Saturday, November 27, 2021

“Hàn Quốc sành điệu” – sự ra đời của một cường quốc văn hóa

.

Ngày nay thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một trong những thành phố hiện đại nhất hành tinh. Ngày nay Hàn Quốc sở hữu nền kinh tế thứ 15 thế giới. Nhưng ít ai biết Hàn Quốc của hơn 40 năm trước, ở những năm của thập kỷ 60.

Cuốn sách của Euny Hong đã hé lộ nhiều bí ẩn trong quá trình Hàn Quốc chuyển mình từ ao tù sang vị thế đứng đầu. 

Tác giả Mỹ - Hàn Euny Hong có lẽ đã không cố ý làm sáng tỏ nhiều hiểu lầm đến vậy trong cuốn “Hàn Quốc sành điệu”, cuốn sách cực kỳ thu hút kể về con đường đi lên cường quốc văn hóa của nước từng thuộc diện nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Trong số đó có những hiểu lầm đã được coi như quy luật (tất yếu) của thị trường: doanh nghiệp tư nhân thì luôn thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn so với chính quyền - 25% đầu tư mạo hiểm ở Hàn Quốc năm 2012 thuộc về Chính phủ. Quy luật thị trường cũng cho rằng chính sự can thiệp của Chính phủ làm mọi người sinh ra lười biếng.  

Hai thập kỷ trước khi Trung Quốc nới lỏng xiềng xích mang tên tư tưởng toàn trị của Mao Trạch Đông và bắt đầu tìm cách thoát nghèo, những nước hàng xóm nhỏ hơn đã tìm ra lối đi của riêng mình. Điều này chứng minh những nước nông nghiệp nghèo không được thiên nhiên ưu ái vẫn có khả năng cải cách kinh tế và xã hội. Tài nguyên lớn nhất, các nước này điều hiểu, chính là con người, và con người cần hỗ trợ của chính phủ để phát huy tiềm năng.


Hàn Quốc những năm 60 của thế kỷ 20


Ngày nay thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một trong những thành phố hiện đại nhất hành tinh. Triều Tiên, nơi đã từng thịnh vượng hơn của bán đảo Triều Tiên, giờ nằm trên bờ vực nghèo đói. Khó mà tin được thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc những năm 1960 đã từng thấp hơn ở thiên đường xã hội chủ nghĩa phía Bắc, hoặc thấp hơn các nước như Ghana. Thậm chí đến những năm 1970, chất lượng sống ở Seoul và Pyongyang vẫn chưa khác nhau mấy.

 Ngày nay Hàn Quốc sở hữu nền kinh tế thứ 15 thế giới. Những con ong thợ London sẽ ghen tị với tốc độ Internet siêu nhanh trên tàu điện ngầm có điều hòa của người Seoul đi làm. Tất cả là nhờ có sự đầu tư của chính phủ. 

Bài học vượt khó nhanh chóng và tất nhiên có những đánh đổi của Hàn Quốc chứa tính kỷ luật thép. Trẻ em đi học thường xuyên chịu quát mắng, người dân bị bắt hình thành thói quen mua sắm yêu nước và tinh thần làm việc hăng say theo lối Stakhanovite. Quyết tâm của Chính phủ cũng giúp đất nước vượt qua những trở ngại như khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 dù bị ảnh hưởng mạnh, và từ đó có kế hoạch sáng tạo cho tương lai.

Tại chính thời điểm đó mà Tổng thống Kim Dae-jung, sau khi nhận thức rõ những mất mát cuộc khủng hoảng mang lại và tình trạng khan hiếm tài nguyên, đã quyết định rằng Hàn Quốc phải trở thành nước tiên phong trên thế giới về xuất khẩu văn hóa – hallyu. Nghe có vẻ không khả thi, nhưng hai thập kỷ sau, K-pop mang về hàng triệu; phim dài kì của Hàn Quốc làm cả Châu Á, Châu Phi và Trung Đông phát cuồng; giới trẻ khắp thế giới chơi video game của Hàn, và một ngành công nghiệp phim ảnh tầm cỡ thế giới được xây dựng. Chưa kể Gangnam Style là video âm nhạc được xem nhiều nhất. Gangnam Style là một tác phẩm của Psy, người Hàn Quốc duy nhất có vẻ gần với định nghĩa trai hư: lồi lầm lớn nhất là giẫm lên cỏ hồi anh ta bảy tuổi.

Điều này diễn ra như thế nào? Cũng chính công thức đã mang Samsung từ “Samsuck” tầm thường thành ông lớn ngành điện thoại di động: tập trung vào những mảng chính, cùng với hỗ trợ và đầu tư từ chính phủ. 


Những Chaebol tạo nên một phần sức mạnh kinh tế Hàn Quốc
 

Ví dụ, Chính phủ trang bị cả nước với đường truyền tốc độ cao và hiện nay trang bị từng nhà với kết nối mạng 1GB/giây, 200 lần nhanh hơn tốc độ mạng trung bình của Mỹ. Bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc từng vươn ra nước ngoài, What Is Love All About?, được dịch phụ đề tiếng Quảng Đông bởi Chính phủ, tuồn vào Hồng Kông trong một chiếc cặp ngoại giao năm 1992 và đảm bảo được phát sóng trên TV Hồng Kông, còn các công ty Hàn Quốc thì bị ép mua những suất quảng cáo truyền hình còn lại.

Tương tự, kỷ luật thép và làm việc chăm chỉ cũng có mặt trong thế giới K-pop. Một nhóm nhạc Kpop không đến từ nhà để xe của bố mẹ: các thành viên được đào tạo rất kỹ lưỡng, khắc nghiệt, trong bảy năm trước khi được cho phép ra mắt công chúng.

Euny Hong cho rằng, bên cạnh những yếu tố xã hội và chính trị của thành công này, tham vọng của Hàn Quốc được dẫn đường bởi một tổ hợp của nỗi sợ và sự oán giận. Nỗi sợ người anh em Triều Tiên không ổn định và nguy hiểm, và oán giận – han – của hàng thế kỉ bị đè nén bởi chính những nước láng giềng trong khu vực, mà Nhật Bản ngay đầu bảng.

Xuất khẩu văn hóa không chỉ mang lại lợi nhuận cho chính nó. Công dân của những nước kinh tế đang lên bị mê hoặc bởi phim Hàn và nhạc Hàn sẽ có xu hướng mua tủ lạnh, ti vi, máy tính và xe hơi cũng của Hàn. Ai cũng muốn sống với giấc mơ, và thiên tài của Hàn Quốc nằm ở chỗ đã biến giấc mơ đó thành giấc mơ Hàn Quốc.

Trạm đọc (Read Station)


____________________________________

No comments:

Post a Comment