Wednesday, December 3, 2014

Nỗi buồn người Việt già ở Nursing Home

Quyên Ca

Theo một thống kê của cơ quan an sinh xã hội bang California, Mỹ, trong tổng số 400 nghìn người Việt hiện đang sinh sống ở miền Nam California, có khoảng 15 nghìn người trên 65 tuổi. 1/3 ở chung với con cháu. Số còn lại, ở trong các viện dưỡng lão (nursing home). Vẫn theo thống kê này, những người Việt già trên đất Mỹ rất sợ bị đưa vào nursing home !


1. Xế chiều 29 tháng Chạp, tôi lái xe đến viện dưỡng lão thành phố Westminster, Orange County. Đây là cơ sở được xem như khá nhất trong số những viện dưỡng lão tại miền Nam Cali. Vì là ngày giáp Tết nên quang cảnh khá lặng lẽ. Ở các lối đi trong khu vực dành cho người Việt, trên những băng ghế đặt rải rác dưới những tàn cây, không có cụ nào tản bộ hay ngồi nghỉ chân, trò chuyện. Bãi đậu xe cũng chỉ thấy lác đác vài chiếc của nhân viên trực. Nhìn qua khu dành cho người Mỹ, người Hàn Quốc và khu dành cho người Mexico thì đông người hơn. Có lẽ họ không biết hôm nay là giao thừa của người Việt.


Vào trong, tất cả đều vắng vẻ. Một lát, tôi mới thấy một y tá đẩy chiếc xe lăn, trên đó là một cụ ngoẹo đầu, mắt nhắm nghiền, rớt dãi chảy dài xuống khóe miệng. Trước cửa phòng số 6, một bà ngồi im lìm trên chiếc ghế nhựa, nét mặt thẫn thờ. Tôi hỏi : "Bà có con cháu vào thăm chưa ?". Nhìn tôi một lát, bà lắc đầu kèm theo tiếng thở dài mệt mỏi.

Tên bà là Trần Thị Nghị, 74 tuổi. Bà sang đây theo diện bảo lãnh của đứa con trai. Bà kể : "Hồi đầu, mọi sự tốt đẹp lắm. Nhưng được vài năm, con dâu tôi nói tôi ở dơ vì lúc đứa cháu nội bị sổ mũi, tôi lấy tay bóp mũi, vắt nước mũi cho nó. Bực mình quá, tôi nói hồi nhỏ tao cũng hay vắt nước mũi cho chồng mày vậy, mà có sao đâu! Thế là nó cấm tôi không được đụng đến con nó nữa. Ba tháng sau, chồng nó nghe lời nó, đưa tôi vào đây".

Ở một phòng khác, cụ ông Nguyễn Văn Đức, 71 tuổi, nằm co quắp trên giường. Hỏi ra mới biết cụ bị bệnh suyễn. Đưa tay chỉ một hộp bánh, 2 hộp mứt, 2 hộp kẹo nằm chỏng chơ trên bàn, cụ phều phào : "Cái này con tôi cho, cái kia là của hội thiện nguyện, còn hộp đó là quà tặng của nhà chùa".
  
Theo tập quán người Việt, một gia đình mà 2, 3 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ở chung với nhau thì được xem như gia đình hạnh phúc, ăn ở có đức, có hiếu. Nhưng người Mỹ nói riêng và người phương Tây nói chung, với bản tính thực tế thì họ lại không nghĩ vậy, bởi lẽ ngay từ khi còn trẻ, họ đã được học tính tự lập - và điều này đã tác động rất lớn đến thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 - là những người sang Mỹ từ khi còn bé, hoặc sinh ra trên đất Mỹ. Họ hầu như ít nói tiếng Việt mà chỉ dùng tiếng Mỹ - ngay cả khi về nhà.

Phần lớn họ chịu ảnh hưởng nặng của lối sống Mỹ : 18 tuổi là ra ở riêng, cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão. Sự thành công về mặt học vấn, tài chính đã khiến họ chẳng còn quan tâm nhiều đến quá khứ của cha ông. Nếu như ở Việt Nam, con cái thường ngồi im nghe cha mẹ giáo huấn - dù ngồi một cách miễn cưỡng - thì ở Mỹ, phần lớn người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 lại chọn cách bỏ đi ra ngoài, không cần quan tâm đến những gì cha mẹ mình đang nói, dẫn đến xung đột... Sự xung đột lắm khi chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân nhỏ nhoi nhưng không được giải quyết thấu đáo, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.

Bà Lý Thị Vân, 69 tuổi, nằm tại phòng số 3, nói : " Có những điều ở Việt Nam coi là bình thường thì qua đây lại trở thành bất bình thường. Trong một bữa ăn chẳng hạn, lúc tôi dùng cái muỗng của tôi để múc canh trong tô canh thì thằng con rể tôi trợn mắt nhìn tôi rồi từ đó đến cuối bữa, nó không đụng vào tô canh đó nữa !".
 
Vì vậy, với những người Việt cao tuổi ở miền Nam Cali, ba chữ "Viện Dưỡng Lão" từ lâu đã là cơn ác mộng. Nó đánh thốc vào tim tạo thành những cơn kinh hãi, đến độ đã có một cụ quỳ sụp xuống ngay trước cổng vào viện dưỡng lão, chắp tay vái con ruột mình : "Ba lạy con, con cho ba về nhà, ba trải ghế bố nằm trong garage cũng được chứ con đừng bắt ba vô đây".

Ông Trần Ngọc Lâm chẳng hạn, khi tôi hỏi vợ con ông ra sao, có thường xuyên vào thăm ông không thì ông bực bội : "Làm ơn đừng nhắc đến vợ, đến con tôi nữa. Vợ, con mà để tôi sống như thế này à ?".

Ông Lê Cẩm, ở phòng số 9 trong viện dưỡng lão, kể : "Năm tui 68 tuổi, đi đứng bắt đầu yếu, mắt mờ, tay run, con trai tui nói mai đưa ba vô nursing home. Tưởng nó giỡn chơi, ai dè sáng hôm sau nó đưa tui vô thiệt. Tui hỏi nó sao con nỡ lòng nào mà làm vậy. Nó nói tỉnh bơ:  

Già rồi thì vô viện dưỡng lão chứ làm vậy là làm sao !".

Hỏi ông có biết mai là Tết Âm Lịch cổ truyền không? Ông nói biết vì ba bữa trước, con ông vô thăm, có đem cho mấy hộp mứt. Trên gò má nhăn nheo của ông bỗng lăn dài những giọt nước mắt : "Tết Nhất là ngày sum họp gia đình. Vậy mà…".


2. Công bằng mà nói, vì nỗi sợ hãi viện dưỡng lão của các cụ cao niên người Việt - ngoài việc bị tách ra khỏi môi trường gia đình quen thuộc - khiến hầu hết các cụ đều nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, bị con cháu hất hủi, thì còn một nguyên nhân nữa. Đó là khi tuổi tác đã cao, sức khỏe các cụ cũng sẽ xuống và bệnh tật ắt phải tới. Chuyện không thể tự chăm sóc cho mình là lẽ đương nhiên khi bệnh trạng các cụ tới thời kỳ nghiêm trọng, và cách giải quyết duy nhất là đưa các cụ vào viện dưỡng lão.


Anh Kevin Nguyen, có người mẹ 72 tuổi, hiện đã ở viện dưỡng lão, nói : "Tôi và vợ tôi đều phải đi làm, hai đứa con đi học nên không lấy đâu ra thời giờ chăm sóc mẹ tôi. Còn nếu mướn y tá hay điều dưỡng đến nhà ăn ở, nấu nướng và chăm sóc mẹ tôi thì tôi không đủ tiền".

Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến việc các cụ buộc phải vào viện dưỡng lão. Đó là về già, các cụ thường bị lẫn, mất trí nhớ, thậm chí không nhận ra vợ (hoặc chồng) hay con cái, không cho họ tới gần. Anh Kevin Nguyen, nói tiếp : "Mẹ tôi đổi tính, trở nên khó chịu. Cụ luôn gắt gỏng, nghi ngờ tất cả mọi người".

Chị Lam Hương, có mẹ cũng ở viện dưỡng lão tâm sự : "Cụ nhà tôi lúc nào cũng nghi ngờ có người ăn cắp tiền của cụ mặc dù tiền đó là của con, cháu cho. Ngày nào cũng vậy, cụ lôi túi tiền ra đếm vài chục lần rồi cũng không dưới chục lần, cụ chửi um lên, bỏ ăn, thậm chí cuốn quần cuốn áo đòi ra khỏi nhà vì "nhà này toàn quân ăn cắp". Riết rồi không ai chịu nổi nữa, chúng tôi đành đưa cụ vào viện". 


Nỗi sợ phải vào viện dưỡng lão còn có một lý do khác: Đó là nhân viên của nhiều viện dưỡng lão thiếu khả năng chuyên môn, thiếu sự nhiệt tâm và không được huấn luyện kỹ lưỡng, cộng với sự cắt giảm tài trợ của chính quyền do thiếu hụt ngân quỹ dẫn đến số người bị ngược đãi, bị bỏ mặc trên cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý càng ngày càng tăng, chưa kể có cụ còn bị bắt phải nín lặng, không được phép than phiền, kêu cứu khi lên cơn đau dạ dày hay đau khớp.

Cụ ông Trần Văn Sinh, trước khi sang Mỹ là y tá ở Bệnh Viện Bình Dân - Sài Gòn, nói : "Một thời gian dài, tôi bị trầm cảm vì tuyệt vọng, và tôi được cho uống thuốc an thần một cách rất thản nhiên. Khi tôi báo cáo việc này với ban quản trị, thì con tôi lúc vào thăm đã bị ngăn chận với lý do là làm trở ngại việc điều hành".

Theo tìm hiểu của tôi, viện dưỡng lão thành phố Westminster có khoảng 90% là người già trên 65 tuổi. Số còn lại là từ 80 tuổi trở lên. Cũng xin nói thêm là ở Orange County, các viện dưỡng lão đều do người Mỹ làm chủ và điều hành. Nó thường được chia làm hai khu chính là nội trú và bán trú cùng nhiều khu phụ. Khu nội trú dành cho các cụ ở thường trực. Khu bán trú dành cho những bệnh nhân sau khi điều trị ở bệnh viện nhưng không đủ tiền để nằm lại vì viện phí rất cao, nên phải chuyển vào viện dưỡng lão để nằm chờ, lúc bình phục họ sẽ về nhà.

Thường thì nhân viên quản lý sắp xếp các khu theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu cho người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, v.v... Nếu thiếu phòng, các cụ phải nằm bất cứ khu nào còn trống. Chả thế mà cụ bà Lê Thị Lài, 67 tuổi, sau hơn 2 tháng ở chung với khu người Mỹ da đen rồi lúc được chuyển sang khu người Việt, cụ ngơ ngác như người tâm thần, hỏi gì cũng ú ớ. 

Nếu người Việt vào đông, các cụ được nhà bếp nấu riêng món ăn Việt nhưng chỉ vào buổi trưa và buổi tối, còn bữa sáng vẫn phải ăn món ăn Mỹ. Hầu hết những trường hợp được đưa vào đây là do bệnh lý, đòi hỏi phải có sự trợ giúp thường trực của nhân viên y tế cùng các thiết bị mà chỉ các viện dưỡng lão mới có khả năng cung cấp. Những người này thường mắc phải những bệnh gây mất năng lực về thể chất lẫn tinh thần, hoặc họ yếu đến nỗi không thể di chuyển, tự tắm rửa hay tự ăn uống được.

Trao đổi với tôi, phóng viên Vince Gonzales thuộc Đài CBS, người đã làm những phóng sự về vấn đề ngược đãi người già ở các viện dưỡng lão cho biết : "Nhiều người trong số họ cần có sự chăm sóc suốt đời vì họ không bao giờ có thể hồi phục để có thể tự chăm sóc cho mình, chứ đừng nói là cho về nhà. Tương lai của họ một là sẽ chết trong viện dưỡng lão, hai là chuyển vào bệnh viện nếu bệnh nặng rồi chết ở đó và ba là bệnh viện trả về để chờ chết…".

3. Đã đến bữa cơm chiều. Những cụ còn khỏe thì chậm chạp lê bước, hoặc tự mình lăn xe xuống nhà ăn. Yếu quá thì nằm trong phòng, chờ điều dưỡng mang thức ăn đến. Cô Jenny Pham, một điều dưỡng người Việt ở đây, cho biết : "Viện có rất ít điều dưỡng Việt Nam nên tụi em thường bị điều động đi phục vụ toàn khu, chứ không cứ gì khu người Việt". 

Theo luật riêng của tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân viên săn sóc cho bệnh nhân, nhất là các dịch vụ khẩn cấp, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3 hoặc 2 tiếng mỗi ngày.

Jenny Pham nói tiếp : "Khi có đoàn kiểm tra, viện dưỡng lão thuê mướn thêm điều dưỡng cho đông đủ, đồng thời sắp xếp cứ 1 điều dưỡng chăm sóc cho 10 người theo luật định để che mắt. Khi đoàn kiểm tra đi, mỗi đứa tụi em lại phải chăm sóc cho 19, 20 người…". Tôi hỏi : "Mấy hôm nay, gia đình các cụ vào thăm có nhiều không ?". Jenny Pham đáp : "Cũng ít thôi, chủ yếu là các hội đoàn thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo. Em biết có 26 cụ từ ngày vào đây, có cụ ở đã 5 năm nhưng chưa thấy ai đến thăm lần nào".

Tôi hỏi : "Đêm giao thừa có tổ chức gì không ?". Jenny Pham lắc đầu: "Dạ không, mấy cụ còn khỏe, còn minh mẫn thì tụ họp nhau lại uống trà, nói chuyện hồi xưa. Còn hầu hết đều nằm trên giường. Nhiều cụ khi em hỏi ngày mai là Mùng Một Tết rồi, biết không ? Có cụ nhe răng cười, chẳng biết gì hết".


Tôi ra về và lúc bước ngang phòng số 7, một đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con đang đứng cạnh một cụ già ngồi trên xe lăn. Người phụ nữ nói : "Chào ông nội đi rồi về con". Ông cụ miệng méo xệch : "Bay cho nó ở chơi thêm chút nữa, vừa mới vô mà". Anh con trai đỡ lời : "Con đưa các cháu vào chúc Tết ba, bây giờ dẫn tụi nó đi coi xiếc cá heo. Vé mua rồi, sắp tới giờ diễn rồi…".

Dẫu biết ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, sống đâu theo đó, nhưng sao tôi vẫn thấy nao lòng vì ở quê nhà giờ này, gia đình nào chắc cũng đang quây quần, sum họp…

Chúc sức khỏe !


Quyên Ca (baomai.blogspot.com)

__________________________________________________________

7 comments:

  1. Đọc mà thấy nao lòng. Nhưng thôi, dù sao các cụ ý cũng còn có nơi nương tựa chăm sóc, dù không được như mong đợi, nhưng cũng ko bị để đói rét.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc bài này nghe thì thấy thương tình cảnh của những người già ở Mỹ, nhưng có lẽ câu chuyện chỉ nói lên 1 chiều.

      Sự thật thì ở Mỹ muốn vào Viện Dưỡng Lão thì mình phải có bệnh nan y và cần có người chăm sóc lo thuốc men thường xuyên thì mới đủ điều kiện để vào chứ không phải con cái không muốn nuôi mà có thể đưa vào được vì phí tổn rất đắt, cả 4-5 ngàn dollars mỗi tháng thì tiền trợ cấp cho người già làm sao trả đủ. Tôi không nghĩ những người con ở Mỹ có cha mẹ ở trong Viện Dưỡng Lão đều bất hiểu cả. Phải chăng họ cũng có nỗi khổ riêng và không thể chăm lo ở nhà được nên mới phải đưa vào viện. Tôi biết có nhiều trường hợp cha mẹ ở nhà một mình đau ốm hoặc té ngã không ai hay biết vì con cháu đi làm đi học cả ngày. Ở Mỹ không có điều kiện để thuê người về chăm sóc vì rất tốn kém. Ai cũng hiểu tâm trạng những người già đều sợ vô Nursing Home nhưng nó là cách duy nhất để cha mẹ được an toàn và được chăm sóc đầy đủ.

      Tôi đồng ý với bạn là dù gì đi nữa người già ở Mỹ vẫn sung sướng hơn người già ở VN vì có rất nhiều trường hợp ngoài 80 mà vẫn còn phải đi buôn gánh bán bưng để nuôi thân hoặc nuôi cháu do cha mẹ chúng bỏ rơi. Đó là chưa kể bây giờ lại có dịch vụ nhóm băng đảng họ nuôi những người già cho cơm ăn chỗ ở nhưng hàng ngày phải đi ra đường xin ăn để kiếm tiền cho họ.

