Thursday, September 1, 2016

Cõi Già Trên Đất Lạ!

Andrew Lâm

Andrew Lâm
* Andrew Lam là một biên tập viên của NAM (New American Media) và cũng là tác giả cuốn Perfume Dreams: Reflection on the Vietnamese Diaspora (Những Giấc Mơ Hương: Hoài Niệm Cuộc Sống Xa Quê) / (Heyday Books, 2005). Cuốn sách này gần đây đoạt giải thưởng Beyond Margins 2006 của Trung Tâm Văn Bút Mỹ (PEN American Center).

Đây là bài viết của bà Thi - vợ Tướng Lâm Quang Thi. Đọc thấy hay, nên chuyển đến các anh chị và các bạn đọc.
Andrew Lâm là con trai của ông bà Thi. Bây giờ cả hai cũng đều ở nhà dưỡng lão rồi. Buồn cho tuổi già ! Thật tội nghiệp cho tuổi già khi sống cô đơn ! 

* Thuật lại theo lời kể của mẹ anh, bà Ngọc B. Lâm.

* * *

Người Việt có một câu nói: “Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già”. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.
 
Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi. Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có thân nhân, giòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền.
 
Một khi ta đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết. Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Chúng ta bị buộc phải ra đi khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, và chúng ta đã sống xa xứ từ lúc đó. Ngày nay, bạn bè và thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới.
 
Tại Mỹ, càng già càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình. Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo n
a. Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.
 
Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu Châu vào kỳ hè tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ.
 
Điều mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều. Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là “nghề đặc biệt” của tôi - người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng. Tôi phải viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.
 
Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những niềm vui nhỏ của tôi.
 
Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?
 
Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời:
“Đó là lối sống của người Việt Nam”. Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão, ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!

 
Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được. Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi.
 
Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.

Andrew Lâm (Tạp Chí Da Màu)
(Nguyễn Đức Nguyên chuyển ngữ)

_________________________________________________________


4 comments:

  1. Cũng tại cái tụi CS tàn ác ngu mụi nên mới có cảnh ngày nay.

    ReplyDelete
  2. Sau gần 75 năm sống trên đời tôi khám phá ra nguyên nhân để có hạnh phúc: hãy bằng lòng với cái mình đang có.
    Các bạn già của tôi ơi, chúng ta không so sánh đời mình với nguời khác, không đứng núi này trông núi khác, hãy nhìn bề mặt của cái mề đay, hãy chọn góc nhìn tốt đẹp mà quên đi những góc xấu xí khác. Thí dụ như ta cứ thấy cái "đẹp" cho tuổi già đang ở VN: con cháu đầy nhà,đuợc "kính trọng" vì mình lớn tuổi, hàng xóm thân thiện..nhưng biết bao điều tệ hại ta phải đối diện: môi trường xã hôi bất ổn ,trộm cuớp đầy rẫy,không khí ô nhiễm ,thực phẩm nhiễm độc, và tệ nhất là cộng sản độc tài đang nắm quyền cai trị mình. Còn chúng ta bên đây : thuốc men,thức ăn đầy rẫy,nhà thuơng rất tốt lành.Con cháu không ở gần thăm viếng mình thì đành chịu vậy. vì mình chẳng muốn làm gánh nặng, ưu tư thêm cho cuộc đời của tụi nó,chúng ta hãy vui khi tụi nó đang vui không-có-mình. Truớc sau ta sẽ từ bỏ trần thế này như bao nguời truớc xá gì vài lời thăm hỏi,cử chỉ ân tình! nghĩ lại đi tôi thấy tôi thấy rất bình an trong những ngày tháng cuối đời này và đang sửa soạn dọn vào viện dưỡng lão mà tôi đã chọn từ hai năm truớc. Niềm vui không lệ thuộc vào ai là đuợc đọc kinh niệm Phật và tìm an lành ở chốn an lành ấy..

    ReplyDelete
    Replies
    1. QN rất đồng ý với những chia sẻ của nhà Bác về hành trang chuẩn bị cho tuổi xế chiều.
      Hướng sự suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, Học tính chấp nhận và quan trọng nhất giữ được tâm an thì mọi việc dù đi hay đến cũng sẽ rất nhẹ nhàng.
      Quí mến./QN

      Delete
  3. chắc chắn bà này SƯỚNG QUÁ HÓA CUỒNG và cũng có thể vì bà đang mang dòng máu khong được HỒNG cho lắm nên khong phù hợp với môi trường ,còn nói về tâm linh thì có lẽ là nhân quả .....thân aí


    ReplyDelete