BS. Nguyễn Thị Nhuận  - Viễn Đông  (27/01/2012 )
 Thiền là một phần quan trọng trong việc thực hành của một Phật tử. Nhưng để có được những ích lợi của Thiền, người ta không cần phải là một Phật tử hay hiểu biết nhiều về đạo Phật. Thế giới khoa học Tây phương, trong khoảng 40 năm gần đây đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về sự ích lợi của Thiền đối với sức khỏe, việc trị bệnh, và nhất là trị chứng đau nhức, một nan đề quan trọng trong y khoa Tây phương.
 
Thiền giúp trị đau nhức kinh niên
Thiền được sự chú ý của y khoa Tây phương vào năm 1979, khi giáo sư và vi trùng gia Jon Kabat-Zinn dùng Thiền Định Minh Sát (Vipassana Meditation) để giúp những bệnh nhân bị đau nhức kinh niên giảm thiểu và chế ngự được cái đau của họ trong một chương trình dài 10 tuần lễ. Trong cuộc thử nghiệm này, ông Kabat-Zinn cho 51 người bị đau lưng, cổ, vai, mặt, vùng tim và đường ruột áp dụng phương pháp thiền định. Sau 10 tuần, hai phần ba số bệnh nhân giảm đau ít nhất là 33% và phân nửa số bệnh nhân giảm đau ít nhất là 50%. Ông đã viết cuốn “Full Catastrophe Living” vào năm 1990 để tả lại những kỹ thuật thiền định này mà ông đặt tên là “mindfulness-based stress reduction” hay MBSR, tạm dịch là “kỹ thuật giảm căng thẳng dựa trên sự tỉnh thức”. Cuốn sách bán rất chạy. Ông nói: MBSR đã đem tâm yếu của môn thiền định Phật giáo vào dòng chính y khoa Tây phương mà không cần phải giảng dạy về Phật giáo.
Sau đó, thêm nhiều khảo cứu cho thấy có lẽ thiền làm giảm bớt phản ứng của óc đối với cái đau khiến ta chịu đựng dễ hơn. Thiền có hiệu quả trong những trường hợp bị đau lưng kinh niên hay đau do bệnh fibromyalgia (một bệnh miễn nhiễm gây đau nhức vô cùng) và thấp khớp. Từ năm 1979 tới nay, đã có 18.000 bệnh nhân được chữa trị ở “Stress Reduction Clinic” ở Trung Tâm Y Khoa đại học Massachusetts, nơi ông Kabat-Zinn thực hiện khảo cứu nói trên. Hiện nay có tới 250 chương trình áp dụng MBSR nơi các bệnh viện và dưỡng đường trên toàn thế giới.

          Bác sĩ Lonnie Zeltzer, Trưởng Khoa Đau Nhức của Trẻ Em tại đại học Ucla, là một người thường xuyên hành thiền. Bà nói: “Là một thiền giả, tôi biết cái quan trọng của sự tỉnh thức trong hiện tại, sự tỉnh thức này thật quan trọng và giúp cho chúng ta thấy rõ ràng hướng đi trong cuộc sống”. Trong khoa Đau Nhức của Trẻ Em có hơn 30 nhân viên thường xuyên đối diện với những trẻ em bị đau nhức trầm trọng, khó chữa, đến từ nhiều nơi và đã quá thất vọng. Bà Zeltzer hy vọng thiền định sẽ giúp những nhân viên của bà lấy lại được quân bằng tinh thần sau những phiền não lo lắng do những bệnh nhân trẻ em và gia đình của họ đem đến. Bà đã phối hợp với huấn luyện viên thiền Sharon Salberg và tâm lý gia Trudy Goodman tổ chức một buổi thiền định cho các nhân viên này.
Bà Salberg đã góp công nhiều vào việc đem thiền Vipassana của đạo Phật đến Hoa Kỳ. Bà học thiền trong 4 năm ở Ấn Độ vào thập niên 70 và là người đồng sáng lập Trung Tâm Thiền Insight Meditation Society ở Massachusetts. Bà ca ngợi sự ích lợi của thiền: “Dù chỉ một vài phút mỗi ngày, thiền là một phương pháp chữa lành, là một bước hướng tới sự giải thoát (sự tự do nội tâm). Khi bị đau, toàn cơ thể chúng ta căng cứng lên khiến chúng ta vừa bị căng thẳng vừa bị đau. Hoặc chúng ta có thể nghĩ “Đáng lẽ mình không phải chịu đau như vậy”. Thiền định giúp chúng ta nhận ra được những cái thêm vào và nhận rõ những chuyện đang xảy ra ngay tại lúc đó”.
Kết quả một cuộc khảo cứu về hiệu quả của thiền trên bệnh đau lưng kinh niên ở những người trên 65 tuổi đã được in trong số tháng 10, 2007 của tạp chí “Pain”. Bà Natalia Morone, giáo sư phụ giảng y khoa tại trường đại học Pittsburg là người thực hiện cuộc khảo cứu này. 37 người tham dự 8 tuần huấn luyện và thực tập thiền tỉnh thức đã có mức chấp nhận cái đau và hoạt động bình thường hơn một nhóm người tương tự không tham dự khóa thiền. Nhóm này sau đó tham dự khóa thiền và cũng đạt được kết quả giống nhóm trước.
Đo lường bằng phương pháp khoa học
Y khoa Tây phương nghiên cứu tác dụng thể lý của thiền bằng cách đo lường tác dụng của nó trên chức năng vận động cũng như tim mạch và hô hấp của con người.
 - Năm 1972, người ta đã chứng tỏ thiền siêu nghiệm (Transcendental Meditation) làm giảm chất sinh ra từ sự căng thẳng là chất “lactate”, giảm nhịp tim, huyết áp, và tạo ra những sóng não tốt.
 - Năm 1976, bác sĩ Ainslie Meares đã ghi nhận thiền làm ung thư lui bước trên tờ Medical Journal of Australia.
 - Năm 1999, bác sĩ James Austin cho biết thiền Zen làm thay đổi những mạch điện trong óc. Sự kiện này đã được chứng minh bằng hình ảnh MRI.
 - Bác sĩ Herbert Benson của viện Mind Body Medical Institute thuộc đại học Harvard cho biết thiền gây ra những thay đổi thể lý và sinh học tương ứng với “phản ứng thư thả” gồm thay đổi của sự biến dưỡng, nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và những chất hóa học trong óc. Ông và các thuộc viên đã làm những nghiên cứu trong các chùa vùng Hy Mã Lạp Sơn.
- Tháng Giêng 2005, ký giả Marc Kaufman của tờ Washington Post đã viết bài thông tin về kết quả cuộc nghiên cứu điện não đồ và MRI của các nhà sư Tây Tạng trong lúc ngồi thiền và đưa ra kết luận: Thiền định có thể làm thay đổi cách óc não làm việc khiến thiền giả đạt tới những mức độ tỉnh thức khác thường. Những thay đổi này được đo lường khoa học và thể hiện bằng làn sóng não gamma và sự phối hợp điều hòa của não trên các não điện đồ và hình MRI scan. Làn sóng não gamma là làn sóng có tần số cao nhất, ít thấy có nơi những người bình thường. Làn sóng này xuất hiện rất nhiều ở óc những nhà sư Tây tạng có công phu thiền định cao nhất mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi đến để trung tâm nghiên cứu đo lường. Kết quả những nghiên cứu này đã làm đảo lộn điều các nhà khoa học từ trước đến nay tin tưởng là cấu tạo của não gồm những đường dây thần kinh là bất biến, không thể thay đổi được. Trái lại, nhờ công phu thiền định, những “mạch điện” của não có thể được thay đổi và óc não phát triển tới một mức độ con người khó thể tưởng tượng nổi.
