Wednesday, June 8, 2016

Ngăn chặn ung thư vú tái phát.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) đã có thể ngăn chặn thành công quá trình xâm nhập và ẩn náu của các tế bào ung thư vú vào trong xương chuột, nơi chúng có thể sống sót qua các đợt hóa trị. 




Nhóm nhà khoa học cũng đã nghĩ ra một phương pháp để ‘đuổi’ các tế bào ung thư vú ra khỏi tủy xương ở chuột, khiến chúng dễ dàng bị tiêu diệt hơn bởi các phương pháp điều trị thông thường hoặc nhờ hệ thống miễn dịch. 

Thành công mới của các nhà khoa học hứa hẹn cho sự ra đời của một phương pháp tương tự, có thể được thử nghiệm trên cơ thể người, thắp lên hy vọng rằng một ngày nào đó, một trong những yếu tố nguy hiểm nhất của ung thư vú có thể được ngăn chặn.

Đối với nhiều bệnh nhân, ung thư vú có thể tái lại 5 năm sau thời điểm điều trị, và lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể – một quá trình thường được gọi là di căn.
Các nghiên cứu trước đây từng cho thấy tủy xương có thể là nơi trú ẩn an toàn trong hóa trị, nghĩa là các tế bào ung thư vú có thể nằm im trong đó suốt một khoảng thời gian dài mà không chịu ảnh hưởng bởi thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay, cách thức tế bào ung thư vú xâm nhập và ẩn trong xương vẫn còn là điều chưa thể lý giải được.


ung-thư-vú_tinhte.png


Sử dụng kỹ thuật kính hiển vi theo thời gian thực, nhóm chuyên gia tại Đại học Duke đã theo dõi sự di chuyển của các tế bào ung thư vú, khi chúng đi qua tủy xương của chuột và xác định được E-selectin chính là loại protein cho phép các tế bào ung thư đi vào tủy xương, và CXCR4 – protein giúp chúng bám vào xương, tạo điều kiện để ẩn náu. Điều trị những con chuột bằng thuốc ức chế E-selectin, các tế bào ung thư vú không thể xâm nhập vào xương, và một chất ức chế CXCR4 buộc chúng quay trở lại máu.

Phó giáo sư Dorothy Sipkins tại Đại học Duke, cho biết: “Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy ung thư vú có thể sớm được phát hiện cũng như điều trị, và bệnh nhân có thể sẽ không có dấu hiệu của bệnh. Sau đó 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí là 15 năm, bệnh nhân có thể tái phát. Thông thường, xương sẽ là nơi mà ung thư di căn. Và bây giờ chúng tôi đã biết được bằng cách nào tế bào ung thư đi vào đó, đồng thời cũng xác định được một cơ chế quan trọng cho phép chúng ‘neo’ vào trong tủy xương. 
Đối với chuột, những phát hiện của chúng tôi có thể cung cấp các chiến lược mới nhằm can thiệp ở cấp độ phân tử, trước khi các tế bào nằm im đó có thể hoạt động và trở thành nguyên nhân gây tái phát bệnh”.

Các chất ức chế E-selectin sử dụng trong nghiên được gọi là GMI-1271, đang được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng trên con người. Giáo sư Sipkins cho biết cô hy vọng có thể tiến hành thêm các nghiên cứu trên chuột, để hiểu rõ hơn về cách các tế bào ung thư vú di chuyển khắp cơ thể, trước khi chuyển sang nghiên cứu quá trình này ở con người.


Theo: Telegraph, Ảnh minh họa: Ibtimes
______________________________________________

No comments:

Post a Comment