Saturday, April 27, 2024

CHUYỆN THÁNG TƯ

 Hạ Anh 

Anh và chị tôi cùng trong một nhóm bạn từ thời trung học, tôi con bé cũng được chị rủ đi theo chơi. Lúc đó tuy thời cuộc chẳng yên ổn gì nhưng tâm hồn vui vẻ biết bao! Cho đến ba mươi tháng tư năm ấy thì nhóm bạn tan tác, mỗi người một nơi. 

Nhờ năm ngoái mở FB, hai anh em mới gặp lại nhau và cũng qua tin nhắn tôi đã kể cho anh nghe câu chuyện trở thành “kẻ lưu vong” của mình sau cuộc đổi đời năm ấy. 

Mấy hôm trước ông xã nhắc “xoá bớt tin nhắn trong điện thoại cho nhẹ bớt”. Suýt nữa thì xoá mất rồi, may mà tôi đọc và giữ lại. Hôm nay xin chia sẻ cùng các bạn…

Lúc đó đổi đời mà anh! Vừa đúng năm các anh chị thi cử và chọn nghành nghề, ai cũng lo âu hoảng hốt, tan tác là phải rồi.  

Khoảng đầu tháng ba năm 1975 trên đường di tản nhà em đã bị kẹt lại ở Phan Rang, phải trú ngụ nhà ông bác. Buổi chiều cuối tháng ba hôm ấy máy bay miền nam đã thả một trái bom cuối cùng trong ngày để đánh sập cây cầu, nhằm ngăn chận Bắc quân tiến vào…Không ngờ bị lạc rớt gần đó, ông bác đứng kề  em chết ngay tại chỗ, và nhiều người trong nhà đã bị thương, trong đó có Nhân và em. N thì bị nhẹ ở chân, còn em thì bị khá nặng ở tay. Cánh tay phải cho tới bây giờ chỗ mảnh bom găm vào vẫn còn nhức nhối vô cùng, may mà không cụt mất. Vết thương chỉ được bó tạm bằng vải áo … Đêm hôm ấy Ba em đã chở hai đứa chạy ngược ra Ba Ngòi ở 

Sau khi gia đình về lại QN, em chuyển lên Quang Trung ( Cường Đễ cũ) học tiếp hai năm… Chán lắm! Nhưng cũng ráng cho xong trung học. Anh thử nghĩ xem gia đình mười mấy người không làm gì ra tiền cả, cứ bán dần đồ trong nhà ăn. Kinh tế thì ngặt nghèo, tinh thần thì càng bị khủng bố thê thảm hơn. Chính quyền địa phương rình tập, hăm he kiếm chuyện đủ thứ, đòi đưa đi KTM, kiểm kê tài sản, bắt gđ phải có người đi lao động …Kỳ đó em đã phải đi mười ngày gần nhà thờ Lòng Sông. Mỗi ngày đám thanh niên thì sắn đất từ bờ sông bỏ vào rổ cho đám con gái gánh đi đổ lên bờ đắp con đê Đông Định. Mình có quen “dầm mưa dãi nắng” thế đâu, kết quả sau mười ngày mặt mày thì đen nhẻm, còn cái vai và đôi chân sưng phù đau nhứt không chịu nổi.

Ở trường thì đi hai đợt vào mùa hè năm 11 ( đắp đê ở Cát Chánh) và năm 12 ( đốn củi ở Tân Vinh). Hậu quả là sau khi thi tốt nghiệp xong em bị sốt rét rất nặng, một mình vào ra bệnh viện Quy Nhơn mấy lần (lúc đó nhà em đã đi vào Sóc Trăng cả rồi). Cũng may còn  sống sót và rồi từ đó đời mình cứ như một kẻ “lang bạt kỳ hồ”Lên nương xuống ruộng , sông cạn biển sâu đủ hết …

Thi đậu tốt nghiệp xong, bạn bè chung quanh đứa thì hớn hở chờ ngày vào đại học, đứa thì đi vượt biên, nhìn quanh chẳng có ai giống hoàn cảnh như mình cả.

Chính quyền ở phường họ “ngâm tôm” lý lịch không ký, con bạn chờ đi nộp đơn cùng đã phải tới khu phố năn nỉ với em. Rốt cuộc chờ không được nó đành phải đi trước. Mấy ngày sau đó em mới lấy được lý lịch về, thấy họ phê là biết mình xong rồi, học bạ em cũng bị ông thầy chủ nhiệm miền Bắc ghi rất xấu. Năm 12 sinh vật là môn chính của lớp mà ông dạy chẳng ai hiểu cả, suốt ngày cứ ra rả nói chính trị …Thật ngán ngẩm vô cùng, một vài đứa đòi đổi giáo viên, nhưng rồi ông ta vẫn tiếp tục dạy, bắt bọn em làm bảng kiểm điểm, cuối năm cả đám bị trả thù, ông ghi trong học bạ em là “không có kỷ luật nghiêm chỉnh, tinh thần phê và tự phê chưa cao”… Lấy được tờ lý lịch trong tay thì chỉ còn hai ngày là hết hạn tuyển sinh, nhưng em vẫn cứ đi với hy vọng mình sẽ đến kịp…Lần đó là lần đầu tiên em đi xa nhà một mình-rất lo- nhưng giấc mơ đại học quá lớn nên mới đi liều vậy- Đi xe lửa tới được Phan Rang là hết một ngày, phải ở lại chờ hôm sau mới đón xe đò đi lên Đà Lạt. Nhưng sáng ra thì không có xe, hành khách lại chờ đầy, năm giờ chiều là hết hạn nộp đơn, mà em vẫn còn quanh quẩn ở bến xe …Đành phải quay về! Thế là xong một giấc mơ, nhưng em vẫn cố chấp nộp vào CĐSP ( thi sau ĐH )với hy vọng ngây thơ rằng làm bài được điểm tối đa họ có thể cho học mà không xét lý lịch. Lúc thi em là đứa đã ra sớm nhất phòng. Bài chẳng có gì khó nhưng vẫn cứ rớt thôi. Em vô xin rút hồ sơ để kiện vì tức quá. Nhưng họ chỉ trả lại tờ lý lịch, học bạ, và bằng tốt nghiệp thôi, bên ngoài là cái bìa kẹp hồ sơ bị gạch chéo. Em đòi trả lại bài thi, họ bảo rằng bài thi trường giữ. 

