Tuesday, May 7, 2013

Nước Mỹ là Thiên Đường

Cao Thu Cúc



Mấy tháng đầu tiên đến Mỹ, bạn bè liên tiếp gọi hỏi thăm tôi. Họ thường hỏi:
- Thu Cúc đã lên được mấy ký rồi?
- Có lên ký nào đâu? Mình sụt mất 5 lbs.
- Ủa! sao lại sụt ký? Ở đây thiếu gì thức ăn ngon, sao Thu Cúc lại sụt ký? Nước Mỹ là Thiên Đường đó Thu Cúc.

Tôi qua đây bị shock quá nặng, vì khí hậu lạnh chưa quen, vì còn con trai ở Sài Gòn, vì hai con trai chưa chịu lập gia đình, tôi sợ chúng nó ở một mình buồn bã, khi đau ốm không ai chăm sóc, vì nhớ nhà nhớ gia đình nhớ chị em. Tình quê hương, nỗi nhớ nhà nhớ con không ngờ lại quật tôi rất mạnh. Tôi cứ đau ốm liên miên, đi thầy thuốc bắc, thầy thuốc nói:
- Cô không có bịnh gì nhiều, ăn uống đầy đủ đúng phương pháp là ổn. Cô đừng ăn thịt, đừng uống thuốc tây, cô ăn cá một lần vào buổi chiều, sữa, yogurt cũng vậy, cô ăn nhiều trái cây và rau. Thức ăn phải đủ năm màu. Đi bác sĩ gia đình, bác sĩ bảo:
- Cô không được uống Ensure, cô không được uống các loại vitamin once daily… Cô nên ăn nhiều trái cây và rau.
Bịnh tôi không có gì nặng, chỉ bị lạnh, viêm họng, thế thôi, mà gần nửa năm rồi vẫn không hết bịnh. Tôi đành về nhà ngày ba bữa đánh vầng với cơm gạo lứt với muối mè và rau. Bịnh vẫn lai rai mà ký vẫn như thế. Mặt tôi ngày càng khó coi, tôi nghĩ trông tôi có lẽ còn thua con khỉ trên vườn Eden. Mỗi ngày con gái tôi trước khi đi làm dặn: – Mẹ ăn thịt này, mẹ ăn cá này, mẹ ăn trái cây này… Con gái lớn ở Indiana ngày nào cũng gọi hỏi: – Mẹ đã lên ký nào chưa? Mẹ phải ăn nhiều cho lên ký, Mẹ ốm như vậy vào bịnh viện họ lấy máu đi thử là mẹ cũng đủ chết. Với lại mẹ phải vui vẻ lạc quan lên, phải thay đổi tư duy thì mới khỏe mạnh hết bịnh, nếu đầu óc không thay đổi thì bịnh không lành được…
Phải, phải con gái tôi nói đúng. Đức Phật cũng dạy: “Thân bịnh chớ để tâm bịnh”. Tôi đang ở một nơi mà nhiều người công nhận là Thiên Đường, tại sao tôi cứ buồn khổ? Tại sao tôi không biết giữ tinh thần vui vẻ để hưởng thụ?
Đi tìm thiên đường

Tôi gọi một vòng quanh nước Mỹ để xem Thiên Đường của các bạn tôi như thế nào?
Tôi gọi Linh hỏi:
- Linh có vui không? Linh có khỏe không? Linh có nhớ Việt Nam không?
- Ôi, quê hương ai mà không nhớ? Linh qua đây 18 năm, Linh về Việt Nam 6 lần rồi, tháng 3 này về nữa, từ ngày mổ tim tới giờ Linh ít về. Hằng ngày Linh vui với con và cháu, tối coi chừng hai đứa nhỏ học bài và dạy tiếng Việt cho nó. Sống như vậy đó nhưng lòng lúc nào cũng buồn bạn ơi. Làm sao quên Việt Nam được? Tất cả niềm vui, tất cả hạnh phúc của Linh là ở Việt Nam. Linh ở đây theo con cái nhưng trong lòng lúc nào cũng ôm một nỗi nhớ nhung bất tận…
Tôi gọi Lan. Vẫn giọng nói rặt chất Huế như ngày nào, Lan nói:
- Mi thử tưởng tượng đi, tau là một cây cổ thụ trồng bên bờ sông Hương, bây giờ bị bứng qua trồng ở Santa Ana thì làm sao tươi tốt được?
Tôi cười nói:
- Ở Mỹ nười ta vẫn trồng cây theo cách đó mà cây vẫn tươi tốt.
- Nhưng mà tau trong héo ngoài tươi. Tau vẫn nhớ mùi đất cát bên bờ sông Hương, nên lâu lâu có điều kiện là tau về thăm cái hố đất của tau ở đó.
Hạnh phúc của Lan hằng ngày là đi giúp con nuôi cháu như đa số các bà mẹ Việt Nam lúc đã nghỉ hưu. Hạnh phúc tràn trề của họ là khi nhắc đến con và cháu, nhưng lúc nào họ cũng ôm một nỗi buồn sâu kín, chỉ mong Việt Nam yên ổn để về sống ở quê nhà. Lan đay nghiến tôi như thể tôi là kẻ tòng phạm đã đẩy cô ra khỏi chiếc nôi hồng quê hương: “Mi bây giờ mới nếm mùi đau khổ, tụi tau đã chịu đựng mấy chục năm nay rồi”.
Tôi gọi một người cháu tên Minh ở Colorado hỏi. Gia đình chị tôi có chín người con, bảy đứa với bảy gia đình ở Colorado, hai đứa ở California. Minh cười và sôi nổi nói:
- Mợ ơi, mợ qua đây đi, bọn cháu ở đây vui lắm, mợ ở chơi với tụi cháu một thời gian mợ sẽ quên hết quê hương quên hết đường về.
Nhưng rồi một lúc sau cô cháu của tôi lại thở dài:
- Ơi mợ ơi, con cái như lúa có hột chắc hột lép. Mình không mong có được trọn vẹn đâu. Con gái đầu của cháu rất giỏi nhưng đứa sau thì không chịu học không chịu làm việc đàng hoàng, nó như con bướm bay,  thích theo bạn bè, làm được ít tiền thì bỏ đi chơi, xài hết tiền mới về làm tiếp… Mình không thể nào có được một hạnh phúc tròn đầy như ánh trăng rằm mợ ơi.
Mỗi người một cảnh, hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn, nhưng khi gặp họ, tôi thấy ở họ toát ra một thứ gì đó rất đặc biệt mà khi ở Việt Nam họ không có: đó là sự tự tin, sự thoả mãn, vẻ vui sướng bộc lộ ra bên ngoài, nét tự hào trong giọng nói, trong vẻ mặt, trong thái độ và nhất là trong những lời khuyên dành cho những người mới đến như tôi.
Vậy có phải họ đang sống ở Thiên Đường?
Tôi gọi về quê hương thân yêu để than NHỚ thì cháu tôi nói: – Mợ ơi, tỉnh lại đi mợ ơi! Mợ đang hạnh phúc, mợ lo hưởng hạnh phúc đi.
Gọi quanh bạn bè ở đây để than BUỒN thì bị bạn la: “Thu Cúc, mi ngu lắm, mi hạnh phúc mà không biết”.
Thì ra tôi cũng đang ở trên Thiên Đường mà không biết. Tôi là một kẻ tham lam? Đứng núi này lại thấy núi kia xanh hơn?
Thiên đường có thật 



