Sunday, August 21, 2016

Nghỉ Hưu - Giai đoạn mới trong cuộc đời

Nguyễn Thượng Chánh



Trong đời sống của mọi người, đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải ngưng làm việc để nghỉ hưu.
Đây là một giai đoạn mới vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.
Hai vợ chồng tác giả cũng đã gác kiếm từ quan từ 2-3 năm nay rồi.

***
Tuy có chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn bị shock
Ai cũng vậy, làm việc đến một tuổi nào đó thì cần nên nghỉ.
Tuy luật không bắt buộc mình phải nghỉ nhưng thông thường thì thiên hạ nghỉ khi họ được 65 tuổi. Đây là tuổi quy định của luật pháp để lãnh tiền già ( pension du Canada hay old age pension).
Đây là nói chung chung trường hợp mình làm công cho người khác, làm công chức cho chánh phủ v,v…Còn trường hợp mình làm chủ thì muốn nghỉ lúc nào mà chẳng được.

Mặc dù đã có chuẩn bị tư tưởng từ nhiều năm trước nhưng khi bắt đầu ngưng làm việc thật sự, bỏ lại sau lưng tất cả các thói quen cũ để bước vào một nề nếp sinh hoạt hoàn toàn mới, thì mấy tháng đầu vợ chồng người gõ cũng phải chịu đựng nhiều xáo trộn về tinh thần lẫn vật chất.
Phải cần một thời gian đôi ba tháng mới quen và thích ứng được vào với hoàn cảnh mới!

Nhiều thay đổi trong cuộc sống
Thời gian nghỉ hưu thường tạo ra nhiều sự thay đổi trong đời sống.
Đó có thể là sự thay đổi chỗ ở và phải hòa mình vào một khung cảnh mới, bởi lý do nầy nên hưu viên phải chịu mất đi một số bạn bè và mối giao tiếp xã hội của mình từ xưa nay.
Chúng ta phải cần có một thời gian để tìm hiểu và thích ứng vào nếp sinh hoạt mới.
Không ít người nghỉ hưu bán nhà để dọn đến những nơi gần con cái.
Có người chọn giải pháp mua condo để ở cho đỡ phải dọn dẹp, và khỏi lo săn sóc nhà cửa cũng như để tiện bề đi du lịch trong thời gian dài.
Có người nhảy ra làm từ thiện hay làm thiện nguyện.

Đi du lịch
Điều kiện là cần phải có sức khỏe và có chút đỉnh tiền.
Đi du lịch xa là cái mode thường thấy nhất trong mấy năm đầu khi vừa mới nghỉ hưu.
Theo nhiều cụ kinh nghiệm, thì mấy năm đầu lúc vừa mới nghỉ thì thiên hạ có khuynh hướng đi du lịch ào ào.
Từ 75 tuổi trở đi thì họ bắt đầu thấm đòn, sức khỏe yếu đi, hay mỏi mệt bất tử, nên sự hăng say du lịch của buổi đầu cũng dần dần giảm theo năm tháng.
Các tours du lịch xa có guide hướng dẫn rất được giới cao niên ưa chuộng vì tiện lợi và rất khỏe. Ngược lại, tụi trẻ thì thích được tự do quyết định nên chuộng giải pháp mướn xe, muốn chạy đâu, viếng đâu tùy thích.
Hầu như không ít bà con mình, đặt ưu tiên chuyện về Việt Nam trong chương trình du lịch của họ… Kế là qua Mỹ hoặc qua các nước Âu Châu, trước là đi chơi và sau là ghé thăm bà con hay bạn bè một thể.
Có nhiều người đi tours Trung Quốc, đi hành hương Ấn Độ, v.v...
Bạn bè chí thân thường rủ nhau đi du lịch chung cho vui.
Người thì đi tours nghỉ mát tại các resort ở Mexico, Cuba hoặc các đảo vùng Caribbean, v.v…

Tùy theo mùa, giá cả có khác nhau. Trung bình, nguyên trọn gói, bao vé máy bay khứ hồi từ Montreal, ăn ở một tuần trong hotel 4 sao của resort lối 1300- 1500$.
Nếu là mùa ế low season, giá có thể còn rẻ đi rất nhiều.
Người khác thì theo tours du thuyền cruise trong một tuần lễ tại vùng biển Caribbean. Ghé qua các đảo như Saint Martin, Sainte Croix, Saint Kitts, Virgin Islands, Grenada…
Có người đi tours vùng Nam Mỹ, Panama…hoặc tours vùng Hawaii, tours Alaska xem gấu trắng.
Các tours du thuyền vùng Caribbean, tàu chạy ban đêm cho tới sáng lúc 7 giờ là cập bến vào một đảo. 8 giờ sáng thì bắt đầu cho du khách lên bờ chơi. Đi đâu thì đi nhưng phài trở xuống tàu trước 5 giờ chiều.
Lối 80% du khách đều là các người cao tuổi.

Có người đi theo các tours du thuyền lâu nhiều tuần bên Âu Châu hay bên Á Châu. Mục đích để thăm viếng được nhiều xứ.
Du thuyền Princess Cruises ghé qua nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Tp Sài Gòn, Hong Kong, Tp Pusan Nam Hàn v,v…
Tours du thuyền có thể được xem là sang trọng và rất thích hợp cho lớp tuổi già.

Nhưng có một sự thật là đi đâu lâu ngày, khi trở về tới nhà mình thì vẫn cảm thấy khỏe gì đâu.
Được nằm ngủ trên cái giường của mình thì không có gì sung sướng hạnh phúc cho bằng! 

Tổ chức cuộc sống lại cho có ích lợi
Đa số người già nghỉ hưu rất rảnh rỗi. Đôi lúc được con cái nhờ cậy giữ cháu nhỏ hộtrong một hai ngày. Đây thật sự là một niềm vui của các bậc ông bà hay những người lớn tuổi!

Chán quá
Cũng có người thì cảm thấy quá nhàn rỗi...
Không biết làm gì trong ngày, hết đứng thì ngồi, ra vô, đi tới đi lui, ngó trước ngó sau, hết ngồi rồi nằm. Vào phòng nghiền ngẫm internet, check email. Ra salon mở tv. Đọc báo hết tờ nọ tới tờ kia. Rồi lướt qua tin xe cán chó, đến các mục quảng cáo bán nhà, sang nhà hàng, sang tiệm nails đang đông khách.
Kế đến là mục tìm bạn bốn phương sao thấy nhiều phụ nữ, đẹp, hiền, công dung ngôn hạnh mà số lại có số cô đơn, hẫm hiu thấy tội nghiệp quá vậy?
Rồi làm luôn tất cả các tin vui lẫn tin buồn, cáo phó phân ưu cho biết…chừng nào tới phiên mình đây.
Đôi khi lấy phone gọi đầu nầy đầu nọ cho đỡ buồn.
Tình trạng nầy nếu kéo dài sẽ khiến nhiều cụ dễ bị rơi vào sự buồn chán hay trầm cảm!

Khó khăn trong đời sống vợ chồng lúc nghỉ hưu
Hơn nữa, trong gia đình, sự chạm mặt nhau hằng ngày dễ làm xẹt điện, đưa đến khẩu chiến (thầy bói gọi là khắc khẩu hay khắc tuổi) giữa vợ chồng với nhau.

Không biết có phải tại vì già nên tánh tình thay đổi khiến vợ chồng thường hay kiếm chuyện cằn nhằn với nhau về những cái gì không đâu, lãng nhách không hà.

 Khoa học nói là bà bị xáo trộn hormones của tình trạng mãn kinh ménopause, hay bị rối loạn nhân cách giáp ranh Borderline personality Disorder BPD, còn ông thì bị mãn dục andropause tánh tình cũng hơi gàn, khi vầy khi khác, buồn vui bất thường ai mà biết được.
Nhưng phải nhìn nhận là hình như mấy bà có phần chủ động khởi xướng chiến tranh hơn là các ông. Tại sao?

Theo các nhà tâm lý học thì trong đời sống vợ chồng, cần phải có hai người. Nhưng cả hai vợ chồng muốn sống như chỉ có một người thì làm sao mà được. Chiến tranh lạnh nổi lên vì lẽ đó.

