Wednesday, September 14, 2016

Bốn mươi năm tình lận đận

Phạm Thiên Thu

(ảnh: Internet)
Tiếng chuông điện thoại của ai đó ở VN gọi sang bất chợt giữa đêm làm Duyên choàng tỉnh và không tài nào ru lại giấc, đành phải thức dậy pha cho mình ấm trà buổi sớm trong cái gió nhẹ lay của mùa thu vừa chớm. Sau khi tĩnh tâm bằng những lời kinh sáng Duyên mở computer check mail. Mới có mấy ngày mà thư đã đầy hơn trăm cái, lướt qua tiêu đề và người gửi, định delete cho nhẹ lòng và nhẹ cả cái hộp thư đã overload nên có những thư cần thiết lại không nhận được, nhưng bất chợt thấy tới bốn năm là thư của nhiều người bạn forward cùng một tiêu đề “40 Năm Tình Lận Đận” nên lại tò mò mở ra xem…

Quả thật người viết bài thơ này dường như có chút gì đó diễu cợt, hình cô gái tuổi thanh xuân, chắc chắn là xinh hơn thuở Duyên còn trẻ; nhưng còn có dễ thương và có duyên hơn hay không thì cũng chưa chắc, vì mỗi người phụ nữ chỉ đẹp dưới mắt một người đàn ông nên Duyên cũng thấy không có gì cần so sánh. Người phụ nữ già nay đã thành bà ngoại được minh hoạ trong đó cũng có hơi buồn cười vì hình như bà có răng đen và ăn trầu thì phải. Cũng may Duyên cũng già, tóc cũng pha màu thời gian nhưng cũng chưa đến nỗi phải ăn trầu cho răng chắc, và cũng không phải “răng đen mã tấu ăn thịt người” nên cũng chẳng đáng lo. Bà ngoại bà nội thời đại này, tuy có vất vả nhưng cũng không đến nỗi như thời phong kiến (hình như mấy bà ngoại bà nội bạn của Duyên cũng còn đi nhót tưng bừng cơ mà)…
Thế nhưng khi đọc xong bài thơ Duyên lại thấy trong đó có chút ngậm ngùi, vì có anh bạn lại viết lẳng nhẳng những câu chuyện đã xa lăng lắc, kèm theo bài hát “Được tin em lấy chồng, lòng anh buồn biết mấy… ” để gửi kèm với thư forward cho Duyên, thì ra đám đàn ông này nhớ dai và thù dai ra phết nhỉ ! Chẳng vậy mà ca dao đã có câu : “Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Bài thơ thì lúc lại theo giọng bài thơ “Chuyện Tình Buồn” của Phạm Văn Bình, đoạn thì lại theo giọng thơ “Hai Năm Tình Lận Đận” của Nguyễn Tất Nhiên. Và, những tình huống đưa ra cũng thật buồn cười, nhưng ngẫm lại thì thấy cũng thật buồn và có thể cũng rất thật, nhất là những câu thơ cuối : “Anh bây giờ có lẽ / còn lại một chút yêu / chút thôi chứ không nhiều / tặng em làm kỷ niệm / của một thời mình yêu”… Giọng thơ nghe có vẻ diễu cợt nhưng hình như cũng mang một chút hờn ghen nuối tiếc của một thời hoa mộng đã qua thì phải. Không dưng Duyên nghe như cả một trời kỷ niệm đang bềnh bồng trôi trong ký ức…

Hai chữ “ngày xưa” như đang lãng đãng đâu đó trong hồn nàng. Những màu áo trận, những con đường phủ lá me bay, những buổi trưa găm bánh mì ở hành lang đại học Văn Khoa với ly chè đậu đỏ bánh lọt chan nước cốt dừa béo ngậy; hay câu lạc bộ của đại học Khoa Học với đĩa cơm tấm sườn bì chả, và cả những buổi sáng nhàn nhã bên ly café sữa đá lanh canh cùng chiếc bánh croissant, và giọng ca Adamo, Sylvie Vartan, Francois Hardy, hay Christophe ở La Pagoda, tha hồ thả hồn viễn du về những chân trời mộng tưởng… Và, cả những buổi chiều Sài Gòn còn pha màu nắng quái la cà bên những quán sách ở đường Lê Lợi hay nhà sách Khai Trí, mê mải với những tác phẩm của Saint Exupéry, Hermann Hesse, Leon Tolstoy, Dostoyeski, Jean Paul Sartre, Francois Sagan, Frank Kapka, Goeth, Tagore, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Doãn Quốc Sỹ, Kim Dung, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… và cả những tác giả tuổi hồng như Đinh tiến Luyện, Duyên Anh, Từ Kế Tường… Đúng là “Thập bát ban võ nghệ” chả thiếu thứ gì trên đôi tay nặng trĩu, và sẵn sàng để kề bên tô bún riêu cua ốc ở sau rạp ciné Eden hay chui vào hẻm casino ăn bún chả, hoặc hít hà cùng nhau bên đĩa khô bò và ly nước mía Viễn Đông trên góc đường Pasteur và Lê Lợi; tô mì hoành thắn thơm mùi tôm cua ở đường Võ Di Nguy Sài gòn (không phải Phú Nhuận) hay vắt mì bay bổng Hào Huê, ly kem ở Pole Nord, bánh ngọt Givral ở góc phố Tự Do hay vào Vĩnh Lợi xem lại bộ film chiếu ở Rex mà mình xem hụt. Xem xong sẵn quán bánh ngọt Thanh Bạch kề bên tội gì không gặm nhắm chút hương vị ngọt ngào cho dù ăn xong sẽ có nguy cơ tăng kí lô…

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, một chút kỷ niệm với người này, lại một chút kỷ niệm với người kia. Với ai cũng chỉ là một chút, một chút thôi nên rồi hình như với ai cũng chỉ “Hình Như Là Tình Yêu”. Và, bởi chỉ là “Hình Như” nên tất cả đều là khói sương lãng đãng trôi qua trong đời. Và, chắc chắn trong tâm tưởng của nhiều người Duyên cũng chỉ là một áng mây vật vờ, một đám mây không thể đủ làm nên một cơn mưa. Kỷ niệm trong ký ức nhạt nhoà của tuổi bắt đầu nhớ những điều không đáng nhớ, cũng như quên những điều không đáng quên, để lòng lúc nào cũng rưng rưng buồn tủi, lúc nào cũng như đang có những giọt nước mắt chực chờ rơi xuống, những giọt nước mắt và những nỗi buồn dường như chẳng vì đâu, những nỗi buồn tưởng như vô cớ như thời mới lớn, nhưng thực ra là tan nát cõi lòng vì sự cô độc như luôn đeo đẳng và hiện diện trong Duyên

Chào mùa thu cuộc đời, mùa thu nhưng cũng mang nhiều heo may lạnh giá, chứ chưa dám nghĩ đến mùa đông ảm đạm của cuộc đời. Thôi thì bốn mươi, năm mươi, sáu mươi hay bảy mươi, nếu trời còn cho mình sống vì chưa trả hết nợ đời thì với Duyên cũng là hai chữ “Lận Đận” thế thôi…


Phạm Thiên Thu

_________________________________________________________

No comments:

Post a Comment