Thursday, March 14, 2024

NGƯỜI CHỌN NGHỀ HAY NGHIỆP CHỌN NGHỀ

Đinh Tấn Khương



Có bao giờ bạn tự hỏi: “người chọn nghề hay nghiệp chọn nghề” cho chính bản thân mình không?

Theo ngôn ngữ Việt, mỗi khi đề cập đến cái nghề mà một ai đó đang theo đuổi thì được nhắc đến bằng hai chữ ghép liền, đó là: NGHỀ- NGHIỆP.

Ngày xưa và có khi ngay cả thời điểm hiện tại, không ít bậc phụ huynh thường định hướng, chọn nghề cho con mình. Gần đây các bậc phụ huynh được khuyến khích là hãy để cho con trẻ tự do lựa chọn ngành học, tùy thuộc vào sở thich và năng lực hầu giúp cho chúng tìm được một công việc phù hợp và có cơ hội phát huy sở trường tốt nhất sau nầy. Trong hai trường hợp trên đây thì được coi là: người chọn nghề

Trái lại, công việc đang làm mà không xuất phát từ định hướng ban đầu thì được coi như là nghề chọn người hay cũng được gọi là nghiệp chọn nghề vậy.

Ai sao thì không biết nhưng riêng  bản thân tôi một khi nhìn lại những trải nghiệm suốt nhiều năm trong đời mình thì lại tin rằng “nghiệp chọn nghề” chứ không phải “người chọn nghề”.

Vào những năm cuối bậc trung học, ước mơ lớn nhất của đời mình là được đi du học. Biết rằng học lực của mình khó nhận được một suất học bổng cho nên chỉ mong được đến Mỹ theo học ngành giáo dục, diện tự túc. Tuy gia đình không khá giả nhưng nghĩ rằng mình có thể tìm thêm việc làm ở xứ người để trang trải mọi chi phí sau nầy.

Nhưng biến cố Tết Mậu Thân đã khiến ước mơ đó của tôi hoàn toàn sụp đổ, do tuổi động viên bị hạ bớt một năm.

Một năm!

Nhớ lại năm học đầu đời, năm đầu tiên vào lớp mẫu giáo. Do thói quen cầm viết bằng tay trái mà bị đánh sưng tấy cả bàn tay, tôi đã quyết định không đi học nữa. Quyết định bỏ học đã khiến mẹ tôi buồn khóc suốt nhiều ngày. Năm sau, tôi đồng ý đi học trở lại với điều kiện là không bị ông thầy đánh nữa. Tôi cũng đã hứa luôn cầm viết bằng tay phải (mặc dù tôi lại thuận tay trái), việc nầy không hề dễ dàng chút nào. Mẹ tôi đã năn nỉ, quà cáp xin giúp đỡ. Nhờ Thầy, bây giờ tôi viết được với bàn tay phải. Nhưng cũng chỉ vì thuận tay trái mà phải mất tiêu một năm do bỏ học và cũng chính vì thế mà ước mơ đầu đời của tôi đã không thành hiện thực!

Ước mơ du học không đạt thì một ước mơ khác lại đến, đó là muốn trở thành một sĩ quan Võ Bị hoặc là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Lý do theo đuổi giấc mơ đó là vì tính tôi năng động thích mạo hiểm và cũng một phần thấy được hình ảnh của những người thân trong những bộ quân 
phục có gắn bông mai trông thật oai hùng. Nhưng mẹ tôi phản đối đến cùng sau khi tôi vừa thi đậu tú tài II. Lại một giấc mơ nữa bị chết yểu!

Vì là con trai độc nhất, mẹ không muốn tôi xa nhà, bà muốn tôi theo học Sư Phạm Qui Nhơn, ra trường cưới vợ để có một cuộc sống gần nhà, an nhàn và ổn định.

Tôi thì thích bay nhảy, muốn ra Huế theo học đại học nhưng mẹ tôi cũng  không chịu.

Có lẽ mẹ tôi bị ám ảnh bởi hai câu thơ:

“Con trai xứ Nẫu ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành”

Bà sợ mê gái sớm thì lở dở chuyện học đó chăng?

Rồi xin vào Sài Gòn, lúc đầu mẹ cũng không cho. Hai đứa bạn thân của tôi cũng có chung hoàn cảnh, đều bị gia đình ngăn cản với lý do hầu hết con trai vào Nam đều bị con gái trong đó “bắt xác”. Nghe vậy, ba đứa chúng tôi càng quyết tâm vào Nam theo đuổi chuyện học.

Mà quả thật, trong ba thằng chúng tôi thì đã có hai đứa bị con gái miền Nam “bắt xác”rồi. Chỉ riêng mình tôi thì “trâu ta ăn cỏ đồng ta” mà thôi! Nghiệm lại thì cũng có phần đúng, có lẽ con gái xứ Nẫu thời đó thường giữ vẻ khó gần. 

Cha mẹ lại khó khăn, ngăn cấm đủ điều cho nên con trai xứ Nẫu vào Nam gặp phải con gái cởi mở, dễ gần thì làm sao mà không chịu để “bắt xác” cho được. Cũng lạ, thấy có sao đâu mà các bậc phụ huynh xứ Nẫu lại sợ như vậy?

Vào Sài Gòn, nghe tin trường Cảnh sát Quốc Gia vừa mới mở khóa hoc đầu tiên, trở thành sĩ quan cấp thiếu úy sau khi hoàn tất khóa huấn luyện một năm. Thích quá, muốn gia nhập thì mẹ cũng lại phản đối.

Rồi nạp đơn dự thi khóa đào tạo tài công lái thương thuyền quanh vùng Đông Nam Á. Được tuyển chọn và hoàn tất thủ tục khám sức khỏe, tưởng chừng mộng hải hồ sắp thành hiện thực. Nhưng sau khi báo tin cho mẹ thì cũng lại bị phản đối, bà lại khóc vì không muốn chọn cái nghề “lênh đênh” như vậy!

Cũng vì chuyện hạ bớt một năm tuổi do biến cố Tết Mậu Thân cho nên trong trường hợp của tôi, nếu muốn được hoãn dịch để theo học đại học thì những trường đó phải có tổ chức các kỳ thi tuyển sinh.

Tôi chọn thi và được chấm đậu vào trường Kỷ Thuật Phú Thọ ngành kỷ sư công chánh với hoc trình 3 năm. Hỏi ý kiến ông Dượng (chồng bà Dì thứ hai) đang làm nghị viên Hội Đồng Tỉnh có nhiều quan hệ với chính quyền, thì được cho ý kiến: “Nếu ba năm nữa thì hơi trễ vì ghế phó ty công chánh ở những tỉnh lớn sẽ không còn, may ra phải lên vùng cao nguyên thì mới được”. 

Nghe thế thì mẹ tôi cũng lại không bằng lòng vì thời đó vùng cao nguyên có nhiều biến động  do chiến tranh, mẹ sợ xa nhà mà lại còn nguy hiểm nữa.

Mãi phân vân là có nên từ bỏ giấc mơ làm kỷ sư của mình hay không thì lại còn đắn đo suy tính nếu không học đại học thì phải gia nhập quân đội, điều mà mẹ tôi luôn lo sợ và ngăn cản.

Như nhiều người khác, ước mơ lớn nhất của mẹ tôi là muốn tôi theo học ngành y. Nhưng thời điểm đó, chỉ có hai trường y, đó là y khoa Huế và y khoa Sài Gòn. Huế thì mẹ không cho đi, còn muốn dự thi vào y khoa Sài Gòn thì phải có chứng chỉ dự bị khoa học. Muốn lấy chứng chỉ dự bị khoa học thì phải trải qua một năm theo học sau khi ghi danh vào phân khoa khoa học, thuộc viện đại học Sài Gòn. Điều nầy không thể thực hiện được trong hoàn cảnh của tôi vì khóa học đó không có tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho nên sẽ không được hoãn dịch để theo học như quy định.

Đang phân vân trước ngưỡng cửa tương lai của đời mình thi nghe tin có một trường đại hoc tư thục vừa mới mở trong cùng năm ấy, đó là viện đại học Minh Đức trong đó có khoa y. Vì khoa y có tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho nên đạt được điều kiện hoãn dịch khi theo học.Tôi không thích lắm nhưng bí bách quá cho nên đành quyết định nạp đơn tham dự kỳ thi tuyển sinh. May mắn là tôi được trúng tuyển sau hai kỳ thi viết và phỏng vấn.

Dù có kết quả nhưng tôi vẫn còn do dự chưa biết là nên theo học kỷ sư công chánh hay là theo học y khoa.

Kỷ sư Phú Thọ thời đó nghe cũng oai lắm nhưng mẹ lại lo lắng sau khi ra trường không có việc làm gần nhà.

Y khoa thì quả thật là ước mơ lớn nhất của mẹ tôi nhưng tôi lại không mấy thích thú cái trường tư vừa mới mở mà còn phải trả học phí khá cao trong khi mình lại là con nhà nghèo. Nghĩ rằng trường đại học tư mới mở cho nên sẽ  không được đánh giá cao trong xã hội thời bấy giờ!

Dẫu biết rằng phải trả học phí khá cao, một gánh nặng đặt trên đôi vai gầy nhưng mẹ tôi vẫn thuyết phục tôi theo đuổi con đường mà bà hằng mong ước. Cuối cùng thì tôi đã thuận theo.

Những năm sau tôi được chuyển sang y khoa Sài Gòn, tốt nghiệp chuyên khoa sản phụ và sau đó được chọn tham dự kỳ thi tuyển “cán bộ giảng dạy”. Kết quả tôi đã trượt kỳ thi khẩu hạch trong kỳ thi nầy, gây ngạc nhiên cho một vài bạn đồng nghiệp và người thầy đỡ đầu. Và nhờ thế tôi không bị ràng buộc cho nên có cơ hội tìm cớ xin chuyển về làm việc tại bệnh viện Qui Nhơn, với mục đích tìm đường vượt biển và đã thành công.

Trước những ngày tìm đường vuợt biển, nhận tin từ một số bạn bè đồng nghiệp đã đến Mỹ trong những năm trước đó cho biết đang có nhiều thay đổi về các kỳ thi để lấy bằng hành nghề y khoa tại Mỹ, những thay đổi tạo nhiều khó khăn cho người đến sau.

Nghe thế tôi cảm thấy buồn vô hạn, tiếc công lao bỏ cả tuổi thanh xuân để  theo học một cái nghề mà có thể mình không thể giữ lại được một khi đến xứ người. Nếu vậy thì tôi quyết định chọn nước Úc là quê hương thứ hai sau khi vượt biển thành công. Nước Úc, một quốc gia mà tôi chưa hề biết đến, tin tức qua sách báo về nước nầy cũng bị hạn chế đối với tôi. Lúc đó chỉ biết nước Úc như là một vùng đất “nông nghiệp”, đất rộng người thưa và có nhiều “tài sản” dưới mặt đất. Nghĩ rằng mình sẽ làm lại cuộc đời với một ước mơ mới, đó là làm chủ một nông trại. Và tôi đã quyết định chọn đến Úc để định cư và theo đuổi giấc mơ tưởng chừng thật đơn giản của mình!

Đến Úc, tạm ổn định sau một thời gian ngắn nhờ có Hội Nhà Thờ đứng ra bảo trợ cho gia đình tôi. Thố lộ giấc mộng làm chủ một nông trại của mình với người đại diện Hội Bảo Trợ thì được cho biết, cần phải có một số vốn hoặc phải vay ngân hàng một số tiền lớn mới có thể mua hoặc mướn được một nông trại cùng với những máy móc thiết bị để sử dụng trong việc trồng trọt. Mà muốn vay tiền ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp. Thêm một lần nữa giấc mộng đổi đời ở xứ người cũng lại bị dập tắt nhanh chóng!

Vừa học thêm Anh ngữ vào buổi sáng, buổi chiều phải đi làm. Công việc khởi đầu tại xứ người là làm công nhân dây chuyền với ước mơ là được làm chủ một chiếc xe hơi như một số đồng hương đã đến Úc cùng thời. Để đạt được ước mơ đó tôi đã phải trả giá khá nhiều bằng nước mắt lẫn tủi nhục!

Nghe theo lời một số đồng hương đến trước tôi quyết định nạp đơn xin thi vào làm việc cho sở bưu điện. Công việc là nhân viên lựa thư với số tiền lương cũng khá cao và có nhiều qui chế ưu đãi vì đó là cơ quan của chính phủ. Vượt qua kỳ thi tuyển và chuẩn bị nhận việc, công việc chắc chắn là nhàn hạ hơn nhiều so với công việc ở cái xí nghiệp mà tôi đang làm

Nhưng rồi tôi lại thay đổi ý định, nhận thấy rằng các phòng Labs đang thiếu nhân viên xét nghiệm nhất là trong cộng đồng người Việt cho nên đã quyết định vào trường TAFE theo đuổi khóa học bán thời ba năm để tốt nghiệp ra làm kỷ thuật viên phòng xét nghiệm. Vì có bằng tốt nghiệp y khoa tại Việt Nam cho nên được miễn một số môn khoa học căn bản, chương trình còn rút ngắn chỉ có một năm rưỡi, học vào ban đêm còn ban ngày thì học thêm Anh ngữ.

Tốt nghiệp xong khóa học trường TAFE, lại nẩy sinh tham vọng mới:

Hoặc là:

  1.  Bỏ thêm một năm rưỡi nữa để lấy được bằng cử nhân khoa học y tế ngành vi trùng (muốn theo học khoa nầy thì cần phải mất ba năm toàn thời ở trường đại hoc kỷ thuật- University of Technology Sydney, nhưng tôi cũng được miễn một năm rưỡi do có bằng của trường TAFE và tốt nghiệp y khoa tại Viêt Nam). Nếu lấy được hai bằng, kỷ thuật viên và cử nhân khoa học y tế ngành vi trùng thì chắc chắn sẽ có một công việc khá ổn định và nhiều ưu đãi.

Hoặc là:

  2.  Theo học ngành Vật lý trị liệu (Physiotherapy) thuộc viện đại học Sydney và phải mất 4 năm toàn thời để hoàn tất học trình. Đại học kỷ thuật thì chỉ cần nạp thành tích học tập để được cứu xét và chấp nhận. Riêng ngành vật lý trị liệu thì phải trải qua một kỳ thi khẩu hạch sau khi đã đượccứu xét thành tích học tập.

May mắn là được cả hai trường chấp nhận và cũng vì thế mà đã khiến cho tôi lại phân vân chưa biết chọn ngành nào để học.

Cuối cùng tôi đành phải quyết định xin dời cả hai khóa học lại một năm để đổ dồn mọi nổ lực tham dự kỳ thi tuyển sinh vào trường y trong năm đó. Có hai trường y tại Sydney, đó là khoa y thuộc viện đại học Sydney và khoa y thuộc viện đại học New South Wales. May mắn đạt được điểm cao trong kỳ thi Anh ngữ, được cả hai trường chấp nhận cho tham dự kỳ thi tuyển sinh.

Đại hoc y khoa New South Wales thì phải trải qua kỳ thi viết và kỳ thi khảo hạch chuyên môn cuối năm giống như bao sinh viên năm thứ hai y khoa đương thời. Còn khoa y đại học Sydney thì chỉ cần kỳ thi khẩu hạch mà thôi.

Lại may mắn vượt qua kỳ thi, được trường y khoa NSW nhận vào học năm thứ ba. Tôi quyết định không tham dự kỳ thi khẩu hạch vào trường y khoa Sydney nữa.

Học lại là một điều không dễ, mà còn học lại ngành y ở cái tuổi gần nửa đời người, vợ con đùm đề, tài chánh eo hẹp, ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ, học chung với những bạn trẻ đang tuổi sung sức và là những học sinh ưu tú đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hai trường y Sydney và NSW chỉ nhận chừng 340 học sinh cao điểm nhất trong số sáu mươi ngàn học sinh thi tốt nghiệp tại tiểu bang thời đó) thì chắc chắn là có rất nhiều khó khăn mà tôi cần phải vượt qua.

Vừa học vừa chạy taxi vào hai ngày cuối tuần tưởng chừng mình không thể hoàn tất được khóa học như hằng mong đợi. Nhưng rồi, nhờ ơn trên cũng lấy lại được những gì mà mình đã mất, tốt nghiệp và bắt đầu làm việc tại một bệnh viện gần nhà.

Sau hơn ba mươi năm hành nghề tại xứ người và ở cái tuổi bảy mươi tư ngồi ôn lại những trải nghiệm suốt nhiều năm trong đời mình, tôi tin rằng nghiệp đã chọn nghề cho tôi vậy.

Lý do:

-       -  Nếu không có biến cố Tết Mậu Thân hay là tôi không mất đi một năm học ở lớp mẫu giáo thì có thể giấc mơ đầu đời đã trở thành hiện thực.

-        -  Nếu mẹ cho tôi cái quyền chọn lựa và quyết định cho tương lai của đời mình thì chắc chắn tôi đã trở thành một sĩ quan quân đội thời chiến, hoặc một sĩ quan cảnh sát hay là một tài công lái thương thuyền quanh vùng Đông Nam Á.

-         -  Nếu không có góp ý của ông Dượng và nỗi lo âu của mẹ thì tôi đã là một kỷ sư công chánh.

-         -  Nếu không có quyết định hạ một năm tuổi do biến cố Tết Mậu Thân thì chắc chắn tôi đã không chọn theo học y khoa Minh Đức.

-         -  Và nếu cho rằng mẹ tôi đã chọn ngành y cho tôi (người chọn nghề) thì cũng chưa phải là đúng vì nếu y khoa Minh Đức chưa thành lập hay là thành lập sau đó chỉ một năm thì tôi cũng không có cơ hội để theo học y khoa.

       -  Nếu như tôi đã từng nghĩ một trường tư mới mở không được đánh giá cao mà không theo học thì tôi đã không hành nghề được như ngày hôm nay (sau khi đến xứ người mới biết rằng những kiến thức thu nhận được trong hai năm đầu tại trường y khoa Minh Đức đã làm bệ phóng giúp tôi vượt qua kỳ thi cuối năm cùa sinh viên y khoa năm thứ hai thuộc viện đại học NSW)

-         -  Nếu lúc đó không có những thay đổi về các kỳ thi lấy bằng hành nghề tại Mỹ và nếu không có ước mơ làm chủ một nông trại thì chắc chắn là tôi đã không chọn nước Úc là quê hương thứ hai.

Những hoàn cảnh khác nhau trên đây có thể đã dẫn đời tôi tới những đích đến khác nhau. Ở đây tôi chỉ muốn nói những đích đến khác nhau chứ không là để so sánh sự khác nhau của những đích đến. Có sự khác nhau như vậy là điều mà tôi tin rằng do bởi nghiệp dẫn, như người ta thường nói “nghiệp chọn nghề chứ không phải người chọn nghề” chắc không sai!

Sydney ngày 14/03/2024
đinh tấn khương 


___________________________

7 comments:

  1. Chào anh Khương
    Cám ơn bài viết chia sẻ hành trình anh đã trãi qua. Dù thế nào cũng rất khâm phục tài năng và ý chí của anh. Thiếu một trong hai thì rất khó để thành công.
    Quí mến/ QN

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn QN đã chia sẻ
      Tuổi già thường ôn lại quá khứ. Và qua đó tôi tin rằng mọi việc xảy ra trong đời mình đều được sắp xếp bởi "định mệnh".
      Chúc v/c QN có nhiều thú vị trong chuyến du hành viếng thăm Hàn Quốc
      Thân

      Delete
  2. Khâm phục ý chí của tác giả. Vói bao nhiêu khó khăn như vậy anh đều vượt qua. Chắc mẹ anh vui lắm! Cho hỏi nhỏ: chắc chuyện hôn nhân của anh cũng phải theo ý mẹ anh?
    Thời nay con một thường rất khó dạy, muốn gì được nấy chứ không ngoan ngoãn như anh đâu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Cobamy đã có lời khích lệ. Thú thật, vượt khó được là nhờ ở định số. Tôi luôn tin là như vậy!
      Cobamy đã "hỏi nhỏ" thì cũng xin phép được "trả lời nhẹ" về chuyện hôn nhân của tôi như thế nầy nhé:
      Lúc đó, nghe phong phanh có người quen muốn mai mối một cô nào đó cho tôi. Chắc mẹ tôi cũng chịu!
      Cho nên một hôm mẹ mở lời:
      - Con cũng trưởng thành rồi, nên nghĩ đến chuyện "gia thất" cho mẹ vui.
      Tôi làm mặt buồn bã rồi trả lời:
      -- Mẹ ơi, con muốn đi tu
      Mặt mẹ tái đi rồi hỏi:
      - Sao vậy, sao lại muốn đi tu?. Con có biết là mẹ chỉ có một mình con không? Mẹ muốn có cháu nội, con biết không?
      - Con biết, nhưng con sợ có vợ thì đời con sẽ khổ cho nên con muốn đi tu mẹ à!
      Thấy mẹ khóc tôi vội hứa:
      - Thôi được rồi, mẹ đừng khóc nữa để con cưới vợ theo ý mẹ và cho mẹ một đứa cháu nội rồi sau đó con sẽ đi tu.
      Mẹ ngưng khóc và mấy ngày sau người truyền tai nhau về ý định "muốn đi tu" của tôi cho nên kể từ đó không ai muốn mai mối hay chịu gả con gái cho tôi.
      Thế là trúng kế tôi rồi. Ha ha!





      Delete
    2. Thiệt đâu biết anh K cũng đa mưu như vậy ? Mà cũng hay thiệt.. Bái phục!

      Delete
  3. ha ha, đúng là "kế độc" thiệt đó anh Khương!.chắc nhờ vậy mà nghe đâu anh đã lấy được người theo ý anh? Tôi biết có chuyện tương tự "có cô gái nọ, chắc hay đi chùa mà có tin đồn là cô muốn đi tu..nên vì vậy mà không ai dám ngỏ ý gì vói cô.. làm cô bị ..ế tói giờ! (cái này là không phải kế mà là..bị"
    Cám ơn anh đã cho biết kế này, nhiều người chắc ..cần đến!

    ReplyDelete
  4. Cám ơn Cobamy & QN
    Thật ra đây không phải là kế độc hay là đa mưu gì hết.
    Cái nầy gọi là "bí quyết" mới đúng. "Bí quá nên quyết liều" vậy mà!
    Cũng thấy tội nghiệp cho cô gái, chắc là do định số đấy mà. Nếu ngày xưa mà tôi quyết đi tu thì biết đâu tôi đã gặp được cô gái đó rồi!

    ReplyDelete