Rồi còn người nầy (thường là madame) muốn cải hóa bắt buộc người kia phài theo ý mình, phải giống y chang mình.
Cần nên biết rằng mỗi người đều có sở thích riêng rẽ, kiểu cách riêng biệt cũng như có nhu cầu khác nhau

Chuyện tâm đầu ý hiệp chỉ là chuyện của mấy năm 5-10 năm đầu tiên khi mới sống với nhau mà thôi. Sau đó thì cả hai vợ chồng phải biết tự điều chỉnh để thích ứng adjust với nhau mới mong sống chung được tới ngày xuống lỗ. Lâu lâu hai vợ chồng cần phải đi hâm nóng tune up tình yêu lại.

Thực tế cho thấy đàn ông và đàn bà, càng già càng trở nên khó chịu với nhau. Cái khác biệt là một người (thường là vợ) dám nói ra và nói hoài, nói mãi nagging khiến đối phương khó chịu bên trong, muốn khùng luôn nên phải cố gắng làm thinh theo đúng câu của ông bà đã dạy:

Vợ giận thì chồng bớt lời,
cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.

Một nguyên nhân khác trong sự xung đột vợ chồng là guerre de territoires hay vấn đề tranh chấp lãnh thổ của họ, chốn riêng tư, chẳng hạn như cái nhà bếp của bà bị ổng xâm nhập thường xuyên.
Bà có cảm giác là ông xã tối ngày quanh quẩn chàng ràng bên chân mình làm bà khó chịu và đổ quạu không cần báo trước.

Bà sắp đặt đồ đạc có thứ tứ ngăn nắp theo một kiểu cách nào đó, ông vô bếp không để ý, mà có ý đâu mà để, xớn xa xớn xác để không đúng chỗ là bà nẹt liền. Các ông mà có lải nhải lại thì bị cho là già sanh tật khó chịu không biết lỗi.

Ngược lại có bà thì cảm thấy quá bất công, tủi thân phận mình, sao thằng chả ở không mà hổng biết thương vợ, san sẻ công việc nhà cho người ta nhờ, không giống như chồng của người ta (?).

Phần các ông thì nói mấy bà xâm lấn quyền hạn, khó chịu quá, đòi hỏi quá đáng. Ngày xưa, di làm ở sở, ở hãng vậy mà tự do, khỏe hơn, không ai xài xể mình hết. Về tới nhà mệt đừ, có thì giờ đâu mà cằn nhằn, mà cãi lộn với nhau. Thật ra lúc còn đi làm, thời gian ở trong sở nhiều hơn thời gian ở bên vợ bên con nhờ vậy mà ít đụng chạm.

Để tránh sư gần gũi trên (hay sự lấn đất), nguyên nhân của xung đột, của cãi vã nên nhiều ông chồng tìm đến ẩn thân tại những vùng đất mới bình yên hơn, như quanh nhà, như di tản xuống dưới sous sol (basement), hoặc vô garage hay ra ngoài vườn,đi bách bộ,đi xe đạp ra công viên vv… để tránh chạm mặt bả.

Thôi, tịnh khẩu cho yên chuyện.
Nghỉ hưu cần phải có một thời gian điều chỉnh trong cuộc sống lứa đôi. Cả vợ lẫn chồng phải tập sống lại với nhau trong bối cảnh hai người chớ không phải của một người.


Gặp lại bạn bè
Bạn bè lâu ngày gặp lại vợ chồng người gõ thì thường hay hỏi những câu đại loại như sau:
- Lúc rày nghỉ có khỏe không? (trả lời: khỏe chớ)
- Lúc này nghỉ rồi làm gì? (không có làm gì hết, nghỉ mà)
- Có đi đâu chơi không?( có khi đi có khi không, huề vốn)
- Có đi về Việt Nam không?(chưa tính lúc nầy, huề vốn)
- Có đi làm thiện nguyện không? (có làm từ lâu, làm cho bà xã mà)
- Có đi làm thêm gì trong nghề không?(nghề gì? Chỉ làm ở nhà theo lệnh bà mà thôi)
- Có làm nghề gì khác không?( nhiều quá, nhớ hổng hết)
- Nghỉ ở nhà có chán không?( Đâu có thời gian rảnh đâu để mà chán)
- Nghỉ ở nhà có thường bị bả đì không? (Anh sao tui vậy. Huề vốn)
- Nghỉ ở nhà, ổng thường làm cái gì?( lúc nào? Sáng hay tối? Cũng như bạn vậy thôi)
- Sao cũng còn trẻ (?) hoặc job thơm (?) mà nghỉ chi cho uổng vậy! ( Bộ xỏ ngọt người ta hả? )

Bao nhiêu câu hỏi trên cũng đủ nói lên tâm trạng lo lắng chung của mọi người trước viễn tượng về hưu.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau không ai giống ai hết. Cũng có người phải nghỉ hưu vì hãng đóng cửa, vì bị mất việc, vì vấn đề sức khoẻ hay cũng vì hoàn cảnh bắt buộc, v.v.
Nhưng, những điểm lo lắng chung của mọi người mà người gõ nhận thấy quan trọng chính là ở ba điểm như sau:
1/mối quan hệ giữa vợ chồng,
2/sức khỏe,
3/tiền bạc.

Tại sao có người sợ nghỉ hưu?
- Có người đã đủ tuổi về hưu nhưng không muốn nghỉ vì còn quá yêu...công việc hay ghiền việc (workaholic)!
- Có người muốn nghỉ hưu nhưng phải ráng cày vì họ còn phải nuôi con ăn học thêm một vài năm nữa!
- Có người vẫn còn duy trì sự làm việc, nhưng chỉ làm bán thời gian (part time) hoặc chỉ làm một hay hai ngày trong tuần!
- Có người đã nghỉ hưu, nhưng sau đó trở vô xin làm việc lại!

 * Tại vì ông anh sợ phải ở nhà thường xuyên với bà chị, nhưng ít khi nào nghe trường hợp ngược lại là bà chị không dám nghỉ hưu ở nhà vì sợ chạm mặt thường xuyên với ông chồng mình.
*Kinh tế, tài chánh khó khăn nên cần phải đi làm thêm để kiếm thêm chút đỉnh cho bả vui.
Có bạn thì thành thật hơn tui ngại ở nhà vì phải chạm mặt thường xuyên với bà xã quá!.

Kết luận
-  Cái gì cũng phải có ngày chấm dứt, để bước sang một giai đoạn khác trong cuộc sống;
-  Phải ý thức là mình già rồi, cần phải nghỉ ngơi để đi đây đi đó khi còn đầy đủ sức khỏe;
-  Bệnh hoạn có thể đến với mình bất cứ lúc nào;
-  Nghỉ hưu để vui sống với vợ, với chồng mình mà hình như từ mấy chục năm nay mình không có thể sống cho nhau một cách trọn vẹn được vì sự ràng buộc về sinh kế, về con cái, vân vân;
-  Nghỉ hưu để có thể có nhiều thời gian bên cạnh các cháu nội ngoại, để nhìn thấy chúng lớn lên;
-   Nghỉ hưu để mỗi sáng tĩnh lặng có thể, bên cạnh tách cà phê nóng, cùng thảnh thơi nghe tiếng chim hót líu lo sau nhà hay cùng ngắm nhìn những giọt sương đêm còn lấp lánh đọng trên các tàn cây ngoài mái hiên nhà, hoặc thong thả thưởng thức mặt trời toả đủ màu sắc trước khi lặn vào mỗi chiều hoàng hôn, vân vân và vân vân.

Cần phải nghỉ lúc mình còn sức khoẻ để đi đây đi đó chớ chần chờ đến lúc ngồi xe lăn hay hui nhị tì thì có hối tiếc cũng không kịp.
Nay, con cái cũng đi hết rồi, nhà trống vắng chỉ còn có đôi ta mặt sức mà lớn tiếng...cãi qua cãi lại mà không cần phải đóng cửa.

Nghỉ hưu, một giai đoạn mới trong cuộc đời bắt đầu với không đồng hồ, không ngày, không tháng, không stress, muốn ngủ lúc nào, muốn thức lúc nào, ăn lúc nào, ăn ở đâu, ăn cái gì, ăn làm sao, cho dù mưa rơi bão tuyết cũng chẳng làm cho ta lo lắng nao lòng.
Ôi, tự do ơi, một lần nữa, ta chào đón mi bằng hai tay và...cả hai chân!

Đồng vợ đồng chồng, tát bể...Hưu cũng cạn!
(Đối với tôi, nghỉ hưu là sự khám phá ra cái đẹp. Trước nay, tôi chưa từng bao giờ có thời giờ để nhận thấy nét mỹ quan của các cháu tôi, của vợ tôi và của cây ngoài ngõ. Và cả cái đẹp của thời gian nữa). 

Nguyễn Thượng Chánh
_________________________________________________________

No comments:

Post a Comment