Tuesday, February 25, 2014

Nước Mỹ số một?

 Phượng Vũ 

Đi cho biết đó biết đây
Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người” hơn.  

Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội ( kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên.
Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ... cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

Nhưng khi du lịch ra nước ngoài mới “thấm thía”! Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ - 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới! Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! 

Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự! Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:
- Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?
- Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!


Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!


Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như... cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ. 


Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là Cộng Sản, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó. 

Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la..., bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ,khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.

Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone... Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường. 

Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người

Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được. Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi...).


Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn! Ôi Air France! một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear:  

“I always feel happy, you know why? Because I d'ont expect any thing from anyone.”
Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu!

Đúng là có đi ra ngoài mới thấy nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự. Đúng là “sweet home” Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi :  Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:
“Phải chờ đến xế chiều
Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”


Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại.Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:


- Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?
- Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài
- Nhưng chúng ở đâu?
Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?


Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:
-Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi...

Không ngờ chị phản ứng mạnh:
- Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia , còn đòi xin lỗi...“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”...

   Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi! Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa). Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5,6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!

Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:
- Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Việt Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!
Tôi chán ngán:
- À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.
Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:


“Đôi khi ta muốn thoát ly
Đi thật xa khỏi cuộc đời này
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai” (L.H.H.)

 
Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!). 

Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do...) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!

Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:


           “Tình yêu là trái chín của mọi mùa
             Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” (Mẹ Theresa)
 
Phượng Vũ - 9/2013


____________________________________________

12 comments:

  1. em đồng ý với chị là ở đâu cũng không tiện nghi bằng ở Mỹ.Mà em cũng đã gặp trường hợp giống như chị là cũng bị phản bát lên dữ dội khi bày tỏ cái khác biệt giữa Mỹ và Đức(nước em đã tới).Em không hiểu tại sao có nhiều người Việt lại giận dữ khi người khác so sánh Mỹ với đất nứơc họ đang sống.Em hiểu là họ mang ơn đất nước cưu mang họ,tạo cho họ có cuộc sống tốt hơn(Mỗi nước có cái tốt và cái xấu của nước đó).Nhưng không vì vậy mà mình lại đóng cái nhìn nhận xét trung thực về chung quanh mình,thật là tiếc khi phải bàn luận với những người như vậy làm mình mất hứng.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn bạn về bài viết này. Đọc xong bài của bạn làm mình hụt hang quá, như vậy là thôi rồi giấc mơ Châu Âu của mình có vẻ như phải suy sét lại. Tôi có nhiều bạn đã đi Châu Âu phần đông là khen đẹp chứ chưa ai phàn nàn về chuyện vệ sinh. Hôm nay đọc bài này của bạn cảm thấy ỚN QUÁ. Hihihihi. Như vậy là không đi du lich Chau Au cũng không có gì luyến tiếc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào Các bạn.
      QN có nhiều bạn bè rất thân ở Châu Âu, cũng như may mắn đã được đi Châu Âu chơi một chuyến. Thật ra mỗi nơi đều có những sắc thái hay lạ riêng, nếu có dịp chúng ta cũng nên đi tham quan cho biết, ít ra cũng thấy được Châu Âu như thế nào và có gì khác với Mỹ?.

      Riêng QN rất thích đời sống ở Châu Âu, nhịp sống êm ả, chậm và sâu hơn ở Mỹ, tuy rằng vật chất hay tiện nghi không bằng có thể nói thua xa nhưng Châu Âu đậm phong cách cổ điển, một nền văn minh khá lâu đời, họ có những nét rất riêng rất đặt biệt..

      Nước Mỹ mới lập quốc có hơn hai trăm năm nên mang phong thái hiện đại trẻ trung từ kiến trúc đến lối sống. Còn kiến trúc Châu Âu củ xưa hơn nhiều, thêm những năm gần đây kinh tế Châu Âu bị đình trệ, kéo theo Chính phủ thiếu hụt ngân sách, cuộc sống người dân gặp lắm khó khăn do tỷ số thất nghiệp cao v.v... nên nói chung nhiều năm nay họ bị dậm chân tại chỗ, trong lúc Mỹ vẫn tiến nhanh về phía ( dù có lúc kinh tế Mỹ cũng bị khủng hoảng nhưng chẳng nhằm nhò gì so với Châu âu) nên khoảng cách hai bên có phần bỏ xa..
      Tuy nhiên dân Châu Âu vẫn là những người văn minh, phóng khoáng, và lịch sự hơn dân những nước khác, chẳng hạn như anh chàngTQ tự hào là cường quốc với hơn một tỷ dân .. mà vô liêm sỉ , Hai Lúa tới mức không thể tưởng tượng.

      Những người Việt ở Châu âu, nếu họ chưa từng ở Mỹ , chưa từng hưởng những tiện nghi ở Mỹ có lẽ họ chưa tưởng tượng được ..đời sống ở Mỹ đầy đũ đến mức thừa mứa như thế nào, Cho nên mình cũng thông cảm cho họ thôi..

      Bên cạnh đó QN cũng cám ơn trời Phật đã cho mình cái may mắn được sống trong một đất nước văn minh giàu mạnh từ vật chất đến tinh thần, nhất là lòng nhân đạo thì có thể nói là bật nhất thế giới của người Mỹ .
      Rất cám ơn các bạn đã cùng chia sẻ.
      Thân mến ./QN



      Delete
  3. Hi co QN ^ _^ va chao ca nha , lau roi con moi ghe vao tham co hihi. Con o Uc va cung tung den tham My , con chua di duoc nhieu noi khac nhung voi cai nhin cua " ba noi tro " nhu con, thi con biet chac 1 deu o My tot hon o Uc vi cai gi cung co ban ma gia ca lai re hon nhieu hehe . Shopping thich hon :-P (DL)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào DL.
      Em và Ông Xã vẫn khoẻ chứ?. Mấy năm trước QN cũng có sang Úc chơi một lần, có hai gia đình bà Cô ở Sydney và gia đình người em họ cũng như bạn bè ở Melbourne. (Lúc đó chưa quen biết vợ chồng BS - Nhà Văn Đinh Tấn Khương ở Sydney nên không ghé thăm).

      Như QN đã viết. Mỗi nước có một sắc thái và nét hay riêng. Cảm giác QN với nước Úc là khí hậu gần giống VN, trái cây nhiệt đới rất nhiều mà tươi. Chợ Á Đông bán thịt cá rau củ ..nói chung còn đặt thù gần gủi theo kiểu VN, làm người tha hương thấy ấm cúng quen thuộc lắm dù đó là lần đầu QN ghé qua.
      Dân VN mình ở Úc có đời sống ấm no, an nhàn.. tuy rằng xã hội không tạo được nhiều cơ hội phát triển cho người dân như ở Mỹ.

      Ở Mỹ mọi việc buôn bán đều theo qui mô lớn, hòa nhập với xã hội tân tiến hiện đại hoá... chỉ cón có một nơi buôn bán nhỏ, hơi giống VN là một hai cái chợ trời chỉ nhóm cuối tuần mà thôi.
      Về vật giá và tiện nghi nói chung, không đâu bằng nước Mỹ. Tuy vậy bản chất Người Mỹ vốn xuề xoà bình dân không kiểu cách. Kinh tế phát triển, nhiều cơ hội hiện diện đó đây.., nên mọi thứ đều phải nhanh tay, có thể nói thời giờ là tiền bạc, Người Việt mình chỉ cần chịu khó và cần kiệm thì hầu như ai cũng có thể tích lũy được khối tài sản lớn. Nhưng bên cạnh đó mình có cảm giác chạy theo thời gian.. lắm khi mệt mỏi.. để rồi ao ước phải chi cơ hội ít đi .. cho mình đở mệt.
      Vậy đấy việc gì cũng có cái cái giá của nó.

      Nhiều người quen của QN mỗi năm từ VN và các nước bên châu Âu qua Mỹ du lịch chỉ với mục đích mua sắm, vì họ đi khắp nơi rồi nhận thấy không đâu mua sắm bằng nước Mỹ, hàng đẹp , giá quá rẻ (vì thuế ít) so với Châu Âu và các nước khác, kể cả VN. Vật giá cũng như hàng hoá ở Mỹ là rẻ nhất .

      QN ở Mỹ lâu nhưng cũng không biết đến lợi điểm này, chỉ khi đi ra nước bạn mới biết và so sánh được. Thành ra cũng thông cảm cho những ai chưa từng sống ở Mỹ, Trí tưởng tượng dù phong phú tới đâu cũng không bằng trải nghiệm Phải không??

