Thursday, August 25, 2016

Hoa Trắng Trong Mùa Vu Lan Đầu

Peace Nguyễn

(hình: Internet)
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười
(Trần Trung Đạo)

Mùa Vu Lan đã về, mùa của Hạnh Hiếu, và là mùa gặp mặt của kẻ âm người dương. Nhớ ngày còn bé, tôi thường mong đến ngày Vu Lan, để đêm về, lén ra sông Hương, vớt những chiếc đèn lồng trôi trên sông. Ánh sáng lung linh của những ngọn đèn nhấp nhô trôi trên mặt nước, như đưa đường cho những người đã khuất tìm về với người thân. Dù đang vào hè với tiếng ve inh ỏi, nhưng cứ vào  tháng 7, thì cơn mưa phùn lất phất kéo về, phải chăng để bắc cầu Ô Thước cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau! Bao nhiêu năm lạc lõng trên xứ người, là bao nhiêu lần tôi tìm đến chùa để hân hoan nhận được một Bông Hồng cài áo. Nhưng mùa Vu Lan này, tôi sợ không cầm được nước mắt khi phải cài một hồng trắng, bởi vì Mẹ tôi vừa ra đi sáu tháng.

Người ta thường bảo: "Mất Mẹ là mất cả bầu trời". Với tôi, tôi chỉ thấy đời mình tròng trành như con thuyền trên sông, thiếu mái chèo đưa đẩy, nên chẳng biết đi về đâu. Mỗi buổi sáng, tôi ngồi ngắm khu vườn nhỏ, bên tách café đen, nhìn giàn dây leo với những mầm non vươn dài, một màu xanh biếc đầy sức sống. Còn phần gốc cây, những chiếc lá già chuyển màu héo úa, chờ rơi rụng. Đời là thế, sống chết là qui luật tạo hóa, dẫu biết thế, nhưng không còn Mẹ, tôi vẫn thấy mình chao đảo, như nhánh mầm non kia gặp gió, ngã nghiêng không biết bám vào đâu cho vững vàng để tiến bước.

20 Tết Âm Lịch, được tin Mẹ sức khỏe đã yếu dần, tôi vội vàng, với bốn chuyến bay thẳng về Qui nhơn, chạy ngay đến bên gường bà: "Má… Con về nè!". Bà ừ lên một tiếng nhỏ rồi nằm thiêm thiếp bất động, thều thào: "Má mệt!". Dù chỉ nằm mới nửa tháng, nhưng bệnh tiểu đường quái ác đã làm lở lói hai cánh tay và lưng của bà. Mỗi buổi sáng làm vệ sinh, rồi thoa thuốc cho bà, nhìn bà nằm thoi thóp hết sức sống, lòng tôi đau như dao cắt. Nhớ lại, mới ngày nào đó...

Má tôi sinh ra và lớn lên từ làng Đại Cát huyện Ninh Hòa, cái làng nghèo khổ, chuyên sống bao đời bằng nghề làm lò vôi, gạch ngói. Trải qua bao nhiêu thế hệ con cháu, thăng trầm hai chế độ, làng Má tôi vẫn đầy đất cát và không có gì xây dựng tốt đẹp hơn. Bà ngoại bỏ má tôi, khi má tôi còn bé thì sống với dì ghẻ, má tôi không được đi học, ở nhà giữ em, sàng, giã gạo, gánh nước, v.v... Làm việc quần quật suốt ngày, nhưng vẫn thường xuyên bị đòn. Lần đầu tiên được thấy máy chụp hình, với ông thợ trùm kín đầu trong máy, bà say mê nhìn, quên về. Hay một lần ban nhạc về làng, bà chạy theo nghe, bỏ công việc, nên bị đòn. Có lần, dì ghẻ sai đi mua bánh in, cái bánh làm bằng nếp khô, hình vuông, nhưng trên đường về đến nhà, cái bánh biến thành hình tròn; bởi vì thèm quá, bà "khới" bốn góc, nên lại bị một trận đòn nhừ thân. Sự thiếu vắng tình mẫu tử ảnh hưởng đến tâm lý, khiến bà ganh tị với những đứa trẻ được mẹ tưng tiu. Bà kể: "Má đợi khi hai mẹ con nó đi tắm ao, là Má lặn xuống tận đáy, véo cho đứa bé khóc thét lên, nước ao đục ngầu, nên mẹ nó đâu biết được".

