Friday, February 6, 2015

Đêm giao thừa kinh hoàng trên đất Mễ

Tác giả: Phượng Vũ

Nhân đọc bài bút ký của tác giả Phượng Vũ post trên báo Viễn Đông. Đây là một câu chuyện có thật được tường thuật một cách sống động có cả "BI" lẫn " HÀI " , thiết nghĩ cũng là một kinh nghiệm cần thiết cho những ai có dự tính đi du lịch. QN mạn phép mang về trang nhà để chia sẻ cùng độc giả. Xin chân thành cám ơn Tác giả Phượng Vũ Và tuần báo Viễn Đông / QN11


Nói đến "đêm giao thừa", người ta thường nhắc đến những kỷ niệm đẹp và đầy vui tươi. Khi định cư ở Mỹ, tôi cũng có kỷ niệm “New Year's Eve” lần đầu tiên ở Las Vegas rất đáng ghi nhớ. Sau khi cuộc sống mới ở Mỹ tương đối ổn định, các con tôi quyết định đưa cả nhà đi đón “New Year” ở Las Vegas. Đây là lần đầu tiên tôi được đón giao thừa kiểu Mỹ. Người ta ở đâu ra mà đông thế, họ túa ra tràn ngập các đường phố như đi trẩy hội với những bộ quần áo thời trang nhất, đẹp nhất. Mọi người cười nói hớn hở “vui như Tết”. Không hẹn mà mọi người đều kéo về tập trung tại điểm “count down” để xem trình diễn văn nghệ trên sân khấu và cùng nhau chờ đón phút giao thừa. Rồi thời điểm quan trọng sắp đến, cả đám đông cùng đếm
“count down” thật to: “10, 9, 8....3,2,1 và 0, cả rừng người ồ lên hò reo, niềm vui vỡ òa. Họ ôm nhau, hôn nhau, miệng luôn tươi cười “Happy New Year” không phải chỉ với người thân, bạn bè mà cả với những người không quen biết đứng chung quanh. Lây cái không khí hồn nhiên, cởi mở và vui tươi đó, chúng tôi cũng hòa mình với họ để “hug”, “hi five” và nói “Happy New Year” đến với mọi người chung quanh. Trên bầu trời đêm pháo bông tưng bừng nở rộ với đủ kiểu, đủ màu sắc càng tạo thêm sự rộn rã trong lòng mọi người. Nhiều chai sâm banh được bật nút đúng phút giao thừa, đường phố tràn ngập những người “mời rao nụ cười” và “cho không, biếu không” những lời chúc mừng năm mới vui vẻ hạnh phúc. Tôi thấy đây mới thực sự là một không khí tưng bừng, vui tươi của ngày Tết, ai cũng mở lòng mình ra với mọi người để cùng chào đón một năm mới. Nó hoàn toàn khác với không khí đón giao thừa năm xưa ở Việt Nam, mọi người đều vào nhà, đóng kín cửa, ngoài đường phố vắng tanh, cho đến sáng mồng một, má tôi vẫn cấm không cho đứa con nào ra khỏi nhà. Phải chờ đến khi ba tôi về "xông đất" rồi, tụi tôi mới được mở cửa bước ra ngoài để "xúng xính" khoe áo mới với con nít hàng xóm.

Hành hương và du lịch: vào động quỷ
 
Đón giao thừa khi đi du lịch luôn là những niềm vui tràn ngập, những hạnh phúc sẻ chia, những rộn ràng chào đón năm mới sắp đến. Nhưng “New Year's Eve 2015” vừa rồi thì hoàn toàn khác. Chúng tôi ghi danh (từ 6 tháng trước ) để đi hành hương với “Hành Trình Đức Tin” viếng Đức Mẹ Guadalupe vào những ngày cuối năm 2014, rồi 31/12 chúng tôi sẽ bay từ Mexico City sang Cancun, một điểm du lịch nổi tiếng của Mexico, để đón New Year và hưởng “những ngày hè nắng ấm” giữa mùa đông lạnh lẽo của nước Mỹ. Một kết hợp hành hương và du lịch. Dù trong tờ chương trình, trưởng đoàn (TĐ) có thông báo vì các resort ở Cancun đã hết chỗ, nên chúng tôi sẽ ngủ qua đêm tại motel nhỏ ở Cancun, chờ sáng 1/1/2015 mới tới khu resort, trong đầu tôi vẫn hình dung dù ở motel nhỏ, chúng tôi vẫn có thể tự mình ra phố để cùng hòa niềm vui đón mừng “New Year” với mọi người, chứ chẳng lẽ đi du lịch mà thời khắc vui nhất của năm mới, lại nằm trong phòng ngủ thì vô lý quá!


