Monday, July 7, 2014

Miền ngoại

by: Đặng Mỹ Hạnh


Nhiếp ảnh gia: Đậng Mỹ Hạnh

Một buổi trưa, ngốn xong tạp bút Về Miền Trung của nhà văn Trần Vũ, no ứ chất Trung trong bụng. Tôi chưa hề nghĩ đến một ngày, tôi lại nhớ cái nôi của mình. Nỗi nhớ dờn dờn, oà lên làm gai da thịt.


‘Đè nẽng’ trong tiềm thức tôi chẳng là một đĩa bê thui, hay những tô mì quảng vàng nghệ. Với tôi, là sự thèm thuồng một tô bún mít sống trộn rau răm đậu phọng, giòn rụm bánh tráng mè, khẳm mùi mắm nêm. Sóng biển Mỹ Khê  cũng chỉ là một cái tên gợi nhớ của ký ức tuổi thơ và vài lần chạm chân đến miền cát trắng. Như bữa trưa nay, tôi chợt quá thể để khao khát một lần về miền cát lụa, nơi Trần Vũ đã thoả thuê cảm giác, “Tắm ở Đà Nẵng là một hạnh phúc. Cát mịn như bột rây. Cát trắng như làn da bánh cuốn của một thiếu nữ. Bãi lài, không đá ngầm, không vỏ sò, nên mịn êm. Không nhờn nhờn rong rêu. Giẫm chân xuống, như giẫm chân lên lụa.” (Về Miền Trung- Trần Vũ)

Nhớ về Đè nẽng, là lậm miền ký ức  của ‘miền Ngoại’- cái tên tôi gọi cho ‘miền quá khứ’ của tuổi thơ mình. Tôi dường như vẫn có thể mường tượng từng thao tác thoăn thoắt chia phở vào bát, cho hành, cho thịt đều tăm tắp. Bát Phở ông tôi nấu ngon mắt, cứ như Tú Mỡ trong “Phú Phở” đã đưa cả một linh hồn món ăn vào thơ:

“Sống trên đời, Phở không ăn cũng dại
Lúc buông tay, ắt phải cúng kèm.” 

Mẹ tôi kể, ông bà tôi lúc di cư từ Bắc vào Trung, ông tôi  khởi nghiệp bằng cái xe phở. Và rồi trở thành một quán phở Ngọc Lâm tấp nập khách, nổi tiếng cả Đà thành.  Cơ ngơi ông bà tôi gầy dựng cũng từ một chiếc xe phở cỏn con.

Và tôi lớn lên cùng cái quán Phở ấy. Phở thay cơm. Ông bà thay cha mẹ. Tôi chỉ nhớ mình đã vùi đầu vào sách, rất nhiều sách. Và âm nhạc như nỗi trốn chạy của một tâm hồn mồ côi. Cậu tôi, một gã hippie choai choai, một tay trống xoàng chỉ khua dùi để ‘cua ghệ’, và ‘chôm’ tiền ông bà tôi như rươi chỉ để bao… ghệ.  Tôi không thấy cậu đáng ghét, vì cậu yêu tôi, cậu thường cho tiền tôi mua quà và dạy tôi hát. Cậu luôn háo hức khi được ‘làm thầy’ tôi bằng thứ tiếng Mẽo bồi.

“Bé Hạnh, để cậu dạy mi hát tiếng Mỹ hỉ?”

‘ai quang tu nâu, he du é vớ xí đờ rèn’. (I want to know have you ever seen the rain)
Những ngày nơi miền ngoại, tôi lớn lên không bằng vòng tay mẫu tử. Tôi là một ‘con bé Hạnh’ nhỏ như con chí mén và chẳng đầy hồn nhiên. Tôi dường như quên mất mình đã có một tuổi thơ để nô đùa…
“… Tôi chọn đi ngắm lại một số đường quen thuộc, và khoe ngay với bạn những con đường liền với cuộc sống tôi một thời. Đây là đường Hùng Vương, nơi có quán sách Ngôn Ngữ của tôi, nơi có quán cà phê Từ Thức, tôi mở chung cùng Đặng Văn Ngoạn (hiện ở Hoa Kỳ)  Nguyễn Văn Nôi, trong thập niên 70…” (Đà Nẵng, Một Chuyến Về,  Có Thực- Luân Hoán)

Đọc tùy bút của thi sĩ Luân Hoán, tôi nhớ lại cái căn nhà số 58 Hùng Vương – cái quán sách chỉ cách nhà tôi hai con số. ‘Chú Châu’, tên của thi sĩ Luân Hoán, người bạn một thời của cha tôi (Đặng Văn Ngoạn). Tôi chỉ nhớ chú với cái chân ‘cà thọt’, lỏng le trong cái ống quần phất phơ. Tôi không đủ nhớ tình thân giữa cha tôi và thi sĩ. Tôi vẫn chỉ nhớ mỗi cái tên ‘chú Châu’, cả khi tôi gửi email để hỏi thăm chú.

Tuổi thơ tôi trong căn nhà – còn cha – 56 Hùng Vương với giàn hoa giấy. Hình ảnh cha tôi như một ‘thần tượng’ của tuổi nhỏ. Từ ngày vắng cha, tâm hồn tôi cô quạnh. Tôi trở thành con bé Hạnh đầy hờn tủi bởi những trận đòn roi. Đè nẽng trong ký ức tôi là những ngày tăm tối của sự thèm khát một ánh nhìn âu yếm, một vòng tay để vòi vĩnh.

Đè nẽng là một mảng ghép ký ức. Ký ức tựa  một con hẻm sâu, một ngõ tối nhầu, nhá nhem, nhức nhối. Đè nẽng của những đêm thức giấc nơi căn phòng chật. Trong bóng tối, một ánh mắt âm lãnh chăm chăm vào màn đêm. Cái bóng ấy gần với nỗi độc vọng cùng  bóng đêm. Tôi chẳng thể hiểu mẹ tôi đang nghĩ gì – hay một ao ước nhiệm mầu của bà chỉ là sự trở về của cha tôi. Sau cái ngày tháng Tư đen tối ấy, đã như biến mất khỏi cuộc đời bà…
“…Những con sông phân tình ra trăm nhánh
Nhánh nào chảy vào hồn ta cô quạnh…” 
(Hạnh ngộ đã xa- Hoàng Định Nam)

Nhánh con sông Hàn, dẫn tôi trở về cái nôi sinh, nhưng cũng từ đó dẫn tôi đi trăm nhánh đường xa lạ…
Dẫu nỗi đau, đôi khi, vẫn âm ỉ trên từng miền ký ức

ĐMH ( http://hanhphoto.wordpress.com/author/hanhphoto/)

_________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment