Wednesday, November 29, 2017

Dược thảo - lợi bất cập hại? (bài 2)

ERIC TRẦN - VIỄN ĐÔNG

Đây là loạt bài vạch trần về thực chất của hầu hết các loại thuốc dược thảo bày bán tràn lan một cách vô tội vạ trên thị trường. Đem về một khoảng lợi nhuận béo bở cho người sản xuất. QN nghĩ loạt bài này rất có ích cho mọi người tìm hiểu, nên mang về trang nhà để chia sẻ. Thay mặt độc giả QN11 xin gởi lời cảm ơn tới tác giả Eric Trần và Nhật báo Viễn Đông. / QN11





Thị trường dược thảo nở rộ với đủ loại sản phẩm trị bá bệnh, thực ra chưa bao giờ được kiểm nghiêm và chứng minh bởi cơ quan FDA
.

Trước sự lan rộng không kiểm soát của các sản phẩm dược thảo, trong khi chính quyền chưa có đủ qui định để theo dõi thì nhiều trí thức và tổ chức tư nhân đã chủ động lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ tiềm tàng của ngành kinh doanh này.

Cụ thể, Consumer Reports, một tổ chức vô vụ lợi đại diện giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ, đã mời một hội đồng chuyên gia bao gồm những bác sĩ và những nhà nghiên cứu thực phẩm có lập trường độc lập, để rà soát mức độ an toàn của những thành phần cấu tạo các loại dược thảo hiện có mặt trên thị trường Hoa Kỳ. 


Kết quả: Các nhà chuyên môn đã tổng hợp được một danh sách các chất nguy hại hoặc tiềm tàng sự nguy hại được khám phá trong dược thảo.

Bảng danh sách này gọi ra danh tính của 15 chất có nguy hại hoặc rủi ro tiềm tàng. Những rủi ro ấy có thể bao gồm: Tổn hại bộ phận cơ thể, ung thư, và trụy tim. Sự rủi ro này nhiều hay ít là còn tùy theo các yếu tố có sẵn như sức khỏe hiện thời của người dùng, cũng như số lượng dược thảo sử dụng, thời gian đương sự sử dụng “thuốc” đó.

Nhiều chất có tên trong bảng này cũng có thể tương tác với những thứ thuốc tây mà đương sự đang sử dụng theo toa bác sĩ hoặc mua tự do tại các quầy hàng dược phẩm, chẳng hạn thuốc hạ cholesterol, thuốc chống đông máu như Aspirin và Warfarin ( Coumadin và những loại tương tự).

Ngoài ra, các chuyên gia được Consumer Reports tham khảo còn tỏ ra nghi ngờ về những lợi ích được quảng cáo của các sản phẩm này không chắc có bù lại những rủi ro liên quan hay không. Sau đây là danh sách 15 thành phần đó, mà Consumer Reports khám phá thấy có mặt bên trong những thứ dược thảo được bán trên mạng hoặc trong những cửa hàng lớn như Costco, GNC, CVS, Walmart và Whole Foods. 



Dược thảo có thể đưa lại các biến chứng bất ngờ như một vụ tử vong nghi ngờ là do “caffeine powder” gây ra, được truyền thông tường thuật năm 2014.


Ở đây, người viết xin có một lưu ý nhỏ: Những tên tuổi được kể ra trong danh sách của Consumer Reports chỉ là những tên tuổi rất lớn trên thị trường bán lẻ, điều đó không có nghĩa là những công ty nhỏ hơn, hoặc tên tuổi của những nhà kinh doanh trong các cộng đồng thiểu số là được miễn trừ.

Có nhiều nhà kinh doanh dược thảo, mặc dầu được biết đến khá nhiều trong cộng đồng Việt Nam, nhưng vẫn chưa đủ tầm mức để có mặt trong báo cáo của Consumer Reports. Việc liệt kê tên các cửa hàng lớn chỉ có nghĩa là: Lớn lao và uy tín đến như thế mà vẫn còn bán những sản phẩm mà giá trị chưa được kiểm chứng hoặc có nhiều rủi ro, huống hồ những tên tuổi nhỏ hơn.

Trong thực tế, giới tiêu thụ có thể tự kiểm tra bằng cách đối chiếu danh sách sau đây với bản liệt kê thành phần cấu tạo (ingredients) được ghi trên nhãn của bất cứ chai hộp dược thảo nào.

Danh sách 15 chất liệu có nguy hiểm tiềm tàng
Khi mua dược thảo, và ngay cả khi mua thuốc bán tự do ngoài quầy (over the counter, OTC), bạn nên rà soát kỹ những chất liệu trên bảng thành phần (ingredient) để xem sản phẩm có những chất độc hại hoặc tiềm tàng độc hại sau đây hay không? 
Trông giống như thuốc tây, nhưng dược thảo chỉ được công nhận như một thứ thực phẩm bổ xung (supplement) mà thôi.

1. Aconite
Chất liệu này còn có những tên khác như 

Aconiti Tuber, Aconitum, Angustifolium, Monkshood, Radix Aconiti, Wolfsbane 

Các chất trên đây thường có mặt trong các hộp dược thảo được bán ra để trị: đau khớp, thống phong (gout), giảm viêm sưng..

Tuy nhiên, uống những thứ thuốc này, bạn sẽ đối diện với những rủi ro và nguy cơ tiềm tàng sau đây: Ói mửa, buồn nôn, yếu nhược, tê liệt, khó thở, tim đập mạnh, có thể tử vong.

2. Caffeine P
rowder
Tên khác: 
1,3,7-trimethylzanthine

Có mặt trong các hộp dược thảo được quảng cáo giúp: Tăng trí nhớ, tăng khả năng tập trung, tăng thành tích thi đấu thể dục thể thao, giảm cân.

Nhưng chúng có thể đưa lại những nguy cơ như: Co giật, động kinh, tim ngừng đập, có thể gây tử vong; đặc biệt nguy hiểm khi tương tác với các chất kích thích.

3. Chaparral
Tên khác: 

Creosote bush, greasewood, larrea divaricata, larrea tridentate, larreastat

Có mặt trong các thứ thuốc được quảng cáo là có khả năng giúp: Giảm cân, Giảm viêm sưng, trị cảm, nhiễm trùng, mề đay trên da, và trị ung thư

Rủi ro tiềm tàng: Có thể làm hại thận, làm hại gan, hoặc đưa đến tử vong.

4. Coltsfoot
Tên khác:

Coughwort, farfarae folium leaf, foalswort, tussilago farfara.

Có mặt trong các thứ thuốc giúp trị họ, đau cổ, suyễn (asthma), viêm thanh quản (sưng ống phát ra tiếng nói trong cuống họng), viêm phế quản (bronchitis= sưng ống chuyển không khí vào phổi) 

Rủi ro tiềm tàng: Có thể làm hại gan, và phát sinh ung thư.

5. Comfrey
Cũng được gọi là:

Blackwort, bruisewort, slippery root, symphytum officinale

Thường có mặt trong các sản phẩm dược thảo được quảng cáo là để trị: Ho, kinh nguyệt lâu dài, đau bao tử, đau tức ngực, trị ung thư

Nguy hiểm tiềm tàng: Có thể làm hại gan, gây ra ung thư, có thể dẫn đến chết người.

6. Germander
Cũng được gọi là:

Teucrium Chamaedrys, viscidum.

Được quảng cáo là có thể trị: béo mập, giúp giảm cân, giảm sốt nóng lạnh giảm tê thấp, giảm thống phong, và các chứng bệnh về dạ dầy.

Có thể đưa đến những rủi ro như: Hại gan, gây viêm gan, hoặc thậm chí chết người.

7. Greater Celandine
Cũng được gọi là:

Celandine, chelidonium majus, chelidonii herba 
Được quảng cáo là có thể giúp trị bệnh đau bao tử. 

Nhưng có thể làm hại gan.

8. Green Tea Extract Powder (Bột trà xanh)
Cũng có tên là: Camellia Sinensis


Đây là một thứ nguyên liệu khá phổ thông trong các sản phẩm được quảng cáo là giúp giảm cân. 
Nhưng giảm cân chưa thấy đâu, người dùng nó có thể gặp các phản ứng sau: chóng mặt, nghe ù ù trong lỗ tai, giảm khả năng hấp thụ chất sắt cho cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu máu và chứng áp nhãn (cườm nước), làm tăng huyết áp và nhịp tim; hại gan; có thể đưa đến chết người.


Số báo đặc biệt của Consumer Reports nói về những nguy cơ do việc sử dụng dược thảo, và đề nghị những biện pháp để giới tiêu thụ có thể thực hiện để bảo vệ mình.

9. Kava
Chất này còn xuất hiện dưới những tên khác như:
Ava Pepper, Kava Kava, Piper Methysticum.

Những người bán “thuốc” thường quảng cáo rằng nó có thể: Trị mất ngủ (insomnia), làm tâm thần dịu lại, và giảm bớt căng thẳng. 
Tuy nhiên, uống những sản phẩm có chất này, bạn có thể gặp phải những rủi ro sau: Tổn hại gan, làm tăng triệu chứng Parkinson, tăng triệu chứng trầm cảm, làm mất khả năng tập trung khi lái xe, và cuối cùng gây ra tử vong.

10. Lobellia
Chất này cũng được gọi là: 

Asthma Weed, Lobelia Inflata, Vomit Wort, Wild Tobacco.

Được quảng cáo là có thể giảm các bệnh về đường hô hấp, giúp cai thuốc lá.

Tuy nhiên, “thuốc” có thể đưa lại những nguy cơ sau: Buồn ói, ói mửa, tiêu chảy, run rẩy tay chân, nhịp tim đập mạnh, đầu óc hoang mang, co giật, động kinh, nóng cao độ, bất tỉnh, thậm chí tử vong.

11. Methylsynephrine
Cũng còn có tên: 
OxilofrineP-hydroxyephedrineOxyephedrine, 4-HMP

Những lợi ích được quảng cáo bao gồm: Giảm cân, tăng cường sinh lực, tăng cường thành tích thể thao.
Nguy cơ tiềm tàng: Gây hỗn loạn nhịp tim, tim ngừng đập (cardiac arrest), đặc biệt nguy hiểm khi tương tác với những chất kích thích khác.



12. Pennyroyal Oil

Cũng còn được gọi là: 
Hedeoma Pulegioides, Mentha pulegium

Được quảng cáo về những lợi ích sau: Giúp dễ thở hơn, giảm rối loạn tiêu hóa.
Nhưng dùng dược thảo này có thể gặp những nguy hiểm sau: Suy gan, suy thận, tổn hại thần kinh, co giật, có thể gây chết người.


Dược thảo Red Yeast Rice được quảng cáo là giảm mỡ trong máu (bad cholesterol), nhưng có thể làm rụng tóc theo một số nhà nghiên cứu.


13. Red Yeast Rice
Còn được gọi là: Monascus Purpureus.

Ích lợi được quảng cáo: Hạ giảm cholesterol xấu (LDL), ngăn ngừa bệnh tim.
Những rủi ro có thể gặp: Tổn hại thận, gan, gây co thắt bắp thịt, rụng tóc, làm tăng rủi ro và phản ứng phụ của các loại thuốc giảm cholesterol.

14. Usnic Acid
Còn được gọi là: 
Beard Moss, Tree Moss, Usnea

Ích lợi quảng cáo: Giảm cân, giảm đau nhức
Rủi ro: Tổn hại gan

15. Yohimbe
Cũng được gọi là: 
Johimbi, Pausinystalia Yohimbe, Yohimbine, Corynanthe Johimbi.

Được quảng cáo là tăng cường ham muốn tình dục (libido), trị liệt dương, trị trầm cảm, giảm béo phì
Rủi ro có thể mang lại: Làm tăng huyết áp, làm tim đập mạnh, nhức đầu, co giật, tổn hại gan thận, gây rối loạn hoạt động tim, hoảng loạn và có thể đưa đến tử vong.



Vợ chồng lạnh nhạt? Hãy thử Yohimbe, theo một số nhà quảng cáo dược thảo. Nhưng các chuyên gia cảnh cáo về nguy cơ đưa đến bệnh tim, co giật thần kinh.


Trên đây là danh sách 15 chất được thu thập bởi một đội ngũ chuyên viên bao gồm các bác sĩ và những nhà nghiên cứu thực phẩm bổ xung do tổ chức Consumer Reports thuê về làm việc. Danh sách này được đăng trên tập san Consumer Reports phát hành vào tháng Chín, 2016.


Nếu bản thân mình hoặc thấy bất kỳ ai đang dùng các loại dược thảo và gặp các biến chứng như kể trên, bạn có thể báo cáo hoặc nhờ người báo cáo với FDA, cơ quan quản lý dược phẩm thực phẩm Hoa Kỳ trên mạng internet tại địa chỉ: www.fda.gov/Food/DietarySupplements/default.htmrồi bấm vào khung “Report an Adverse Event,” có nghĩa là “báo cáo phản ứng bất lợi.” 

Việc báo cáo không mất bao nhiêu thời giờ, nhưng đó sẽ là một tiếng nói hữu hiệu, góp phần lành mạnh hóa bầu khí kinh doanh và bảo vệ chính mình.


Erictran216@yahoo.com
http://www.viendongdaily.com/duoc-thao-loi-bat-cap-hai-QsHVBQjM.html



_____________________________

No comments:

Post a Comment