Thursday, July 31, 2014

Chúc giàu

Nguyễn Đạt Thịnh


    Lẳng lặng mà nghe nó chúc giầu:
   Trăm, nghìn, vạn, mớ, để vào đâu?
   Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
   Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
   (Tú Xương)




 
Dù không dám khẳng định là ai cũng thích giầu, nhưng vẫn có thể nói mà không sợ sai là không ai chê giầu, không ai đóng cửa đuổi thần tài đi chỗ khác. Ngày còn sống trong nước, đa số người Việt Nam đều nghèo, người nào cũng đầu tắt mặt tối làm lụng suốt đời, chắt bóp, ăn nhịn, để dành, hy vọng ngày về già có được đồng ra, đồng vào, mua mắm, mua muối, sống qua ngày.


Cuộc sống tại Hoa Kỳ khác hẳn, mạng lưới An Sinh Xã Hội (ASXH) bảo đảm cho mọi người mức sống tối thiểu cơm nước đầy đủ, nhà cửa tiện nghi, nên đa số người gốc Việt lão niên, dù không có lưng vốn dành dụm, vẫn đề huề trong tuổi hạc. Chính phủ Mỹ có bổn phận tiếp tế cho họ bằng thuế ASXH.


Trong lúc người già có cơm nước, có nhà cửa, và đang có cả bảo hiểm y tế, thì sinh hoạt kinh tế Mỹ còn giúp nhiều doanh nhân gốc Việt–dù còn rất trẻ–có thể dễ dàng trở thành triệu phú một cách lương thiện.


Đầu năm người viết bài báo này không chỉ chúc quý vị rủng rỉnh với “Trăm, nghìn, vạn, mớ” mà còn giới thiệu với quý vị cách làm giầu tại Hoa Kỳ, qua lời anh Sam Polk, Phó Chủ tịch Morgan Stanley–một trong những tổ chức tài ngân đứng đầu trên thương trường thế giới. 


Là một tay tài phiệt cự phách trong giới ngân hàng, Polk tiết lộ nguyên nhân cấu tạo ra những nhà tỉ phú –anh quả quyết nói: họ giầu vì họ SAY TIỀN.

Polk tin tiền cũng gây say cho người thích làm giầu, như rượu hay ma túy gây say, cho những người thích uống rượu, thích chích ma túy.


Lấy ngay cá nhân anh ra làm điển hình, Polk nói, “Năm chót làm việc tại Wall Street, tôi lãnh $3.6 triệu tiền thưởng cuối năm; con số đó khiến tôi đổ quạu, vì cho là quá ít. Năm đó tôi mới 30, chưa có con để phải lo nuôi dưỡng, chưa nợ nần gì phải trả, và cũng chưa có một kế hoạch xã hội nào để phải lo kiếm tiền tài trợ. Không có sức tiêu hết tiền làm ra, nhưng tôi vẫn thèm làm ra tiền nhiều hơn nữa, thèm như anh say rượu thèm “làm thêm ly nữa” trước khi đứng dậy–tôi không ý thức được là tôi nghiện tiền như người khác nghiện rượu.


Tám năm trước, tôi bước vào đời qua ngưỡng cửa ngân hàng Credit Suisse First Boston, với tư cách là một sinh viên vừa tốt nghiệp được ngân hàng nhận vào học việc. Hình ảnh nhân vật tôi mơ tưởng là anh Michael Lewis, anh này vừa lãnh $225,000 bonus cuối năm thứ nhì làm việc tại Wall Street, số tiền thưởng này tròm trèm bằng với số lương anh lãnh suốt 12 tháng năm đó. Tôi nghĩ dù mình có hoang phí, lương lãnh đầu tháng, cuối tháng nhẵn túi, thì cuối năm vẫn dư trọn cả năm lương, nhờ được ngân hàng ban phép lạ, giúp những viên chức cao cấp của họ tiêu hoang phí mà vẫn không mất đồng lương nào.

Trong lúc nôn nóng chờ tháng Giêng và tháng Hai, thời điểm ngân hàng quyết định số bonus phát cho những viên chức lãnh đạo, tôi thầm nhớ câu ước ao của bố tôi, ‘nếu ba làm ra 1 triệu Mỹ kim thì cuộc sống của gia đình mình sẽ khác hẳn’. Ông cụ là saleman bán furniture thì giấc mộng làm ra 1 triệu vẫn mãi mãi là mộng không thành. Cụ mơ viết được một chuyện phim để tối hôm trước qua ngày hôm sau lãnh một triệu tiền nhuận bút của Hollywood.


Bố tôi cứ tiếp tục mơ triệu bạc nhuận bút bán cái screenplay mà cụ chưa viết trang thứ nhất, và mẹ tôi cứ ngày ngày mặc đồng phục y tá, vào nhà thương cặm cụi làm việc để tháng tháng ký chi phiếu trả mortgage nhà.


Được nuôi dưỡng trong môi trường nghèo túng đó, tôi chăm bón gốc cây bonus, chờ nó rụng xuống cho tôi triệu bạc. Năm đó 22, tôi mê mẩn nhìn ‘sàn chứng khoán’ với những màn ảnh lớn, những hệ thống computer theo dõi thị trường, những doanh nhân, tai mang ống nghe, mắt nhìn vào màn hình computer, quyết định mua vào, bán ra, những khối cổ phiếu trị giá vài chục, vài trăm triệu Mỹ kim, để trở thành triệu phú hay nghèo mạt trong khoảng thời gian dài bằng một cái nháy mắt. Khung cảnh kỳ diệu, hư ảo như đang diễn ra trên không trung hay tại một tinh cầu nào khác; và tôi đã may mắn lọt được vào thế giới tài ngân tiên cảnh này.


Sau một năm làm việc tôi được lãnh món bonus đầu tiên trong đời–$40,000. Từ đó, tôi ký chi phiếu trả tiền nhà hay trả những món mua sắm bạc ngàn mà không cần check balance xem mình có ký chi phiếu thiếu bảo chứng không.


Tôi sướng như điên, và cũng lao đầu vào công việc như một thằng điên để vun đắp cho cái bonus năm sau. Đang làm việc tại Bank of America (BOA), tôi được Citibank đề nghị ‘1.75 by 2’, ký hiệu này có nghĩa là mỗi năm họ trả tôi 1.75 triệu Mỹ kim và tôi phải làm việc với họ trong hai năm. Tôi không đổi chỗ làm mà chỉ dùng đề nghị của Citibank làm bàn đạp đòi BOA tăng lương.


Lãnh lương lớn, tôi dọn nhà đến một căn apartment tiện nghi trên đường Bond Street, tiền nhà mỗi tháng $6,000, và có một cô tình nhân tóc bạch kim, mắt xanh. Tôi cố tự kềm chế không kéo hai vai ra sau, không ưỡn ngực về phía trước, nhưng tôi vẫn cảm thấy hãnh diện với chỗ đứng của mình trên thang sinh hoạt tài, ngân.


Mới 25 tuổi mà tôi đã có chỗ ngồi tại bất cứ nhà hàng sang trọng nào của Manhattan; nhiều tay broker mời mọc tôi dự những cuộc vui đắt tiền đến mức vô lý. Họ tìm mua một cái tin xì ra đúng lúc có khả năng đem đến cho họ những số tiền lời lớn. Tôi hái ra tiền, ngồi trên đống tiền, nhưng vẫn khốn khổ, cáu kỉnh vì quanh tôi, nhiều người làm ra $10 triệu, mà tôi cứ lẹt đẹt mãi với cái bonus $1 triệu, $2 triệu.


Hằng ngày chung vai sát cánh, làm quân sư vấn kế cho những nhà triệu phú, tỉ phú quốc tế, tôi biết tầm quan trọng của mình. Kiến thức đại học cộng với sự sáng trí của tuổi trẻ, giúp tôi nắm vững tình hình kinh tế của thế giới.

Nhược điểm (hay ưu điểm?) của kiến thức là nó làm con người biết giật mình giữa cơn mơ vàng; tôi giật mình rồi tự hỏi mình có đang say như người say rượu không.


Tôi thấy kịch tác gia Philip Slater, 34 năm trước đã tạo ra vai anh say tiền rất giống tôi; người say rượu lái xe gây tai nạn lưu thông, tạo nguy hiểm cho những người đang sử dụng công lộ, tôi say tiền tác hại cho nhiều người mà không cần có một tai nạn nào cả”.


Trong số báo New York Times ngày Chúa Nhật 1/19, Polk tự viết về những thứ nghiện ngập của mình; ngày còn là một sinh viên anh nghiện rượu, nghiện ma túy, hai thứ nghiện mà anh bỏ được, ra đời làm việc trong ngân hàng, anh nghiện tiền, nhưng rồi anh cũng tỉnh lại được; đang lãnh mỗi năm $3.6 triệu bonus, anh xin nghỉ việc để ra mở chợ, anh đặt tên chợ là Groceryship bán thực phẩm với giá thật rẻ cho người nghèo.

Anh nói với bạn bè, “Tôi không kiếm ra đồng bạc nào, không lời, nhưng cũng không lỗ, và đang cảm thấy khỏe ru, vì không còn nghiện bất cứ thứ gì nữa”.

Hy vọng câu chuyện chạy trốn và trốn thoát những cơn nghiện tiền của nhà triệu phú Polk sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn vì không bị tiền hành.

Nguyễn đạt Thịnh (Thời Báo)

________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment