Tuesday, April 30, 2024

NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ MỘT CHÍN BẢY LĂM

ĐINH TẤN KHƯƠNG


Cuối tháng ba, nhận lệnh của  Dượng hai (chồng người Dì thứ hai) tôi đáp chuyến bay từ Sài Gòn gấp rút ra Nha Trang để đón đại gia đình đang trên đường di tản từ Qui Nhơn mà điểm đến là Phan Rang, nhưng đã không tới được. Lý do là vì chiếc cầu nối liền giữa Cam Ranh và Phan Rang đã bị không quân VNCH bỏ bom đánh sập trước đó vài hôm, nhằm làm chậm đường tiến quân của bộ đội miền Bắc.Tất cả các thành viên của mấy gia đình được nhồi nhét trên hai chiếc xe chở hàng (thường gọi là xe ba lua) chứa đầy vật dụng cần thiết.

Theo sắp xếp của Dượng hai thì cả nhà phải mua vé máy bay rời khỏi Nha Trang gấp. Nhưng vì tiếc đồ đạt trên hai chiếc xe chưa tìm đươc chỗ gởi cho nên Dì hai quyết định chờ gởi xong thì sẽ vào Sài Gòn. Hôm sau tôi đành phải đáp chuyến bay quay về lại Sài Gòn một mình, mang theo tiền vàng của đại gia đình để tránh mất mát trên đường di tản.

Vừa về tới Sài Gòn thì Dượng hai chỉ thị cho tôi quay lại Nha Trang lần nữa với nhiệm vụ là đưa cả gia đình vào Sài Gòn bằng bất cứ mọi giá, ngay cả việc mất hết đồ đạt đã mang theo trên hai chiếc xe tải.

Sáng hôm sau, ngày 01/04/1975 tôi lại có mặt tại Nha Trang, gặp lại gia đình và truyền đạt quyết định của Dượng hai. Lấy tiền đi mua vé máy bay cho toàn bộ thành viên của đại gia đình. Sau gần một tiếng đồng hồ đứng xếp hàng để chờ mua vé, tới khi chỉ còn chừng 5 người trước tôi thì đột nhiên có tiếng súng nổ và có nhiều tiếng ồn ào phía bên trong phòng vé. Liền sau đó thì phòng vé Air VN đóng cửa, bên ngoài tràn ngập những người đàn ông mặc đồng phục màu đen có trang bị súng ống, đó  là những cán bộ xây dựng nông thôn vừa rút lui từ vùng Cao Nguyên về đến Nha Trang.

Nghe tin là những cán bộ áo đen đã gây áp lực để mua toàn bộ số vé còn lại của chuyến bay tăng cường hôm đó. Khi về đến Sài Gòn thì mới biết là chuyến bay nầy đã bị các cán bộ áo đen áp chế bay thẳng qua Thái Lan để xin tỵ nạn.

Không đi được bằng đường hàng không thì bị kẹt lại Nha Trang. Cũng may nhờ ông anh họ, con người Dì thứ hai, đã lái chiếc jeep vào Nha Trang và còn có thêm một chiếc Honda hai bánh được chở trên một trong hai chiếc xe tải.

Do không có phương án giải quyết cho nên tài xế hai chiếc xe tải xóa bỏ hợp đồng và quyết định lái trở về Qui Nhơn.

Hội ý cùng toàn thể thành viên trong gia đình, gọi điện thoại vào Sài Gòn nhận chỉ thị của Dượng hai. Tôi và anh họ đã đưa ra quyết định bỏ lại chiếc jeep sau khi rút hết xăng trong bình đổ vào một can nhựa để dùng cho chiếc Honda. Lý do đưa ra quyết định đó là vì theo nhận xét của tôi, tình hình đang rất hỗn loạn mà di chuyển bằng xe jeep thì rất nguy hiểm vì chắc chắn sẽ xảy ra việc cướp xe (nhằm đạt phương tiện di chuyển chứ không phải do giá trị tài chánh của chiếc xe). Thứ nữa, chiếc xe jeep ngốn rất nhiều xăng trong lúc các trạm xăng đã đóng cửa và một số đã bị đốt cháy.

Chiều ngày 01/04/1975 tỉnh trưởng Khánh Hòa ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở hành chánh. Ông anh họ là sĩ quan tình báo (tốt nghiệp trường Cây Mai) có nhiều lần đi họp quân khu cho nên nhận ra chiếc xe jeep của Tướng Phú đang di chuyển rất gấp trên quốc lộ số 1 theo hướng vào Nam với bản số bị bẻ gập lại, không có tướng Phú hay những sĩ quan tùy tùng trên chiếc jeep đó. Ông anh quả quyết rằng, tướng Phú đã rời Nha Trang và chắc chắn tình hình sắp xảy ra sẽ rất bi đát.