Khi đoàn đến phi trường Cancun vào buổi chiều, chúng tôi được hướng dẫn ra xe để về motel tắm rửa nghỉ ngơi, rồi 6 giờ chiều sẽ được đón đi ăn tối ở nhà hàng. Xe chạy giữa đường 'free way' thì quẹo chữ U và đưa chúng tôi vào sân một motel. Khi xuống xe chúng tôi cảm nhận hình như có điều gì không bình thường, vì motel là một dãy nhà lầu, ở dưới là garage và phía trên là phòng ngủ. Sau khi được phân phòng, tôi xách va ly lên cầu thang. Lúc bước vào phòng, tôi thấy thiết kế trong phòng có vẻ gì khác lạ: một cái giường rộng đẹp hình vòng cung, phía cuối giường, sát tường là một sân khấu nhỏ với đèn đổi màu liên tục: xanh, đỏ, tím, vàng và một cột trụ ở giữa. Phía bên trái giường lớn là một cái ghế nệm hay cái giường nhỏ cong hình chữ S, không biết để làm gì. Lát sau H (cô bạn ở chung phòng) nhờ họ xách vali lên phòng, tôi bèn hỏi H:
- Em nhìn coi, sao phòng này họ thiết kế gì kỳ vậy em? Có nhiều chỗ không hiểu.
- Emh cũng kông biết nữa, vali em to quá, xách lên cầu thang không nỗi, nên em phải nhờ họ xách giùm. Em mệt muốn chết, vì đâu có motel nào mà khách phải tự xách hành lý leo lên cầu thang. Lần sau em sẽ học bài học từ chị, đem hành lý gọn nhẹ cho khỏe cái thân
 - Đúng rồi đó em, phải học "buông xả" từ từ mới được, chứ đi du lịch mà cái gì cũng muốn xách theo thì làm sao khiêng nổi.
  Theo thói quen, mỗi lần đến hotel tôi đều vào phòng tắm trước cho mát mẻ sạch sẽ, rồi mới ra nằm nghỉ. Tìm ra phòng tắm, tôi mới phát hiện phòng tắm gì kỳ lạ, không có cửa, cũng không có màn che, làm sao tắm? H cười :
- Chắc đợi tối về, tắt đèn tối thui rồi tắm trong bóng đêm, nếu không muốn biểu diễn sexy show. Em mệt quá, em ngủ đây!
  Tôi thấy sợ không dám tắm, tới giường định nằm xuống nghỉ ngơi một lát, vừa đặt lưng xuống thì phát hiện trên trần nhà là một tấm gương to bao phủ cả giường, nhìn bên trái cạnh bên khu có giường nhỏ cũng có một tấm gương dài, nghĩa là nhất cử nhất động trên giường đều được các gương phản chiếu lại. Nhìn sang thấy H ngủ rồi, tôi thấy hơi sợ định chạy sang phòng bên cạnh của vợ chồng chị bạn thân, mới biết họ thiết kế mỗi phòng là một “thế giới riêng”, không phòng nào tiếp xúc với phòng nào được. Tự nhiên tôi thấy lạnh run, đèn thì mờ, tôi lò dò lại gần máy lạnh tìm cái “remote control” để tắt, thì thấy trên vách dán một tờ giấy, tưởng là giấy hướng dẫn sử dụng máy lạnh, nên lò dò xem thì ra đó là giấy hướng dẫn sử dụng cái ghế hình chữ S, mà lúc nãy tôi thắc mắc không biết để làm gì, với hình ảnh 12 kiểu làm tình theo lối Sakutra! Tôi hết hồn trở lại giường, ngồi ngẩn ngơ không biết làm gì vì chưa tới giờ hẹn đi ăn, chợt nhớ tới cái vụ đón mừng “New Year's Eve” chắc là tiêu tan hy vọng rồi, vì motel ở giữa đường free way chung quanh vắng vẻ “như chùa bà đanh”. Thôi thì tùy cơ ứng biến “sảy con cá, bắt con cua”, tôi lấy remote control tivi rà tìm đài CNN hay ABC để tối nay xem chương trình “New Year's Eve” khắp thế giới cho đỡ buồn. Ai dè tivi đã được “set up” sẵn chỉ có 5,6 đài toàn chiếu phim sex và sex shop. 


Thôi tôi hiểu ra rồi, bây giờ cái đầu óc khờ dại của tôi mới chịu “sáng lên” để giải tỏa những thắc mắc tự nãy giờ và nhận ra rằng chúng tôi đã bị đưa vào “động quỷ”. Tôi vội vàng đeo cái bóp nhỏ, chạy xuống cầu thang, phóng ra sân thì mới biết cả đám đã tụ họp ở đó tự bao giờ. Chúng tôi thi nhau kể lại quá trình từng bước khám phá ra cái "động quỹ" này. Tội nghiệp nhất là 2 cô L và T:
- Tụi em vô phòng thấy vậy sợ quá, quăng đồ đó rồi chạy ra sân đứng tự nãy giờ. Tối nay tụi em thà ngủ ngoài đường, chứ không ngủ trong cái phòng ghê rợn đó đâu.
Một chị khác tâm tình:
-Tụi mình vừa đi hành hương, như lên cõi thiên đàng, bây giờ bị lôi tuột xuống địa ngục, ghê quá!
Chị khác thiệt thà kể:
- Tôi thấy vậy, vội chạy đi giấu cái remote control tivi, kẻo để ông chồng xem xong lại “nổi máu tề thiên đùng đùng” thì chết tôi luôn.
- Trời ơi, tôi sợ quá, không dám nằm trên cái giường đó đâu, coi chừng bị lây bệnh chết!
- Tưởng đi hành hương và vacation để xả stress ai dè còn bị stress hơn!
Có người đề nghị:
-Hay là tối nay tụi mình ra bãi biển ngủ đi cho nó mát được hít thở gió biển cũng khỏe lắm, còn hơn ngủ trong cái phòng "mắc dịch".
- Thôi đi, giờ này còn mơ mộng, tiếng Mễ không biết nói làm sao gọi xe, lỡ nó chở đi tới một hang động khác thì còn chết dở.
  Nghe vậy mọi người lại rơi vào im lặng và sợ hãi. Dù là được hẹn 6 giờ mới tập họp để đi ăn ở nhà hàng, nhưng 5 giờ đa số đã có mặt bàn tán xôn xao vì không thấy bóng dáng chị TĐ đâu cả? Chỉ có 2 đứa con của chị (một em nhỏ và một sinh viên) theo chúng tôi về motel. Mọi người hoang mang lo lắng sợ mình lâm vào cảnh bị “đem con bỏ chợ” nơi xứ lạ quê người, nhất là dân Mexico, số người biết tiếng Anh rất ít! Hai em tìm cách text message và liên lạc điện thoại với mẹ, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Trời bắt đầu sẩm tối, 6 giờ, rồi 7 giờ, mọi người đói bụng cồn cào, vì theo tờ chương trình chúng tôi được đảm bảo ăn ngày 3 bữa. Nhưng hôm nay chỉ có ăn sáng ở hotel, rồi chuẩn bị hành lý ra phi trường chờ chuyến bay đi Cancun. Trên máy bay chỉ cho uống nước, xuống máy bay bị chở về đây, nhiều người đã tới giờ uống thuốc nhưng không thể uống thuốc khi bụng đói (nhất là quý vị cao niên). Mọi người sốt ruột hỏi thăm hai em: "Mẹ đâu?", chúng lắc đầu trả lời “I have no idea”. Có người mệt muốn xỉu, Steven ( con trai lớn của TĐ) linh động giải quyết:
- Có ai đói bụng quá, thì order đồ ăn ở motel này ăn đỡ!
Nhưng đa số không ai chịu ăn và muốn gặp TĐ. Một anh trong đoàn bắt đầu mất kiên nhẫn:
- Tôi không ăn gì ở đây hết, tôi bị bỏ rơi nên cần gặp TĐ để yêu cầu trả tiền lại, nếu không được, tôi sẽ nhờ luật sư can thiệp...



Đêm giao thừa kinh hoàng trên đất Mễ (kỳ2) 

Nghe anh nhắc tới vụ “trả tiền lại”, tôi mới nhớ lại họ tự đặt ra luật riêng “mỗi người đóng deposit 500$ tiền mặt, nếu đổi ý sẽ bị mất tiền dù là thời gian trước ngày đi còn rất xa). Phần 1500$ còn lại, tôi muốn đóng bằng credit card, (để có gì xảy ra còn được bảo vệ), nhưng TĐ làm khó dễ đủ kiểu nào bắt copy bằng lái xe, copy credit card, rồi còn phải điền một cái đơn cam kết không được đòi tiền lại. Tôi thấy điều kiện quái gở và vô lý nên nghi có vấn đề, định bỏ cuộc, nhưng nghĩ tới những người bạn mình đã rủ đi chung, phải có trách nhiệm với họ, nên đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đóng tiền mặt hết cho xong. Đây là một kinh nghiệm cho những ai muốn đi hành hương cần phải xem xét cẩn thận về những điều lệ họ đặt ra, kẻo lỡ dính vào rồi không gỡ ra được. Vì làm ăn thiếu trách nhiệm nên họ đã tự đặt ra những luật lệ riêng để bảo vệ quyền lợi của họ tối đa, còn quyền lợi của khách thì bị bỏ trống. Đừng vội tin vào những quảng cáo trên các tờ truyền thông Công Giáo với tên các cha là thấy bảo đảm, vì quý vị ấy cũng chẳng biết gì hơn chúng ta.
Chị bạn thấy ông xã càng lúc càng nổi nóng lên, kéo tôi ra ngoài nói nhỏ:
- Bà làm ơn nói khéo giùm để ông xã tôi “hạ hỏa”. Bà là người ngoài nói may ra ổng nể mà “dịu cơn”, tôi mà nói vô ổng còn điên tiết thêm thì khổ! Ổng bị stroke đứt mạch máu não 1 lần rồi, bây giờ ổng lên cơn nóng, hỏa bốc lên stroke lần nữa là tiêu luôn đó! Tôi sợ quá, bà rán giúp tôi.
Tôi nghe xong thấy hoảng, lỡ có chuyện gì thì ân hận cả đời, vì tôi là người rủ họ đi hành hương chung. Dù trong lòng đầy bất mãn, tôi cũng trở vào sân, dùng giọng dịu ngọt:
- Anh làm ơn bớt giận, từ từ chuyện đâu còn có đó. Chúa dạy mình "chậm bất bình và đầy lòng khoan dung", chắc là có trục trặc gì đó. Không sao đâu, có thể là chuyện "Tái ông thất mã". Cứ tin như vậy đi, cuối năm xui xẻo cho hết, để đầu năm mới mình lại gặp may...
Steven nãy giờ chắc thấy tình hình căng quá, nên đã linh động gọi (may là Steven biết nói tiếng Spanish, nếu không chắc bó tay luôn) thuê xe van và taxi tới để chở mọi người ra nhà hàng Hong Kong ở down town để ăn tối. Khi nghe mọi người reo lên “xe tới rồi”, tôi mừng quá vội nó : “Chắc là chị TĐ cho xe đến đón mình đi ăn, rồi ra đó sẽ gặp chị TĐ sau”.


Khi xe chở chúng tôi tới nhà hàng, chúng tôi phải đứng đợi ở ngoài cửa, vì tối New Year's Eve, nhà hàng không nhận khách. Đa số các bàn đã đặt chỗ trước, nhìn các dãy bàn trang hoàng lộng lẫy với bong bóng đủ màu, nón, vương miện với hàng chữ “Happy New Year 2015” lấp lánh kim tuyến, “trông người lại ngẫm đến ta” nhìn lại cái “đám lưu vong” của mình đang lêu bêu, không chỗ ăn, chỗ ngủ mới thấy thương hại và tội nghiệp làm sao! May quá, sau một hồi Steven năn nỉ, ỉ ôi chắc là tả oán lâm ly bi đát về hoàn cảnh đáng thương của chúng tôi, nhà hàng đồng ý mở cửa cho chúng tôi vào và đứng chờ đợi họ dọn dẹp 2 bàn ở góc phòng trong để phục vụ bữa ăn tối cho chúng tôi. Mọi người bảo nhau thôi xí xóa chuyện cũ để có một bữa ăn cuối năm cho ngon miệng. Đang đói quá nên ăn cái gì cũng thấy ngon miệng, mọi người khen nhà hàng nấu ăn ngon. Ăn xong rồi vẫn chưa thấy bóng dáng TĐ đâu, mọi người lại bắt đầu lo lắng. May quá Steven đã liên lạc được với me. Thì ra TĐ thuê xe nhỏ, rồi tự lái theo GPS để chở cha linh hướng và con gái nhỏ đến motel khác, nhưng bị lạc chạy lòng vòng mấy tiếng đồng hồ. Khi TĐ xuất hiện mọi người mừng quá lo áp dụng câu “một sự nhịn, chín sự lành” nên “nhỏ nhẹ” đề nghị cho đổi motel vì không ai muốn ngủ ở cái “động quỷ” đó hết.TĐ gật đầu đồng ý và ghi xuống địa chỉ motel mới, nơi chị ấy đã book 3 phòng cho cha linh hướng và mấy mẹ con chị ấy ở (còn gần 20 người chúng tôi thì được “ưu ái” nhét vô “động quỷ”). Chị ấy còn cho biết motel mới còn nhiều phòng trống lắm, yên tâm đến đó ở. Mọi người nghe vậy thở phào nhẹ nhõm, như vậy là khỏe rồi, bây giờ ra xe đi về motel cũ lấy hành lý rồi qua motel mới ở, coi như đoạn đường gian khổ đã chấm dứt. Nào dè vấn đề không đơn giản như vậy, tới đó mới xong tập 1 của “đêm giao thừa kinh hoàng, nhớ đời”


Rời nhà hàng chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì mọi việc đã giải quyết êm xuôi tốt đẹp, chỉ cần ra xe về motel cũ, lấy hành lý rồi qua motel mới, nên lòng cảm thấy chút vui vui, thôi tập sống Thiền: “an trú trong hiện tại”, mọi chuyện năm cũ bỏ qua vì năm mới sắp đến. Nhưng chưa ra tới khu đậu xe, thì thấy mấy người ra trước trở ngược lại:
- Tài xế đóng cửa không cho lên xe, ông đòi gặp TĐ nói chuyện rồi mới chở mình về
- Sao kỳ vậy?
- Hình như ông ta muốn đòi thêm tiền, vì trời đã khuya, đêm nay lại là đêm giao thừa
- Vậy thì vô kêu TĐ ra gặp nói chuyện với ông tài xế đi.
Khi một số người vô nhà hàng gặp TĐ nói lại đề nghị muốn gặp của tài xế, thì TĐ viện cớ đang mắc ăn, rồi còn lu bu nhiều chuyện cần giải quyết nên không ra. Vậy là chúng tôi đành đứng đợi, sau một hồi đợi khá lâu, một anh trong đoàn bực mình nói:
- Trời khuya rồi, cả ngày long đong, tụi tôi cần về nghỉ ngơi, chị phải ra gặp họ giải quyết vấn đề rồi hãy ăn có được không, chứ đợi chị tới bao giờ?
Lúc đó TĐ mới tuyên bố:
- Tôi không ra gặp họ đâu. Họ tìm cách bắt chẹt để "chém" mình đó.
- Như vậy bây giờ giải quyết vụ đi về ra sao?
- Dễ lắm, cứ chia ra từng nhóm nhỏ 4 người, đón taxi đi là gọn nhất.
- Giờ này khuya rồi, lại đêm giao thừa nữa, biết có còn taxi không?
- Đừng lo, tôi bảo đảm taxi lềnh khênh đầy đường, ra ngoắc là có liền.


Một lần nữa chúng tôi lại khờ khạo tin vào lời nói của TĐ. Chúng tôi tự chia làm nhiều nhóm nhỏ, ra đứng ở đầu các ngã 4 đón taxi, nhưng rất khó đón vì khuya rồi nên lâu lâu mới có 1 chiếc. Vì thế có màn nhóm đứng đầu đường này, nhóm phải băng qua đường đứng ở ngã 4 khác. Tưởng tượng trong đêm khuya gió lạnh, chúng tôi như bầy chim bị xẻ đàn, đứng lang thang từ góc phố này, đến đầu đường kia để ngoắc taxi. Đa số xe không dừng lại, thỉnh thoảng có chiếc dừng lại, nhưng khi chúng tôi đưa địa chỉ cho họ xem, thì tài xế lắc đầu không biết. Bí quá, tôi bèn trở lại thương lượng với tài xế xe van lớn đã chở cả đám tới đây lúc nãy, vì ông ta biết tiếng Anh. Lúc đầu ông ta đòi 3000 peso(1$US = 14 peso) rồi sụt xuống 2000 peso , ông sẽ chở cả đám về motel cũ lấy hành lý, rồi chở qua motel mới. Sau khi thương lượng một hồi ông ta chịu xuống giá 1000 peso. Thấy TĐ đi ngang tôi quay qua hỏi ý kiến, thì chị khoác tay, chê mắc quá, hãy ra đón taxi đi. Sau này tôi mới thấy mình dại, trong những trường hợp đêm khuya lại ở chỗ lạ, mình nên tự quyết định vì chỉ có "mình tự cứu mình" thôi, không nên trông cậy vào ai hết. Đồng tiền không thể lớn hơn sự an toàn của bản thân. Trước đây có nhiều người đi tour với TĐ này cũng từng bị cảnh “dở khóc, dở cười”, nhưng không ai dám mạnh dạn thẳng thắn nói lên sự thật để góp ý như người Mỹ, mà cứ theo kiểu Việt Nam “dĩ hòa vi quý”, bề nào cũng lỡ rồi, nói ra mất lòng rồi bị ghét. Như vậy là quý vị chọn sự "êm đềm" cho bản thân, rồi để sau này bao nhiêu người khác lại "ngu ngơ" đi vào" vết xe đổ" như quý vị. Trong một thánh lễ tại Cancun, tôi nhớ cha linh hướng đã giảng “Đứng trước một cái xấu, một cái sai, nếu ta làm ngơ, là ta đã đồng lõa với cái xấu, cái sai đó. Như vậy là có tội!"


Đêm giao thừa kinh hoàng trên đất Mễ ( kỳ #3 - hết) 

Sau đó cả đám lại tản mác đi kiếm taxi trong vô vọng. May quá có một nhóm đón được taxi, tài xế gật đầu biết chỗ, mừng quá họ lên xe, rồi xe chạy vút đi. Thôi mừng cho họ sớm thoát khỏi cảnh "đứng đường" như chúng tôi. Số còn lại đứng ngoắc taxi riết, rã rời cánh tay, rồi cứ lăng xăng chạy từ bên đây đường, qua bên kia đường với hy vọng kiếm được taxi. Nhìn lại, TĐ đã biến mất tiêu tự lúc nào? Taxi ở đây có điểm lạ, đó là màn “đi taxi chung với người lạ”, nên nhiều khi thấy trên xe đã có khách, khi ngoắc họ vẫn dừng lại. Nếu thấy mình đi cùng hướng thì họ sẽ cho mình lên xe đi chung. Một lát sau,bỗng thấy có một taxi trờ tới thả khách xuống, chúng tôi mừng quá chạy lại để đưa địa chỉ nhờ họ chở đi, ai dè những người khách bước xuống là 4 người “phe ta” may mắn đi taxi lúc nãy. Hỏi thăm mới biết là tài xế chạy được một đoạn rồi, ghé hỏi thăm mấy xe khác, nhưng ai cũng lắc đầu không biết đường đi, nên ông ta đành chở khách thả lại chỗ cũ mà không lấy tiền
Mọi người bàn nhau cái địa chỉ gì bí hiểm quá, không tài xế nào biết đường đi hết, chắc chỉ dân trong "đường dây ăn chơi" mới biết chỗ mà thôi. Đứng đường ngoắc taxi cả tiếng, tay mỏi rã rời mà chẳng có kết quả gì, chẳng lẽ đêm giao thừa tối nay, tụi mình phải ngủ đứng đường?
Một chị đề nghị:
- Khuya quá rồi, chắc mình kêu taxi chở ra airport, ngồi ngoài đó dù sao cũng có đèn sáng và đông người cũng đỡ sợ hơn
Trong lúc bối rối, lo đủ chuyện mà quên mất vụ khấn Đức Mẹ Guadalupe, nghe nói Đức Mẹ rất thiêng. Tôi bắt đầu cầu nguyện với Đức Mẹ: “Mẹ Guadalupe ơi, chúng con đến xứ sở này để hành hương kính viếng Mẹ. Bây giờ rơi vào cảnh "lỡ đường lỡ chợ", xin Đức Mẹ soi sáng dẫn lối chỉ đường để đêm nay chúng con có chỗ ngủ bình an.
Đúng là :


"Người vinh quang mơ ước địa đàng
Người gian nan mơ ước bình thường"


Bây giờ thì không cần “celebrate New Year” gì cả, chỉ cần có một chỗ ngủ bình thường là quý lắm rồi. Một chị bỗng có sáng kiến:
- Tại sao mình không kêu taxi về địa chỉ motel mới để có chỗ ngủ qua đêm trước, rồi mọi chuyện khác tính sau, chứ đợi về cái “động quỷ” kia lấy hành lý, nhưng không taxi nào biết chỗ hết thì đợi tới bao giờ?
Tôi tán đồng ý kiến này liền, kiểu "bỏ của chạy lấy người', lúc chiều vội vàng chạy khỏi phòng, tôi chỉ kịp đeo cái bóp nhỏ, trong đó có ít tiền lẻ và cái máy chụp hình nhỏ. Còn bao nhiêu tư trang, tiền bạc, kể cả pass port, tôi đều không mang theo, vì nghĩ đi ăn tối rồi về. Đâu biết tình thế xoay vần theo kiểu này. Thôi thì:


"Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu?" (ND)


Mấy phút sau, tôi đang khấn Đức Mẹ Guadalupe tiếp, thì nghe có tiếng reo:
- Có taxi rồi, lẹ lên đi về motel mới
Mừng quá tôi vội chạy lại leo lên xe, tiếp tục cầu nguyện cho tài xế chở tới nơi, chứ đừng nửa đường dừng lại “quay về chốn cũ” như xe taxi lúc nãy thì khốn đốn.
Xe tới nơi, dò đúng địa chỉ motel mới, chúng tôi xuống xe và neo tài xế đợi, vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tới phòng tiếp tân chúng tôi bấm chuông, có người ra mở cửa, chúng tôi hỏi thăm bằng tiếng Anh, họ trả lời bằng một tràng tiếng Mễ, nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu mô tê gì cả. Đúng là “ai nói, nấy hiểu”, thiệt là “dở khóc, dở cười”. Họ vào đánh thức manager dậy, rồi liên tiếp mấy chiếc taxi chở “phe ta” tới. Thấy “phe ta” tới khá đông và bà manager cũng biết chút đỉnh tiếng Anh, chúng tôi mới bắt đầu thấy vững tin hơn. Đúng như lời một bài hát thánh ca:


"Con tưởng rằng con vững tin,
tin vào Chúa là Cha nhân hiền
khi đời sống nhẹ trôi êm đềm
với tháng ngày lặng lẽ bình yên
nhưng khi đường đời gieo nguy khó
bên trời ngập tràn cơn giông tố
con lo âu lạc bến xa bờ
con mới biết rằng con chưa vững tin"


Bây giờ lại tới cái kẹt khác, là 3 phòng TĐ đã book rồi và để dành cho nhóm tôi, nhưng TĐ mang chìa khóa theo, nên chúng tôi không vào phòng được. Motel chỉ có 1 chìa duy nhất cho mỗi phòng, không có chìa khóa “xơ cua” để mở cửa. Lại phải chờ đợi chạy tới, chạy lui giữa phòng ngủ và phòng tiếp tân, may là không có hành lý gì cả, vì lúc nãy “ra đi với 2 tay không”. Đúng là một đêm giao thừa đặc biệt nhớ đời, sống như người tiền sử: không tắm rửa, không đánh răng, không quần áo để thay. Hú vía, tưởng là bị ngủ đường đêm nay rồi chứ! Thôi cứ coi như "cuộc đời nhẹ tợ lông hồng" cho nó khỏe! Mọi việc giao cho Chúa để Chúa lo, như trong một đoạn phúc âm khi các tông đồ trong cơn sợ hãi, Chúa đã xuất hiện và nói: "Thầy đây, đừng sợ".


Một số người trong đoàn chúng tôi, sau khi nhận phòng không an tâm về hành lý còn để lại bên motel cũ, nên quyết tâm trở lại để lấy đồ đạc. Vậy là họ lại tiếp tục đi vào con đường gian nan tập 3. Sau này nghe T kể lại: “Tụi em đi cùng với TĐ để về motel cũ lấy hành lý. Đón nhiều taxi, mới có 1 taxi, tài xế biết chỗ và đồng ý chở đi với giá 200 peso, nhưng đường đi xa quá, tài xế cũng đi lạc và mất phương hướng. Họ lái xe đi vòng vòng trong những con hẻm tối thui làm tụi em run muốn chết, vừa đi vừa cầu nguyện. Tài xế dừng lại nhiều lần hỏi thăm tùm lum, cuối cùng đi gần cả giờ họ mới tìm được chỗ motel cũ. Đến nơi tài xế cho rằng, họ không biết là đường quá xa, lại đêm hôm khuya khoắt, chạy vòng vòng mất nhiều thời gian, nên đòi phải trả 700 peso. Nhưng TĐ nhất định chỉ trả 200 peso như đã mặc cả. Thế là hai bên cãi nhau ỏm tỏi, bên nào cũng quyết liệt, không ai chịu thua ai. Người Mễ nghe cãi nhau bu đầy nghẹt làm tụi em sợ muốn chết, vì mình “thân bơ vơ, xứ lạ quê người”, lỡ họ hè nhau “đánh hội đồng” thì chết! Cuối cùng phải gọi cảnh sát tới giải quyết, cảnh sát cho rằng lý luận của tài xế là đúng vì đường quá xa nên yêu cầu TĐ phải trả 700 peso cho tài xế. Bây giờ mới biết đúng là “già néo, đứt dây”, hồi tối tài xế xe van lớn chở cả đám về motel cũ đợi lấy đồ, rồi chở qua motel mới đòi có 1000 peso, bị TĐ cho là “chém”, chê mắc không chịu đi. Báo hại cả đám vất vả long đong, đứng đường hồi họp cả đêm để đón xe! Bây giờ lại chịu đựng thêm cảnh này, đúng là “ác mộng”.


Cảnh sát giải quyết xong, motel mới mở cửa cho vô lấy đồ, hì hục khiêng đồ ra trong khi trời đổ mưa lâm râm, ướt đầu, ướt áo hết. Nhớ lại lời bài hát của NS Vũ Thành An: “Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi” càng thấy mỉa mai! Thiệt là "Chưa có đêm nào kinh khủng bằng đêm hôm nay". Đúng là “đêm kinh hoàng”. Nhóm ở lại motel mới, thấy mấy người đi về motel cũ lấy đồ sao đi lâu quá, mấy tiếng rồi vẫn chưa thấy về, đường thì xa, trời quá khuya, không biết có chuyện gì xảy ra không, nghe nói ở Mễ hay có cướp nhiều lắm, nên cũng hồi hộp lo âu căng thẳng, đứng ngồi không yên, nói gì đến ngủ. Trong phòng khi thì tiếng điện thoại reo, lúc thì tiếng đập cửa rầm rầm để hỏi thăm tin tức những người đi lấy đồ sao lâu quá chưa về... Mệt quá, chợp mắt được một chút thì TĐ về tới, đập cửa rầm rầm các phòng, kêu ra nhận hành lý. Mọi người mắt nhắm, mắt mở chạy ra trong mưa lâm râm để kéo hành lý về phòng. Nhìn lại đồng hồ trong điện thoại 3:30 sáng ngày 1/1/2015


Ôi ! đúng là một đêm giao thừa quá đặc biệt, nhớ đời, không thể nào quên, "không bao giờ quên, không bao giờ quên..."


Cancun, New Year's Eve 2015

Nguồn: VienDongDaily.Com


____________________________________________________________

No comments:

Post a Comment