải tự lo lấy thân không thể chùm nhum một nơi mà lại rải rác xa xa một nhóm. Nếu mồi lửa của nhà mình mà tắt có khi phải chèo xuồng thật xa mới tìm ra một gia đình khác đâu đó để xin lại, rất khó khăn và nguy hiểm.

Thời xa xưa đó, Cà Mau cá tôm không kể xiết nên việc kiếm cá ăn thay cơm không khó khăn và đã giúp cho những ngươì tản cư tránh bom nguồn dinh dưỡng cần thiết tuy không cách nào làm khác hơn ngoài luộc lên ăn mà thôi, chính như làm khô làm mắm cũng không cách nào. Vì làm gì có muối để ươm? Cá bị trúng bom chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước rồi ươn lên thúi hoắc lẫn lộn với những xác người. Máu cá, máu người hoà lẫn trong những vũng sình lầy. Không muối, không nước mắm, chỉ với cá tôm và vài bao gạo để tiếp nối cuộc đời cho đến khi có cơ hội quay trở lại nhà cũ. Và gia đình má tôi đã thoát nạn đế lại trải qua cuộc chiến của Việt Minh, với hình ảnh Ba Cụt và tàn sát đẫm máu giữa những người Việt với nhau. Rồi nội chiến Bắc Nam. Rồi cuộc đời khốn khổ lao đao của miền Nam sau khi cộng sản sở hữu. Rồi lại di tản một lần nữa lênh đênh trên biển cả, vượt biên để bắt đầu cuộc sống tha hương. Rồi định cư tại Úc, hối hả chạy mượn một đồng để mở cuốn sổ băng đầu tiên trước khi có thể nhận được tiền trợ cấp của chính quyền. Rồi cuộc sống tạm ổn định với những ngày thiếu thôn cần kiệm, nay mọi lao đao đó đã qua, con cháu đã thành tài. Má tôi đã già, lụm cụm và yếu đuối nhưng tình thương của bà dành cho anh chị em chúng tôi và con cháu không hề vơi. Vẫn chăm chút lo cho từng đứa một, từ miếng ăn đến cái quần cái áo, không hề than van, không ngại sức yếu. 



Trong lời mở đầu chương trình tôi đã muốn nói rất nhiều, muốn bày tỏ rất nhiều nhưng tôi biết với khả năng chữ nghĩa của mình tôi sẽ không tài nào diễn tả hết những thân thương mà tôi và những đứa con đã dành cho bà. Tôi chỉ nhắc lại lời của má tôi một buổi sáng khi tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê đầy với bà như thường lệ. Má tôi đã nói, "Kiếp sau, Vú thề là Vú nhất định không đẻ con tuổi Dần nữa đâu!!!" Rồi ngập ngừng thở dài, lại tiếp, "Nhưng cái kiếp sau đó coi vậy chứ đâu có dễ tới!" Lời nói đó của bà đã làm tôi muốn khóc. Muốn bỏ ngang ly cà phê và chạy trốn vào một góc nào đó để khóc cho hả hê nhưng tôi không dám. Vì nếu tôi làm như vậy có lẽ má tôi sẽ khóc theo. Câu nói trên của bà đã cho tôi hiểu là má tôi đang chua sót cho thân phận của hai đứa con tuổi Dần của bà. Đứa con gái đầu lòng và đứa con gái áp út. Vì thấy cuộc sống lận đận lao đao đầy chông gai trắc trở của chúng tôi mà bà lo dùm. Vì có lẽ bà nhìn thấy những ngày tháng trước mặt có thể sẽ thu hẹp dần khoảng cách và má tôi sẽ không thể nào chăm chút lo cho chúng tôi được nữa. Tôi đã nói tiếp trong câu mở đầu đó là mặc dù con gái tuổi Dần nhiều gian truân nhưng vẫn có rất nhiều điểm đặc biệt. Điều hiển nhiên mà mọi người nhìn thấy từ tôi có lẽ là sự tự tin hơn cả mức tự tin bình thường của một người! Số là trong chương trình tôi có hát hai bài. Tôi đã lập đi lập lại với mọi người rằng, "Chính NTYT là người hát, người đứng lên trình diễn mà lạ lùng là tôi lại không hồi hộp lo sợ bằng những người sẽ phải ngồi nghe ở dưới kia!"