Lúc đó, đoàn người di tản tràn ngập quốc lộ 1. Trong số họ là những quân nhân rã ngũ tháo chạy từ vùng Cao Nguyên vừa mới thất thủ (sau lệnh rút lui của Tướng Phú thông qua chỉ thị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) và là những thường dân gồm nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ im lặng với vẻ mặt sợ hãi, gồng gánh, hối hả bước nhanh dọc Quốc Lộ 1,  theo hướng vào Nam. Thỉnh thoảng trên đường lại thấy một vài xác chết được đắp tạm bằng những tấm chiếu hay những mảnh vải làm tăng thêm nỗi sợ hãi cho mọi người!

Không còn thời gian để do dự, tôi đã đưa ra quyết định sử dụng chiếc xe Honda hai bánh để di chuyển toàn bộ các thành viên gia đình từ Nha Trang dần vào Cam Ranh. Khởi đầu, tất cả mọi thành viên phải tháp tùng đoàn người di tản đi bộ dọc theo quốc lộ 1. Trong lúc đó chúng tôi thay phiên nhau lái chiếc Honda chở mỗi lần được 2 hay 3 người, độ chừng vài cây số thì bỏ xuống, những người nầy lại tiếp tục đi bộ theo hướng vào Cam Ranh, rồi quay xe lại chở tiếp. Trẻ em, phụ nữ thì được đưa đi trước nhưng phải sắp xếp có người lớn đi cùng để giám sát và cũng không quên cắt cử thành viên có súng tháp tùng để bảo vệ. Lúc đó, tôi cũng mượn một bộ đồ sĩ quan mặc vào kèm với khẩu súng M18  trong tay trông cũng khá ngầu (theo nhận xét của người nhà). Trước kia tôi đã từng tham gia khóa huấn luyện quân sự học đường nên cũng biết bắn súng, bắn thì biết nhưng bắn có trúng không thì chưa biết!.

Khi đã chuyển hết mọi thành viên ở mốc khởi đầu tới mốc điểm thứ hai thì lại tiếp tục chuyển dần từ mốc thứ hai tới mốc thứ ba và cứ như thế thì qua nhiều đợt đón đưa, cả nhà cũng vào đến Cam Ranh an toàn.

Đến Cam Ranh thì cạn hết can xăng dự trữ, chiếc xe Honda đành vứt bỏ. Do cầu sập cho nên phải tạm dừng chân và chưa biết bằng cách nào để đạt được đích đến là Phan Rang, nơi có nhà người quen. Rồi gặp một quân nhân, tài xế chiếc xe GMC đang đậu trong một con hẻm không mấy xa quốc lộ, ông ta cho biết là không dám lái đi vì sợ bị đánh cướp nguy hại cho tính mạng chính ông và cả gia đình. Chúng tôi bèn đưa ra quyết định hợp tác, nói rằng gia đình chúng tôi có nhiều quân nhân sẽ bảo vệ an toàn.

Ông ta nhìn chúng tôi với những bộ quân phục có trang bị những khẩu súng  M16, M18 và có cả súng colt 45 nữa, nhất là bộ mặt ngầu ngầu của một sĩ quan Lôi Hổ. Suy nghĩ một chút thì ông đồng ý hợp tác và quyết định khởi hành. Nhờ xe lớn nên nhét đủ mọi thành viên trong gia đình hai bên.

Rất may thời điểm đó  bị hạn hán cho nên con sông có chiếc cầu bị đánh sập đang khô cạn, chúng tôi quyết định lái chiếc GMC vượt sông, nhưng vì lòng sông có nhiều cát nên đoán  xe sẽ bị lún. Chúng tôi bàn bạc và chia nhau đi tìm những tấm tôn lợp nhà để lót cho xe chạy nhằm tránh lún. Đi tham quan, tìm chỗ nào mà xe có thể xuống lòng sông và leo lên bờ được một cách khả thi. Quyết định xong lộ trình, vài tấm tôn được bỏ dọc cho xe chạy lên, cứ như thế thì nhặt lại những tấm tôn mà xe đã qua rồi đưa ra phía trước cho xe chạy tiếp. Cuối cùng thì xe cũng đã vượt sông, tiếp tục theo quốc lộ số 1 mà thẳng tiến tới Phan Rang. Trên đường, gặp vài chiếc GMC chở những thanh niên mặc thường phục vẫy cờ trắng đang chạy ngược chiều, từ Phan Rang ra Cam Ranh.

Vào tới Phan Rang thì cũng vừa chạng vạng tối, đang trên đường tìm đến nhà người quen thì thấy những binh sĩ Nhảy Dù đang nổ lực xây dựng phòng tuyến trên quốc lộ 1 và các con đường chính dẫn vào thành phố. Theo dõi tin tức thì mới biết Lữ đoàn 2 Nhảy Dù được điều động  đổ bộ đến thị xã Phan Rang với kế hoạch bảo vệ phòng tuyến Phan Rang và với mục tiêu chặn đứng hay ít ra làm chậm đường tiến quân của bộ đội Bắc Việt đang di chuyển vào Nam.

Sáng hôm sau, nhận tin có một chiếc tàu sắt ngoài khơi vùng biển Phan Rang đang neo chờ tiếp đón những người di tản. Tôi quyết định nhờ người dân địa phương tìm thuê một chiếc ghe đánh cá để đưa toàn bộ thành viên gia đình tiếp cận chiếc tàu đó. Cuối cùng thì chúng tôi được đưa lên boong tàu sau khi họ tước bỏ những khẩu súng mang theo, tất cả vũ khí và vật dụng có khả năng gây nguy hiểm đều phải vứt bỏ xuống lòng biển. Tiếc nhất là khẩu súng rất nhỏ và thật đẹp có vỏ bọc bằng inox nạm vàng, khổ lớn độ chừng lọt lòng một bàn tay. Đó là khẩu súng mà ai đó đã tặng cho Dượng hai, được ông anh họ giao cho tôi cất giữ trên đoạn đường di tản.

Tìm hiểu mới biết đây là chiếc tàu buôn được chính phủ Mỹ thuê với mục tiêu cứu vớt những người dân di tản đến từ các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên Trung phần. Tàu có sức chứa tầm khoảng hơn mấy trăm người.

Vài hôm sau tàu tiến vào hải phận Vũng Tàu nhưng có lệnh của chính quyền địa phương là không cho cập cảng cũng như không cho phép đoàn người di tản bước xuống địa phận Vũng Tàu. Chiếc tàu này lại nhận lệnh là phải quay trở ra miền Trung để tiếp tục cứu vớt đoàn người di tản khác. Thương lượng với chính quyền địa phương không đạt kết quả, chiếc tàu nhận lệnh cấp trên đưa toàn bộ những người trên tàu xuống một chiếc tàu sắt phế thải đang nằm ụ không mấy xa bờ. 

Trước khi chúng tôi rời khỏi tàu, một sĩ quan tình báo quen biết với ông anh họ (ông ta đang làm nhiệm vụ như một thông dịch viên tự nguyện trên chuyến tàu nầy) quay qua nói với chúng tôi:

-       Chuyến trở ra miền Trung lần nầy là lần cuối và có tin là họ sẽ chở đoàn người di tản được cứu vớt trong đợt tới ra thẳng đảo Guam, do các chính quyền địa phương không cho phép người di tản nhập vào đất liền, bởi có nhiều hỗn loạn đã xảy ra trước đó ở một số nơi. Các anh và thân quyến nên ở lại trên tàu nầy đi, chúng ta sẽ có cơ hội tị nạn tại Hoa Kỳ. Họ đã đồng ý cho gia đình chúng tôi ở lại tiếp tục hành trình cứu vớt đợt cuối. Chắc chắn họ cũng sẽ cho phép gia đình của các anh, tin tôi đi và nên ở lại đây. 

Tôi và ông anh tiếp cận được một quan chức chỉ huy qua sự giới thiệu của ông “thông dịch viên nghiệp dư”. Viên chỉ huy nầy cho chúng tôi quyền lựa chọn, hoặc là ở lại hoặc là rời khỏi.

Hội ý với các thành viên trong gia đình, hầu hết mọi người đều có ý kiến là rời khỏi tàu để được về Sài Gòn. Vì lúc đó ý tưởng rời bỏ quê hương là một quyết định quá khó khăn. Thế là chúng tôi đành bước xuống boong tàu rỉ sét, con tàu không còn sử dụng được nữa.
Trên chiếc tàu hư nầy không những không có thức ăn, nước uống mà còn phải hứng chịu sức nóng oi bức đang trút xuống boong tàu bằng sắt khiến cho mọi người cảm thấy ngột ngạt khó thở.

Một thời gian không lâu sau đó có hai đứa trẻ bị chết (không biết vì nguyên do gì), một vài người trên boong tàu quyết định bơi vào bờ cùng với hai cái xác của hai bé làm áp lực với chính quyền địa phương. Nhờ đó, cuối cùng chúng tôi được lệnh rời khỏi boong tàu và được đưa vào bờ một cách an toàn.

Vào bờ, liên lạc với Dượng hai ở Sài Gòn và nhận được chỉ thị là tạm thời nghỉ ngơi ở một khách sạn và hôm sau hãy tìm xe đưa cả nhà về Sài Gòn. Tuy nhiên, theo lệnh thì chỉ có thường dân mới được rời khỏi Vũng Tàu, còn những ai là quân nhân thì phải chờ đợi quyết định của cấp trên. Báo cho Dượng hai biết tin nầy thì được khuyên là hãy đưa những ai được phép rời khỏi Vũng Tàu về Sài Gòn trước. Những ai chưa được phép thì cứ sắp xếp cho tạm ở trong khách sạn rồi sẽ tính sau.

Sáng hôm sau, tôi chạy thuê xe đưa một số thành viên về Sài Gòn, những thành viên được lệnh không cho rời Vũng Tàu thì được sắp xếp tạm ở lại khách sạn chờ tin.
Chiều ngày 07/04/1975 về đến Sài Gòn, Dượng hai phải đến cầu viện Bác Lê Văn Diện (Dân biểu Quốc hội thuộc đơn vị tỉnh Bình Định) nhờ Bác lái xe ra Vũng Tàu đón những thành viên còn lại về Sài Gòn. Lý do cầu viện Bác Diện là vì Bác có “đặc quyền miễn nhiễm” cho nên sự giúp đỡ của Bác là một phương án khả thi nhất.

Lúc đầu Bác Diện hơi do dự vì vừa mới nghe tin người anh của Bác, Bác Lê Văn Quế (Nghị viên Hội đồng Tỉnh Bình Định) vừa được tàu đưa đoàn người di tản tới đảo Phú Quốc. Lúc đó, Bác Diện đã có quyết định rời khỏi Việt Nam cho nên đã thuê đóng tàu, cho người may những “ruột nghé” và rang gạo khô chuẩn bị lương thực cho chuyến vượt biển sau khi đón được gia đình Bác Quế về đến Sài Gòn.

Cuối cùng thì Bác Diện cũng nhận lời cầu cứu của Dượng hai. Sáng hôm sau, ngày 08/04/1975 Bác Diện lái xe trực chỉ ra Vũng Tàu. Trên đường đi thì nghe tiếng nổ lớn đoán chừng ở trung tâm Sài Gòn, sau đó thì có tin Dinh Độc Lập bị bỏ bom. Bác Diện tỏ vẻ buồn bã nói:

-    Thôi xong rồi, tò te ma le đánh đu rồi!

Dượng hai hỏi Bác Diện:

-    Anh có tin là có giải pháp chia cắt đất nước lần nữa như lời đồn hay không?

Bác Diện có vẻ hằn học:

-    Toàn là tin vịt của mấy tay nhà báo Tây phương và đám CIA nhằm đánh lừa chúng ta, tin làm sao được. Anh biết rồi đó, tôi đã quyết định mua thuyền và hoàn chỉnh phương án thoát khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt.  Nếu anh muốn tháp tùng thì tôi cũng sẵn sàng nhưng vì có giới hạn nhất định cho nên chỉ nhận một số thanh niên mà thôi, anh thông cảm cho!

Đến Vũng Tàu, tôi chỉ đường cho Bác Diện lái đến khách sạn hôm trước. Bác Diện và Dượng hai ngồi trong xe chờ.

Bác Diện nói với theo:

-         Tình hình không cho phép được chậm trễ, nhanh nhanh nghe cháu

Tôi chỉ kịp dạ một tiếng rồi chạy thẳng vào quầy tiếp tân, hỏi ra mới biết là các thành viên còn lại đã rời khách sạn vào sáng hôm nay. Còn đang do dự không biết đi tìm ở đâu (vì thời điểm đó không có điện thoại di động như bây giờ để liên lạc). Hoảng hốt, sợ bị khiển trách vì đã không lấy số điện thoại của khách sạn cho nên không liên lạc cập nhật tin tức với những thành viên đó. Nhanh trí, tôi vội rút ra từ trong ví một tờ bạc 500 đồng, nhờ một nhân viên tiếp tân gọi tới vài khách sạn lân cận để hỏi thăm là có nhóm quân nhân nào vừa mới nhận phòng trưa nay hay không?

May quá, qua vài cú gọi thì tìm được khách sạn mà họ vừa chuyển tới. Chạy ra, báo tin là mọi người đã chuyển đổi khách sạn và nhờ Bác Diện lái tới khách sạn khác, hai ông tỏ vẻ bực dọc.

Tại quầy tiếp tân, hỏi rõ tên tuổi và số phòng. Sau mấy tiếng gõ gấp rút thì cửa mở. Ối trời ơi, thấy cảnh hai cô gái đang nằm trên hai chiếc giường cùng với hai ông. Chưa kịp hỏi lý do tại sao lại đổi chỗ ở thì một ông nhìn tôi cười cười rồi nói, có phần cho cậu đó. Nhớ lại hình ảnh bực dọc của Bác Diện và Dượng hai khiến cho tôi không còn chút cảm xúc nào cho nên chỉ biết hối thúc mọi người xuống xe để về Sài Gòn.

Nóng quá, bước vội vào phòng vệ sinh tìm nước rửa mặt cho mát một chút thì hai cô gái cũng vào theo, tìm buồng tắm. Một trong hai cô gái “bao” tiến lại gần tôi thì thầm buông lời chọc ghẹo:

- Làm gì mà vội thế anh, vui một chút với em không được sao?

Không trả lời, tôi bước ra khỏi phòng tắm rồi cùng đi xuống sãnh tiếp tân chờ ông anh làm thủ tục trả phòng và cùng ra xe tiến thẳng về Sài Gòn. Đến nơi, Bác Diện nhắc Dượng hai là hãy liên lạc thường xuyên để biết ngày ra khơi nếu muốn tháp tùng.

Dượng hai ngỏ lời cám ơn Bác Diện đã giúp đõ và nhắc lại:

-    Khi nào đón được anh Quế về, nhờ anh báo cho biết để qua thăm anh ấy,

Những ngày sau đó có rất nhiều thông tin nhiễu loạn về cuộc chiến Việt Nam. Dượng hai quyết định mua lại căn biệt thự ở đường Hồ Biểu Chánh của một quan chức làm việc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ cần bán gấp để rời khỏi Việt Nam. Theo tính toán của Dượng hai thì cần có một nơi để Dì hai và các anh chị còn nhỏ trú ngụ. Dượng cùng hai người anh lớn sẽ rời Việt Nam, hoặc là theo đường biển với Bác Diện hay là theo đường không vận với Bác Phan Thông. Bác Phan Thông là Thượng nghị sĩ, một trong số những cố vấn chính trị của Tổng thống Thiệu. Bác Thông có tấm thẻ đặc quyền được phép vào phi trường Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào một khi có những chuyến bay giải cứu quan chức chính phủ rời khỏi Việt Nam.

Tôi bàn với Dượng hai là nên theo Bác Thông vì cho rằng đường không vận có vẻ an toàn hơn là đường biển bởi lúc đó xảy ra nhiều vấn nạn trên biển được thông tin rộng rãi trên các báo đài. Dượng hai tin lời tôi nên cũng nghiêng về phương án đi theo Bác Phan Thông.

Bác Diện cùng với gia đình đã rời Việt Nam khá sớm trong lúc Bác Thông cứ do dự chưa muốn rời đi, ngay đến lúc Tổng Thống Thiệu từ chức mà còn thấy Bác tham dự buổi lễ từ chức được tổ chức tại Dinh Độc Lập vào tối ngày 21/04/1975.

Có vẻ như BácThông không muốn rời bỏ quê hương Việt Nam (Đúng như suy đoán của tôi, ngày BácThông học tập trở về tôi có đến thăm. Lúc đó Bác vẫn không có ý định vượt biên và sau này Bác cũng không chịu qua Mỹ theo diện HO. Bây giờ  Bác đã vĩnh viễn ở lại trên mãnh đất quê hương Việt Nam như Bác đã từng tâm nguyện).

Vào ngày 23/04/1975 thì gặp lại NT Mỹ, bạn học cùng thời trung học, là sĩ quan không quân lái trực thăng ghé nhà tìm tôi sau khi di tản từ miền Trung vào đây.

Mỹ cho biết Qui Nhơn thất thủ vào ngày 31/03/1975, mất liên lạc với phi đội của mình kể từ đó. Mỹ dự tính xuống căn cứ Biên Hòa tìm máy bay rời khỏi Việt Nam, tôi cũng đồng ý đi theo với Mỹ. Lúc đó mẹ tôi đang tạm trú tại nhà người Dì, nơi mà tôi đã từng ở đó trong nhiều năm để theo học đại học. Xin mẹ hai lượng vàng lận lưng, mẹ tôi ngăn nước mắt giã từ đứa con trai duy nhất mà chưa bao giờ mẹ nghĩ sẽ có ngày phải chịu xa lìa như hôm nay.

Xuống Biên Hòa thì mới biết căn cứ không quân Biên Hòa đã có lệnh di chuyển về căn cứ không quân Bình Thủy. Chúng tôi đành phải quay về Sài Gòn và dự tính sẽ trực chỉ Cần Thơ vào sáng ngày hôm sau.

Sáng ngày hôm sau, tôi lại từ giã mẹ và mọi người một lần nữa. Bước ra khỏi cánh cổng sắt lớn, như thường khi, tôi thọc tay vào bên trong qua một lỗ nhỏ để móc chiếc ổ khóa vào khoen khóa lại. Một điềm lạ lại xảy ra, có tới 2 lần tôi đã đánh rơi ổ khóa, lại phải mở cổng nhặt ổ khóa rồi đóng cổng 3 lần như vậy. Và lần thứ 3 mới thành công, Mỹ nói:

  -    Hôm nay mày hồi hộp hay sao mà khóa cửa mấy lần mới xong, hôm qua sao lại không như thế?

Vừa quay lưng bước theo chân Mỹ thì có một chiếc xích lô trờ tới và nghe tiếng một cậu trẻ gọi với:

  -    Anh ơi, cho em hỏi đây có phải là nhà của anh Khương không?

Ngạc nhiên vì không hề quen biết với cậu ta, tôi hỏi lại:

  -    Vâng, tôi là Khương đây, có chuyện gì không vậy?

Cậu ta tỏ vẻ mừng rỡ và nói:

  -    Anh có thư của chị M, chị ấy vừa vượt đường biển vào tới Sài Gòn trưa ngày hôm qua. Chị và mẹ của chị đang tạm trú bên cạnh nhà em. Tối qua gặp chị, em hỏi chị có quen ai ở Sài Gòn nầy không, chị bảo có quen với anh. Em hối thúc chị viết thư để em mang đến cho anh đây nầy.

Đọc vội bức thư chỉ vỏn vẹn vài dòng với nét chữ quen thuộc. Tôi áy náy nhìn Mỹ rồi nói:

-    Thôi ông đi đi, tôi phải ở lại rồi.

Thật tình mà nói, những ngày của tháng Tư có quá nhiều biến động, tôi không có cơ hội nghĩ nhiều đến M, người yêu và cũng là boss của tôi bây giờ. Lúc đó tôi không tin là còn có cơ hội gặp lại và tôi đã quyết tìm cho riêng mình một tương lai vô định. Thế nhưng, khi nhận được thư thì tôi đã chấp nhận ở lại gặp M. Bước lên chiếc xích lô để cậu em trai chở đến nơi M đang tạm trú và không quên vẫy tay chào tạm biệt người bạn đang lủi thủi bước đi một mình. Đó là chuyến đi đã dẫn bạn Mỹ đặt chân đến đảo Guam rồi được nhận vào Hoa Kỳ.

Ngày 28/04/1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công bằng một phi đội dưới sự hướng dẫn của phi công phản bội VNCH Nguyễn Thành Trung, người đã bỏ bom Dinh Độc Lập vào hôm 08/04/1975. Phi trường Tân sơn Nhất bị tê liệt, không còn chuyến bay nào đến và đi vào những ngày sau đó.

Sáng sớm ngày 30/04/1975 Dượng hai bàn bạc với tôi và đưa ra 3 phương án, may ra thoát khỏi Việt Nam trong giờ phút cuối cùng hỗn loạn nầy.

  -     Phương án thứ nhất là tìm đến nhà bà cô Sáu của Dượng, người có mối quan hện thân thiết với Tướng Đôn và Tướng Đính. Hy vọng bắt được tin tức về kế hoạch di tản những quan chức chính quyền.

  -     Phương án thứ hai là chạy thẳng xuống cảng Bạch Đằng với hy vọng có tàu cứu vớt người di tản còn đang ở đó.

    -   Phương án thứ ba là chạy tới tòa Đại sứ Mỹ, may ra còn có cơ hội cuối cùng.

Tuy nhiên, chạy không quá một cây số trên đường Công Lý thì nghe nhiều tiếng súng và nghe cả tiếng đạn bay xuyên qua hai bên đầu. Sợ quá, Dượng hai ra lệnh quay trở lại về nhà cho an toàn.

Cánh cửa dẫn tôi tới đất Mỹ đã đóng lại kể từ hôm đó.

Sau gần 50 năm ôn lại đờii mình mới biết rằng mọi chuyện xảy ra dường như đã được sắp đặt bởi một duyên cơ nào đó.

  -    Nếu ngày 01/04/1975 tôi tới quầy vé sớm hơn chừng 30 phút thì hẳn là đã mua được vé để có cơ hội bước lên chuyến bay bay qua Thái Lan xin  tỵ nạn đó rồi!

  -    Nếu đại gia đình tôi hay là tôi quyết định ở lại chuyến tàu cứu vớt người di tản tứ Phan Rang vào Vũng Tàu ngày đó thì tôi đã được đặt chân đến Hoa Kỳ rồi!

  -   Nếu tôi không sợ đường biển và không đặt niềm tin vào Bác Phan Thông để đi theo đường hàng không thì thì tôi đã có mặt trên chuyến đi của Bác Diện và cũng đã đến Mỹ lúc đó rôi!

  -   Nếu M không vào kịp hay là tôi không làm rớt ổ khóa đến mấy lần, điều mà chưa bao giờ xảy ra trước đó khiến làm chậm bước chân thì cậu trai đạp xích lô không có cơ hội gặp tôi đúng lúc. Như vậy thì tôi và Mỹ đã cùng đặt chân đến Hoa Kỳ rồi!

Và một trong mấy cái “nếu” trên đây mà thực sự xảy ra thì bây giờ tôi không phải là công dân Úc và boss của tôi bây giờ chắc chắn là một người nào khác chứ không phải là M nữa rồi!

Sydney ngày 30/04/2024

đinh tấn khương

_____________________________

TIỀN VÀ Y ĐỨC

Xuân sơn Võ

 

Một anh bạn, là bác sĩ, hành nghề tại Việt nam, sau đó qua Canada, trở thành bác sĩ ở Canada, và hành nghề bác sĩ ở Canada, nói với tôi, rằng nếu nói chuyện y đức thông qua tiền, thì bác sĩ Việt nam y đức hơn bác sĩ Canada nhiều. 

Cả tôi và bác sĩ đó đều hiểu, ở Việt nam, bác sĩ làm gì và việc trả tiền là những khái niệm hoàn toàn không liên quan đến nhau. Bạn vừa ra trực, một bác sĩ đàn em gặp ca mổ khó, gọi điện hỏi ý kiến bạn. Bạn chỉ cho người đàn em cách gỡ rối. Việc đó chẳng ai trả tiền cho bạn. Thậm chí, ngay cả khi bạn phải chạy vô phòng mổ để hỗ trợ, cũng chẳng ai trả tiền cho bạn. Đấy là chưa kể, bạn có mặt trong khoa phòng, bất cứ bệnh nhân nào, dù không phải bệnh nhân thuộc trách nhiệm điều trị của bạn, cũng có thể hỏi bạn, yêu cầu bạn giúp việc này việc khác. 

Các bác sĩ Việt nam làm những việc ấy đều không được trả bất cứ phí nào. Người bệnh Việt nam coi đó là đương nhiên. Chưa kể việc nhiều người nhắn tin qua messenger, yêu cầu bác sĩ cho toa điều trị. Gặp trường hợp không có đủ dữ liệu, bác sĩ yêu cầu khám bệnh, vậy là bác sĩ ấy bị coi là vô lương tâm, là vì tiền. 

Vấn đề theo anh bạn tôi nói, thì tất cả những việc mà người bệnh Việt nam đang nghĩ là bác sĩ có tâm, có đức bắt buộc phải làm không có thù lao, thì đối với các bác sĩ Canada, họ đều được trả tiền. Ở Canada, bác sĩ làm bất cứ việc gì đều phải trả tiền cho họ. Và nếu không trả tiền, thì họ không bị bắt buộc phải làm. Nếu họ không làm vì không được trả tiền (trừ một vài trường hợp cấp cứu), thì chẳng ai có quyền lên án họ về y đức cả. 

Nhiều người, nhất là Việt kiều ở các nước như Úc, Canada, các nước khu vực Bắc Âu… nơi nhà nước trả mọi chi phí khám chữa bệnh cho người dân, bị nhầm lẫn khái niệm miễn phí.   Người bệnh không trả tiền không có nghĩa là miễn phí. Bác sĩ ở những nơi đó không làm việc miễn phí. Họ được trả tiền, và trả rất cao so với ở Việt nam, dù làm cùng một loại công việc, với chất lượng ngang nhau. Anh bạn bác sĩ gốc Việt ở Canada còn lấy một ví dụ, rằng ở đâu đó gọi cho anh ấy hỏi, trường hợp bệnh nhân ABC nào đó như vậy thì nên chuyển đi đâu. Câu trả lời của anh ấy cũng được trả tiền.

Có thể rất nhiều người Việt nam, nơi mà tri thức không được coi trọng, không đồng ý, rằng bác sĩ là nghề phải đào tạo rất lâu, rất tốn kém, thì việc họ có thu nhập cao là đúng đắn. Trong khi mọi người dễ dàng chấp nhận những đại gia giàu lên nhờ câu kết, móc nối với đám quan lại trộm cướp của dân, cả tiền bạc và tài nguyên của đất nước, để làm giàu, thì nhiều người trong số họ lại qui cho tất cả các bác sĩ có thu nhập cao là không có y đức.

Trong xã hội chúng ta, các giá trị xã hội đang bị đảo lộn. Trong khi ai cũng có thể nhìn thấy sự khác nhau giữa 2 sao và 5 sao, thì lại có nhiều người không phân biệt được, sự khác nhau giữa nằm giường 2, 3 người, với nằm một mình một giường, trong một phòng chỉ có 2, 3 giường. Thậm chí, họ còn không phân biệt được sự khác nhau giữa những cái giường mà họ nằm lên đó.

Tất cả những gì liên quan đến y khoa đều không miễn phí, và đều có giá rất cao so với các ngành khác. Hồi xưa, để thực hiện một số kĩ thuật mổ, tôi bắt buộc phải dùng máy khoan mài. Bệnh viện không có. Tôi ra chợ Kim Biên mua cái máy khoan mỹ nghệ công nghiệp, về hấp vô trùng rồi xài. Mỗi cái máy giá khoảng 2 đến 3 triệu đồng, xài một lần rồi bỏ. Trong khi đó, một cái máy khoan mài y khoa giá có thể từ 12.000 đến 20.000 USD. Nếu tính đầy đủ chi phí cho máy, cho mũi khoan, thì chi phí về máy khoan mài cho mỗi ca mổ có thể lên tới 15 triệu đồng hoặc hơn nếu là ca mổ phức tạp, dùng nhiều loại mũi khoan.

Ngoài những dụng cụ bắt buộc phải có mới mổ được, còn có những thứ không bắt buộc, nhưng nếu có nó thì sẽ hạn chế nhiều biến chứng, và kết quả sẽ tốt hơn. Rất nhiều nơi mổ u tuyến giáp được bóc bằng tay. Trong khi đó thì có những nơi khi mổ u tuyến giáp, họ dùng CUSA, một thiết bị sử dụng siêu âm để lấy u. Hoặc khi cắt xương trong mổ, bác sĩ cắt bằng kềm sẽ rất khác với việc cắt xương bằng dao cắt siêu âm. Hiệu quả, độ an toàn… khác nhau rất xa. Chi phí đương nhiên cũng phải khác nhau. 

Đó là những điều còn rất khó chấp nhận với phần lớn người Việt nam. Chúng ta đã quá quen với thứ y khoa rẻ tiền, đã quá quen với việc miễn phí, nên rất dễ qui kết những gì đắt giá hơn là không có lương tâm, không có y đức. 

Vấn đề là không chỉ chúng ta, những người dân, mà cả những nhà làm luật, những nhà quản lí đất nước, đều có suy nghĩ như vậy. Và họ đề ra những chính sách. Những chính sách đó bắt buộc bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế phải luồn lách để vượt qua, để có thể chữa được bệnh, để có thu nhập, dù thu nhập chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra. 

Lẽ ra, một đất nước lúc nào cũng ra rả do dân vì dân, thì phải có chính sách an sinh tốt hơn nước Úc, nước Canada, hay các nước tư bản khác. Nhưng không, người dân phải tự bơi. Và quay ra cắn xé nhau khi ai cũng phải lo tự bơi để sống sót. 

Còn họ, sau khi vơ vét tiền của của dân, thì chạy sang các nước đó để được hưởng những đặc ân mà dân ta không có được do bị họ ăn cắp, cướp hết.

Xuân sơn Võ ( fb)

________________________________

Monday, April 29, 2024

Xin Đời Một Nụ Cười

Nhạc và lời: Nam Lộc 
Trình bày: Trương Hu Hiền
https://www.youtube.com/watch?v=sbP8vEzPUtQ

                    https://www.youtube.com/watch?v=sbP8vEzPUtQ

          Tôi bước đi, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối.
          Ôi! Sài Gòn chờ đợi thở hơi cuối cùng.
          Tôi bước đi Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời,
          khu thương xá cửa khép cuộc đời,

Sunday, April 28, 2024

SỐT TRỘN HỦ TIẾU KHÔ

Lana lee Facebook


Nguyên liệu làm Sốt cho 4 người
 - Thịt xay 300 gr
 - Cà rốt băm 2 muỗng canh
 - Nấm mèo băm 2 muỗng canh

Saturday, April 27, 2024

CHUYỆN THÁNG TƯ

 Hạ Anh 

Anh và chị tôi cùng trong một nhóm bạn từ thời trung học, tôi con bé cũng được chị rủ đi theo chơi. Lúc đó tuy thời cuộc chẳng yên ổn gì nhưng tâm hồn vui vẻ biết bao! Cho đến ba mươi tháng tư năm ấy thì nhóm bạn tan tác, mỗi người một nơi. 

Nhờ năm ngoái mở FB, hai anh em mới gặp lại nhau và cũng qua tin nhắn tôi đã kể cho anh nghe câu chuyện trở thành “kẻ lưu vong” của mình sau cuộc đổi đời năm ấy.

Friday, April 26, 2024

Thắp Cho Em Ngọn Nến

Trương Hữu Hiền - Hien Yuken


Chiến tranh là sự xung đột giữa những thế lực đối kháng một khi mâu thuẫn giữa chúng đi đến điểm cực hạn. Thế lực đối kháng đó có thể là hai quốc gia hay là hai lực lượng trong cùng một quốc gia, mà ta gọi là nội chiến.