Tuesday, April 8, 2014

Chả cuốn Gò Bồi

.
Bên sông Gò Bồi (ảnh: Đào Tiến Đạt)


Gò Bồi thuộc về xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Gò Bồi đẹp và thơ. Đây là quê hương của nhà thơ Xuân Diệu. Cũng là một nơi có nước mắm rất ngon và nhiều thứ đặc sản, trong đó có chả cuốn.

Tục ngữ ta có câu: "Muốn ăn đi xuống, muốn uống đi lên". Thật vậy, càng đi gần về phía biển, thực phẩm càng dồi dào. Gò Bồi (Tuy Phước) có cái duyên may đó. Nào tôm, nào cá, lươn, lịch. Mùa nào thức ấy và sung mãn nhất là vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Khiến một tác giả đã viết:

 Gò Bồi tiếp biển một dòng sông
Tôm cá tươi màu thuận gió đông
Cá thu sắp dãy người chen chúc
Xuôi ngược thuyền ghe nước mấy dòng.
(Gò Bồi quê mẹ) 

Theo thủy triều tôm bạc, tôm rằn, tôm đất đã làm thực phẩm của làng tôi thêm phong phú. Từ con tôm, cái cá, người ta đã chế biến đủ món: chả tôm, chạo tôm, tôm chua, tôm nướng, nhưng ngon nhất vẫn là chả.

Chả tôm làm từ tôm rằn. Tôm phải thật tươi, màu ngả về sắc đỏ. Cứ một miếng chả là nửa con tôm được gia vị với hành tiêu, nước mắm và một ít mỡ sa. Phải là mỡ sa thì chả mới đủ béo. Bánh tráng thật mỏng cắt thành miếng nhỏ cuốn tôm kẹp thành gấp trông như những bánh pháo. Một trã than hồng vừa đủ nóng. Cô hàng chả sắp những kẹp chả, trở qua lật lại thế nào chả đủ chín mà không cháy. Vừa nướng vừa thoa mỡ khiến chả chín mà không khô. Nếu bạn muốn ăn độc vị thì chả gắp cũng đã ngon lắm rồi.

Nếu bạn muốn thưởng thức thật đầy đủ cái hương vị của chả cuốn Gò Bồi thì bạn chờ một tí nữa cô hàng chả sẽ nướng thêm một xâu nem tươi. Nem tươi được làm bằng thịt nạc vai hay thịt đùi lợn cỏ (lợn nhỏ con) thì nem mới ngon và giòn. Thịt được quết liên tục trong cối đá, gia vị một ít muối và tiêu, cùng với những sợi da heo cắt nhỏ như bún để nem vừa dai lại vừa giòn. 


Nhìn bàn tay thoăn thoắt nhẹ nhàng của cô hàng cuốn chả cũng thấy vui. Bánh tráng mỏng được xoa nước trải nằm trên mâm gỗ thật láng và sạch. Nào chả gắp nem tươi được thái thành thỏi bằng ngón tay út sắp nhanh trên lớp rau sống xanh, nhiều nhất vẫn là rau răm, rồi khế vừa chín vàng, tiếp theo là dưa leo. Chả được cuốn thành cuốn bằng cườm tay trẻ em. Bây giờ đã sẵn sàng. Mời bạn hãy thưởng thức và xin mách với bạn rằng: Chả cuốn Gò Bồi phải được chấm với nước mắm nhỉ chứ không pha chanh đường đâu nhé. Vì vậy mà chả cuốn Gò Bồi có một hương vị riêng không lẫn vào đâu được.

Cắn một miếng đầu tiên là vị mặn của nước mắm nhưng trong khoảnh khắc cái mặn đã tan còn lại dư vị nơi cổ họng tiếp đó mới thật sự là mùi vị của chả. Bạn được nghe cái vị ngọt lừ lừ của tôm rằn, vị béo nhè nhẹ của mỡ sa, vị ngọt ngây ngây của nem. Bạn tiếp tục nhai thì cái chua ngót ngót của khế, cái giòn giòn của dưa leo và cái sực sực của da heo. Chả không là hỗn hợp mà tập hợp của nhiều mùi vị vừa riêng lại vừa chung. Bao nhiêu vị đó đã làm nước bọt bạn tiết ra trôi nhanh vào bao tử đang đòi hỏi của bạn.

Chả vừa miệng nên người dân quê tôi ít dùng rượu để kích thích cái ngon ăn. Ăn chả vào ban đêm mới tuyệt. Tuy không cầu kỳ, nhưng thật đúng lúc. Đi xem hát hay đi chơi khuya về đi ngang hàng chả, bạn không thể không dừng chân. Nói theo lối quê tôi là "cầm lòng không đậu" vì cái mùi thơm vừa quen thuộc vừa hấp dẫn đến lạ kỳ mà bạn đã nghe từ xa. Cái mùi vừa rộng vừa ngây. Cái thơm của tôm thịt hòa với mùi mỡ nướng. Một chút vị đăng đắng của mỡ cháy, mùi nước mắm ngon trộn tương ớt tạo nên một mùi vị quê hương khiến dân làng tôi nghiện chả cuốn Gò Bồi là thế. Không phải chỉ bọn con trai như bọn tôi nghiện đâu mà các cô cũng thế. Cho nên khi có chồng xa lúc về thăm nhà đều không quên món chả. Câu cao dao vừa vui vừa dí dỏm đã nói lên điều đó:\

 Lấy chồng xa em nhớ ba nhớ má
Nhớ chả Gò Bồi nhớ quá nên mải về thăm. 

Chả ngon có tiếng là chả cô Mười Út, chả bà Hoài truyền đến ngày nay cho con cháu. Chả Gò Bồi là thế đó. Mời bạn về thăm quê tôi và nhớ ăn một bữa chả. Về Gò Bồi mà không ăn chả coi như bạn chưa đến Gò Bồi đấy.

Theo baoBinhDinh .


______________________________________________________________


No comments:

Post a Comment