Thursday, November 10, 2016

Đói ăn rau?

Hỷ Long




Hột giống Trung quốc đang bày bán
 
Rau là nguồn vitamin vô cùng quan trọng với con người, mặc dù chưa phân tích được thành phần sinh hóa của rau nhưng ông bà mình vẫn đúc kết rằng “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Đó là chuyện của cây rau thời nó còn là cây rau, còn thời bây giờ, không ai dám nói câu này nữa bởi cả rau và thuốc ở Việt Nam đều có vấn đề, đặc biệt, cây rau trở thành nguồn độc tố nguy hiểm đối với người Việt trên mọi mặt. 
 
Tôi có chơi với một nông dân tên Hiền, ở Ðại Hồng, Ðại Lộc, Quảng Nam, tính ông này chân chất, hiền từ. Trong một lần nhậu, hứng chí, ông hát nhại bài “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh Công Sơn:“Rau nào cũng là rau/ Rau trồng cũng là rau/ Rau mua cũng là rau/ Rau nào cũng tào lao/ Rau trồng để mình ăn/ Chắc chi đã bình yên bởi phân nào cũng là phân/ Hóa chất nó lần khân/ Lại còn thêm hạt giống Trung Quốc nó nhập sang/ Rồi nhãn mác Việt Nam/ Ma dê in Việt Nam/ Chú Phúc nói thật ngon/ Chỉ tội cho tụi con/ Te tua với đời con…”. 
 
Bài hát khá dài và nghe có vẻ như không có lối ra, tôi cắt ngang lời ông Hiền:“Anh Hiền, rau mình trồng ăn thì mình phải tin tưởng hơn là rau mua chứ anh nói sao kỳ vậy? Hát vậy mà cũng hát được!”. Ông Hiền tợp một một ly đế nghe cái rột, rõ dài, trả lời: “Cậu không biết đó thôi, đương nhiên là về mặt lý thuyết thì nó đúng đó, rau mình trồng mình ăn thì sẽ tốt hơn rau mua ngoài chợ. Nhưng mà cậu không có biết cái chất độc lưu cữu đâu!”. 
Nghe ông nói “cái chất độc lưu cữu” với dáng bộ nhà nông đúng hiệu, tay chân chai sần, đen đúa, mặt mày sừng sộ, tôi nhịn cười làm thinh để nghe tiếp cái vụ chất độc lưu cữu của ông. “Cậu biết không? Cây rau bây giờ cậu mua ngoài chợ, chắc chắn là độc rồi, bởi nguồn nước tưới cũng chưa chắc đã an toàn, rồi nguồn phân, nguồn thuốc, nguồn giống đều có vấn đề. Ðặc biệt là nông dân họ khổ quá, chạy đua với thời vụ, với thị trường. Họ phải bơm thuốc dưỡng cây trước khi hái đi bán. Mai đi bán thì tối nay họ bơm thuốc. Mà loại thuốc đó thì hai tuần mới giảm tác dụng chứ chưa hết tác dụng đâu. Ăn vào là ăn độc. Dân mình hại dân mình cả thôi!”.

“Ông có thể nói rõ hơn, chi tiết hơn một chút được không?”.
“Vì cậu biết rồi đó, tiền nó cũng giống như nước vậy, nó chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, đằng này nó bị chặn hết từ trên cao thì chỗ thấp phải bí bách, nước thối nước gì cũng tuồn vào là chắc chắn rồi! 
Tôi lấy ví dụ, nhà ông sát rừng, nghèo đói, ông thấy bọn kiểm lâm với lâm tặc nó thi nhau cưa gỗ, bọn quan lại thì được biếu gỗ để lót tới cầu tiêu thì cách gì ông cũng phải cưa trộm vài khúc để bán mà sống chứ!” “Ban đầu trồng rau mà nghe nhiều độc thì nông dân nào cũng sợ, nhưng giờ thành quen rồi nên ai cũng làm! Tôi cũng trồng rau, cũng bơm thuốc để đi bán. Chứ nếu mình nghĩ tới lương tâm mà không làm thì lấy gì mà sống. Rồi lỡ xã nó yêu cầu đóng vài triệu tiền làm đường thì cũng có mà đóng chứ!”

Kết thúc câu chuyện mà ông Hiền vẫn chưa nói rõ được cái “độc lưu cữu” trong cây rau, tôi đành phải tự tìm hiểu vậy.

Tự trồng rau có hết độc?
Giúp tôi tìm hiểu việc này là ông Phi, một chủ cửa hàng bán hạt giống và vật tư nông nghiệp ở Thăng Bình, Quảng Nam, ông này bỏ mối hạt giống, phân và thuốc trừ sâu cho cả khu vực miền Trung nên khá rành rõi. Khi nghe tôi hỏi về vấn đề an toàn rau xanh khi tự trồng, ông nói: “Cũng có an toàn hơn so với người ta bán cho mình nhưng chỉ được 50% thôi!”.

“Mình tự trồng, không bơm thuốc và bón phân hóa học, tưới nước sạch sao lại an toàn có 50% vậy ông?” – Tôi hỏi. “Tôi có quen một đầu mối chuyên bỏ rau cho các siêu thị tại Ðà Nẵng, từ Big C cho đến VinMart đều lấy rau của cô này. Cô này sống tại Ðà Nẵng, giàu lắm. Cô chỉ lấy có 30% rau nguồn từ Ðà Lạt, mà rau ở Ðà Lạt cũng trồng bình thường, thậm chí chỉ biết là do nông dân Ðà Lạt gởi ra chứ không có gì là chứng minh nó được trồng sạch, 70% còn lại là cô ta lấy từ chợ đầu mối Hòa Cường Ðà Nẵng. 
Khuya là cô cùng một nhóm nhân viên toàn người nhà ra chợ đầu mối thu gom rau về, sáng ra thì chở đi bỏ mối các siêu thị. Tôi khẳng định là rau ở các siêu thị toàn rau bẩn. Bởi vì rau lấy từ chợ đầu mối mang vào siêu thị thì có khác gì rau ngoài chợ bình thường chứ! Ðó là rau mình tưởng sạch, có nhãn mác siêu thị! Còn rau ngoài thị trường thì miễn bàn!”.
 
“Riêng rau tự trồng thì không phải dính thuốc độc và phân hóa học, cũng đỡ được 50% nguy hiểm. Nhưng ông biết rồi đó, Việt Nam không có nhiều người sản xuất hạt giống rau củ quả, chủ yếu là trồng rau, củ, quả xanh để bán thôi. Hạt giống chủ yếu là do Trung Quốc cung cấp, nó cung cấp với mức giá rẻ bằng 30% giá hạt giống Việt Nam nên mấy đại lý lớn lấy hạt giống của nó về bỏ mối. Như cửa hàng tôi thuộc hàng đại lý vùng mà vẫn phải chịu chi phối của đại lý cấp trên, hạt giống đưa về cho tôi bán dán nhãn mác Việt Nam nhưng toàn là hạt Trung Quốc cả. 
Vì tôi làm nghề này gần hai chục năm nay, nhìn vào hạt giống, nhìn vào mã vạch, và nếu vẫn chưa tin thì gieo thử vài cây con là biết ngay nó ở đâu ra liền. 
Mà hạt giống Trung Quốc thì nó bị nhiễm độc từ đời ông tổ nó rồi, từ thâm căn cố đế trong đất, nó phải mang nguồn gen độc từ thủy tổ nên nó phải là giống rau không an toàn. 
Mà tôi thấy hầu hết những nhà tự trồng rau trong thùng xốp, thau nhựa đều dùng hạt Trung Quốc, đất thì cũng vơ đại đâu đó để trồng, miễn là có đất thôi, vì thành phố thì hiếm đất mà! Với hạt giống Trung Quốc cộng với môi trường đất không tốt lành và thùng xốp, thau nhựa cũng nguy hiểm không kém, cây rau nó có còn an toàn không chắc ông cũng biết rồi!”.

Cuộc trò chuyện chóng vánh với ông Phi giúp tôi hiểu được cái gọi là “độc lưu cữu” mà ông Hiền đã nói rồi bỏ lửng. Và nó cũng khiến tôi thấy thương mình, thương cho những người chung quanh tôi. Bởi chúng tôi, người dân Việt Nam này đang sống như những con cá, cố bơi lặn trong hồ nước độc. Mà đáng sợ nhất là độc lưu cữu từ thủy tổ của cây rau bên Tàu đang ngấm dần vào cơ thể Việt, độc lưu cữu từ ngót nghét nửa thế kỷ con người phải sống và đối mặt với dối trá, man rợ, tàn nhẫn và độc đoán, đạp trên nỗi đau đồng loại mà làm giàu!

Hỷ Long



 ________________________________________

No comments:

Post a Comment