Thursday, November 4, 2021

Nấm mèo

Thảo Ly


Cây cam 25 tuổi ờ vườn sau giờ đã thành quá khứ. Những ngừơi đi bộ ở công viên bên ngoài hàng rào không còn được ngắm màu cam chín vàng rực rỡ mỗi mùa thu. Một vài ngừơi đã hỏi mua, chưa kịp thất vọng vì cam không bán thì đã được mời vô vườn để hái bao nhiêu cũng được. Không còn cam, quýt, tắc khu vườn mùa thu chừng như ảm đạm hơn. Những thân cây chết cưa tận gốc được dọn sạch sau nhiều ngày đợi mong cây sẽ hồi sinh. Riêng cây cam ông làm vườn cưa thành nhiều khúc, chồng chất lên nhau để mặc nắng mưa. Cho đến hôm qua, thầm nghĩ chắc “tốt ngày” nên ông mới ra tay dọn dẹp những khúc cây chưa mục nhưng vỏ đã thâm đen bung ra loang lổ. Ngạc nhiên làm sao khi nghe hỏi. 

-Em có cần nấm mèo không? 

Rồi tôi được ông đưa cho coi một khúc thân cũ mục của cây cam, trên đó mọc lên những tai nấm mèo tươi non rất mỏng manh. Tôi vừa vui vừa thắc mắc

Làm sao anh trồng được nấm mèo? 





-Anh nghe nói trên thân cây cam mục nấm mèo thường mọc.

Thì ra anh chàng có ý chờ xem nấm có mọc không, nên không vất bỏ sau khi cưa nó. Khoe đám nấm mèo, đợi tôi chụp hình xong cũng là lúc mấy khúc cây có nấm mọc không còn nữa. Có lẽ sợ tôi nhổ hết phơi khô đem cất đễ dành, ông làm vườn ra tay dọn sạch khi đã làm xong thí nghiệm. Tôi nghe ông như muốn phân trần

-Chỉ là nghe ngừơi ta nói nên anh làm thử coi sao! Mình không có chuyên môn để nhận biết từng loài cây cỏ cho nên không mạo hiểm mà ăn nấm. 

Tôi mỉm cười chấp nhận thôi chứ còn biết làm sao. Cũng chỉ vì mình có trong nhà một “ngừơi nông dân nửa mùa”, thường hay ngồi nơi patio ở vườn sau làm thí nghiệm- thí nghiệm từ cây trồng cho tới những món đồ điện tử tinh vi rất say mê, không màng chi đến chung quanh.  

Đây chính là lý do nhà tôi có một ông lão làm vườn rất yêu cây lá nhưng không màng hoa lợi cho nên cứ mãi thất thu!


Thảo Ly  (https://www.facebook.com/profile.php?id=100011327623721)


____________________________________________

No comments:

Post a Comment