Tuesday, September 12, 2017

Tượng Đài Quang Trung Đại Đế - Ước mơ của tôi

Phạm Lê Huy

* Trích Kỷ Yếu Công Trình Xây Dựng Tượng Đài Vua Quang Trung - 2017

Lễ động thổ xây dựng Tượng Đài Quang Trung Đại Đế (ngày 20/11/2016) tại góc đường Euclid và Business Center Pkwy / Garden Grove City tôi không đến dự được vì trong người không được khỏe.

Vài tuần sau đó tôi đến đây, chụp hình được mặt trước và mặt sau tấm billboard có dòng chữ Tượng Đài Vua Quang Trung cắm tại nơi này. Khi bấm máy lòng tôi rạo rực nghĩ đến ngày Tượng Đài Quang Trung Đại Đế sẽ hiện diện nơi đây. Đó là ước mơ từ lâu của tôi.

Hình vẽ mẫu tượng đài (mặt trước – ảnh: PLH)

Sơ đồ xây dựng tượng đài Vua Quang Trung (mặt sau – ảnh: PLH)

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ, trước 1975 Qui Nhơn mình đã có pho tượng Vua Quang Trung tại công viên chính của thị xã trước khách sạn Thanh Bình (lầu Bà Đệ). Vị Đại Đế oai phong lẫm liệt của dân tộc ta thân khoác chiến bào, tay cương tay kiếm đốc thúc ba quân tướng sĩ thần tốc nhắm hướng Bắc, tiến về Thăng Long, đánh tan hàng vạn quân Thanh. Tạo nên một một chiến công lừng lẫy mà ngàn đời sau cháu con vẫn còn khâm phục, tôn vinh và ghi nhớ.

Đã có nhiều tài liệu, nhiều sử sách nói về tài lãnh đạo, tài điều binh khiển tướng, về chiến lược quân sự đầy mưu lược của Ngài rồi nên tôi xin không viết lại ở đây; mà chỉ kể về những mẫu chuyện nho nhỏ của tôi có chút... “dính dáng tới bóng dáng Ngài”.

Hồi những năm tiểu học, khi thầy cô vô lớp học sinh đứng dậy chào, rồi trưởng lớp bắt giọng hát bài Gò Đống Đa của Văn Cao là bài hát chính thức của trường Tiểu Học Nguyễn Huệ. Bốn-mươi cô cậu học trò thiếu niên chúng tôi ưỡn ngực ra, rập ràng hát vang đầy khí thế :

Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi
Tìm về thăm chốn non nước thiêng trang hùng ghi
Cố bước bước bước bước trên đường thơm gió mát
Ta đi đi đi đi thăm gò xưa chất thây
Đống Đa còn chốn đây
Nhắc xương đầy máu xây…

Cuối buổi học, trước khi ra về, học trò lại đứng lên, ưỡn ngực ra, rập ràng hát vang một bản hùng sử ca nào đó, Bóng Cờ Lau của Hoàng Quý chẳng hạn :

Ta cùng nhau đi thăm nơi hùng xưa
Oai linh đứng muôn đời giữa nơi sông cùng núi
Và sân đá tường rêu rải gan sương cùng mưa...

Rồi những buổi Hoạt Động Thanh Niên, những buổi sinh hoạt hay cắm trại của Đoàn Thể Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, những bài ca sinh hoạt vui tươi lành mạnh như thế lại vang lên khắp sân bãi. Tuổi trẻ chúng tôi hồi đó là như thế, đầy hào khí và yêu nước vô cùng.

Sân sau nhà tôi cũng là nơi “thư hùng giữa quân Tây Sơn và giặc Thanh Tàu Phù” mà lũ trẻ ngây ngô trong xóm chúng tôi đã từng “giao chiến” mấy trận. Vì chúng tôi không ai muốn làm giặc Thanh nên thay phiên nhau làm quân hai phe và Vua Quang Trung. Đó là những “trận thư hùng” khó quên của tôi mãi cho đến nay.

Những bản hùng sử ca ấy đã theo tôi vào quân ngũ, được cất lên hát vang đầy khí thế trong các buổi sinh hoạt mỗi khi đơn vị tôi về dưỡng quân ở tiền trạm hay hậu cứ. Những lần như thế buồng phổi lính tráng chúng tôi như nở to ra, mong muốn ngày mai ra trận lại lập chiến công làm quà tặng hậu phương.

Tôi không nhớ Tết năm nào, trong ngày Lễ Đống Đa mồng 5 tháng Giêng, đơn vị chúng tôi được tham dự một cuộc thao diễn hành quân trên sông Côn, cầu Kiên Mỹ trong chiến dịch Bình Định Quật Khởi. Vì sự phối trí đơn vị nên chúng tôi không có dịp chiêm ngưỡng Gò Đống Đa / Ấp Tây Sơn là nơi phát tích của Ba Anh Em Anh Hùng Tây Sơn Áo Vải Cờ Đào.

Lễ Đống Đa hằng năm là một dịp dân chúng trẩy hội trong những “bộ cánh” mới muôn màu muôn vẻ xinh đẹp - thật đúng là “Dập dìu tài tử giai nhân... ”. Cầu Kiên Mỹ hẹp, hai bên không có thành cầu; mà người lại đông, chen lấn nhau, có người bị rớt xuống sông. May mà sông cạn nên không nguy hiểm, chỉ bị ướt thôi. Đây cũng là dịp cho thanh thiếu niên nam nữ nghịch phá nhau.   

Thuở thiếu thời tôi đã từng say mê đến quên ăn quên ngủ truyện dài Mơ Thành Người Quang Trung của Duyên Anh và thích nhất đoạn này :

Anh Hùng Quang Trung là anh hùng bách chiến bách thắng của nhân loại. Thế giới ngưỡng mộ Nã-phá-luân của Pháp; nhưng so với Quang Trung, Nã-phá-luân chỉ là ngôi sao mờ. Nã-phá-luân đem quân sang Nga, chiếm kinh đô Mạc-tư-khoa. Không chế ngự nổi quân Nga đến nỗi phải rút lui và bị truy kích thảm bại. Ðại đạo quân chinh phục ra đi trên hai trăm ngàn tên, khi về còn có trên hai chục ngàn! Nã-phá-luân bị bắt đầy ra đảo Elbe. Rồi sau đó, thua trận Waterloo và bị đầy ở đảo Sainte Hélène. Có gì hách đâu? Anh Hùng Quang Trung chưa hề thất trận. Bậc vĩ nhân đó chỉ biết chiến thắng hiển vinh. Ta buồn vì không sinh đúng thời Quang Trung để được làm tên lính quèn dưới trướng của người. Song văng vẳng đâu đây, ta vẫn mơ hồ nghe tiếng trống thúc quân đánh Hà Hồi.

Từ đó, tôi nói với anh tôi “Ước gì mình có bức tượng Vua Quang Trung trên mình voi cao...”. Anh tôi là một người rất mê vẽ, mê nặn tượng. Ảnh tìm hình vẽ Vua Quang Trung cỡi ngựa trong sách Việt Sử, rồi anh em tôi lên núi Bà Hỏa lấy đất sét về. Anh tôi kiên nhẫn miệt mài nặn tượng Vua Quang Trung cỡi ngựa. Ảnh kể lại, bức tượng nhỏ này chính là tượng mẫu mà anh tôi đã trình lên Ty Thông Tin - Văn Hóa / Bình Định vào năm 1972 (1973 ?) và được chính quyền hồi đó chấp thuận cho thực hiện pho tượng lớn tại công viên thị xã. Hiện nay nguồn gốc pho tượng ấy đã bị “diễn giải” khác đi.

Bây giờ nơi đất khách quê người tôi vẫn ước sao có được tượng đài Quang Trung Đại Đế để nhắc nhở chúng ta và con cháu các thế hệ mai sau hãy nhớ và biết rằng dân tộc Việt Nam chúng ta cũng có một vị Đại Anh Hùng như thế; như chúng ta đã có tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở thành phố Westminster, và trong tương lai chúng ta sẽ có thêm những tượng đài các vị Anh Hùng và Anh Thư Hào Kiệt khác nữa.

Một tin vui đến với đồng hương Bình Định nói riêng và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung là Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Quang Trung đã ra mắt ngày 31/10/2014 ti Thư Vin Vit Nam thuộc thành phố Garden Grove. Không giấu được vui mừng, tôi gọi phone các bạn thân báo tin vui này, các bạn cũng vui theo.

Nhớ ngày 8/6/2014 sau khi viếng tang lễ thân mẫu của một niên trưởng CHS Liên Trường Qui Nhơn, tôi cảm thấy tức ngực khó thở mới nói bà xã mình chở đến Hội Tương Tế Bình Định là nơi Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định đang họp, may ra có người bạn học là Bác Sĩ Nguyễn Chi Vỹ giúp cho. Quả vậy, tại đây tôi được hai anh Nguyến Chi Vỹ và Lê Cẩm Khoáng tận tâm nhiệt tình giúp đỡ nên mạng sống tôi đã được giành lại từ tay tử thần. Vợ chồng tôi luôn nghĩ rằng mình được sống còn là nhờ Đại Đế Quang Trung dẫn đường chỉ lối cho mình đến gặp hai vị ân nhân nói trên. Chúng tôi xin muôn vàn đội ơn Ngài Đại Đế.

Tuần rồi, tôi đến khu đất sẽ tôn dựng pho tượng Đại Đế đó, thấy chiếc xe đào đất đang khởi công xây bệ tượng đài. Hy vọng công trình có ý nghiã cao quí này sẽ hoàn thành trong một ngày gần đây.

Khởi công xây bệ đặt tượng (ảnh: UBXDTĐQT)

Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Apr. 10 - 2017)

No comments:

Post a Comment