      Gà Ta

      Delete
  2. QN cũng đồng ý với chị Gà, Thường thì một số người đưa Cha mẹ mình vào viện dưỡng lão là do họ có một số bệnh như lú lẩn nặng ,sợ ở nhà các cụ té ngã, đi lạc hay nấu nướng quên tắt lữa sẽ dễ dẩn tới cháy nhà.v.v. cũng có một số các cụ có bệnh nan y phải cần người săn sóc,.
    Nói chung không phải ai muốn vào nhà dưỡng lảo cũng được, phải hội đủ một số điều kiện nào đó. Phần đông các cụ bây giờ về già hai vợ chồng nường tưa nhau sống, bộ xã hội có trợ cấp mướn người giúp việc một số giờ ấn định trong ngày , hặc trong tuần đến để đi chợ , nấu nướng tắm giặt cho các Cụ.
    Chỉ khi nào nặng quá mới xin vào viện dưỡng lão để có người túc trực chăm sóc mà thôi.
    QN có người bạn, Mẹ già 92 tuổi, tuy có bệnh nhưng vẫn còn minh mẫn, Các con chung tiền mướn người giúp việc, mỗi ngày tới họ nhà chăm sóc và trò chuyện cùng Cụ.cho tới chiều tồi khi các con đi làm về. Hoặc nhà rộng, người giúp việc có phòng riêng và ở lại qua đêm. Cuộc sống các cụ thời nay trông hạnh phúc ấm áp lắm. chứ không đến nỗi

    Ở Houston có những hội già, (được trợ cấp của chính phủ). Ban ngày các con chở đưa các Cụ vào đó sinh hoạt, hát hò, tập nhẫy, thỉnh thoảng có xe chở đi thưởng ngoạn những địa điễm chung quanh thành phố, có cung cấp thức ăn trưa ,ăn dặm, có người nhắc nhở uống thuốc v.v.. Chiều các con đón về..

    Tuy nhiên, bên cạnh đó .. đời sống vẫn không thể không có một số trường hợp chua xót. Đành cho là số phận thôi, chứ biết làm sao?

    Nếu đem cuộc sống người già bên Mỹ mà so với người già nghèo khổ trong nước thì làm sao mà so được, sự khác biệt cách xa .. vời vợi cứ như mặt trăng và trái đất ...
    Cám ơn chị gà đã chia sẻ.
    QN

    ReplyDelete
  3. Bạn Gà Ta nói có lý có tình.
    Theo như bài nầy gần như chỉ nói một chiều rưỡi. Ở nursing home có cái lợi mà cũng có những cái bất lợi.
    NÓi chung ông bà trên 60 hay 65 có các hội cao niên, vào đó giải trí theo nhóm và vui chơi trò chuyện. Có các nhóm học vi tính, học khiêu vũ gọi là dưỡng sinh.
    Mong ta thích ứng với mỗi xứ sở và tập quán.

    ReplyDelete
  4. Ngoc Anh (lotus579@gmail.com)November 2, 2015 at 10:28 PM

    Sống 1 nơi mà nghĩ về 1 nơi khác như đứng núi này trông núi nọ vậy. Thích nghi và chấp nhận hiện tại là cách tốt nhất cho tinh thần các cao niên. Nghe Phật pháp thay vì nghĩ về quá khứ của bản thân sẽ thanh thản hơn. Dù sao đi nữa quá khứ của mỗi con người là những việc đã qua và không bao giờ trở lại đối với bất cứ ai. Như người ta hay nói - Ai cũng có 1 thời đã qua- vậy nghĩ đến làm gì cho tủi thân các cụ nhỉ .

    ReplyDelete
  5. Chào bạn QV

    Tôi là Vũ Cao, phóng viên báo An ninh thế giới, bài này tôi viết trong một chuyến đi Mỹ và bây giờ, nó xuất hiện trên trang Quinhon11. com với cái tên tác giả là Q.V.

    Xem ra lấy cái của người khác rồi biến thành của mình cũng dễ nhỉ!

    V.C

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào Bạn HoaMD
      Trước hết xin cám ơn bạn đã cho biết tên tác giả bài viết đã bị sai. Chúng tôi Google thì thấy bài viết này xuất hiện trên nhiều trang web với bút hiệu QUYÊN CA . chúng tôi đã điều chỉnh tên tác giả. Nhưng xin bạn cho biết khi bạn viết bài bạn để bút hiệu hay tên thật. Nếu tên Quyên Ca vẫn không đúng thì xin bạn cho đường link bài gốc với tên Vũ Cao, chúng tôi sẽ đièu chỉnh lại.
      Chân thành cảm ơn và xin lỗi .
      Thân kính /QN

      Delete