Tuesday, February 11, 2014

Tứ vô lượng tâm

Lisa Foster 



Đây là câu giáo huấn quan trọng về lòng từ bi, ghi tại đoạn 1.33, kinh Yoga (Yoga sutra) của Patanjali. Lời kinh khuyên ta hãy dành tình thương mến cho những ai đang hạnh phúc, lòng trắc ẩn cho những người khổ đau, niềm hân hoan cho những ai nhân đức và dành tâm bình thản cho những ai đã mắc phải lỗi lầm.


Bốn trạng thái tâm thức – tâm từ (lòng nhân ái), tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, được gọi chung là Brahmavi¬haras, hoặc bốn tâm thức cao thượng, “Tứ Đức”, hay còn gọi là “Tứ Vô Lượng Tâm”, vô lượng là bởi những tâm thức này có thể được tu dưỡng, bồi đắp không ngừng, và vì thế không bao giờ gặp giới hạn. Lời huấn thị của Patanjali cũng có thể đươc áp dụng trong mối tương quan giữa mỗi người chúng ta với chính bản thân mình. Nên nuôi dưỡng tâm từ bi bằng cách đưa tư duy này vào các bài tập thiền định hoặc yoga.

TÂM TỪ
Hãy ý thức rằng bạn xứng đáng có sức khỏe và hạnh phúc, và bạn xứng đáng với những nỗ lực đã bỏ ra để đi đến thay đổi tốt hơn. Hãy luôn tự nhắc mình những thay đổi bạn đang thực hiện sẽ giúp cuộc sống lành mạnh hơn.

TÂM BI
Đừng nên tự phán xét mình, hãy nhìn nhận thói quen bạn đang cố gắng thay đổi sẽ gây ra đau khổ và căng thẳng (bao gồm cả thói quen đối xử khắt khe với bản thân). Sau đó, đón nhận mong ước được giải thoát khỏi sự đau khổ này.

TÂM HỶ
Hãy ghi nhận, tuyên dương bất kỳ những nỗ lực tích cực bản thân nào trong quá trình hỗ trợ sự thay đổi này. Đồng thời, bày tỏ thái độ biết ơn đối với sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía gia đình và bạn bè.

TÂM XẢ
Nếu cảm thấy buồn khổ về một thất bại gần đây, hãy tự nhủ rằng sai lầm mới là người, và sai lầm chính là một phần quan trọng trên con đường dẫn đến sự thay đổi. Thay vì dằn vặt bản thân, hãy chú tâm vào mục tiêu lớn hơn, là sống hạnh phúc, mạnh khỏe, không khổ đau.
Tâm từ (lòng nhân ái) và tâm bi là nguồn hy vọng cho tương lai. Tâm hỷ và tâm xả là thái độ, quan điểm về những điều đã xảy ra. Mặc dù bốn tâm thức này đều có thể được coi là những trạng thái tình cảm của con người đối với tương lai hoặc quá khứ, nhưng cốt lõi đều mang mầm mống của “hiện tại” như là hiện thân của lối sống có nhận thức. Đó là những khái niệm riêng về “bây giờ và đang hiện diện”, sự thanh thản, hạnh phúc trong mối tương quan với năng lực và thành quả của bạn.

Lần tới bước lên thảm tập, trước khi bắt đầu bài yoga của mình, bạn hãy dành một chút thời gian ngẫm nghĩ về những trạng thái tâm thức cao cả này. Hãy yêu quý và chăm sóc cơ thể mình, đừng tạo sức ép quá lớn và gây thương tổn đến chính mình. Hãy thực hành những tư thế trong bài tập với sự thư thái, vui vẻ, tâm trí thảnh thơi, buông xả, không căng thẳng trách cứ bản thân vì một tư thế tập khó, cũng không tự đắc, cao ngạo khi thành công. 
Brahmaviharas được gọi là "Tứ vô lượng tâm" bởi lẽ: từ, bi, hỷ, xả là những tâm thức mà bạn có thể tu dưỡng không ngừng trong lúc tập luyện cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Lisa Foster là giáo viên Yoga có chứng chỉ.Cô dạy Yoga cho trẻ em và người lớn ở Oakville, Ontario.

Lisa Foster  (vietlifemagazine)

__________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment