Thursday, November 3, 2016

Phú Quốc – Ngầm hỗn mang của sóng ( 1 )

Đặng Mỹ Hạnh


Du khách phơi nắng, thả bộ dọc Bãi Trường, Phú Quốc

Kỳ 1
  Biên hải getaway! 

Khăn rằn, bộ râu lười tỉa tót, cặp kính đen to bản, Tư Huỳnh mang một vẻ trải đời hoài nghi.

“Chào Mỹ Hạnh, anh Sùng Chỉn Ða ở trên Daknong vừa gọi điện lại réo hỏi thăm đây, chuyến bay không làm chị mệt chứ? Chị đừng ngại, chỗ đi lại anh em lâu năm, qua đất đảo này tôi sẽ ‘take care’ và thết tiệc cái món Phú Quốc này, nhưng chắc rằng sẽ không giống món buffett dành cho khách du lịch đâu nhé!” Tư Huỳnh cười lớn, nụ cười không nheo đuôi mắt; tôi đáp trả bằng cái bắt tay thân thiện.


The little alley – Hành lang dốc giữa những căn bungalow nhỏ xinh trong một khu resort ven bờ biển.

Tôi vẫn nhớ khi hình dung về Phú Quốc bằng một màu xanh ngọc của nước, và những căn chòi lá thơ mộng ven biển. Sự tò mò về mảnh đất Phú Quốc của tôi dấy lên từ đó. Một hòn đảo nằm lay lắt trong vịnh Thái Lan, lệch trong các hải trình quốc tế và những con đường chinh phạt của Kublai Khan  (Hốt Tất Liệt). Dọc từ Bắc vào Nam, một dải chữ S ngược hành trình Nam tiến của chúa Nguyễn, mà thông qua chinh phạt, di dân và gả con gái đổi lãnh thổ, các vùng đất phương Nam sông Gianh và Hoành Sơn đều phần lớn được đặt theo cụm từ ngữ mang nghĩa an yên kiểu Tàu. Ví như trải từ đất: Quảng Bình, Quảng Trị,  Quảng Nam, Quảng Ngãi, kể cả Quảng… Ðức. Hay trải về hướng Nam cũng những địa danh mang ý nghĩa tốt lành là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận… Nhưng đến vùng đất phương Nam thì lại Việt hóa hay pha trộn từ tiếng Khmer như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá…

Rời khỏi đất liền là một hòn đảo lớn, nó bẻ gãy gập đường phân định Brévié phân chia lãnh thổ Việt Nam và Campuchia, với cách đặt tên cũng dường như không đi theo một hệ thống tuyến tính định sẵn: “Phú Quốc”.

Chỉ cách đây hơn 100 năm, những hòn đảo nằm khuất phía bờ Tây mũi Cà Mau là nơi trú ẩn tuyệt vời để phục kích những thương thuyền trên hải lộ Ðông Tây qua eo biển Malacca. Và cướp biển thực sự hoành hành rộng lớn sau khi vương triều Siam mới lập của Taksin huy động quân gồm nhiều cướp biển Tàu, Mã Lai và Khmer dẫn đánh Mạc Thiên Tứ phá vỡ sự ổn định của vùng đất Hà Tiên. Cái tên quần đảo Hải tặc và Phú Quốc gắn liền với cướp biển đã xảy ra từ đó. Một vùng đất nhộn nhịp cướp biển không khác nhiều với vùng sừng Châu Phi của Somalia hiện nay.


Quán tiện lợi trong con hẻm 118

Bên đất liền, dãy núi Cardamom nằm sườn nam đế chế Angkor đã ngăn cách nền văn minh Khmer vươn tới tiếp cận vùng biển, và những di sản văn hóa đó chỉ để lại đậm nét ở 2 hai lưu vực con sông Mekong và Menam, ảnh hưởng tới Lào và Thái Lan. Và sự tách biệt đã làm những người dân vùng Phú Quốc  có những khác biệt với sự trù phú của vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, vốn đã hình thành tính cách của người dân miền Tây “an nhiên tự tại” hay hào sảng. Sự phồn vinh ở đây chẳng phải là những giấc mơ đồng lúa thẳng cánh cò bay, hay sự xuýt xoa rầm rộ những quảng cáo định hướng du lịch “đảo ngọc” hay “thiên đường Á đông”. Một Phú Quốc bị vùi lấp trong cát, với những dĩ vãng chỉ là chốn nương tạm đang cố vùng vẫy trưởng thành trong sự hỗn mang của cơn lốc đầu tư địa ốc. 

Những người đến thành phố này để thụ hưởng một sự pha trộn của biển, nắng ấm, bãi cát và cuộc sống về đêm. Tư Huỳnh đưa tôi đến một nhà hàng còn lập lòe ánh điện trong đêm muộn.  Quán Antinho là một nhà hàng và kiêm hostel ngay đầu con ngõ 118 Trần Hưng Ðạo. Tô phở hải sản của tôi hỗn độn với âm thanh tiếng đánh bài tiến lên của tay chủ quán và vài ba nhân viên trong ca tối muộn. Phở ở đây thiếu vị hồi cũng không xanh rau như phở Bắc, chỉ để khỏa lấp cơn đói.

Tư Huỳnh nhanh chóng gọi điện thoại cho người bạn ở Dương Ðông để đặt một chiếc  xe máy ở resort. “Tụi này thuê cửa hàng ngay dưới khu ‘xóm liều’ ở đầu mé trên khu resort Tràng An, Phú Quốc. Khu vực này vốn là bãi rác của thị trấn Dương Ðông xưa nhưng chỉ trong vòng thời gian ngắn ngủi trên 10 năm, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Nhà ở đã len kín và sót lại khu ổ chuột nằm giữa quán café Xin Chào và trên khu resort Tràng An Phú Quốc kia.” Ngôn ngữ của Tư Huỳnh lừng khừng, dễ sốt ruột nhưng dí dỏm như cách anh diễn đạt về “cái Xóm liều đậm đặc nội hàm” này.  Một khu vực mà người dân tự động nhảy vào ở, dựng lán, lên chòi san sát nhau và chẳng cần giấy phép đất đai; thường là những khu xập xệ ổ chuột với nhiều thành phần bất hảo, sa cơ lỡ vận.

 
Tạp hóa trong con hẻm Tây, tác giả chụp chung với chị T.


“Về sau, ở lâu cứt trâu cũng hóa bùn vì chính quyền khó đuổi vì toàn dân bất hảo!” Tư Huỳnh, dễ chuyển từ một suy nghĩ nghiêm trang sang kề cà như đùa bỡn.

Bãi biển Dương Ðông và căn bungalow lý tưởng. Một kiểu nhà nghỉ “phong cách Việt” tiện nghi khăn, dép, màn hình mỏng, internet và chỉ cần vài bước đã chạm mặt sóng. Chẳng theo trường phái sống chậm, nên sáng thì nàng tung tóe với biển, trưa chiều lại phóng xế phiêu bạt khắp xứ đảo.

Con hẻm 118 Trần Hưng Ðạo nơi mỗi ngày vào ra vài bận,  khu “hẻm Tây” với những dãy bungalow bành trướng thị trường hotel. Khác con phố Mã Mây, Tạ Hiện ở Hà Nội  tấp nập những khách Tây đi bộ dọc con ngõ. Spa, nhà hàng, quán bar, shisha, những lập lòe của màu đèn.


Coco bar bắt đầu giờ lên đèn

Khu Búng Gội là khu villa mới của nhóm người Pháp nhảy vào mua và bán theo công (1 công là 1000 mét vuông), khu vực chỉ ra bãi biển thì hướng về phía dinh Bà. Bên kia đường Trần Hưng Ðạo, núi Dương Ðông và núi Ðiền Tiên cũng được những người Pháp nhắm tới. Bản đồ quy hoạch Phú Quốc cho biết địa thế các nơi trong vùng. Người Pháp và cách họ tìm lại Phú Quốc là một thuộc địa cũ, trong các xứ thuộc địa thì mảnh đất Ðông Dương vốn được coi là “một viên ngọc”  trong các phần đất của đế quốc Ðại Pháp năm xưa.

Cùng hẻm 118  là tiệm tạp hóa của bà T. có chồng người Pháp, có villa ở Búng Gội cách Dương Ðông 4-5 km. Có lẽ, phong cách của một “công dân toàn cầu- citizen of the world” của tôi được nhận biết; nên lần đầu ghé ngang tiệm tạp hóa mua lọ dầu dừa tẩm phơi nắng,  bà T. đã chào tôi bằng cả 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp!

Bà T. lồ lộ vẻ man di của người đàn bà Di gan, mái tóc thường trực trau chuốt dầu dừa. Người đàn bà mang vẻ lay lắt của một ngọn nến dần cạn sáp cùng những thú vui qua ngày với đêm rượu, ngày là những chuyến đi chơi cùng khách du lịch vãng lai tình cờ hợp tính. 

Bà T. khoe tôi những hình ảnh selfie chụp ở đồng cỏ lau gần sân bay Phú Quốc. Nó không là sự viên mãn của hạnh phúc, dường như có cả một nỗi sầu lưu đày trong đôi mắt ấy, tôi có cảm giác vậy.


Restro-bar Ốc đảo nằm ở ngã ba La Mer trong hẻm 118

“Phú Quốc là đất của những người có thân phận với những khúc ngoặt, vì trầm tích văn hóa ở đảo này ít, ở đây có nhiều cặp rổ rá cạp lại,” Tư Huỳnh, ắt lại hay “bức xúc” với chủ đề mở về cái đời sống nó dường như phơi bày trước mắt anh.

Cô hàng bánh mì đầu hẻm 118 với cánh tay xăm là mẹ trẻ đơn thân, dắt đứa con gái nhỏ từ Buôn Mê Thuột vào Phú Quốc và  tuyệt nhiên không nói gì về bố của đứa bé. Dân di cư đến đảo biển làm ăn vẫn nói về Phú Quốc một cách khá tích cực, chẳng lạ lùng khi  tôi từng gặp địa phương chủ nghĩa nhiều hơn là chủ nghĩa toàn cầu, nó như một sự hỗn mang trong ý thức xã hội, một lỗ hổng trong văn hóa chẳng dễ lấp đầy.

Những mẩu chuyện tán gẫu với cô chủ quán cũng chỉ quanh hũ mật ong rừng,  hay cách “phân hạng phục vụ” du khách thập phương, “khách tàu là tệ nhất chị ạ, kế là khách Nga chỉ nhỉnh hơn khách Việt một tẹo, còn khách phương Tây thì lịch sự hơn hẳn.” Hẳn nhiên,  Trung Quốc và Nga thì không “được duyệt” là phương Tây!  Ở đây, còn là những mảng màu của những đoàn khách du lịch thôn quê.


Độc đóm bên cạnh ống điếu shisha

Căn bungalow gạch đỏ, lu nước gáo dừa và hàng dâm bụt thắm sắc. Phú Quốc và những ngày không một giọt nắng.  “Tôi thì chẳng nhìn đời bằng thứ long lanh, tinh khiết, cứ thấy nó lẹt đẹt,” Tư Huỳnh mang vẻ ảo não bất thường. Có thể tôi sẽ tìm được những chất liệu làm nên hương vị đặc thù của hồ tiêu và nước mắm Phú Quốc, những thứ cay nồng, dậy mùi của con người và xứ sở đất đảo này chăng?

Biển mặn. Cái bóng đèn trước hiên cứ  lập lòe vì không chịu nổi gió mặn của biển.

Ðặng Mỹ Hạnh
https://www.facebook.com/hanhphoto

____________________________________________

No comments:

Post a Comment