      Con người là vây, cái gì có sẳn trong tay thì không biết quí, biết trân trọng nó , chỉ khi mất đi rồi mới hối tiếc. Có khi Vợ chồng QN ngồi chuyện Phiếm với nhau nói nhảm rằng: mong có một ngày dân Mỹ lâm vào cảnh đói khổ cho biết mùi trần thế , chứ sướng cở nào cũng chưa thấy đủ, chưa thấy hài lòng.. đụng chút việc là than phiền chính phủ , cứ la ơi ới ...!

      hehehe! Nói chơi vậy thôi chứ họ mà khổ thì chắc mình còn khổ hơn!

      Thân mến /QN

      Delete
  4. Nước ÚC tuy vật giá đắt gấp 3 lần nước Mỹ, nhưng là nước đứng hàng đầu thế giới về cuộc sống rất thanh bình. Vật giá của ÚC đắt đỏ nhưng mức lương cũng cao nên cuộc sống của mọi người dân rất ổn định. Quần áo bên ÚC rất đắt nhưng chat lượng vẫn không bang Mỹ. Nhất là hàng mỹ phẫm đắt gấp 3 lần bên Mỹ. Nói tóm lại không có nơi đâu trên thế giới là perfect.

    ReplyDelete
  5. Dung dung lam hihi, nen nhat dinh lan sau co sang My thi se mua sam thoa thich moi duoc haha .(DL)

    ReplyDelete
  6. Lan Sau DL sang My nho dung mang nhieu quan ao nhe. Qua day mua roi mac lien cho tho~a thich. Nuoc My va`o Winter thi quan ao Summer sale rat re, va nguoc lai, va cung dung quen mua hang my pham nhe. Co vai tieu bang tren nuoc My mua quan ao vai giay de'p khong co thue nua do'.

    ReplyDelete
  7. Gà muốn xin chia sẻ cách nhìn khách quan hơn về vấn đề này.

    Trong bài tác giả có vẻ chê bai thậm tệ nước Pháp, so sánh Air France chẳng khác nào chiếc “xe đò bay” thì hơi quá đáng vì Gà biết hãng Air France dùng rất nhiều máy bay của hãng Air Bus, ghế ngồi rộng rãi hơn máy bay Boeing của Mỹ và ở Mỹ cũng có rất nhiều phi trường mà dân chúng cũng phải ngồi là liệt dưới đất vì thiếu ghế chứ không hoàn toàn đẹp như tác giả mưu tả.

    Người Việt chúng ta rời bỏ quê hương xứ sở đi tha phương khắp nơi trên thế giới nhất là những người được mệnh danh là dân tị nạn thì ai cũng mong được một ông bố giàu sang là nước Mỹ cưu mang còn nếu không được thì cũng chỉ cầu mong được bất cứ một ông bố Tự Do hảo tâm nào cứu vớt đem về nhận làm con nuôi thì cũng mãng nguyện hơn là bị trả về với ông bố ghẻ VN thì chỉ có nước đi tù khổ sai.
    Nước Pháp và những nước khác như Đúc, Ức v.v.. cũng đã và đang cưu mang rất nhiều người Vietnam. Nếu mình tị nạn ở những nước mà bị chê thì mình cũng bị chạm tự ái làm chứ. Mình cũng không thích ai chê mình mà. Gà không tân bốc hay nịnh hót nước Pháp dùm ai vì chính bản thân Gà khi qua Pháp, lúc băng qua đường để lên tháp Effel cũng bị chửi “stupid American” mặc dù cái mặt của mình thì da vàng mũi tẹt, An Nam mít trân. Nhưng khi ra vùng ngoại ô thì dân tình rất tốt bụng. Họ không nói được tiếng Anh nhưng họ sẵn sàng giúp đỡ mình bằng mọi cách nếu cần. Không biết vì Paris có nhiều du khách Mỹ không tế nhị nên mới bị đối xử như vậy chăng?

    Gà sống ở Mỹ và cũng rất mang ơn ông chú nuôi mà mọi người hay gọi uncle Sam nhưng nói cho công bằng không phải cái gì của Mỹ cũng điều nhất hết. Chẳng hạn như ở Âu Châu mỗi năm người ta được đi nghỉ hè 1 tháng con ở Mỹ thì làm chết bỏ, làm riết rồi đâm ra mê đi làm nhất là người Viet mình cần cù siêng năng nên đi làm đầu tắt mặt tối, có tiền cũng không có giờ để hưởng. Còn vấn để y tế, nếu lỡ dại bệnh nặng mà phải nằm nhà thương lâu mà mình thuộc thành phần đi làm đóng thuế thì nếu không có tiền thanh toán bill nhà thương là mất nhà, ra đường ở như chơi. Hoặc lỡ dại bị rắn độc cắn mà vô nhà thương thì cái bill có thể lên đến trăm ngàn đô, chuyện này có thật!

    Những người VN ở Mỹ lâu năm đã quen với những tiện nghi của ông nhà giàu nên khi đi du lịch ở những nước khác thường hay so sánh và chê bai thì chẳng khác nào mình đến nhà bạn chơi mà chê nhà người ta không đủ tiện nghi bằng nhà mình hay người giàu đi khoe của với người nghèo hơn mình thì chỉ có làm cho người ta ghét mình hơn thôi. Cho nên mình nên cư xử tế nhị với nhau, đi đâu thì mình cũng nên có thái độ khách quan. Điều quan trọng là mình đi cho biết đó biết đây, để tìm hiểu, học hỏi cách sống, phong tục và tập quán của nơi đó chứ không phải chỉ nhìn thấy cái xấu của người rồi đem ra số sánh chỉ thêm mích lòng nhau thôi.

    Người ta có câu "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" là vậy.
    Nếu mình cảm thấy không đâu bằng ở nhà, home sweet home, thì tốt hơn cứ "ở hoài một chỗ" đừng đi đâu hết cho phiền cái thân.

    Gà Ta

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị Gà ơi.
      Cả ngày nay khu nhà ở của QN bị cúp điện. Chưa năm nào lạnh như năm nay, ống nước bị bể, cây cối đông đá hết, từ mái nhà từng sợi băng buông mình hững hờ, lờ lững không khác gì những dây đèn giáng sinh người ta trang trí vào mùa lễ. Lạnh tái tê mà còn cúp điện, vào internet không được, đọc báo giấy cũng không xong vì tối quá, thì chị biết QN làm gì không?.
      Móc khăn quàng, trời ơi tay dùi đục, tay nông dân mà bày đặc đan với móc.. hehehe..!
      Số là kỳ rồi đi San Jose thăm gia đình, QN có ghé thăm chị Gaumisa. Một thân hữu , một cộng tác viên của trang nhà, lần đầu gặp mà chị nhiệt tình dễ thương quá, mua tặng QN một bịch len và còn bắt QN ngồi xuống xem chị biểu diễn nữa chứ .. thế là hôm qua nhân lúc cúp điện buồn chán... Qn đem những gì chị hướng dẫn ra thực hành ( dưới ngọn đèn cầy leo lét )... vậy mà trời hởi .. thành công , đan "gần xong" cái khăn mới lạ chứ.. té ra mình cũng có hoa tay chứ giởn chơi sao?. Cám ơn chị Gaumisa đã truyền cho QN một món mới.. làm QN tự khen mình sáng dạ quá chừng.

      Chị Gà mấy hôm nay có vào bếp không, có món nào mới để chia sẻ không? QN lúc này bị hơi bận nên có mấy món mới mà chưa đưa lên trình diện được, có khi 2-3 ngày QN mới vào trang nhà nên trả lời có khi trể các bạn xa gần đừng buồn nhé.

      Chị Gà à, Vấn đề nhận xét khi đi du lịch các nước, QN cũng có những quan điểm tương đồng với chị, dù rằng mỗi người có cách nhìn khác nhau.

      Gì chứ đi chơi là QN khoái lắm, Hôm qua thấy có ai đăng quảng cáo trên báo, họ bảo du lịch Trung Quốc 10 ngày mà có 299 dollar, giởn hay thiệt đây trời, sao rẽ dữ vậy. Mai QN sẽ gọi hỏi thử , nều đúng vậy thì dù đi TQ một lần rồi QN cũng đi nữa... nhưng Chị Gà biết không, QN nghĩ chắc có gì bí ẩn đây, làm gì có cái giá thấp tận lòng đất như vậy nhỉ??
      Nếu QN trúng số sẽ bao hết mấy các thân hữu trang nhà đi du lịch chung một chuyến nghe... Mà khoan đợi QN mua vé số đã ... hồi nào giờ QN chưa từng mua, không chừng lần này gặp hên đây...

      Chúc chị Gà vui khoẻ .. Khi nào có thì giờ chị Gà viết một hai bài tả những chuyến du lịch của chị Gà đi, QN nghĩ chắc chị sẽ có cái nhìn sâu sắc và thú vị về những nơi chị đến đó chị Gà à..

      Quí mến./ QN

      Delete
  8. Cam on chi Ga Tá da co y kien that la khach quan va cong bang. Em o Dan Mach va da di tham cac anh chi em ruot sinh song tai My vai lan. Phai cong nhan la mua sam o My la suong nhat tren doi, vua re vua dep. Em cung rat an tuong ve nha cua va xe co ben My rat sang trong va be the. Nhung o doi luc nao cung co chu nhung het. Em co gang du do ox ban nha qua ben My o cho co anh co em nhung ox em kien quyet tu choi vi nhung ly do sau day. Ben My khong co an sinh XH cao nhu Denmark nen lo ma bi benh nan y thi lam sao. Ben cai nuoc nho xiu nay nha nuoc lo cho dan chung den tan rang. Lo co binh nan y thi cung dung co lo, di cap cuu thi ho cho ca truc thang den nhung vung xa xoi va hoan toan mien phi. Hoc hanh cung mien phi cho den khi nao nguoi dan khong con suc hoc nua ma thoi. Moi nam duoc 6 tuan nghi phep chua ke cac ngay le Thien Chua Giao deu duoc nghi. Em nghi di nghi lai thi dung vay. Lam cat luc de lam gi khi ma moi nam khong duoc nghi phep ve tham gia dinh o VN qua 2 tuan. Lam viec qua suc ma cu lo lang canh canh lo bi bi ung thu thi tien dau ma tra tien chua tri....thoi ai o nha nay cho no lanh. Mot dieu nua la lan truoc em xui xeo la nhap canh vao nuoc My o Washington va sau do di tiep den Texas. O Washington, hai quan My lay hanh ly minh ra check mot lan nua roi moi cho nhap canh cho nen ai nay deu lo lang tre chuyen bay tiep theo. Em chi du thoi gian chay nhu ma duoi len chuyen bay tiep theo va toan bo hanh ly deu bi lo chuyen bay do. Lan sau rut kinh nghiem em se bay qua My nhung transit o nuoc Chau Au de qua My co quan ao ma mac. Lan di tu Texas qua LA thi minh cu nghi American Airlines chac chac hon hang may bay gia re o Chau Au. Ai de len toi noi moi biet, may bay cu qua keu am i ngu khong duoc, chieu dai vien khong phuc vu gi het du chi la mot ly nuoc. Di nhieu roi moi biet danh gia. Cac hang hang khong lau doi deu bi xuong cap the tham. Chi co cac hang hang khong Chau A moi len la phuc vu an uong day du va dich vu chu dao ma thoi. Em cung nghi minh bi xui xeo nen di nham may bay cu ky nhu vay. Sau nay moi vo le la AA bi vo no nen cat giam het cac chi phi co the cat giam duoc de bu vao gia xang dau. Em dai dong ke le nhu vay la vi di du lich luc nao cung co chuyen khong nhu y muon. Cho nao cung co diem hay va diem chua hay cho nen dung nghi nha minh la nhat. Chi la vi minh chua di het duoc the gioi de so sanh ma thoi. Xin cac chi thu loi neu em co noi gi dung cham.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn ý kiến của bạn.
      QN nghĩ rằng Sống nơi nào quen nơi dó, mà một khi đã quen rồi thì mọi việc trở nên thoải mái dễ dàng.Giống như đi chơi đâu rồi khi về đến nhà cũng thấy thoải mái nhất. cho dù nhà mình có như thế nào chăng nữa..
      Mến./QN

      Delete