Từ ngày bị cưỡng bức đi kinh tế mới ( 1977) cho đến ngày em rời VN năm 1984, gia đình chưa bao giờ có hộ khẩu chính thức cả. Không biết sau này nhà có hộ khẩu là năm nào? Lúc ở dưới miền Tây có lần theo chị Hai đi buôn hàng chuyến chẳng mướn được phòng trọ vì mình không có thẻ chứng minh nhân dân. Chỉ mướn một chiếc chiếu nằm qua đêm ngoài bến xe, té ra trước giờ chị đều nằm bờ ngủ bụi như vậy…Thương chị quá! chị mệt ngủ như chết, còn em ngồi thức canh chừng đồ… Lúc đó cái cảm giác bất lực, đau lòng và tủi thân cứ trào ra và em đã ngồi khóc suốt đêm …Những giọt nước mắt của một kẻ “ở lậu” ngay trong quê hương mình đau rát lắm anh ơi!

Ba em may mà trốn đi chứ không chắc cũng rũ tù. Mười mấy chị em, chẳng quen rẫy ruộng, cũng phải đi nhổ cỏ cấy lúa, cuốc đất trồng khoai, làm đủ thứ chuyện trên rừng dưới biển … Làm bánh hỏi, nấu rượu,nuôi heo, làm tầu hũ , trồng mì, đốn củi , kéo lưới, quấn thuốc lá mướn. Rồi đến buôn bán cà phê, thuốc lá, tôm cá cua ghẹ gì đều có cả.

Năm 1981 kinh tế gia đình cũng đắp đổi qua ngày, em nộp đơn vào CĐSP Cần Thơ được nhận đi học (mình tạm trú, họ chỉ ký xác nhận lời khai làm ruộng nên lý lịch không sao) em muốn đi nhưng nghĩ lại đi học hai năm đã không làm ra tiền phụ gia đình mà còn tốn tiền chu cấp cho nội trú nữa… Cuối cùng cũng không học mặc dù có ông thầy hiệu trưởng từ Cẩn Thơ đến tận nhà em ở Sóc Trăng nói chuyện (lúc đó nghành giáo dục trong miền nầy họ thiếu rất nhiều giáo viên)

Cuộc sống cũng tạm ổn, nhưng bỗng vào đêm giao thừa năm đó ( 1982) ba em bị công an huyện bắt đi tù với tội danh không hề có là “ hoạt động chính trị chống đối nhà nước ”.  Ôi ! Mẹ và một đám con gái lo chạy chọt kêu nài …Ba em ra tù là liền dọn nhà ra Bà Rịa vì sợ họ buồn buồn bắt lại…

Ra đó lúc đầu chưa tìm được nhà, nên phải sang đỡ một cái chòi lá đủ bỏ hai cái chõng tre cho mười ba người chui ra chui vào đỡ nắng, tối ngủ nằm sắp lớp như cá mòi .Cực nhất là khi trời mưa nước dột, phải lấy thau nhôm thau nhựa đội lên đầu, ban đêm mền chiếu ướt hết ngủ không được. Khổ lắm! Kêu trời, trời không thấu mà trách đất, đất chẳng hay! Nhưng đâu còn nước mắt để khóc nữa…

Mãi đến năm sau mới mua được cái nhà cũng bốn bề lợp lá, nhưng tương đối rộng rãi, có sân sau sân trước. Rồi cũng làm rẫy nuôi heo, hai chị em có dạo cũng đi mua cá tươi ở Bà Rịa chở lên Thủ Đức ngồi bán …Không ngờ có ngày  mình cũng trở thành bà bán cá …ha…ha…

Sau chị hai P không đi buôn hàng chuyến nữa, vì đã cực mà lâu lâu thuế vụ dọc đường họ bắt được, đóng thuế hay tịch thu là cụt vốn. Hai chị em bèn bàn nhau làm thuốc lá cho ba đi bỏ mối, mấy đứa gái nhỏ thì phụ cắt thuốc, còn con trai thì kéo lưới ban đêm ngoài giờ đi học. Cuối tuần thì mấy cậu  nhỏ theo Ba đi rừng đốn củi, bẻ măng. Hôm nào “trúng lưới“ thì mâm cơm cũng được có thêm con tôm, con cá …Còn không thì rau muống và măng là hai món quanh năm… 

Cái nhà đã được sửa sang lại khang trang có sân trước, vườn sau, gió lộng bốn bề chim về làm tổ hót líu la líu lít trên những nhánh của cây trâm bầu thật to phía sân sau. Lúc đó em bắt đầu cảm thấy yêu mến mảnh đất ấy và hy vọng rằng gia đình mình tương lai rồi sẽ ổn. Nhưng một hôm công an xã họ kéo đến và giựt sập gần hết cả cái xóm nhà lá của dân “không hộ khẩu”. Nhà em bị xử cuối cùng, họ dỡ hết một phía. Nhờ có ông xã đội trưởng ( ông này thường mang súng kè kè tới nhà chơi với ba) ở trong xóm thương tình xuống can thiệp, họ mới ngừng tay…Nhà trống toang hoác, phải lấy lều bạt che lại. 

Trong những năm nầy em đau bịnh liên miên, bệnh sốt rét cứ dây dưa hoài từ miền trung vô đến miền tây.Thuốc chú em ở Mỹ gửi về uống lúc đầu bớt, nhưng sau đó hết thuốc thì càng nặng hơn, da xanh mướt, răng long tóc rụng. Cơn bệnh chấm dứt là lúc ở Sóc Trăng có ông thầy thuốc nam chữa từ thiện, em mới khỏi hẳn. Rồi đến đau bao tử cũng ra vô bệnh viện Bà Rịa, trở đi trở lại nhiều lần cho đến khi qua Mỹ. Bác sĩ họ bảo bịnh bao tử nếu lo nghĩ là nó trở lại…Sao mà không lo, một mình em mới hăm mấy tuổi đi qua một chuyến vượt biển kinh hồn, sự sống mỏng như tơ…Xứ lạ quê người nhìn chung quanh ai cũng có người thân, chỉ có mình là trơ trọi. 

Vâng! Năm 1984 em vượt biển một mình đến Indonesia, năm sau được nhận vào Mỹ, lại có thêm ba đứa em trai tiếp tục qua. Thời gian đầu ở Mỹ rất khó khăn khổ cực, cả ba chị em vừa đi học vừa đi làm, mà chỉ có một cái xe em lái đi muôn ngả. Nhân lớn có thể tự lo, nhưng hai đứa nhỏ còn đi học ở High school, cũng làm đủ thứ chuyện … nào bỏ báo, bán chợ trời… .Lúc đó phần thì lo cuộc sống mấy chị em ở bên này, phần thì lo bên nhà …Sau khi mấy chị em đi, công an điạ phương cứ đến kiếm chuyện và bắt Ba em tới đồn viết kiểm điểm hoài, công việc làm ăn vì thế cũng bị ảnh hưởng khó khăn. Em lúc đó như một bà mẹ đơn thân cho nên ốm nhom ốm nhách. 

Sau em xin vô làm hảng điện tử full time và đi học part time, hai cậu nhỏ cũng đã vào College. Em lập gia đình là sáu năm sau (1991), năm chín tư thì bảo lãnh ba mẹ qua, năm 2005 chị hai và mấy nhỏ còn lại qua nốt.

Lúc T gặp em khen em giỏi, “qua đây một mình lại có hai đứa em nhỏ nữa mà tới sáu năm sau mới lấy chồng, những người khác như em là đã kiếm một ông về lo cho đỡ cực thân”. Nhưng phải vậy thôi, chị lớn mà. Thời đó con gái VN ở Mỹ cỡ tuổi em “có giá” lắm nhé…Một số du học trước 75, số qua năm 75 và sau 75… Tuy vậy nhưng có tới năm chục tiểu bang,đâu dễ gì gặp nhau và nhất là ”nam thừa nữ thiếu”. Ông xã em hay nói giỡn rằng chỉ có anh ấy là gan dạ nhất mới dám rước “một cô nàng” có đông em như thế. Anh ấy nói đúng chứ không sai đâu, đó là nguyên nhân tại sao chị Hai không lấy chồng. Lập gia đình rồi ai nuôi đàn em, mà hồi ấy nhà em như vậy ông nào tới thấy rồi cũng bỏ chạy thôi. 

Nếu mà kể lại chuyện đời mình thì chắc sẽ là câu chuyện dài nhiều tập. Em  không biết hôm nay sao mà em kể lể lê thê thế chứ. Có lẽ tự xưa giờ sâu trong em luôn quý mến và trân trọng các anh chị của nhóm bạn ngày xưa- nhất là anh- một người hiền hoà ít nói luôn quan tâm và thân thiện với các con bé “lí nhí “ như tụi em. 

Lâu ngày anh em gặp lại mà cứ nói chuyện không vui miết… Chuyện của em từ năm 75 thì buồn nhiều hơn vui. Mới có một tập thôi mà, hôm nào rảnh kể tiếp chuyện “cánh tay bị thương “. Không biết anh có thích nghe nữa hay không, hôm nay chấm dứt tại đây.

Chúc anh và gia đình an lành và hạnh phúc.

Hạ Anh.tháng tư. 2022

___________________

Friday, April 26, 2024

Thắp Cho Em Ngọn Nến

Trương Hữu Hiền - Hien Yuken


Chiến tranh là sự xung đột giữa những thế lực đối kháng một khi mâu thuẫn giữa chúng đi đến điểm cực hạn. Thế lực đối kháng đó có thể là hai quốc gia hay là hai lực lượng trong cùng một quốc gia, mà ta gọi là nội chiến. Thường thì sau một cuộc chiến, nếu có kẻ thắng người thua thì quyền lợi tốt hơn sẽ dành cho bên thắng cuộc và thiệt thòi ngả về người thua cuộc. Điều đó không tránh khỏi. Tuy nhiên ngoại trừ trong một cuộc chiến xâm lược, hết chiến tranh thì điều cần thiết nhất là xây dựng và hàn gắn. Xây dựng lại của cải vật chất bị tàn phá, hàn gắn lại lòng người từng chia rẽ vì bắn giết nhau.
Bỏ qua những thế lực bên ngoài trong chiến tranh Việt Nam. Sau 30 tháng Tư năm 1975, lẽ ra việc xây dựng và hàn gắn giữa những con người cùng màu da, cùng dòng máu là điều ưu tiên nhất. Nhưng những người chiến thắng trong cơn say quyền lực, cộng thêm cái mặc cảm tự ti thua sút khiến cho họ mang tâm lý trả thù. Đó là nguyên nhân sinh ra những chủ trương như “học tập cải tạo, kinh tế mới, đánh tư sản mại bản”, và cuối cùng là câu chuyện vượt biên, vượt biển.
Bao nhiêu gia đình của mảnh đất miền nam một thời bình yên nay tan nát vì những chủ trương đó. Con mất cha, vợ lìa chồng, cha mẹ ngậm ngùi đau xót tiễn con ra biển mà không biết chúng sẽ sống chết ra sao. Xã hội bị xáo trộn một cách khủng khiếp. Người cùng làng ở thôn quê, cùng xóm ở thành thị nghi kỵ, sợ hãi nhau. Trước đây rời bỏ chốn quê nhà là điều chẳng đặng đừng, nay đó là một nhu cầu để sống còn. Và những câu chuyện bỏ nước tha hương tương tự ấy vẫn còn đang xảy ra đến tận bây giờ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Câu chuyện của xóm tôi
Xóm nhà tôi trước đây ở Đà Nẵng nằm trên đường Ông Ích Khiêm, khoảng giữa chợ Cồn và chùa Tĩnh Hội. Mọi người hay nói đùa rằng, xóm tôi có một vị trí thật đặc biệt, khi vừa ảnh hưởng cái không khí xô bồ ồn ào chợ búa vừa ảnh hưởng cái tôn nghiêm nơi tĩnh lặng chùa chiền. Thời đó người trong xóm chăm chỉ làm ăn. Nhà nào buôn bán cũng tương đối phát đạt. Tuy thời chiến tranh mà mọi người vẫn bình yên thanh thản sống. Trong xóm người người thân quen, quý mến nhau.
Nhưng rồi tháng Tư năm 1975 ập đến. Vận nước đổi thay, xóm nhà tôi cũng không phải là ngoại lệ. Trước đây vui, thân tình bao nhiêu thì bây giờ đầy nghi kỵ, sợ hãi. Mọi người lặng lẽ lo toan cho riêng gia đình mình. Vài năm sau ngày mấy “ổng” về, lần lượt người xóm tôi lặng lẽ cho con cái hay cả nhà cùng nhau ra đi. Có gia đình thành công vượt thoát hết, nhưng cũng có gia đình đau đớn khi người thân chẳng bao giờ biết được tin.
Cô bé hàng xóm.
Bài viết tháng Tư năm nay tôi xin viết về cô bạn hàng xóm của mình. Cô bạn kế bên nhà mà tuổi thơ chúng tôi đã từng có những san sẻ thân thương. Biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Khoảng mùa hè 1995 lần đầu tiên tôi về lại Việt nam sau thời gian đi xa. Ở Sài gòn mới hai hôm với gia đình người chị tôi đã nôn nóng mua vé máy bay trông vù về Đà nẵng.
Sáng sớm háo hức xách va li lên phi trường Tân Sơn Nhất, kiếm một ly cà phê nhâm nhi ngồi ở khu vực chờ. Thật bất ngờ tôi gặp lại hai bác Quốc Long từ Đà nẵng vừa đáp chuyến bay xuống. Chừng ấy năm xa cách vậy mà hai bác vẫn nhận ra tôi ngay. Bác gái vừa gặp mặt đã ôm chầm lấy tôi hỏi:
- Hiền đây hả, về hồi mô vậy con?
Tôi chưa kịp trả lời, bác đã ràn rụa nước mắt nói ngay:
- Đông nó mất tích rồi con ơi! Mấy chục năm chẳng có tin tức gì nó cả.
Tôi chỉ biết ôm bác vỗ về và nói rằng mình đã biết tin về Đông từ khi còn trong trại tỵ nạn.
Bác gái ngồi xuống cạnh tôi huyên thuyên hỏi chuyện. Còn bác Quốc Long trai thì chỉ đứng im lặng nhìn, giữ khoảng cách khá xa. Nhưng tôi cảm nhận trong ánh mắt bác một nỗi đau buồn bất tận. Nỗi buồn nhớ thương con tan nát. Đàn bà dễ than khóc cho một tai ương ập đến, nhưng thời gian sau có thể gượng dậy mà tạm quên đi. Đàn ông thì khác nhiều lắm, cứ vậy mà họ im lặng chịu đựng dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, khó nguôi. Ánh mắt và sự im lặng của bác trai làm tôi không dám nhìn thẳng vào, tôi sợ cái cảm giác mình đang chạm đến nỗi đau quá sức chịu đựng của một con người! …
Vợ chồng bác Quốc Long là hàng xóm sát vách nhà tôi thời Đà nẵng, và Đông là cô con gái thứ của hai bác. Đông nhỏ hơn tôi hai tuổi, thân thiết nhau từ thuở nhỏ cho đến cả khi lớn lên. Hồi đó chuyện gì tôi và cô ấy cũng có thể kể cho nhau nghe, chuyện gia đình, rồi trường lớp, chuyện tình cảm bạn bè buồn vui. Sau này khi tôi đi học xa, mỗi mùa hè hay dịp tết Đông bao giờ cũng mừng khi tôi về Đà nẵng.
Vậy mà khi tôi vượt biển đến trại tỵ nạn Nhật thì mấy tháng sau Đông lại không may, cũng ra đi mà không bao giờ tới bến bờ. Cô ấy cùng với những người cùng chuyến ghe đã nằm lại đâu đó giữa biển khơi. Thời gian đầu còn hy vọng chuyến đi lạc vào một hải đảo nào đó, nhưng bao năm rồi vẫn biệt tin thì chắc chắn tất cả không còn.
Nhớ lần cuối tôi gặp Đông. Từ Sài Gòn tôi trốn về Đà nẵng chờ một chuyến đi. Tết đó tôi ghé nhà vài hôm. Sau tết, một buổi chiều tôi rủ Đông đi uống cà phê dưới phố. Lúc đó đã tuổi gần 20 rồi mà Đông còn ngại ngùng sợ hàng xóm dị nghị, cô ấy bắt tôi phải đạp xe đến tuốt cuối đường rồi mới lấy xe theo gặp.
Hôm đó Đông cho biết gia đình đã thỏa thuận với một tổ chức vượt biển, ngày Đông đi cũng không còn xa. Cô ấy rủ tôi đi chung nếu muốn. Tôi nói cứ nhắn với gia đình tôi khi đến ngày đi. Nhưng thật ra, ba mẹ tôi cũng đang liên lạc với một tổ chức khác. Tôi và Đông nói chuyện nhiều lần gặp đó. Cô ấy nói về ước mơ đi thoát nơi này, đến một nơi không còn những kỳ thị thù hằn giai cấp, ước mơ được trở thành cô sinh viên cắp sách đến trường. Tôi thương những ước mơ bình dị của cô ấy. Con gái thường hay mơ mộng mà quên đi những gì thực tại. Tội nghiệp cho những ước mơ của Đông chẳng bao giờ thành hiện thực.
Tuần sau tôi có hẹn ra khơi, chiều sẩm tối tôi bắt phà ngang sông Hàn, ngoái nhìn phố phường bờ tây lần cuối giã từ. Chuyến đi lênh đênh nguy hiểm nhưng may mắn cuối cùng được tàu Nhật cứu đưa về trại tỵ nạn Okinawa. Mấy tháng sau hai cô em gái tôi cũng vượt biển đến được Hồng Kông. Và qua thư của hai cô em tôi biết tin Đông đã ra đi trước đó nhưng chẳng biết tin tức gì. Tôi rất buồn và luôn cầu nguyện ơn trên cho cô ấy được bình an sống sót ở một nơi nào đó. Hơn 40 năm trôi qua! …
Lần đầu qua Mỹ thăm gia đình, câu chuyện trong nhà hay nhắc đến Đông. Ba tôi nói nghe tin có chuyến tàu ra đi tận những năm đó, rồi lạc vào một hoang đảo và những thuyền nhân đến sau này mới được tìm thấy. Ba nói, “Biết đâu Đông nó vẫn còn sống”. Nghe như chuyện hoang đường ấy. Nhưng điều đó chứng tỏ mọi người đều quý mến mà thương tiếc Đông, một cô gái nết na hiền lành trong xóm.
Lần gặp hai bác Quốc Long ở phi trường năm đó cứ ám ảnh tôi mãi. Bây giờ hai bác đã mất nhưng tôi vẫn nhớ đến những giọt nước mắt ràn rụa của bác gái, cái thinh lặng và ánh mắt tan vỡ u buồn của bác trai. Thật tội cho hai bác.
Chuyện mất tích trên đường vượt biển của Đông làm tôi còn liên tưởng đến một mất mác khác, cái chết oan ức của anh trai cô ấy.
Khoảng mùa hè năm 1973, tuy đã ký kết hiệp định Paris nhưng chiến tranh vẫn diễn ra mãnh liệt hơn. Ngoài chiến trường là vậy, còn ở thành phố chuyện khủng bố, ám sát, nổ mìn lựu đạn vẫn xảy ra hằng ngày.
Một buổi chiều, anh trai của Đông tên Quốc đang nói chuyện với tôi trước nhà thì cô cháu anh ấy từ bên kia đường sang rủ anh đi chơi. Anh Quốc lấy chiếc xe Yamaha đèo cô cháu đi, nhưng chạy được một đoạn thì tôi nghe một tiếng nổ thật lớn. Mọi người sợ hãi nhón nháo nhìn về hướng phát tiếng nổ, có lẽ là ở quán chè cách nhà tôi hơn trăm mét. Tiếng la hét, rồi lát sau tiếng xe cấp cứu hú còi náo loạn.
Có người chạy về và la lớn rằng anh Quốc bị thương và đã đưa đi bệnh viện. Thời gian ngắn sau, có tin anh Quốc mất vì mảnh văng của lựu đạn của khủng bố ném vào quán chè khi anh ấy lái xe ngang qua. Cha mẹ. anh em anh Quốc khóc ngất.
Buổi tối đưa xác anh ấy về tẩm liệm. Tôi không quên được hình ảnh, suốt đêm bác gái Quốc Long ôm tấm mền đi lang thang ngoài đường, vừa đi vừa khóc cứ nói đem mền cho con trai mình đắp thêm cho ấm.
Hai cái tang quá trẻ bên hàng xóm nhà tôi. Cái tang của anh trai Đông năm ấy, và cái tang của chính Đông bây giờ. Một cái chết vì một mảnh lựu đạn oan nghiệt của kẻ khủng bố, và bảy năm sau là một cái chết khi trốn chạy chế độ độc tài do kẻ khủng bố ngày đó thành công dựng nên. Chừng ấy năm cho hai cái tang của con cái, đớn đau nào cho người cha, người mẹ có thể chịu nỗi. Tận bây giờ tôi cứ mãi ám ảnh về hai cái chết của hai người con gia đình bác Quốc Long. Rồi tôi liên tưởng đến những cái chết của dân tôi trong chiến tranh và sau chiến tranh. Oan khiên chồng chất những oán hờn ...
Đời người vài ba mươi năm thì dài hay ngắn làm sao chúng ta biết được. Có những vi sinh vật chỉ sống được vài ba giờ, và có những loài trường tồn hàng chục thế kỷ. Nhưng tất cả cũng được gọi là đời sống dù cho ngắn hay dài theo đơn vị thời gian.
Và rồi cuối cùng tất cả đều tan biến trong cái gọi là “hố đen vũ trụ”, chắc hẳn gồm cả sinh vật lẫn linh hồn chúng. Tuy nhiên, con chim sống hết đời hồn bay về trời là điều hạnh phúc, cá dưới sông dưới biển chết đi hồn chúng tan vào sóng nước là điều đương nhiên may mắn. Con người sinh ra nơi đất ở, chết đi gửi hồn vào đất là lẽ thường ước muốn cuối cùng. Nhưng có những cái chết như Đông, cô bạn tôi, và những nạn nhân oan ức trong hải trình may ít rủi nhiều, hồn họ sẽ bám víu vào đâu khi phải xa rời đất mình sinh ra. Chúng ta nghĩ đến đã đau xót huống gì người thân của họ. Đau buồn biết chừng nào, hằng đêm hằng ngày trằn trọc thương nhớ.
Có những thời kỳ mà tàn nhẫn lên ngôi để chúng ta không còn tìm được nơi sống dù ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Để bất hạnh, những mảnh đời chôn thây giữa biển khơi, chết ngạt không còn nhận kịp hơi thở cuối cùng. Tôi vẫn nhớ đến Đông ở lần gặp cuối cùng. Đã bao nhiêu năm, bao nhiêu lần tôi muốn viết vài dòng về cô ấy nhưng đặt bút xuống sao có cảm tưởng mình đang nhẫn tâm chạm đến nỗi tủi buồn của một linh hồn. Rồi không sao viết nổi. Thôi thì lần này, gần 50 năm rồi còn gì, tôi gắng cặm cụi viết lại câu chuyện thương tâm này như thắp lên một ngọn nến cầu nguyện cho cô ấy mãi ngủ giấc bình yên, ở một nơi nào đó!
Còn một năm nữa là chẳng chòi nửa thế kỷ của cái ngày 30 tháng Tư định mệnh dân tộc. Nhưng thật đau đớn khi vẫn còn cảnh người người cố ra đi để vượt thoát khỏi đất nước mình. Họ ra đi bằng bất cứ giá nào với nhiều hình thức khác. Xin đi lao động nước ngoài, trốn trong thùng đông lạnh vượt biên giới, xin đi du học, du lịch rồi ở lại. Và mới đây nhất, có người tốn cả vài chục ngàn đô cho tổ chức đưa họ đến biên giới Mexico để trèo rào vào nước Mỹ. Không còn gì để giải thích cho một người đánh đổi cả mạng sống quyết định rời quê cha đất tổ, ngoại trừ họ và gia đình họ không sống nổi vì những bất công, chèn ép và nghèo đói triền miên nơi quê nhà.
Một ngày trước 30 tháng tư, 2024
Trương Hữu Hiền

____________________

Wednesday, April 24, 2024

VÀI CÁCH LÀM SƯƠNG SÁO ĐÚNG CÁCH THƠM NGON TẠI NHÀ

Tạ Quế - facebook
 

Nguyên liệu

- Bột sương sáo 100g

- Nước

- 200g đường

- 30g bột bắp

   Cách chế biến:

Cách 1: Không sử dụng bột bắp

-  Cho 300ml nước vào tô, cho hết bột sương sáo vào khuấy tan và ngâm 30 phút

- Cho 700ml nước vào nồi, thêm 100g đường cát và bật bếp và khuấy đều cho đường tan hết cho nước bột sương sáo vào và khuấy thật đều đến khi nước sôi thì tắt bếp, đổ ra khuôn và để nguội.

- Sau khi hỗn hợp nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh 3-4 tiếng thì đem ra cắt thành từng miếng vừa ăn

Cách 2: Có thêm bột bắp

- Cho 300ml nước vào tô, cho hết bột sương sáo + 30 gr bột bắp vào khuấy tan và ngâm 30 phút

- Cho 1700 ml nước vào nồi, thêm 200g đường cát và bật bếp và khuấy đều cho đường tan hết cho nước bột sương sáo vào và khuấy thật đều đến khi nước sôi thì tắt bếp, đổ ra khuôn và để nguội.

- Sau khi hỗn hợp nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh 3-4 tiếng thì đem ra cắt thành từng miếng vừa ăn

- Có thể dùng làm chè, làm topping trà sữa, nước trái cây hay ăn cùng sữa tươi đều ngon.

______________

Thạch sương sáo 
Phan nguyên Thảo - facebook

Nấu thạch sương sáo có thể sử dụng lá khô hoặc gói bột thạch. Tuy nhiên, thạch sương sáo được nấu từ lá khô lúc nào cũng thơm đậm mùi sương sáo. Thạch có mùi tự nhiên hơn, màu đen óng ánh, dai đanh hơn so với nấu bằng bột thạch. Cách làm cũng gần giống với cách nấu xu xoa quảng ngãi nhưng đỡ được công đoạn rửa nhiều lần.

Nguyên liệu:

– 100gr lá sương sáo khô 

– 1 lít nước lọc – không cần đun sôi sẵn vì khi nấu thạch nước sẽ tự đun

– 100gr đường trắng – tạo vị ngọt dịu nhẹ cho món thạch sương sáo

– 1 gói bột thạch rau câu pha sẵn – tạo độ dai 

Chế biến:

Ngâm lá thạch khoảng 5 phút với nước, rửa sạch. Cho lá thạch vào nồi cùng 1 lít nước đã chuẩn bị, bắc lên bếp đun với lửa nhỏ từ 45 – 1 tiếng. Công đoạn này làm lá tiết hết nước ra, tạo mùi vị đặc trưng của món sương sáo.

Sau khi nấu xong, thì lọc qua một miếng vải, vắt lấy nước, loại bỏ phần xác lá. Tiếp đến bạn có thể lọc 1 – 2 lần nữa qua rây lọc để lấy hết cặn ra khỏi dung dịch.

Cho gói bột rau câu  đã chuẩn bị và múc 1 một lượng nước thạch đen vừa nấu vào bát, khuấy đều cho đến khi bột tan hoàn toàn thì đổ tất cả vào nồi nước thạch.

Tiếp tục bắc nồi nước thạch lên lần 2, vặn nhỏ lửa. Khuấy đều liên tục cho đến khi nồi nước thạch sôi lên, đặc quánh lại thì tắt bếp. Đổ ra khuôn hoặc để hẳn trong nồi tùy thích. Để thạch nguội và đông lại (khoảng 1 tiếng) là đã có thể thưởng thức.

Bạn cũng có thể cho thạch đen vào ngăn mát tủ lạnh để ăn ngon hơn, bảo quản lâu hơn (5-6 ngày).

Nguồn : FB

________________

Sunday, April 21, 2024

Hũu Duyên

Phan Hồng Duy

Nghe nói rằng Hà Nội có đủ 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, nhưng tôi chỉ có dịp ghé qua vào mùa Hạ và Xuân. Mùa hè của Hà Nội năm 2020 nắng nóng cháy da, chạy xe máy từ hồ Hoàn Kiếm qua Long Biên mà tưởng chừng thịt da bị thiêu đốt. Trở lại vào mùa Xuân của vài năm sau thì trải nghiệm cái rét thấu xương khi ngồi 1 mình nhâm nhi ly cà phê buổi sáng. Quay lại Saigon chỉ thấy 1 mùa duy nhất: Nắng và Nóng. Vậy là tôi quyết định chạy trốn cái khí hậu oi bức của Saigon bằng cách du lịch khám phá Hàn Quốc. 

Đoàn tour 28 người của Viettravel cùng 2 hướng dẫn viên và 1 tài xế vi vu Seoul và Busan 5 ngày 4 đêm. Chương trình đưa chúng tôi đến những nơi tạm gọi là danh lam thắng cảnh, thưởng thức các món kim chi, tìm hiểu văn hoá và lịch sử của nước bạn, và dĩ nhiên không thể thiếu việc đưa cả đoàn vào các nơi mua sắm. 

Buôn có bạn, bán có phường, đi chơi phải có đồng đội. Cả đoàn 28 người chỉ riêng tôi đi 1 mình đơn lẻ. Do vậy tới bữa ăn trưa đầu tiên trong chuyến đi, cô hướng dẫn viên du lịch sắp xếp cho tôi ngồi chung với 1 nhóm 5 người cho đủ chỗ cái bàn 6 người. Lần đầu tiên cảm thấy khá “đơ” giữa chốn đông người. 5 người kia gồm 3 bà và 2 ông chắc trạc tuổi tôi. Sau này mới biết 3 người đến từ Vancouver Canada và 2 người ở Houston USA. Trong suốt bữa ăn khoảng 45 phút tôi giữ im lặng tuyệt đối, vừa ăn vừa đọc tin tức trong phone. Vừa nuốt xong miếng cuối cùng, tôi đứng lên khoác áo và đeo ba lô bước ra ngoài không chào hỏi ai hết. Sau này mới biết tôi được nhận xét là sở hữu 1 khuôn mặt rất khó chịu. 

Tiếp tục buổi ăn tối cũng 6 người chúng tôi ngồi chung bàn. Món ăn chính là thịt gà nướng vỉ. Tới lúc này thì chúng tôi cũng trao đổi với nhau vài 3 câu: thịt gà chín chưa, kim chi ngon không, bia rượu ra sao.

5 ông bà kia bạn với nhau lâu năm từ thời trẻ, gồm 2 cặp vợ chồng và 1 bà em gái đi cùng. Tất cả đều là người gốc Quy Nhơn, nhà gần tiệm sách Đại Chúng ở đường Gia Long xưa. 

Ngày hôm sau tiếp tục cuộc hành trình, tôi vẫn đi riêng lẻ, ít nói chuyện với ai, trong 3 bữa ăn mỗi ngày cũng chỉ nói những chuyện vô thưởng vô phạt. 

Tới bữa ăn trưa của ngày thứ 3, khi đang chờ món lẫu thịt bò sôi, mấy người chúng tôi bàn luận vể chuyện “đánh tư sản” sau ngày 30 tháng 4, 1975. Tôi nói: ba má tôi cũng bị đánh tư sản nhưng là tư sản dân tộc nên tội nhẹ hơn. Ngày xưa ba tôi là giám đốc hãng BGI tại Quy Nhơn.

Nghe tới đó, bỗng nhiên anh Anh là 1 trong nhóm 5 người nhìn tôi chăm chú rồi hỏi: Xin lỗi, anh có thể cho tôi biết tên của ba anh không?

Tôi trả lời: Phan Hồng D.

Anh ấy nói: vậy thì tôi biết ba anh, tôi là con ông Q.

Trong 1 tích tắc chuyện của 60 năm trước chạy ùa về trong tôi như con chip thời gian chứa đựng muôn triệu dữ liệu của tàng thư. 

1964 ba tôi được bổ nhiệm vào Quy Nhơn để điều hành hãng BGI từ Nha Trang ra tới Quảng Ngãi (sản xuất và phân phối). Bác Q (thân phụ của anh Anh là giám đốc tiền nhiệm, nghỉ làm bàn giao công việc lại cho ba tôi). Nhiều năm 2 gia đình vẫn qua lại với nhau. Mấy bà chị lớn của tôi chơi thân với mấy người con gái lớn của bác Q. Bác Q gái mỗi lần mở hụi đều qua rủ má tôi và hàng tháng ghé nhà tôi mấy bận để thu tiền hụi. Từ nhỏ tôi đã ham mê mấy chuyện hụi hè nên khi 2 bà mẹ tính tiền với nhau thì tôi đứng bên nên 60 năm sau tôi vẫn còn giữ hình ảnh ấn tượng về bác Q gái. Đó là 1 người phụ nữ đẹp, cười nói vui vẻ, lúc nào cũng son phấn chỉnh tề, móng tay chân chỉ sơn 1 màu duy nhất: hồng cánh sen. 

Tôi không biết hết những người con của bác Q vì khi đó tôi ít ra khỏi nhà qua lại với hàng xóm. 

Tháng 7/1980 vợ chồng con cái chúng tôi tới Chicago thì gặp lại 1 trong những người con gái lớn của bác Q. là chị Khương. 

Chị Khương khi ấy đã nên duyên vợ chồng với anh Thao, mà em gái anh Thao lại là dâu của người cô thứ 5 của chúng tôi. Lòng vòng đi nửa quả địa cầu cuối cùng bà con với nhau hết.

Tôi theo học cùng trường cùng môn với anh Thao nên thường ghé nhà anh chị mượn bài vở. Khi ấy chị Khương đang học nghề tóc nên sẵn dịp cắt tóc cho tôi luôn. Mấy năm sau anh Thao và chị Khương dọn nhà qua tiểu bang khác nên hơn 40 năm qua chúng tôi chưa gặp lại nhau.

Không ngờ tình bạn của người lớn 60 năm trước, đi 1 vòng tới chuyện quen biết nhau của đời sau hơn 44 năm xưa, cuối cùng vô tình mà 2 người xa lạ lại là chỗ quen biết, gặp nhau do vì tình cờ ở 1 nơi xa lơ xa lắc. Thiệt là hữu duyên. Có những chuyện xảy ra mà mình cũng không ngờ được. 

Nếu tôi không đi tour 1 mình, nếu 5 anh chị kia đi đủ 6 người thì sẽ không có dịp để “nhét” tôi vô chỗ trống cho đầy bàn và sẽ không có chuyện để tôi viết bài này. Các bạn thấy cuộc đời tôi toàn gặp những chuyện hy hữu chưa? 

Saigon, 22 tháng 3 năm 2024

Phan Hồng Duy

_________________

Saturday, April 20, 2024

Đôi khi ..

 Đôi lúc bài hát cũng gợi nhớ một người nào đó, một đoạn đời nào đó. Chúng ít nhiều miêu tả cuộc đời bạn. Tại sao những bài ca ngô nghê, ngớ ngẩn đó năm mười lăm tuổi bạn lại thích mê mẩn?

Friday, April 19, 2024

Hộp thư bị khóa

Sưu Tầm

Bạn thân mến, hãy dành chút thời gian để đọc câu chuyện này :

“Một trong những ngôi nhà nơi tôi giao báo có hộp thư bị khóa nên tôi gõ cửa. Ông David, một người đàn ông lớn tuổi với dáng đi không vững, từ từ mở cửa.