Wednesday, January 22, 2014

Chứng nghiện thuốc lá

BS Nguyễn Thị Nhuận



Đây là những câu trả lời thường nghe khi một người nghiện thuốc lá được khuyên nên bỏ thuốc:
-Anh bỏ vợ anh được không?
-Bỏ thuốc lá thì còn gì vui thú trên đời nữa?

-Tôi sẵn sàng hy sinh 10 năm cuộc đời để tiếp tục hút thuốc.
-Thiếu gì người hút thuốc mà vẫn sống tới 90 tuổi.

Khi người ta không công nhận là họ có vấn đề thì nói gì cũng vô ích thôi. Tuy nhiên, trước cái chết vì đột quỵ tim của một nhân vật tiếng tăm trong cộng đồng, thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu về chứng nghiện thuốc lá, một trong những nguyên nhân đã được chứng minh gây ra ‘heart attack’ dẫn đến cái chết hoặc những biến chứng trầm trọng.

Nghiện thuốc lá đúng ra phải được gọi là nghiện nicotine, một chất gây nghiện có trong tất cả những sản phẩm thuốc lá. Nghiện nicotine có nghĩa l không thể ngừng sử dụng chất này mặc dù biết rằng nó gây ra tác hại. Nicotine gây ra những hiệu ứng vật lý và tâm trạng trong óc khiến người hút cảm thấy sảng khoái, do đó họ tiếp tục hút để có được sự sảng khoái ấy. Khi ngưng hút, họ bị những triệu chứng cai nghiện như bứt rứt, bồn chồn lo lắng.

Trong khi chất nicotine gây nghiện, các tác dụng độc hại của thuốc lá là kết quả của các chất khác được cho thêm vào. Người hút thuốc có tỷ lệ bệnh tim, stroke và ung thư cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc.
Bất kể đã hút thuốc bao lâu, ngưng hút thuốc lá đều có thể giúp sức khỏe tốt hơn. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả giúp bạn bỏ thuốc lá. Hãy hỏi bác sĩ của mình để được giúp đỡ .

Triệu chứng nghiện thuốc lá
Gồm có:
-Không thể ngừng hút thuốc. Người nghiện có thể đã cố gắng bỏ một hay nhiều lần nhưng không thành công.

-Bị triệu chứng cai nghiện khi bỏ thuốc: cảm giác thèm mạnh mẽ, lo lắng, bứt rứt khó chịu, bồn chồn, khó tập trung, tâm trạng chán nản, thất vọng, giận dữ, cảm thấy đói, mất ngủ, táo bón hoặc tiêu chảy .

-Vẫn tiếp tục hút thuốc dù bị nhiều vấn đề sức khỏe.

-Từ bỏ các hoạt động xã hội hoặc giải trí để hút thuốc. Có thể không đi ăn tiệm nữa vì bị cấm hút thuốc, hoặc ngừng đi lại với người thân hay bạn bè vì không thể hút thuốc tại nhà những người này.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ
Bạn không phải là người duy nhất đã từng cố gắng bỏ thuốc lá nhưng không thành công. Hầu hết những người hút thuốc đều từng cố bỏ thuốc lá nhiều lần trước khi họ thực sự ngưng hút hoàn toàn và lâu dài.
Bạn sẽ dễ thành công trong việc ngưng hút nếu theo một kế hoạch điều trị cả về thể chất lẫn tinh thần. Dùng thuốc điều trị và làm việc với một chuyên gia điều trị thuốc lá sẽ làm tăng đáng kể cơ hội thành công.
Hãy nhờ bác sĩ giúp đặt ra một kế hoạch điều trị phù hợp với bạn hoặc đưa ra lời khuyên về những chỗ có thể giúp bạn bỏ hút thuốc.

Nguyên nhân
Nicotine là chất hóa học có trong thuốc lá khiến cho bạn cứ phải muốn hút hoài. Nicotine rất dễ gây nghiện khi vào đến phổi bằng cách làm tăng những hóa chất trong óc gọi là chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng và hành vi. Một trong những chất dẫn truyền thần kinh này là dopamine, có thể làm bạn thấy vui vẻ và thích thú hơn. Những kinh nghiệm thích thú này khiến người ta dễ muốn hút thuốc thêm lần nữa.
Hành vi và dấu hiệu kết hợp với việc hút thuốc gồm có:

-Hút thuốc vào đúng một số thời điểm trong ngày, chẳng hạn như vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy, khi uống cà phê buổi sáng hoặc trong thời gian tạm nghỉ tại nơi làm việc.
-Hút sau bữa ăn
-Hút khi uống rượu
-Hút tại một chỗ hay với số bạn bè nhất định
-Hút khi nói chuyện điện thoại
-Hút khi gặp tình huống căng thẳng hoặc khi cảm thấy xuống tinh thần
-Hút khi thấy hay ngửi mùi thuốc lá
-Hút khi lái xe
Muốn dễ bỏ thuốc hơn, cần nhận ra những hành vi và thói quen thường kết hợp với việc hút thuốc.

Ai dễ nghiện thuốc lá?
Bất cứ ai từng hút thuốc lá hoặc các hình thức khác của thuốc lá đều có nguy cơ bị nghiện. Những yếu tố ảnh hưởng lên việc nghiện nicotine gồm có:

-Di truyền. Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng lên phản ứng của những thụ thể trên mặt của tế bào thần kinh đối với nicotine.

-Ảnh hưởng của gia đình và bạn bè. Trẻ em có cha mẹ hút thuốc dễ trở thành người hút thuốc. Có bạn bè hút thuốc cũng dễ muốn thử thuốc lá. Hình ảnh hút thuốc trên phim ảnh và Internet có thể khuyến khích những người trẻ tuổi hút thuốc .

-Tuổi. Hầu hết những người nghiện bắt đầu hút thuốc trong thời thơ ấu hay tuổi teen. Tuổi càng nhỏ khi bắt đầu hút thuốc thì càng dễ nghiện thuốc nặng khi trưởng thành.

-Trầm cảm hoặc bệnh tâm thần khác. Những người bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn sau khi bị chấn thương (PTSD) hoặc các hình thức khác của bệnh tâm thần dễ nghiện hút thuốc lá.

-Dùng chất gây nghiện. Người lạm dụng rượu và ma túy bất hợp pháp thường là người hút thuốc.

Biến chứng
Khói thuốc lá chứa hơn 60 chất độc đã được chứng minh là gây ung thư, và hàng ngàn chất độc hại khác. Ngay cả những thuốc lá ‘thiên nhiên’ hoặc dược thảo cũng có hóa chất có hại. Khi hít khói thuốc lá, bạn hít luôn các chất hóa học này và mang chúng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể.

Hút thuốc gây hại cho hầu hết các cơ quan trong thân thể, và hơn 60 phần trăm những người hút thuốc sẽ chết vì nghiện hút. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ chết vì các bệnh do sử dụng thuốc lá tương đương với đàn ông hút thuốc:

-Ung thư phổi và các bệnh phổi khác . Hút thuốc lá là nguyên nhân trong gần 9/10 trường hợp ung thư phổi, cũng như các bệnh phổi khác chẳng hạn như bệnh khí thủng và viêm phế quản mãn tính. Hút thuốc cũng làm cho bệnh suyễn nặng lên.

-Các bệnh ung thư khác. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư thực quản, thanh quản, cổ họng và miệng, và có liên quan đến ung thư bàng quang, tụy tạng, thận và cổ tử cung, và một số ung thư máu .

-Bệnh tim và hệ tuần hoàn. Hút thuốc làm tăng nguy cơ chết vì bệnh tim mạch, bao gồm herat attack và stroke. Ngay cả chỉ hút 1-4 điếu thuốc một ngày cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim. Nếu bạn đã bị bệnh tim hay mạch máu như suy tim, hút thuốc lá sẽ làm bệnh nặng hơn. Khi ngưng hút thuốc, nguy cơ bị heart attack giảm 50 phần trăm trong năm đầu tiên .

-Bệnh tiểu đường. Hút thuốc làm tăng sự kháng insulin của cơ thể khiến dễ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 . Nếu đã có bệnh tiểu đường, hút thuốc lá có thể gây ra các biến chứng như bệnh thận và mắt nhanh hơn.

-Vấn đề về mắt. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ các bệnh mắt nghiêm trọng như đục thủy tinh thể và mất thị lực do thoái hóa điểm vàng (macular degeneration).

-Vô sinh và bất lực. Hút thuốc làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ và bất lực ở nam giới.

-Thai và các biến chứng trẻ sơ sinh. Bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai có nguy cơ cao bị sẩy thai, sinh non, cân nặng sơ sinh thấp và hội chứng tử vong bất ngờ (SIDS) ở trẻ sơ sinh.

-Cảm, cúm và các bệnh khác. Người hút thuốc dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm và viêm phế quản .

-Giác quan bị suy yếu. Hút thuốc làm chết giác quan về hương vị và mùi khiến thực phẩm không còn ngon lành gì nữa.

-Bệnh răng và nướu răng. Hút thuốc có liên quan với việc tăng nguy cơ bị viêm nướu và nhiễm trùng nướu nghiêm trọng khiến các mô hỗ trợ cho răng bị phá hủy.

-Vẻ ngoài. Các hóa chất trong khói thuốc lá có thể thay đổi cấu trúc của làn da, gây lão hóa sớm và các nếp nhăn. Hút thuốc cũng làm vàng răng, ngón tay và móng tay.

-Tăng rủi ro cho người chung quanh. Vợ hoặc chồng không hút thuốc và các người chung quanh những người hút thuốc có nguy cơ cao bị ung thư phổi và bệnh tim so với những người không sống chung với người hút thuốc. 
Nếu bạn hút thuốc, con của bạn dễ bị SIDS (bệnh chết bất ngờ), hen suyễn nặng, nhiễm trùng tai và cảm lạnh.

(Còn 1 kỳ)

BS Nguyễn thị Nhuận (VienDongDaily.Com - 03/01/2014)


_______________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment