Thursday, November 11, 2021

HỒNG TREO GIÓ MANG THEO VỊ NHẬT BẢN

Thứ quả khô thơm ngon mùa thu



Hồng khô Dojo Hachiya hay còn được biết với tên gọi hồng treo gió là đặc sản mùa thu nổi tiếng tại Nhật Bản. Món ăn này đã có lịch sử hơn 1.000 năm và từng chỉ phục vụ giới quý tộc. Nổi tiếng vì độ thơm ngon, thức quà này đã chinh phục rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới.

Mùa thu không chỉ là khoảng thời gian có thời tiết đẹp, cảnh sắc lung linh mà còn là mùa của nhiều loại quả đặc sản. Ở châu Á, đây chính là mùa của các táo, lê, hồng với đặc trưng chung đều giòn và ngọt quyến rũ. Một trong những món trái cây sấy ngon nức tiếng của mùa thu chính là hồng treo gió, vốn được cho có nguồn gốc từ Nhật Bản với tuổi đời đã hơn 1.000 năm. Sức hấp dẫn và độc đáo của món hồng treo gió đặc sản Nhật Bản đã được nhiều nước học theo, ngay tại một số vùng miền tại Việt Nam như Đà Lạt, Mộc Châu cũng bắt tay vào làm thức quà này.

Hồng treo gió là loại hồng ngâm vỏ còn cứng (chưa chín) và được treo lên và hong khô tự nhiên nhờ gió và nắng. Vì làm khô nhẹ nên hồng giữ được độ mềm ẩm nhất đinh, ăn sẽ thơm ngọt và khác hẳn với loại hồng sấy khô bằng các phương pháp khác. Cách làm hồng treo gió tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất công phu. Hương vị cũng đặc biệt hơn nên chẳng trách, giá thành lại cao hơn so với bình thường. Hồng treo gió tại Việt Nam có giá trung bình khoảng từ 500 ngàn, hồng Trung Quốc, Hàn Quốc giá cả sẽ cao hơn, đặc biệt hồng treo gió Nhật Bản giá cao nhất khi có lúc, giá một quả hồng có thể lên tới 60 – 70 ngàn/quả.



Để làm hồng treo gió, người ta phải chọn lựa loại hồng còn cứng quả, tốt nhất quả còn cuống dài mới tiện cho quá trình treo hồng. Hồng muốn treo gió phải được gọt vỏ nhưng vẫn giữ nguyên phần núm để buộc lên. Khoảng cách giữa mỗi quả phải vừa đủ để tránh không chạm nhau.





Quá trình làm món ngon đặc sản Nhật Bản này được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên kéo dài khoảng 5 – 7 ngày kể từ treo hồng. Vào lúc này, thời tiết là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng, nếu thời tiết mưa ẩm, hồng sẽ bị mốc hỏng. Sau khi phơi chừng 1 tuần, hồng đã khô, người ta sẽ phải massage nhẹ nhàng khoảng 2, 3 ngày/lần để quả tiết thêm chất ngọt và phân tán đều.

Sau đó, hồng sẽ được phơi thêm 3 – 4 tuần, tùy kích cỡ sẽ cho ra sản phẩm hấp dẫn. Hồng treo gió thành phẩm có vỏ ngoài nâu sậm, thậm chí có thể hơi thâm. Bên ngoài có lớp đường trắng tự nhiên do hồng tiết ra trong quá trình hong gió. 

Thoạt nhìn không đẹp mắt nhưng xé quả hồng thành từng phần nhỏ lại cho ta thấy một sự khác biệt hoàn toàn: miếng hồng nâu đỏ, dẻo và óng ánh hệt như ánh nắng mùa thu. Đưa miếng hồng vào miệng bạn sẽ thấy cái dẻo, ngọt tan lan tỏa trong miệng. Ngày thu, nhâm nhi trái hồng treo gió cùng trà nóng quả là tuyệt phẩm! Sự độc đáo, thanh tao, vị ngọt đậm nhưng không khé cổ khiến hồng treo gió trở thành một trong những đặc sản Nhật Bản được săn lùng nhiều vào mỗi dịp Tết đến.



Wanderlust Tips | Cinet

___________________________


No comments:

Post a Comment