Ba tôi là người yêu của Má tôi. Lúc ông đến nhà, Má tôi là cô bé 12 tuổi, quần xăn tới bắp chân, xay gạo. Thấy ông, bà mừng lắm vì được ông cho tiền mua kẹo. Bẵng đi hơn sáu năm, ông trở lại, dì tôi mất, còn Má tôi giờ là cô gái 18 tuổi xinh đẹp, phơi phới. Bà phải lòng Ba tôi, một người đàn ông chững chạc, lịch lãm đẹp trai, nói tiếng Tây, làm thông ngôn cho Pháp. Ông đưa bà đi, không đám cưới, chỉ có câu nói của ông ngoại làm quà: "Cha không cần gì cả, chỉ mong con có cơm chia cơm, có cháo chia cháo, đừng bỏ vợ con". Ông đưa Má tôi lên Ban Mê Thuột, ở trong đồn Tây. Bà được ông dạy học đọc, học viết. Vớí những đêm nằm nghe tra khảo, những tiếng la hét kinh hoàng, bà bị khủng hoảng. Má tôi kể, chỉ cần Ba tôi gật đầu, hay lắc đầu cho hai chữ Việt Cộng, khi một người bị tra tấn, là cuộc đời họ thay đổi hết. Nhưng Ba tôi là người chân chính, còn Má tôi không ham tiền trên mạng sống, nên bà buộc ông thôi việc.

Dầu không được đến trường, nhưng má tôi là người thông minh, nhanh nhẹn. Bà tính nhẩm rất hay, chê tôi làm cô giáo toán mà chậm hơn bà.

Năm 2001, bà qua Mỹ du lịch. Dù không người dẫn dắt, không một chữ tiếng Anh, nhưng bà ra đi rất tự tin. Một lần, tôi mua vé xe bus cho bà lên Oklahoma, bà vẫn không sợ khi đổi xe bus ở Dallas. Má tôi kể, trên chuyến xe, bà bị ăn cắp bóp tay. Tôi hỏi: "Nhưng làm sao Má lấy lại được?”, bà bảo: Dễ thôi, Má không nói gì, chờ đến trạm Dallas, Má tìm người Việt Nam, nói giùm với tài xế rằng trong bóp không có gì quí giá, nhưng rất quan trọng, đó là số phone, nếu không có , sẽ không liên lạc được với ai, thì phải ngồi luôn trên xe thôi". Tài xế sợ quá, phải cho hết khách xuống xe để lục tìm ra cái bóp cho bà.

Má tôi rất dí dỏm, ai đã từng gặp bà, đều có ấn tượng mạnh, về những câu chuyện tếu và cách nói chuyện ngộ nghĩnh, đi đâu bà cũng đem tiếng cười cho mọi người. Nhớ ngày còn bé, trong bữa cơm quây quần, bà hỏi: "Đố các con, người Huế gọi con chó là con gì?”, cả bọn tôi tranh nhau: "Cẩu, khuyển... ". Bà cười: "Người Huế gọi con chó là con chọ", bà trêu Ba tôi rồi cười ngặt nghẽo.

Ba Má tôi sống rất hạnh phúc. Bà thường ôm lấy mái tóc bạc của Ba tôi, rồi bảo: “Đây là bún tàu của tôi. Mỗi lần ông bà về quê bằng xe lửa, trong giỏ của bà lúc nào cũng có một bình trà, một bình café, một bình rượu với đồ nhấm cho Ba, và chỉ một bình nước lạnh cho bà. Qua cách sống, Má tôi đã dạy cho chúng tôi thế nào là giữ hạnh phúc gia đình. Những lần giận chồng, tôi về nhà giả đò: “Má khuya quá, tối nay cho con ngủ lại đây nghe”. Bà nhìn tôi, nheo mắt dí dỏm, rồi nghiêm mặt: “Cãi nhau rồi phải không? Có giận chồng, con cũng phải về nhà. Chỉ khi nào ly dị, Má mới cho con về thôi”. Bà luôn khuyên tôi:  “Vợ chồng phải xưng hô nhẹ nhàng, phải nằm bên nhau mới có hạnh phúc”. Vì vậy, dù đã lớn tuổi, hai ông bà vẫn anh anh, em em; vẫn nằm chung giường, dù bà mở quạt tối đa, chiếm 2/3 giường; còn Ba tôi, co ro nằm trùm mền trong góc giường còn lại. Cho đến ngày Ba tôi sắp ra đi, Má tôi vẫn nằm bên, ôm lấy ông, thì thào vào tai: “Anh đi trước tìm các con, rồi em sẽ tìm anh sau. Ba tôi chìm dần vào giấc ngủ miên viễn, miệng mỉm cười mãn nguyện.

Má tôi giàu nghị lực. bà luôn khuyên tôi phải vững vàng để vượt qua nghịch cảnh. Năm Má tôi 70 tuổi, bà bị gai cột sống, chân không bước được, ngay cả  bác sĩ Sài Gòn vẫn chịu thua, bảo bà phải chống gậy cho suốt đời còn lại. Má tôi không đồng ý, Bà làm đủ mọi cách để có thể bước đi bình thường, tập thể dục. Nhất là cứ mỗi sáng sớm khi mặt trời chưa lên, bà ra biển tập hai chân, sau vài tháng, Má tôi đi lại bình thường, bà chê bác sĩ dở. Có lẽ với biển Qui nhơn, bà là người lớn tuổi nhất vẫn còn ra biển bơi mỗi sáng cho đến năm bà 85 tuổi. 

(hình: Internet)
Biết tôi vẫn sống dật dờ, khủng hoảng sau tai nạn mất chồng, bà qua Mỹ với tôi nhiều lần. Có lần, ngồi ở nghĩa trang bà bảo: Không lẽ suốt cuộc đời còn lại, con sống với tấm bia đá nầy sao!". Tôi cười trả lời: "Ngày anh trong tù, chờ anh mòn mỏi, con đòi vượt biên. Má bảo con đừng bỏ anh, sao giờ má khuyên như thế". Nói vậy, nhưng tôi biết Má tôi là người thực tế, lúc đó tôi chưa bước vào tuổi 50.

Bà luôn khuyên tôi: “Con hãy vui lên để sống cho con mình, đừng hận nữa, cứ xem như chồng con chết vì tai nạn xe thôi. Giờ này không còn Má, tôi biết tâm sự với ai, ai sẽ cho tôi những lời khuyên chân tình: “Ví dầu trời hại mới hư, người ta có hại cũng như phấn dồi. Con đừng bận tâm với những ganh tị xung quanh, cứ sống tốt đem phước đức để khỏi bị hại”.

Là một Phật Tử, tôi hiểu một trong các Hạnh Hiếu là chuyển tâm cho Mẹ tin vào Phật Pháp, nhưng điều này tôi không làm được, bởi vì Má tôi đã mất lòng tin khi thấy một vài thầy đòi hỏi muốn được tôn sùng, muốn sống đời vương giả; lại đối xử bất công trọng giàu, khinh nghèo đối với những Phật Tử đến chùa. Mỗi lần về Việt Nam, tôi thường đem rất nhiều bài thuyết pháp cho bà nghe. Nghe xong bà đem cho bạn bè. Má tôi không là người rộng kiến thức, nhưng là người có trí để biết phán đoán đúng sai, và sống bằng cả tấm lòng nhân hậu. Bà thường giúp đỡ người khốn khổ. Cứ mỗi năm, Bà góp nhặt tiền bạc, xin áo quần cũ của bạn bè, đợi ngày Chạp Họ, là đem về quê làng Đại Cát để phát 100 phần quà, áo quần cho bà con nghèo khổ. Và ngay cả khi biết mình không qua khỏi năm nay, bà vẫn chuẩn bị cho lần tới. Vì vậy, anh em tôi hứa với nhau, nếu còn có điều kiện, mỗi năm, sẽ thực hiện nguyện ước của bà, để Má yên lòng ra đi tìm Ba.

Má tôi lạ lắm, bà không tin có linh hồn, không tin kiếp trước sau gì cả. Bà thường bảo sống là còn, chết là hết. Bà là người thực tế. Mỗi khi ra mộ, bà nhặt hết bánh trái còn tươi của người ta đem cúng mộ, rồi cho những người xin ăn. Có khi, hai mẹ con cũng ngồi ăn rồi khen ngon, chê dở. Nhớ một lần trên đất Mỹ, tôi và bà ra nghĩa trang, gặp một ngôi mộ phủ đầy hoa tươi đắt tiền, Má tôi đứng đầu mộ, lâm râm khấn, xong bà nhặt mỗi thứ một ít đem về, cắm đầy nhà. Bà nói: "Đẹp chưa con, bỏ chi ngoài mộ cho nắng héo, phí".

Biết mình không còn bao lâu, Má kêu em gái tôi, căn dặn đủ điều, tang lễ, tiền bạc... Những ngày Tết lặng lẽ trôi qua, ngồi bên má, nhìn bà thiêm thiếp, mắt tôi cay, lòng thì đau. Trời vẫn đang xuân, còn lạnh. Tôi đan cho bà đôi tất, tôi đâu biết cái chết đã từ từ đến, khởi đầu làm thấm lạnh đôi bàn chân. Mỗi buổi sáng, bị đánh thức vì loa phóng thanh ngoài đường, tôi đọc kinh, cầu xin cho Mẹ nhẹ nhàng về với Phật. Mồng ba Tết, bà thều thào, khó nhọc nói nhỏ: “Con đừng lau cho Má nữa". Tôi ôm bà khóc và nói: “Cả một đời dài Má nằm chỗ này, Má đi rồi con sẽ để bàn thờ Má ngay ở đây, bà ừ lên một tiếng nhỏ. Và đó là lần cuối cùng hai mẹ con nói với nhau.

Má tôi bỏ  ăn, nằm yên, nhắm mắt, cho đến sáng mồng năm Tết, ngày thành phố Qui Nhơn vắng người vì đi dự lễ Chiến Thắng Đống Đa trên Tây Sơn. Rất tình cờ, cả nhà tập trung đứng bên giường Má. Đang trêu chọc nhau, bỗng Má tôi nhướng đôi mắt, nhìn lướt chúng tôi, rồi nhắm lại và tim bà ngừng đập. Tôi kêu to: "Má đi rồi!". Đứa em gái cả một đời chăm sóc Mẹ, gục đầu lên ngực bà, kêu lên: "Má ơi!".

Theo nguyện vọng của Má, đám tang bà không nhận phúng điếu, không mời thầy tụng, không có Phật Tử đọc kinh, không được kéo kèn ò e làm phiền hàng xóm. Nhưng theo phong tục, tôi vẫn mời một thầy chính về làm lễ, thầy không vui khi không có micro. Thầy bảo: Sao không mời giàn nhạc đám tang? Nếu giờ này cô mời, thì Má cô có ngồi dậy không?" . Tôi nghe mà cảm giác ngán ngẩm.  

Đêm hôm đó, tôi thức trắng để đón bà con đến từ xa. Sài Gòn ra, Huế, Đà Nẳng vào, Ban Mê thuột, Ninh Hòa, Nha Trang... Má tôi sống rất chân tình với bà con bên chồng, bên bà, nên ai cũng quí. Đưa bà ra nghĩa trang bằng một đoàn xe dài, và đội kèn Tây theo nguyện vọng của bà với những bài Lòng Mẹ, Tiễn Biệt, Nghìn Trùng Xa Cách... đi dọc theo bờ biển rồi mới ra nghiã trang Phật Giáo, để được nằm gần Ba tôi, theo ý bà muốn.

Tôi không có thần thông như Đức Mục Kiền Liên để biết giờ này Má đang ở đâu! Nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì bà đang luôn quanh tôi, trong tư tưởng, trong đời sống. Tôi chỉ xin Má cho tôi sức khỏe dồi dào, đủ điều kiện đem niềm vui đến cho mọi người khốn khổ. Bởi vì nụ cười và niềm sung sướng của họ là món quà quí giá, để tôi có thể hồi hướng công đức cho Má sớm được gặp Ba. Và tôi tin chắc rằng, sớm muộn gì, tôi cũng sẽ sum họp được với gia đình ở bên kia cửa Tử.

Vu Lan 2016
Peace Nguyễn

________________________________________________________

No comments:

Post a Comment