Friday, January 19, 2018

Màu trắng


Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh (Thơ Đoàn Thị Tảo)


(ảnh: Peace Nguyễn)


Sáng nay, thành phố Houston vừa xảy ra một sự kiện thời tiết hiếm thấy: Tuyết rơi.

Trong buổi sáng tinh mơ, với không khí lạnh mùa Giáng Sinh, không gian bên ngoài phủ một màu trắng xóa, những mái nhà trắng, mọi màu xe cũng chỉ phủ màu trắng, lá cây và cỏ chen lẫn hai màu trắng xanh, những bông tuyết bay nhẹ nhàng, rơi lả tả ngập trắng mặt đất. Ôi, một màu trắng tinh khiết làm lòng tôi lâng lâng một niềm hân hoan, hứng khởi. Nhưng niềm vui chưa trọn đã bị dập tắt ngay khoảnh khắc bởi vì phone Việt Nam báo tin: chị đầu tôi vừa qua đời. Tôi hụt hẩng, ngồi phệt xuống ghế, nước mắt lặng lẽ rơi. Màu trắng kia giờ đã chuyển sang màu tang tóc. Có phải cả thành phố đã để tang cùng tôi cho người chị yêu dấu : chị Nguyễn Thị Lưu Huế của tôi.


Hai tháng trước, trong chuyến du lịch Anh Quốc với hai con, tôi đã bỏ nửa đường, để bay về Việt Nam khi nghe tin chị hôn mê. Tôi đi thẳng vào Bệnh Viện Nha Trang nhìn chị vẫn trong cơn mê không tỉnh. Bên cạnh chị, tôi thủ thỉ vào tai những kỷ niệm xưa. Bến sông Hương bơi lội sau nhà. Những đêm hè, kiếm mủ mít đi bắt ve non bên Phủ cạnh nhà ở Đập Đá - Huế. Những ngày mưa lớn nước tràn qua đập, bì bỏm lội nước chơi... và chị đã dần dần tỉnh lại.

Tôi nói "Em về với chị đây !".

Lạ thật, tại sao tôi cứ “về Việt Nam”“về Mỹ” ? Mà sao không gọi là đi ! Phải chăng, tôi luôn có hai quê hương để chỉ trở về. Quê hương Việt Nam của đất Mẹ đã nuôi tôi khôn lớn. Dù đau lòng cho nhiều biến đổi, nhưng tôi vẫn trở về, vẫn thấy thân quen. Quê hương Mỹ của đất Cha, đã bảo bọc cho tôi và gia đình thành người hữu dụng, nơi tôi chịu ơn. Chắc có lẽ, chỉ khi nào tôi rời bỏ thế giới này như chị, thì mới gọi là vĩnh viễn ra đi thôi.

Chị tôi xinh lắm, 18 tuổi lập gia đình, trên 30 tuổi đã có 11 con. Má tôi thương chị hiền quá. Đã có nhiều con, mà chị còn chạy về mét má “Má ơi, anh Trừng đập con”. Má hỏi “Đập như thế nào ?”. Chị trả lời “Anh bảo con đi lấy cây, rồi nằm xuống cho anh đánh vào mông”. Chị vừa đẹp người, đẹp cả nết. Tôi chưa từng nghe chị than thở về số phận của mình, ngồi nghe mọi người nhận xét, hay phê bình ai, chị vẫn im lặng, nhưng lắng nghe tinh tế. Chị lo cho mọi người hơn cho chị. Em gái tôi từ Qui Nhơn vào thăm, chị từ tốn bảo "Chị khỏe lắm rồi, đừng bỏ nhà, về mà lo cho "dôn" nghe em”. Hễ tôi khen một món ăn ngon là khi tôi thức dậy, thấy đã dọn sẵn trên bàn. Hơn một tháng ở bên cạnh chị, nhìn sức khỏe chị phai dần, nhớ câu hát của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn “… chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, lòng tôi đau thắt. Giờ chị như hạt cát nhỏ bé, cơn lốc đã thổi chị lên trên ngọn đồi cao, nằm cạnh anh, để cùng nhau nhìn về tổ ấm mà chị đã vừa xây xong chưa đầy một năm, trong thành phố biển.

Anh rể tôi đẹp trai, hào hoa, phong độ, thể thao giỏi, làm ăn lớn. Nhưng thời thế không đến. Anh vào tù gần 20 năm. Chị tôi gánh trên vai 11 người con, một mình xoay sở không dựa được vào ai. Ba Má tôi thương chị lắm, nhưng khổ quá, đâu giúp gì được nhau sau 1975.

Ngày anh được trả về. Tôi về nước thăm anh. Tôi trách anh làm khổ đời chị tôi. Anh giận dữ quát lớn. Biết mình sai, tôi vội xoa dịu "Nhưng anh đã làm được việc hay, là đúc ra 11 đứa con tuyệt vời". Anh cười hả hê, mãn nguyện. Trong sự nghèo khổ, và nhờ vào đức hạnh, chị đã một mình nuôi dưỡng, dạy dỗ các con thành danh, thành nhân, biết thương yêu, hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau.

Trong chuyến du lịch Scotland vừa qua, tại thành phố Falkirk có hình  tượng hai con ngựa thật hùng vĩ. Một con ngước lên trời. Một con nhìn xuống mặt đất. Tôi hỏi các con nghĩ gì về biểu tượng trên ? Con tôi cười trêu chọc "Female càm ràm quá, nên male làm ngơ". Tôi thì nghĩ khác. Con ngựa cố vươn cao cổ để hướng về mặt trời, đó là tương lai của các con, là sự bất khuất, không đầu hàng số phận. Còn con ngựa  nhìn xuống mặt đất, đó là hình ảnh của Má, chỉ biết soi mình vào mặt nước, làm chim bói cá  đễ cố bắt cái bóng qúa khứ, nơi chôn nỗi thương yêu người thân, và nỗi lo cho quê hương sắp lụn tàn hiện nay.

Nhớ lại ngày bước xuống phi trường Cam Ranh, tôi như lạc vào thế giới khác, quanh tôi ồn ào với ngôn ngữ xa lạ của người Hoa, chỉ lác đác vài người Việt. Đi dọc con đường biển Trần Phú, tôi có cảm giác đi vào khu của người Hoa, những chiếc xe bus du lịch đổ xuống cả người già lẩn con nít náo loạn. Tiệm cà phê trên Hòn Chồng ,nơi thời con gái tôi đã từng lặn xuống đáy biển cạy san hô, hay rủ nhau thủ sẳn con dao nhíp và trái chanh để cạy hàu, ăn sống. Giờ đây, nơi đó chỉ là tụ điểm của từng đoàn du lịch Trung Quốc, chí chóe gọi nhau inh ỏi. Thành phố đầy người xa lạ, những quán Hương Trầm với chữ Tàu xa lạ, tiệm sách trưng bày thêm ngôn ngữ lạ, và có những căn nhà được số hữu bởi những người lạ. Phải chăng, những đoàn du lịch Trung Quốc đã dễ dàng vào nhiều và ra ít. Bởi vì họ xuất phát từ những đoàn du lịch “không đồng”, do chính phủ tài trợ, không tốn kém, không cần visa. Trong khi đó, tôi, người Việt Nam, phải chạy té sấp, té ngửa trong phi trường London, mất hơn 3 giờ đồng hồ và gần 300 đôla, chỉ để xin giấy phép được cấp visa tại phi trường Tân Sơn Nhất. Có lẽ tôi đã bị phạt vì tôi có quốc tịch Mỹ chăng.
 
Tôi thương cho đàn con cháu Việt Nam, tương lai đất nước mình sẽ đi về đâu ? Hay căn bệnh cường hào, quan quyền, tham nhũng… như tế bào ung thư ăn dần những mầm sống tốt của tuổi trẻ vừa nhú lên đã bị dập tắt. Ôi ! Nước tôi đã  bị ung thư  đến tận xương tủy rồi.

Quả  đất vẫn không ngừng quay, nước vẫn trôi, mây vẫn bay, ngày như mọi ngày. Rồi gió sẽ thổi đi hết buồn đau, để lại lòng tôi dửng dưng chai sạn, thấy buồn, vui cũng chỉ là một. Như màu tinh khiết, trong sáng cũng là màu tử biệt, sinh ly. Vâng, đó chính là màu trắng các bạn ạ !


Peace Nguyễn
(Texas 7/12/2017)


_______________________________

No comments:

Post a Comment