Những người thân và những người bạn thật dễ thương của tôi buổi tối hôm ấy, sự hiện diện của một trăm hai chục người lớn nhỏ trong một không khí ấm cúng thân tình và sự có mặt bất ngờ của ông anh từ San Francisco đã phải là những người nghe tôi hát. Thật ra cả gia đình, bốn anh em tôi và đứa con trai thứ nhì đều có mục trình diễn buổi tối hôm ấy mặc dù chẳng tập dợt gì với ban nhạc trước cả. Nhưng có lẽ máu liều là giòng máu chung, cái gene sẵn có nên đứa nào đứa nấy tỉnh như sáo. Hát hay hay không cũng chẳng quan trọng. Hình như mọi người hồi hộp cho tôi nhiều nhất vì đả biết quá rõ cái đặc điểm sai tông một cách lạ lùng của mình. Mấy ngày trước đã có cô bạn, Nga, chạy tới tế nhị giúp tôi hát cho đúng cách, lấy tông cho đúng và dặn dò thật kỹ những chỗ nào cần sửa đổi, cần để ý, Rồi ngày hôm sau lại thêm hai người bạn từ thời còn đại học, Thành và Thảo, đến nghe tôi hát bài gì! Thành đã ra về khá an tâm khi thấy mình hát không đến nổi ghê rợn lắm! Tôi đã cảm thấy vừa buồn cười vừa dâng tràn niềm hãnh diện mà tình cảm của bạn bè đã dành cho tôi thật tế nhị, thật dễ thương và hiếm có! Mới có cũ có, những người bạn mới liên lạc trở lại sau này chỉ vài năm ngắn ngủi mà tình thân đã tràn đầy ăm ắp. Đó chính là hạnh phúc.

Tôi đã nói đùa là lẽ ra tôi phải phát cho mỗi người một viên thuốc Valium cho bớt hồi hộp trước khi tôi hát thì may ra! Dĩ nhiên là tôi bắt đầu bản nhạc sai bét, mặc dù cũng đã có cố gắng vội vã lấy tông trước với ban nhạc trước đó. Anh trưởng ban nhạc, lại là một người bạn quen thân từ hồi lâu lắm rồi, đã từng đau khổ khi lấy tông cho tôi và đã tuyên bố một câu ăn tiền như thế này, 'Tông của chị nó quái quái như thế nào đó!' hay là vừa cười vừa nói, "Úi Trời, cái bà này bả hát nữa hả!". Bài Ca Dao Mẹ là bài thứ nhất để kết thúc chương trình hát solo hay hợp ca. Thật ra tôi cũng chơi ác, lẽ ra nên hát từ khi bắt đầu để sự hồi hộp lo lắng của mọi người được giải toả mới đúng nhưng tôi lại đợi đến end of session I mới hát. Lại còn Thắng, một người bạn từ thời nhỏ đã hỏi tới hỏi lui, 'Đâu dzu cho tui coi tờ chương trình coi, chừng nào đến phiên dzu hát để tui còn ra về trước đó chứ!" Mặc dù tôi biết rõ là Thắng thật sự muốn nghe tôi hát trước khi phải về sớm tối đó vì còn buổi tiệc khác ở nhà. 

Trở lại bài Ca Dao Mẹ, khi tôi cất tiếng hát sai tông cố hữu của mình, thì không hiểu sao lần lượt từng người một nhóm bạn nam, đầu tiên hết là Quân, đã chạy lên tiếp sức với tôi rồi liên tiếp anh Cang, anh Luân, anh Hảo, Thành, Bảo, Luân... đã nhảy lên sân khấu cùng chung sức cho tôi thêm... hơi để gào thét mạnh mẽ hơn đến nổi thằng em trai, Minh, đã phải nhắc nhở là bản sau 'xin mấy vị nam đừng lên tiếp sức nữa!'. Lúc hát tôi không thấy điều này khôi hài nhưng khi xem video lại mới nhìn rõ được sự thân tình và thương mến mà đám bạn bè đã dành cho mình. Rồi vẫn chưa sợ, lại tiếp theo bản Kiếp Cầm Ca!!! Lại sai tông nữa!!! Chứ sao, nghề của nàng mà. Cũng từ lời của một người bạn hiểu tôi như hiểu chính bản thân mình, "Người ta có thể bắt chước giọng của Thanh Thuý, Lệ Thu... nhưng không ai có thể bắt chước giọng của NTYT được đâu, chắc chắn!" Thành ra dĩ nhiên, bản sau tôi lại có thêm Duyên nhảy lên phụ rồi, Nga, cũng đã nhằn nhằn với ban nhạc vì đã cho nhạc không đúng tông của tôi và cũng bước lên sân khấu hát nho nhỏ vào tai tôi cho tôi hát theo! Tất cả những sự việc đó xảy ra rất tự nhiên trong khi tôi vẫn bình tĩnh gào thét theo ý của mình! Mặc nhạc có như thế nào, mặc tôi tôi hát! Ấy vậy mà khi bước xuống, tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt đã trổi dậy thật mạnh mẽ và anh Cang đã kề tai nói, 'NTYT hát hay!' 

