Tuesday, September 6, 2016

Một người Việt ở Đức phản pháo chuyện Việt kiều Mỹ sống khổ “như nô lệ”



Nguồn: FB Thanh Hieu Bui


 
Một người Việt từ Đức đã đăng bài cảm nghĩ về những tin tức, các bài báo đăng tải về cuộc sống khốn khổ của người Việt tại Mỹ. Tác giả đã sang Mỹ 3 lần, và sau đây là bài viết:


Gần đây thấy nhiều bài báo kêu ca cuộc sống của người Việt tại Hoa Kỳ rất khổ. Tình cờ đầu tháng 8 mình có việc lại đến Hoa Kỳ. Đây là lần thứ ba.

Lần này mình xuống phi trường LAX, mang theo mối lo lại bị đình lại mấy tiếng như lần trước xuống phi trường Houston. Nhưng không, lần này khác với lần đầu mình xuống LAX, đã có những máy tự động để người ta làm thủ tục nhập cảnh, máy đến mấy chục cái và khai báo rất nhanh. Cái máy tự chụp ảnh và dấu vân tay sau đó tòi ra tờ giấy bằng một phần ba trang A4 trong đó có ảnh mình.

 
Qua cửa hải quan đưa cái vé và hộ chiếu, ông sĩ quan hỏi đúng câu anh vào Mỹ bao ngày. Mình trả lời 20 ngày. Lần này vốn tiếng Anh của mình khá hơn chút đỉnh. Ông ta đóng dấu cho mình ở đến tận tháng 2 năm 2017. Mặc dù visa vào Mỹ của mình đến tháng 10 năm 2016 là hết hạn. Tất cả chỉ mất một phút , đưa hộ chiếu cho mình ông ta còn chúc một kỳ nghỉ tốt đẹp.

Tiếp tới là một cửa nữa, người sĩ quan Mỹ hỏi có mang đồ ăn không?. Mình lắc đầu không, ông ta cho mình đi qua. Cửa này chỉ mất 30 giây.

Nhưng số mình khổ, nhanh cái này lai vất vả cái kia. Vì mình đi chuyến bay từ Anh đến của hãng hàng không Mỹ, thế nên mình ra cửa 6, không phải cửa quốc tế đến. Mình chờ hai tiếng không thấy ai đón, bèn đến gần một quầy thông tin trợ giúp nói bằng tiếng Đức với cô trực quầy, bạn có giúp tôi được không, tôi muốn gọi điện thoại cho bạn mình.
Tiếng Đức có nhiều từ giống tiếng anh, như từ điện thoại, bạn, giúp đỡ…cô trực quầy cũng hiểu gật đầu và bấm giúp mình số.
Cuối cùng mình gặp được người đón, cố nhân Nguyễn Văn Hải, tức anh Điếu Cày.
Anh Hải đi cùng bạn Hương đến đón mình, hỏi nhau mới biết cả hai chờ mình đã mấy tiếng. Anh Hải cứ ra vào ngóng tìm, còn bạn Hương tranh thủ bắt Pokemon ở sân bay được cả đống.

Trên chiếc xe Lếch Sù 7 chỗ đời mới đã có bánh mỳ bạn Hương dự phòng cho mình lỡ có đói. Vợ chồng bạn Hương có một nhà hàng ăn, mới đầu tư hết 400 ngàn đô la. Nhà hàng toạ lạc ở một khu phố cổ rất đẹp cách Bolsa chừng một tiếng đi xe. Bạn ấy vừa mua miếng đất có lời lớn, nên hai vợ chồng định chuyển cho mình cái cửa hàng đó luôn để họ tính chuyện nghỉ hưu non.

Một anh bạn khác bay từ Austin đến Bolsa đã chờ mình ở khách sạn, anh thuê khách sạn và thuê xe để đưa đón mình đi đâu mình muốn trong thời gian mình ở Cali. Anh ấy có rất nhiều trang trại rộng bát ngát ở Austin. Có trang trại anh cho thuê đất, có trang trại anh thuê người Mễ chăn nuôi gà chọi, đúng món mình thích. Anh bạn khuyên nhủ mình hãy đến đây nuôi gà chọi và trồng rau, đúng những gì mình mơ ước chắc anh đọc trên Facebook của mình. Anh là một chủ thầu xây dựng giờ chuyển sang làm đồn điền, trang trại. Anh hứa sẽ đầu tư tất cả cho mình, để mình ổn định được cuộc sống ở Hoa Kỳ với nghề trồng rau và nuôi gà cùng với việc viết sách.

Nói chung là mình chỉ cần vác cái thân không đến Hoa Kỳ, thích có nhà hàng thì có sẵn một nhà hàng đẹp để mình làm ông chủ, thích chăn nuôi thì có hẳn một trang trại mình chăn nuôi làm chủ nông trại.

Có lẽ một số bạn nghĩ rằng họ hứa hão hay trục lợi gì đó, nhưng mình với kinh nghiệm mấy chục năm bôn ba trong giang hồ. Mình biết đó là những lời hứa thật lòng, không chút vụ lợi. Những con người ấy chỉ muốn giúp mình có cuộc sống tốt ở đây và làm bạn bè với họ mà thôi.

Nhưng ở lại Mỹ cũng lằng nhằng, nhiều thủ tục và mình thì không nghĩ đến. Mình chỉ đến đây có việc ít ngày. Nên mình dự định sẽ đến Houston ở nhà anh Hoàng kỹ sư, nhà anh dạng biệt thự ở một khu có hồ, công viên đẹp và thơ mộng gấp tỷ lần cái khu Ciputra hay Ecopak, đi vào khu đó có barie gác cổng. Trong nhà anh có đủ loại súng, súng trận và đạn trận nhé, rất nhiều loại dùng vào việc đi săn nai, lợn rừng. Anh Hoàng vừa tậu được một khu rừng và đang cất nhà trong rừng để làm nhà nghỉ và đi săn. Ngoài ra anh còn có vô số cần câu, đồ câu cá để đi ra biển câu. Ở trong kho nhà anh có mấy cái tủ đá đựng đồ ăn, có cái đến 1 ngàn lít dung tích. Trong đó đựng cơ man nào là tôm, cá, thịt lợn rừng, nai hoẵng mà anh đi săn hay đi câu có được.

Anh Hoàng đưa mình và anh Hải điếu cày đến nhà bà cô anh chơi, một biệt thự nằm trên 6 mẫu đất, có sân ten nít và hồ và cả trang trại nuôi dê, gà, vịt. Chung quanh biệt thự là cỏ cây được săn sóc kỹ lưỡng, có con công nhởn nhơ đi lại nữa. Ngoài hồ có cầu gỗ và nhà bát giác để ngồi chơi. Biệt thự rộng đến nỗi chủ nhà đã phải bỏ ra 3 ngàn usd thuê máy bay lượn trên cao chụp ảnh toàn cảnh ngôi nhà. Ông bà chủ là dân thuyền nhân di cư năm 75, sang đến Mỹ đi học lại, ông làm kỹ sư công chánh, khi về hưu được hưởng 95% lương chính. Còn bà là quan chức của địa phương nay đã về hưu. Ông chủ hơn 80 tuổi mà vóc dáng chắc nịch , ông bảo nhờ chăm sóc cỏ cây quanh nhà hàng ngày ông mới được khoẻ như thế.

Cuối cùng là bác sĩ nha khoa Lâm Quang Thắng, anh ấy làm răng cho mình và anh Hải xong còn cảm ơn và xin chụp ảnh cùng. Sau đó anh cho mượn căn nhà nghỉ ven biển cực kỳ thơ mông, trong nhà đầy đủ tiện nghi. Anh Hoàng bảo nhà nghỉ này rẻ, chỉ vài trăm ngàn một cái chứ mấy. Ôi chao vài trăm ngàn usd là 6 hay 7 tỷ VND mà anh nói tỉnh không.

Mình chỉ gặp duy nhất một người Việt khắc khổ, ông ta đứng ở ngã tư đường để lau kính cho xe ô tô chạy qua. Đấy là người Việt nghèo khổ nhất mình thấy.

Mình cũng nhìn thấy lão Ngô Kỷ ngồi cà phê thân thiết với thằng Luân hay gì đó của Tivi phố Bolsa. Hoá ra cả cái đài tivi phố Bolsa mà cộng sản Việt Nam ca ngợi ấy chỉ nhõn một thằng đó mà thôi, nó tự vác máy đi quay, phỏng vấn và đưa lên youtube và xưng là đài. Lão Ngô Kỷ đi cái xe sơn màu cờ vàng VNCH, luôn miệng lên gân đấu tranh cho lá cờ vàng, thế quái nào ngồi như đồng bọn với thằng Tivi phố Bolsa.

Lại nói về đài và báo, ở Bolsa hay ở Beo Le ( viết tiếng Anh thế nào mình không nhớ ) toà soạn nào cũng tương đối hoành tráng và đông nhân viên. Công việc của họ mình thấy còn nhàn hơn mình viết blog cả Facebook mà người nào cũng có nhà, có xe và không có gì toát lên vẻ lo toan về cơm áo, gạo tiền. Bây giờ chị Hà Giang là sếp của tờ Sài Gòn Nhỏ, tờ này trước kia dính vụ kiện với tờ Người Việt vì bảo tờ Người Việt là Việt Cộng. Toà xử phạt mấy triệu usd, không có tiền phải gán toà báo cho Người Việt. Chị Hà Giang sang đó làm sếp sòng, vẫn lấy tên là báo Sài Gòn Nhỏ. Ông Uyên Vũ thành viên của CLB nhà báo tự do tị nạn cùng với vợ con cũng làm việc ở đây, trông ông Vũ không còn vẻ ốm yếu như ngày xưa gặp. Ông khoẻ mạnh, rắn rỏi, dường như nước Mỹ đã đánh tan căn bệnh mãn tĩnh của ông. Một số nhân viên của của tờ Sài Gòn Báo vẫn làm việc tại đây mặc dù toà báo đã thay đổi chủ nhân.