Còn cần nhiều nghiên cứu
Tuy những ích lợi của thiền thường được kể lại, kết quả những cuộc khảo cứu khoa học về hiệu quả của thiền vẫn còn ít và trong thời kỳ phôi thai. Do đó, chúng thường được nhìn bằng con mắt nghi ngờ. Bà Morone nói: “Khi tôi nộp bài khảo cứu của mình để được xem xét, tôi có cảm tưởng họ 'vạch lá tìm sâu' rất kỹ và tôi phải làm việc kỹ lưỡng hơn, nhiều hơn để chứng tỏ là mình đúng. Những lời phê bình rất là nặng, nặng hơn là đối với những bài khảo cứu về một đề tài thông thường”.
          Ông Kabat-Zinn đưa ra kết luận: “Chúng ta đang hướng về một nền y khoa mới, một nền y khoa nhận ra cái đau, sự chịu đựng, cái khổ của bệnh nhân. Phật giáo hiểu được cái khổ. Và không một ai trong chúng ta không vào bệnh viện vì đang chịu đựng, đang khổ. Vì thế bệnh viện là nơi tốt nhất để thực hành thiền, một phương tiện quan trọng của đạo Phật”.
Thực hành Thiền
Thiền được vô số người thực hành từ nhiều ngàn năm qua. Thoạt kỳ thủy, thiền được dùng như một cách để con người có thể đến gần được những năng lực bí ẩn và thiêng liêng của cuộc sống. Nhưng hiện nay, thiền là một phương cách giúp xả bỏ những áp lực của đời sống và để thư thả.
 Ngồi thiền, chúng ta có thể đạt đến một trạng thái tịch lặng và thả lỏng hoàn toàn khiến chúng ta cảm thấy yên bình và thanh thản. Chấm dứt thời thiền, chúng ta vẫn còn cảm nhận được sự yên bình này vì tác dụng của thiền ảnh hưởng đến cả thân và tâm của chúng ta.
Nhiều người có thể cho rằng thiền rất khó khi họ chưa bắt đầu. Nhưng không phải thế, ai cũng có thể tập thiền được. Hiện nay, nhiều phương pháp đã được truyền dạy khiến chỉ cần bỏ thời giờ ra tập luyện, chúng ta đều có thể hưởng được sự lợi ích của thiền.
Thiền và bệnh tật
Người khỏe mạnh thiền để bớt đi căng thẳng của cuộc sống. Nhưng thiền cũng có tác dụng tốt đối với nhiều bệnh tật của cơ thể, nhất là những bệnh do căng thẳng gây ra. Nhiều cuộc nghiên cứu về tác dụng lên bệnh tật của thiền đã và đang được thực hiện, trong đó những bệnh sau đây được cho là có thể giảm bớt nhờ thiền:
- Bệnh dị ứng, suyễn
- Bệnh bồn chồn lo lắng
- Bệnh thấp khớp
- Bệnh ung thư
- Bệnh trầm cảm
- Bệnh đau nhức kinh niên
- Bệnh cao huyết áp
- Bệnh tim

          Nhưng nên nhớ: Thiền không thể được dùng thay thế những chữa trị y khoa mà chỉ là phần thêm vào những hình thức chữa trị đang được dùng.
          Khi ngồi thiền chúng ta dẹp bớt những góp nhặt thông tin tích lũy mỗi ngày trong óc chúng ta. Một khi đầu óc đã trống bớt những ý tưởng tạp nhạp, bạn sẽ dễ có cái nhìn bớt chật hẹp và tìm ra được cách giải quyết vấn đề cũng như bớt căng thẳng. Bạn trở nên “tỉnh thức”, “tự tri” hơn và chú ý vào hiện tại hơn là lo lắng về những chuyện phải làm mỗi ngày.
          Có rất nhiều phương pháp thiền: thiền siêu nghiệm (transcendental), thiền Zen, thiền chuyển động, thiền minh sát... nhưng mục đích chỉ là một: tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Không một phương thức nào là đúng hay sai cả. Bạn có thể theo học một lớp thiền cùng với những môn như yoga, taichi, khí công, thiền theo hướng dẫn... nhưng điều quan trọng là chính bạn phải thực tập. Chúng ta có thể thực tập thiền bất cứ lúc nào trong ngày và cũng có thể định ra một số giờ nào đó để thực tập thiền, thí dụ 1 giờ buổi sáng khi thức dậy và 1 giờ buổi tối...
Làm sao để tập thiền?
          Sau đây là một vài cách để bắt đầu tập thiền. Bạn có thể tập vài phút mỗi ngày hay tập lâu hơn, ở nhà, ở sở, bất cứ đâu.
- Thở sâu:  Người mới bắt đầu nên theo cách này vì thở là một chuyện tự nhiên nhất của con người. Chú ý vào hơi thở. Hít vào biết là mình đang hít vào, thở ra biết là mình đang thở ra. Thở sâu, nhẹ nhàng và chậm. Khi nhận thấy mình đang lo ra, chỉ cần chú ý trở lại vào hơi thở.
- Rà soát thân thể:  Trong lúc rà soát bằng tâm tưởng, chú ý đến từng phần của cơ thể. Nhận biết những cảm giác của từng cơ phận như đau, căng cứng, thư thái, nóng, lạnh. Tưởng tượng đang thở sức nóng hay sự thư thái vào những bộ phận khác nhau của cơ thể.
- Tụng kinh hay niệm chúchútên của những vị thánh hay những câu với âm thanh kỳ bí mà bạn có thể đọc thầm hay ra tiếng. Bạn cũng có thể tự đặt ra một câu chú của chính mình. Chú là căn bản của phương pháp thiền transcendental. Những thí dụ về chú: cầu nguyện Chúa, đọc tên Chúa trong truyền thống đạo Juda, tụng chữ Om trong truyền thống đạo Hindu hay đạo Phật.
- Thiền hành:  Thiền hành là một cách thả lỏng toàn thân hữu hiệu. Chúng ta có thể thiền hành bất cứ nơi nào: trong rừng vắng, trên đường phố, ngay cả trong khu thương xá tấp nập. Khi thiền hành, bạn nên đi chậm và chú ý vào cử động của chân mình mà không cần chú ý lắm là sẽ đi đến một nơi nào đó.
- Nguyện:  cầu nguyện là hình thức thiền thông dụng và xưa nhất. Đạo nào cũng có sẵn những lời cầu nguyện được viết ra hay đọc lên. Bạn cũng có thể tự viết những lời cầu nguyện cho chính mình. Đối với Phật giáo, hình thức phát nguyện thường được sử dụng để thể hiện lòng vị tha hơn là cầu nguyện được xem như hướng về lòng vị kỷ hơn.
- Đọc sách hay nghe băng, nghe nhạc và suy nghiệm:  Nhiều người tìm được sự yên bình bằng cách đọc sách đạo - thầm hay ra tiếng - rồi suy nghiệm về những gì vừa đọc. Bạn cũng có thể nghe nhạc đạo, những lời đọc hay âm nhạc làm cho bạn cảm thấy nhẹ nhàng hay hứng khởi. Bạn cũng có thể viết lại những suy nghiệm của mình và chia sẻ với bạn bè hay người hướng dẫn tâm linh của mình.
- Chú ý vào lòng vị tha và sự biết ơn:  Trong phương pháp này, bạn chú ý vào một biểu tượng thiêng liêng nào đó thể hiện lòng vị tha và mang sự biết ơn vào tâm của mình. Bạn có thể nhắm mắt và tưởng tượng hay nhìn chăm chú vào biểu tượng thiêng liêng đó.
          Khi mới bắt đầu tập thiền, bạn không cần phải quá cố gắng. Nếu óc bạn đi lạc, bạn chỉ cần chú ý trở lại khi nhận biết ra. Cứ thử nghiệm và sau cùng bạn sẽ tìm ra một lối thiền thích hợp, đem nó vào thời khóa biểu hằng ngày của mình. Nên nhớ rằng không có lối thiền nào đúng hay sai. Điều quan trọng là thiền sẽ giúp bạn được giảm thiểu căng thẳng khiến bạn cảm thấy vui khỏe và yên bình hơn.

Đinh Tấn Khương ( chuyển tiếp)