Wednesday, September 28, 2022

Những mảnh ký ức cuối năm

Phạm Lữ Ân



 Đó là một buổi chiều cuối năm,sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, tôi ngồi trước máy tính nghe Lillian Bùi, một cô gái người Việt sống ở Mỹ có khuôn mặt bầu bĩnh, ôm cây đàn ghi ta và hát trên Youtube bài hát do cô tự viết lời và phổ nhạc.

You can’t go back to childhood
The road doesn’t go that way
It’s overgrown with brush and woods
The gates are locked, decayed…

Tạm dịch:

Anh chẳng thể nào về lại ấu thơ đâu
Con đường không dẫn về phía ấy
Giữa um tùm bụi rậm và rừng cây
Cánh cổng xưa khóa kín rồi, đổ nát…

Giọng hát và giai điệu mộc mạc ấy ngay lập tức đưa tôi về những ngày xưa. Phải, cô gái ạ, tuổi thơ của chúng ta chỉ đến một lần trong đời. Và từ đó trở đi, ta sẽ nhớ về nó mãi, nhớ về nó rất nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại. Tôi biết mình chẳng thể quay lại nữa, nhưng xin đừng ngăn cản tôi nhớ nhung. Những ngày xưa tươi đẹp đã đi qua. Những điều gần gũi như cái chợ gần xóm cũ, mùi của những cọng rau ngày còn bé, thiên nhiên trong trẻo chung quanh và cả mối tình thơ dại nào đó. Nó dệt nên tuổi thơ của ta.

Cuộc đời của chúng ta cơ hồ được ghép bởi những mảnh ký ức. Chính thế, những mảnh ký ức vỡ làm nên đời ta. Những kỷ niệm êm đềm và thơm ngát như ngọn gió mùa xuân thổi qua thềm nhà buổi chiều xa xưa nào. Một mối tình dang dở. Một nụ hôn chưa kịp trao. Cái nắm tay vội vàng. Một sai lầm không thể cứu vãn. Một tổn thương ta gây ra cho ai đó, hoặc ai đó gây ra cho ta. Những mảnh vỡ của ký ức, đôi khi nhọn hoắt, đôi khi nát vụn…vẫn trở về với tôi hoài vào những chiều cuối năm.

Khoảng khắc đó, tôi có thói quen ngồi xuống một nơi yên tĩnh, và nhâm nhi “chiếc bánh Madeleine”(*) của đời mình, và cố lắp lại những mảnh vỡ đó… Chiếc bánh Madeleine của bạn là gì? Điều gì có thể đưa bạn trở lại ngày xưa? Với tôi đó là món ăn mẹ nấu như hồi bé thơ. Cuốn album cũ. Con đường cũ. Người bạn cũ. Một món đồ chơi cũ…

Tôi quen một người bạn. Anh thường ra phố Lê Công Kiều mua đồ cổ. Thật ra anh chẳng mua thứ gì đắt đỏ vì anh không có nhiều tiền. Anh chỉ mua những chiếc tô gấm chiết yêu vẽ xanh trắng. Anh chất từng chồng trong phòng mình. Tôi những tưởng anh mê lắm. Nhưng không, anh mua vì nhớ mẹ. Anh mua vì lúc anh còn nhỏ, gia đình còn nghèo, mẹ anh được ai đó tặng cho hai cái tô gấm và mấy cái chén sứ xanh trắng. Mẹ anh quý lắm. Anh nhớ, chỉ những bữa cơm ngày Ba mươi Tết, mẹ mới cho hai anh em anh ăn cháo gà trong chiếc tô gấm.

Rồi chiến tranh. Những món đồ sứ ít ỏi đó mẹ anh không giữ được. Và bà tiếc mãi, tiếc mãi… cho đến ngày ra đi. Anh nhớ mẹ, anh nhớ những buổi tối giao thừa sau khi dọn dẹp xong, anh ngồi nép bên mẹ nhìn mẹ anh lau sạch những chiếc chén xanh trắng tinh xảo và trầm trồ mãi. Và từ đó, dành dụm số tiền lương còm, anh mê mải tìm mua lại chút tuổi thơ xưa.

Tôi vẫn sống ở nơi mình từng sinh ra. Nhưng những hình ảnh cũ xưa đã không còn nữa. Cái giếng nước cũ. Hàng rào bông bụp đỏ. Tôi nhớ chúng. Những trái táo gai chua và xanh hái trên cây trong cái sân nhỏ trước nhà ở Phú Nhuận. Những trái mận từ nhà hàng xóm. Đôi khi, tôi nhớ tuổi thơ nên đi bộ ra đầu hẻm. Ngôi nhà đóng kín cửa. Tôi bấm chuông xin vào, chỉ để nhón chân lên hái một chùm mận. Bà cụ mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Đôi khi, tôi đứng lại bên một bức tường, và nhặt lên một trái mận rơi. Những trái mận trong vườn, trái hồng nhạt và nhỏ, thật nhiều hạt. Tôi nhớ những cái hạt của trái mận biết bao nhiêu. Cuộc đời lạ lùng đến thế, chỉ là những hạt mận, vậy mà cơ hồ không còn thấy được bao nhiêu nữa. Nói gì bãi bể nương dâu…

Đôi lúc, tôi tin rằng dăm khoảnh khắc tìm lại tuổi thơ trong những ngày năm cùng tháng tận ấy đã trao lại cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ, đến nỗi có thể giúp tôi vượt qua rất nhiều ngày khó khăn của thời gian còn lại trong một năm kế tiếp.

Cũng như những khoảnh khắc ta cuống quýt trở về nhà để đón Giao thừa vậy… Đó là thời khắc ta biết mình sắp mất một cái gì đó mơ hồ. Cái cảm giác ấy thật hoang mang. Đầy tiếc nuối, đầy hy vọng và cũng đầy nghi ngại. Tôi vẫn nghĩ về thời khắc giao thừa giống như một cánh cửa thời gian. Lật qua, lật lại. Đứng ở đó, ngay trước bàn thờ ông Thiên. Cỗ máy thời gian sẽ đưa ta đến một nơi khác. Biết đâu là ngày xưa…

Về nhà đi em. Sắp giao thừa rồi đó…Nhiều người bảo rằng chỉ thực sự thấy được không khí ngày Tết khi về ngôi nhà của mình dù nó có nhỏ bé thế nào… Về nhà đi. Ngồi xuống chiếc ghế ấm cúng thân quen này và nhâm nhi một “chiếc bánh Madeleine”. Rồi giao thừa sẽ đưa ta trở về tuổi thơ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vừa đủ để xoa dịu những tổn thương của chính ta. Để tha thứ cho những lỗi lầm của ta. Để làm thanh sạch trái tim ta lần nữa. Để tìm lại bình yên.

Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng có tháng ngày nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên

*. Madeleine là loại bánh bông lan mềm hình con sò xuất xứ từ Pháp, nhẹ, xốp, có vị béo thơm. Trong tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất”, Marcel Proust kể lại một buổi chiều đông rét mướt, khi bị nhuốm lạnh, tác giả nhấp một ngụm nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh “madeleine” để sưởi ấm người. Và hương vị của chiếc bánh thuở ấu thời đã đột ngột đánh thức những ký ức và cảm xúc thầm kín, đưa ông trở về quá khứ đi “tìm thời gian đánh mất”…

Phạm Lữ Ân
Nếu biết trăm năm là hữu hạn –/Chương 40

_________________________________

No comments:

Post a Comment