Còn anh Luân rất ngạc nhiên, thắc mắc vì lần đầu tiên mới khám phá ra giọng hát độc nhất này, đã nói, 'Ban nhạc vừa bắt kịp được tông của chị thì chị lại đổi sang tông khác! Thật lạ!' 

Và Duyên đã nói với tôi, "Chị phải nói với bác là kiếp sau bác phải sinh con tuổi Dần nữa mới đúng vì bác đã an tâm khi nhìn thấy chị được vây quanh bởi thật nhiều bạn bè mà ai cũng lo và thương chị hết đó!" 

Cuộc đời có những lúc vui, những lúc buồn. Nhưng khuynh hướng của con người là cứ hay nhớ về những chuyện buồn hơn là những chuyện vui. Theo ý của tôi có lẽ là như thế này. Nhất là với những người còn trẻ, còn phải xông xáo với đời lo lắng về những mục tiêu, mục đích của mình. Như phải lo có bằng cấp, có sự nghiệp, có vợ, có chồng, con cái, nhà cửa, những mục tiêu đó đã chiếm rất nhiều thì giờ và chúng ta đã dành hết tâm trí vào để hoàn thành. Để hối hả đi đến đích. Vì cuộc đời là những bước đi tới, không thể nào lùi lại được cả. Khởi hành khi mới sinh ra và đến đích khi đã nhắm mắt buông xuôi. Những mục tiêu chúng ta đã đặt ra là những chặng đường trong tuyến đường dài một trăm năm, một đời người. Bước qua những chặng đường đó là những buồn, vui, âu lo. Giữa những chặng đường đó chắc chắn phải có những trạm dừng chân. Những trạm dừng chân đó là những kỷ niệm vui của chúng ta, những hạnh phúc của cuộc đời mà đôi khi vì chú trọng đến mục tiêu của mình mà lại hay quên nó đi mau chóng. Vì cái thông thường của con người lại hay hối hả mau mau mong muốn đến đích, ngang qua những chặng đường nho nhỏ và rồi sẽ đến mục tiêu cuối cùng. Mà lại quên rằng mục tiêu cuối cùng mà Tạo Hoá đã đặt ra cho nhân loại lại chính là... hư không, là tro tàn và cát bụi. Là trở về với điểm bắt đầu, là lại khởi hành lần nữa trong một thân xác mới... là kiếp sau, nếu có. 

Hiện tại tôi thấy mình thật hạnh phúc với những trạm dừng chân và hứa sẽ không trở về những thói quen xưa để hối hả mong đến đích nữa mà chỉ muốn ngừng lại khoảng thời gian hiện tại để nhớ hoài những niềm vui mà mình đang hưởng thụ, để còn sự hiện diện của má tôi, những người thân bạn bè anh chị em, con cháu chung quanh. Vì còn hiện diện là còn hạnh phúc, là còn tất cả!

NTYT 140512
Mothers' Day
_______________________________________________________________________________

2 comments:

  1. Hát hay không bằng hay hát mà Cô . Miển sao bạn bè thấy vui là được rồi . Cám ơn những bài viết của Cô . đọc thấy thật chân tình .
    Hải L

    ReplyDelete
  2. Hôm nay có được chút thì giờ rảnh rang, bèn lang thang vào trang nhà QN11, đọc được bài viết mới nầy, thật chân tình của NTYT.

    Hạnh phúc có được là do bởi cảm nhận của chính mình, chứ không phải(hay là cần đến) một ai mang lại cho chúng ta cả, phải không YT!?

    Mong được đọc thêm những bài viết mới

    Thân mến
    đtk

    ReplyDelete