Một hôm, một học trò cũ của chồng tôi đến thăm, P nói:
- Nước Mỹ là Thiên Đường đó cô.
Tôi hỏi đùa :
- Vây P. đã tìm được thiên đường của P. rồi hả?
Chồng tôi nói:
- Nhà của P. chẳng khác nào là một cõi Thiên Đường, ngôi nhà ở trên ngọn đồi Beverly Hills, sau nhà là hồ nước xanh, xung quanh hoa rực rỡ, buổi sáng sương mù mờ ảo và khi mặt trời lên trông chẳng khác xừ sở của Alice trong chốn thần tiên.
P. nói :
- Tụi em đã làm việc cật lực quyết đạt cho được ước mơ của mình và bây giờ bọn em đã thực hiện được.
Câu chuyện của P. đi từ một nước Việt Nam rách nát qua Mỹ để kiến tạo một cõi thiên đường là một huyền thoại có thật. P. và H. gặp nhau ở Đà Lạt trên ngọn đồi tình yêu lãng mạn ở hồ Than Thở. Hai bên đã có cùng một mong ước là sau này sẽ xây cho mình một ngôi nhà cổ tích trên một ngọn đồi như thế. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi quân đội của miền Nam hoàn toàn tan rã, P. lúc bấy giờ là đại uý, lẻn vào Toà Đại Sứ Mỹ mong níu một cánh trực thăng để thoát thân. P. vừa đặt chân xuống bên cạnh bụi cây thì một khẩu súng lạnh đã chĩa ngay sau gáy, nếu lúc đó P. không nhanh trí móc túi đưa ra tấm thẻ đại uý Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà thì P. đã thành tro bụi hư vô rồi, còn ai biết tro bụi này thuộc về ai? P. đến Mỹ và may thay gia đình H. cũng đến Mỹ. Gặp lại nhau họ cùng nhau thực hiện giấc mơ chung. Ngày nay P. đã là Director trong một công ty lớn và H. cũng là một chuyên viên vi tính ở đó. Con cái đã có cuộc sống riêng, ba đứa con, ba ngành nghề vững vàng: nha sĩ, bác sĩ, luật sư. Mọi người đều vô cùng bận rộn, nhưng họ đã sống một cuộc đời đáng sống, thỏa mãn những khát vọng, làm được những việc họ muốn làm. Họ đã dồn hết công sức tạo dựng nên một nền tảng gia đình rất đáng tự hào.
P. nói:
- Thiên Đường em muốn nói ở đây là nơi mà mình có đủ điều kiện để phát huy năng lực của mình, để thỏa mãn những khát vọng của riêng mình, nếu chúng ta có khả năng, cả xã hội sẽ hổ trợ cho chúng ta để thực hiện những mong ước ấy, và sau đó, chúng ta có quyền hưởng những thành quả lao động của chúng ta một cách thích đáng. Chúng ta sống tự do và có điều kiện thuận lợi để làm tất cả những công việc tốt đẹp mà chúng ta muốn làm.
Tôi nhớ tới những người bạn của con trai tôi. Khi đã có một chỗ đứng trong một trường đại học nào đó rồi thì họ thấy không còn môi trường nào thuận tiện hơn cho họ để thi thố tài năng. Tuy họ không nói thẳng ra là họ đang ở trên Thiên Đường nhưng tôi vẫn cảm thấy được nơi họ tỏa ra một thứ ánh sáng của hạnh phúc. Con trai của một người bà con của tôi, bỏ công việc dạy học sau khi tốt nghiệp ở khoa sư phạm, rồi đi học nghề nấu ăn và trở thành Chef ở một nhà hàng lớn ở Dallas, sau đó làm việc ở Las Vegas một thời gian và hiện nay đang mở một nhà hàng chuyên bán thức ăn Việt Nam ở Washington D.C rất thành công. Ôi! Sống tự do và làm việc tự do ở Mỹ. Có nơi nào thuận lợi hơn?
Định nghĩa hai chữ Thiên Đường của P. rất mới mẻ, tôi rất đồng tình với P. Phải, con trai con gái của tôi đã tìm thấy Thiên Đường của chúng, tôi đã có một Thiên Đường nhỏ bé của tôi, vậy mà tôi vẫn mơ ước có một Thiên Đường rộng lớn hơn: Ước gì hai con trai tôi chịu lấy vợ! Con trai lấy vợ hay không lấy vợ, tại sao tôi lại đặt ra ranh giới giữa Thiên Đường và Địa Ngục trong vấn đề này? Còn Việt Nam? Tôi sẽ cố gắng giữ Việt Nam trong lòng và sẽ trở về với tất cả tình cảm trọn vẹn của tôi, và của các con tôi.
Vậy là tôi đã tìm thấy Thiên Đường nhỏ bé của tôi. Và từ nay dù ở nơi nào tôi cũng có thể mang theo Thiên Đường của riêng mình.
Cám ơn Thượng Đế đã dành nhiều ưu đãi cho gia đình tôi, cho bạn bè của tôi ở khắp nơi xa gần trên thế giới.
Cao Thu Cúc 
(San Jose , 2012)
______________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment