Friday, November 22, 2013

TUỔI THƠ TÔI (4)

  Cẩm Tú Cầu   



    Dạo này mẹ buôn bán rất phát đạt, ba thì người ta đặt máy quá nhiều, gia đình có mình tôi cũng hiu quạnh, nên mẹ đã nhắn chị ba Phú và anh Tư con dì Hai ở Phú Phong ra ở trông nhà, chị Ba làm xưởng giấy còn anh Tư phụ việc với ba, thỉnh thoảng có bạn làm xưởng giấy với chị Ba về nhà chơi rất đông vui và tôi cũng bớt việc trong nhà


    Một hôm tôi cùng bạn học ra giếng xách nước, chúng tôi hẹn nhau hễ tôi xách lên thì bạn Hương bỏ dây xuống chúng tôi tròng tréo nhau sao mà tôi rớt ùm xuống giếng vì hai cái gàu mà chỉ một sợi dây, cũng may giếng bằng đá ong nhưng rất cạn,  lúc này tôi mười một tuổi, bị rơi xuống giếng nếm trải vô vàn nỗi kinh hoàng, những ấn tượng tôi thu nhận từ đáy giếng ấy chẳng phai mờ trong tâm trí tôi. Nhìn lên miệng giếng trên cao, tôi thấy khoảng trời xanh tròn nhỏ (vì tôi nhớ mẹ thường nói ếch nằm đáy giếng thấy bao nhiêu trời) lác đác nhiều đám mây trắng bồng bềnh trôi, tôi nghe tiếng gió lùa qua miệng giếng, âm thanh ấy in sâu vào tìm thức tôi, cùng với khoảng trời xanh bé nhỏ và trong veo tôi được anh của bạn Hương thòng dây gàu, tôi níu thật chặt anh ấy xách tôi lên như xách một gàu nước, vì tôi ốm và nhỏ, cũng may tôi chỉ bị trầy xước nhẹ
    Người hoảng hốt lo lắng cho tôi nhiều nhất là mẹ, mẹ ôm chặt tôi vào lòng, và khóc ngất, tôi đọc được trên nét mặt mẹ những yêu thương triều mến chưa từng có bao giờ, đôi mắt mẹ nhắm nghiền, miệng lâm râm khấn vái, rồi mẹ hú hồn, hú vía cho tôi, miệng mẹ đọc liên tục
      Hú ba hồn chín vía con tôi,  hú ba hồn chín vía con tôi   .v...v...Cám ơn trời Phật...v...v
     Mỗi chiều mẹ cúng cơm với trứng gà luột dọc đường, cứ mỗi chén cơm một cái trứng gà luột, từ nhà đến giếng rồi bắt tôi ăn cho hoàn hồn, còn ba thì chạy ù đến giếng khi tôi vừa được đưa lên ông đã chụp bồng tôi  và miệng không ngớt
      _ Cám ơn trời Phật ......Cám ơn trời Phật......May quá con tôi không sao!
      Ba bồng tôi chạy vụt về nhà không kịp cám ơn người đã đưa tôi từ dưới giếng lên
    Rồi ba mẹ bắt tôi đứng xuống quay qua, quay lại xem tay chân có bình thường không..  Tôi cảm nhận  tất cả tình thương mà ba mẹ dành cho tôi, mà lâu nay tôi cứ ấm ức vì ba mẹ tôi không bao giờ âu yếm con cái lộ liểu, giờ đây tôi mới thấy nó bao la rộng lớn tha thiết biết ngần nào, tôi khóc, khóc vì cảm nhận mình được yêu thương
    Khoảng  mấy tháng sau tôi thấy mẹ có em bé, mẹ mừng  lắm lần này mẹ sinh em gái, mẹ sinh tại nhà và thuê người chăm sóc rất chu đáo, một bé gái trắng bóc đẹp như búp bê, như thiên thần nhỏ, rồi em lớn rất nhanh em rất ngoan, em ít khóc, cả nhà ai cũng cưng em nhất là các cô làm xưởng giấy lúc nào ra cũng dành nhau bồng em

    Một buổi sáng có cậu thừa Ba ghé thăm, cậu là em  gần út của mẹ, cậu đi bộ đội, cậu về ở chơi năm ngày, những ngày này nhà tôi đông vui, các cô xưởng giấy ghé chơi và trò chuyện với cậu như quen thân từ thuở nào, cậu đẹp trai da trắng hồng, môi đỏ mũi thẳng, cậu cười có lún đồng tiền ở hai má, cậu ăn nói hoạt bác vui vẻ, mỗi tối cậu đàn mandolin các cô hát rất vui và cậu kể chuyện đánh Tây cho các cô nghe, cậu nói chuyện rất có duyên các cô rất ngưởng mộ cậu,  khi cậu ra đi đã để lại nhiêu  lưu luyến, vấn vương trong lòng các cô gái trẻ

Bỗng một hôm lúc ấy là buổi sáng  khoảng chín giờ, tôi nghe có tiếng..u..u.. ban đầu nhỏ rồi lớn dần, lớn dần, tôi bồng em chạy vào hầm trú ẩn ngay phía sau nhà. hầm làm dưới cục gò mối
    Một chiếc máy bay lớn màu trắng mà lúc ấy thường gọi là máy bay 'bà già ' từ đâu bay đến, quần đảo mấy lần rồi nhào xuống bắn phá ngay tại xưởng giấy, xưởng được núp dưới hai hàng dừa châu lại, nó bắn phá một hồi khoảng nửa tiếng sau thì bay đi, nhà xưởng bị cháy tan hoang. Khi máy bay đi rồi, đồng bào, công nhân làm xưởng ở những cụm khác túa ra, cuối cùng có ba người chết, bốn người bị thương, trong số người chết có bác Tửu là người miền Nam vợ chết sớm ở vậy nuôi đứa con gái từ lúc ba tuổi đến bây giờ  Huyền dã mười lăm tuổi rất đẹp gái, bác tên Tửu nhưng mà không uống rượu bao giờ. Chị Huyền ôm xác cha khóc ngất, đôi mát chị sưng húp, nét mặt đờ đẩn, như điên loạn, như trong sâu thẳm trái tim chị đang lịm chết, lịm chết dần dần, chị như người mất hồn, nhìn chị ai cũng không cầm được nước mắt nhất là mẹ. Ma chay cho ba chị xong mẹ đem chị về ở với mẹ nhưng mà chị chỉ ở mấy ngày rồi chị đi về Nam để tim người dì, mẹ thương chị lắm mẹ thường xót xa nói ' con bé bơ vơ thật tội nghiệp quá '

    Từ đó xưởng giấy bắt đầu dời đi lên xa hơn nữa, lên trên bến đò Long Quơn, nơi mà cây cối um tùm kín mít, ba cũng đi làm xa, các buổi chợ chiều từ năm giờ đến chín giờ tối cũng thưa thớt, vắng người. Nhất là những đêm trăng, trước đây các thanh nữ, thanh niên thừờng ra ' phố nậu tản cư ' mua kẹo, mua bánh, cùng dạo dưới ánh trăng huyền dịu êm đềm, một thứ ánh sáng mềm mại trong xanh xen qua kẻ lá, những bóng dáng yêu đời vui vẻ trẻ trung đã làm cho thôn Hội Yên rộn rịp, sống động hẳn lên giờ còn đâu, đã mất hút, đã xa rồi, con đường vắng lặng, thôn làng vắng lặng buồn tênh, nhất là lò kẹo, chuyên làm kẹo ú và kẹo đậu phụng đẻ bán cho công nhân xưởng giấy giờ đây càng ế ẩm, giờ chỉ còn xưởng giấy Hồng Nam, một xưởng tư nhân nhỏ và ở rất xa, sau trận máy bay bắn phá, các xưởng dệt trên con đường nhà tôi cũng dời đi nơi khác, con đường trở nên buồn bả vắng lặng

    Chẳng bao lâu Hội Yên bị một trận lụt rất lớn, đó là trận lụt năm 1952, cái lụt năm Thìn, nước từ trên nguồn đổ về rất nhanh, khoảng trưa thấy nước sông đục ngầu, chiều lại mưa lâm râm, đêm đó mưa lớn và có sấm, không ngờ sáng ra con sông Lại Giang và con sông Ân Thường bắt tay nhau trên mãnh đất Hội Yên, nước hai sông tràn qua, tôi còn nhớ sáng hôm ấy, rất sớm ba đi làm trên xưởng giấy Gia Bình cách nhà mười hai cây số,  còn mẹ tôi anh Tư và em bé ở nhà, mẹ giao nhà cho anh Tư coi , rồi cùng với nhóm người trong xóm chạy lụt xuống núi Phú Văn, núi Phú Văn là hòn núi trọc thấp như đồi, phía bên có một rừng rậm, nơi mà chúng tôi đi học sợ ma. Sáng hôm ấy tôi đứng trên đồi với bạn Phin nhìn xuống con sông Lại Giang, nước từ trên nguồn đổ về rất nhanh, rất nhanh giòng nước đục ngầu, chảy rất xiết,  tôi thấy một con trâu to trôi xuống, nước xoáy làm con trâu vừa trôi, vừa lộn vòng, rồi đến các  cây to cả gốc rễ trôi xuống, rồi tiếp đến một cái nhà bằng lá dừa đang trôi nhanh mà trên nóc nhà có bóng hai người ngồi co ro mang áo tơi lá, ai cũng chép miệng xót thương và nói 'chắc làm mồi cho cá nuốt', tự nhiên tôi thấy lo sợ và nghĩ con người quá nhỏ bé so với trời đất  và  thiên nhiên,  tôi nhìn theo, nhìn theo mãi đến khi hai bóng áo tơi mất hút, rồi thẩn thờ lòng băn khoăn cứ suy nghĩ mãi., hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi, ám ảnh mãi không phai mờ.... Rồi tuổi nhỏ chóng quên chúng tôi lại say sưa hái sim, hái trâm ( loại trái mà ăn vào tím cả miệng )

    Mai lại nước rút về nhà, tôi thấy cả con phố nậu tản cư nhà nào cũng quét dọn, nhà tôi nước lụt vào đến ống quyển, cũng may có anh Tư ở nhà lo vệ sinh sạch sẽ, mẹ về được thong thả. Trưa đó ai cũng đi vào xóm mua bắp về ăn độn, còn nhà tôi hôm sau  ba đem ở Gia Bình về trái đèn, trái của cây dầu rái, đập ra có hột trắng nhỏ nấu với xôi ăn với muối mè rất ngon nhưng mà hai ngày sau tôi mới ăn được cơm. nó nặng bụng, nó no lâu ghê gớm. Sau trận lụt  ấy tôi nghĩ ở nhà không đi học bên  trường Ân Thạnh nữa. Khoảng tháng sau ba mẹ tôi cho tôi vào học với cô Hạp, vợ của nhà thơ Xuân Tâm cô không đẹp nhưng mà rất hiền và nhu mì, từ xưa đến giờ tôi chưa gặp ai dịu hiền như cô tính cô không giận ai bao giờ ai làm gì phật, lòng, cô đều nhỏ nhẹ, hiền hòa, còn nhà thơ Xuân Tâm thì đẹp như Phan An, Tống Ngọc ngày xưa, tôi nghe mẹ cùng cô kỷ sư Nhung  ở gần nhà  nói vậy

    Con đường vào trường cô Hạp phải qua một cánh đồng và một đám sắn, chúng tôi học buổi chiều, trưa cơm nước xong chúng tôi lội qua ruộng lúa, đi trên bờ ruộng toàn cỏ xanh, có đàn châu chấu bay lên chúng tôi chụp những con châu chấu có cánh xanh xanh tim tím, rồi vào lớp bẻ lá mít lấy mủ ịn váo mặt nó, nó tung cánh đá,  những cánh tím hồng xòe ra bay lên, bay xuống đẹp vô cùng, con nào gãy hết chân là thua,  chúng tôi chơi đá châu chấu chán rồi lên núi, tiếng gọi là núi nhưng nó thấp như đồi, lên đó hái sim, hái trâm rồi sẳn củi chúng tôi quơ về cho cô một đống bự cô chụm đến hai ba ngày. Chiều thường về hơn năm giờ, khi tôi lang thang trên cánh đồng thì trời cũng vừa chập choạng, trong cái buổi tranh tối, tranh sáng của ngày đang đi vào đêm, tôi nhìn về phía chân trời, một cái dĩa khổng lồ đỏ rực đang từ từ chìm xuống núi, những đám mây xám chen ngang giữa đợt ráng vàng, bầu trời trở nên mát dịu, một vài tia nắng cuối ngày còn vương đọng trên  những đám lúa xanh, rồi bầu trời tối lại, sao hôm nhấp nháy. Trời đang chạng vạng, giờ này các cô thôn nữ đi làm cỏ lúa mới về, có người đi thong thả, có người, hấp tấp vội vã về nhà cho kịp lo bữa cơm chiều, hoặc cho con bú. Trên cánh đồng lúa sắp trổ bông, bóng dáng những người cắp nón đi làm đồng về, họ đi trên bờ ruộng, người nào quần cũng xăn lên đến gối, họ thảnh thơi cười nói làm cho buổi chiều  quê trở nên vui vẻ sống động, đượm không khí thanh bình, nét mặt người nào cũng hồng thắm trong ráng chiều, ngoài xa kia là những người đàn ông gánh những đôi gánh không, sau khi đi rải phân cho ruộng lúa trở về. Tôi miên man đắm chìm theo bức tranh quê của buổi chiều tắt nắng, nhưng chân trời vẫn còn hồng hồng. 

    Lúc này phong trào đấu tố nỗi lên, trong thôn nhiều người giàu nhưng mà chỉ có ông hương mục Sang là bị đem ra đấu tố, giữa đám ruộng vừa gặt xong, có đốt một đống lửa, tôi thấy ông hương mục Sang được dẫn ra bắt quỳ xuông trước công chúng, rồi ông Lỳ nắm tóc ông, đánh và đạp vào người ông hương mục Sang, ông Lỳ đánh ông  Sang bị ra máu mủi, máu mồm, và ông Lỳ hỏi:
   _ Mày còn nhớ tao không? Tao ở cho mày, mày hành hạ tao đủ điều, mày bóc lột tao, bắt tao ăn mâm sau, tiền công chèn ép...v....v
Ông Lỳ còn nói rất nhiều và ông Sang bị đấu tố ba đêm, đó là phong trào phát động quần chúng đầu tiên, tôi không biết ngày xưa ông Lỳ bị ông Sang ngược đãi ra sao, nhưng giờ đây thấy ông bị đánh đập, lòng tôi lại xốn xang, thương cảm vô ngần.  Sau này Quốc Gia tiếp thu tôi nghe nói ông sang đánh ông Lỳ què chân ngồi một chỗ, và sau nữa ông Sang dọn vô Sài Gòn ở luôn. Tôi nghĩ sao con người không lấy tình thương bao dung mà oán thù nhau đến bao giờ mới chấm dứt, mới hết làm khổ nhau, tôi cứ miên man suy nghĩ, suy nghĩ mãi..... 

    Học với cô Hạp đâu gần một năm thì mẹ cô đau nặng cô phải về Hội An để thăm mẹ. Khi ấy đi Hội An là qua bên kia lằn mức, là nơi Pháp chiếm đóng rất nguy hiểm nhưng vì thương mẹ quá, nhớ mẹ quá cô phải về, cô dặn học trò đợi cô một tháng cô sẽ trở lại nhưng mà  cô ở mãi, ở mãi, tôi chờ mẹ tôi chờ, ba tôi chờ cứ mong mỏi cô mau trở về cho tôi đi học mẹ sợ tôi quên chữ

    Thời gian này bà ngoại bị đau, mẹ bồng em bé về Phú Phong thăm ngoại, tôi ở nhà tự động một mình buôn bán, mỗi lần hết hàng tôi xuống Bồng Sơn mua về bán, vì những lần trước tôi có đi theo mẹ nên đã biết chỗ, tôi mười hai tuổi tôi gánh 10kg với con đường gần 7cs, mỏi đâu tôi nghỉ đó, rồi lần lữa cũng về đến nhà, tôi mua thêm trái cây ở Đông Dài người ta gánh ngang qua nhà bán thêm, mẹ đi mười lăm ngày ở nhà tôi không nghỉ bán bữa nào vì hàng xén dọn ngay tại nhà.

    Lúc mẹ về tôi thấy nét mặt mẹ tươi sáng vì bà ngoại đã bớt bịnh mà ở nhà thì tôi quán xuyến việc nhà gọn gàng tươm tất mẹ thích lắm, mẹ cảm động lắm, mẹ ôm tôi vào lòng như chia sẻ bao niềm vui cùng tôi, mẹ xem tôi như một người lớn, làm cho lòng tôi cảm thấy hãnh diện và sung sướng vô cùng. Cũng từ đó mẹ thường sai tôi đi mua hàng về cho mẹ bán, vì dạo này không có xưởng giấy ở gần nên mẹ buôn bán cũng ế hơn trước đây rất nhiều.


Cẩm tú Cầu  ________________________________________________
 _____________________________________________________________

Bài đọc cùng một tác giả  Cẩm Tú Cầu

TUỔI THƠ TÔI ( 1 )
TUỔI THƠ TÔI ( 2 ) 
TUỔI THƠ TÔI #3 

_________________________________________________

No comments:

Post a Comment