Hoành tráng nhất là cơ ngơi của SBTN và trung tâm ca nhạc Asia, nó là cả một toà nhà rộng đến nỗi đi vào đó như đi vào một mê cung, còn có cả phòng tưởng niệm của nhạc sĩ Anh Bằng và Việt Dzũng nữa. Nếu tờ người Việt trụ sở hoàh tráng nhất về làng báo chí, thì SBTN lớn nhất về truyền hình, hàng đống màn hình, thiết bị hoa cả mắt không biết cái nào ra cái nào nữa giăng khắp nơi. Nhạc sĩ Trúc Hồ vừa đi chuyến tổ chức đại nhạc hội giúp đỡ thương phế binh thành công về. Anh hỏi – Gió có cần gì không, anh quảng cáo việc bán sách cho. Mình lắc đầu vì chỉ mang có hơn trăm cuốn và phần lớn số đó là chuyển bưu điện đến Houston, không có chương trình gì ở Nam Cali này cả. Đến chỉ xin anh ít đĩa DVD Asian về nghe, anh Trúc Hồ dẫn xuống phòng đĩa bảo lấy bao nhiêu cái thì lấy.

Ở Houston các anh em đã sắp đầy đủ cho mình phòng giới thiệu sách. Có nhiều hội đoàn và nhiều người muốn giúp làm hoành tráng có cả ca sĩ, dàn nhạc và khán phòng. Nhưng vì số sách mang đi chẳng đáng bao nhiêu, nên mình chỉ muốn làm ở phòng nhỏ vài chục người. Anh Hà bác sĩ cho mượn phòng còn nói , nếu không bán hết còn bao nhiêu anh mua tất.

Chuyện đi Mỹ kể rông dài về người này, người kia như vậy, là để quay lại cái dòng ban đầu mình viết. Chả hiểu người ta nói Việt Kiều Mỹ khổ thế nào, chứ mình thấy ở Mỹ cứ VK nào có giấy tờ hợp pháp, có công việc dù chỉ làm móng tay , cắt cỏ, bê phở, cắt tóc cũng có nhà , có xe đàng hoàng. Trong khi đó những nghề như vậy ở Việt Nam thì chỉ đủ ăn đã là may.


Mấy cái bài báo nói VK Mỹ khổ, phải nhìn theo quan điểm vị trí của ai khi đọc. Mấy ông bà làm văn phòng tham nhũng thời gian, tiền của nhân dân đất nước nhìn người VK lao động ở Mỹ thì chê VK Mỹ khổ. Nhưng thử hỏi những người làm công nhân ở VN, trong các khu công nghiệp hay ngoài đồng ruộng họ nhìn người cắt cỏ, bê phở ở Mỹ có nhà cửa thênh thang, xe điều hoà số tự động láng cóng thì mới chuẩn được.

Nhưng mà mấy ông bà tham nhũng ấy chỉ nói miệng vậy thôi. Chứ tiền của tham nhũng được họ mua nhà , gửi con đi Mỹ, làm thẻ xanh cho mình hết cả hoặc đang làm hay đang tính làm. Họ cứ kêu vậy cho dân tình khỏi so sánh. Như tất cả đi trên con thuyền mục nát sắp chìm nghỉm, một số thủ sẵn phao, đồ ăn và dây để nhảy sang chiếc thuyền khác tốt lành hơn. Trong thời gian kiếm chác đồ ấy, phải gần cổ kêu thuyền này mới tốt, thuyền kia mục nát lắm. 

Kêu thế để bọn dân đen, phu thuyền nó tưởng thật nó còn chèo và tát nước do bao nhiêu lỗ thủng tràn vào. Không lừa thế, bọn dân đen phu thuyền nó bỏ tay chèo, gầu múc thì chìm mẹ nó thuyền chết cả, trong khi vẫn chưa tích đủ đồ để sang thuyền khác.

Chuyện chi có thế thôi, một người vào Mỹ để sống có giấy tờ bây giờ mất từ 500 ngàn usd trở lên. Như thế mà còn bao người Việt muốn vào, biển treo tiếng Việt tư vấn định cư nhan nhản khắp vùng người Việt ở. Việt Kiều Mỹ khổ thì sao phải mất từng ấy tiền để làm Việt Kiều Mỹ.

Nguồn: FB Thanh Hieu Bui

___________________________________________

No comments:

Post a Comment