Friday, December 2, 2016

TÌM HIỂU VỀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG .

BS: Đinh Tấn Khương





Lời thưa : Bài viết nầy chỉ nhằm nêu lên một số kiến thức y học tổng quát.____ Không đi sâu vào chi tiết bệnh lý, triệu chứng cũng như phương thức điều trị của căn bệnh. Nếu cần thì quý vị nên tham khảo thêm những tài liệu khác cũng như_ hỏi ý kiến bác sĩ riêng của mình.

                                         ********

Cơ thể  chúng ta cần “ đường, đạm , béo, chất khoáng và sinh tố” để duy trì sự sống và những hoạt động của chinh nó .
Đường là nguồn cung cấp năng lượng rất lớn cho cơ thể chúng ta . Nhưng nếu lượng đường trong máu cao hơn mức quy định thì được coi là mắc phải chứng bệnh tiểu đường .

1.     NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN LƯỢNG ĐƯỜNG TRONG MÁU TĂNG CAO?  

INSULIN được tạo ra từ  tuyến tụy tạng là chất làm chuyển hóa, giảm lượng đường trong máu.

Giảm thiểu lượng Insulin trong máu hay là giảm chức năng của lượng Insulin trung bình có thể dẫn đến tình trạng tăng cao lượng đường trong máu, gây ra bệnh tiểu đường.

Tiểu đường loại 1:
 do giảm thiểu lượng Insulin trong máu, xảy ra ở người trẻ, vị thành niên.

Tiểu đường loại 2
do chức năng của Insulin bị suy giảm cho dù số lượng Inslin có thể vẫn nằm trong mức bình thường. Tiểu đường loại 2 xảy ra từ độ tuổi trung niên trở lên.

2.  BỆNH TIỂU ĐƯỜNG QUYẾT ĐỊNH BỞI TÍNH DI TRUYỀN VÀ KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC? 

 -         Tính di truyền có tầm ảnh hưởng lớn ở bệnh tiểu đường loại 1 ( Bệnh tiểu đường loại 1 chiếm 5-10% trong mọi trường hợp).
-         Trong trường hợp tiểu đường loại 2 (loại nầy chiếm 90-95% trường hợp) thì tính di truyền không là yếu tố duy nhất mà do nhiều tác nhân khác chẳng hạn như tuổi tác, béo phì, kém hoạt động..
Bệnh tiểu đường loại 2 có thể tránh được ngay cả ở những người có mang mầm di truyền bằng cách thay đổi những tác nhân dẫn đến căn bệnh nầy.

3. ĂN NHIỀU ĐƯỜNG HAY LÀ THỨC ĂN NGỌT SẼ BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2 ?

Nguy cơ mắc bệnh không phải là do ăn nhiều đường hay là thức ăn ngọt. Có những người ăn ít chất ngọt nhưng vẫn bị bệnh tiểu đường.
Béo phì là nguyên nhân của căn bệnh nầy. Ăn nhiều đường sẽ dẫn đến chứng béo phì.
Những người béo phì, thừa mỡ ở vùng bụng dễ dẫn đến chứng bệnh tiểu đường loại 2, bởi vì lượng mỡ vùng bụng tạo ra chất kích hoạt phát triển bệnh tiểu đường loại 2(làm giảm chức năng chuyển hóa đường của Insulin)

4.     BỆNH TIỂU ĐƯỜNG DẪN ĐẾN NHỮNG NGUY CƠ GÌ KHIẾN CHÚNG TA PHẢI LO LẮNG ?

Lượng đường trong máu tăng cao không phải là điều khiến chúng ta phải lo âu mà chính là những biến chứng của căn bệnh nầy:

a.     Các biến chứng tim mạch do tiểu đường:

 Bệnh tiểu đường làm cho quá trình xơ vữa của các động mạch cỡ lớn và cỡ vừa xuất hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn ở những người không mắc bệnh này. Người bệnh có thể bị viêm tắc động mạch ở phần xa của chi dưới, tai biến mạch máu não…
Nguy cơ gặp biến cố tim mạch của người bị bệnh tiểu đường càng tăng cao nếu kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, lương mỡ trong máu tăng cao, hút thuốc lá, béo phì, kém vận động... 


b.    Bệnh tiểu đường gây suy thận 
Nếu không kiểm soát được lượng đường tăng cao trong máu, lâu dấn sẽ dẫn đến chứng suy thận khiến cho người bệnh trở nên thiếu máu, và giới hạn những sinh hoạt hằng ngày do lệ thuộc vào phương cách  lọc thận nhân tạo.

c. Biến chứng ở mắt của bệnh tiểu đường

Tăng lượng đường trong máu trực tiếp gây tổn thương và phá hủy các mạch máu ở võng mạc, vì vậy bệnh võng mạc được coi là biến chứng đặc thù của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng gây nguy cơ cao cho các bệnh mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng áp nhãn, tắc động mạch võng mạc…
Biến chứng mắt, tuy không gây chết người nhưng  thường gây tàn phế và làm mất khả năng lao động.
Ở các nước châu Âu và Mỹ, biến chứng mắt do bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu  làm suy giảm thị giác ở những người trong độ tuổi lao động (20 – 65 tuổi).
Ngay khi được phát hiện bệnh tiểu đường thì đã có khoảng 20% số bệnh nhân có biến chứng ở mắt rồi. Sau khi mắc bệnh từ 10 năm trở lên thì có tới 3/4 số bệnh nhân bị biến chứng mắt nếu không kịp ngăn ngừa và điều trị đúng lúc.

d.    Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường 


 # Biến chứng Thần Kinh Tự Chủ (TKTC):
Do các bộ phận trong cơ thể đều được chi phối bởi hệ TKTC nên khi tổn thương TKTC ở cơ quan nào thì biểu lộ ở cơ quan đó.
Một số rối loạn có thể gặp như:

Rối loạn đồng tử làm đồng tử không điều chỉnh được khi từ chỗ sáng vào chỗ tối hay ngược lại.
 .  Rối loạn bài tiết mồ hôi: nửa thân dưới khô trong khi nửa thân trên ra mồ hôi nhiều hơn.
 .  Hệ tiêu hóa: đầy bụng, chậm tiêu, dễ nôn, tiêu chảy…
 .  Hệ tiết niệu sinh dục như bàng quang TK hay bất lực ở nam giới.
 .  Hệ tim mạch: nhịp tim nhanh liên tục, nhồi máu cơ tim không đau, tụt huyết áp tư thế đứng…
 .  Mất cảm nhận triệu chứng hạ đường huyết.

 #  Biến chứng Thần kinh ngoại biên (TKNB):
Bệnh tiểu đường càng lâu năm càng dễ có biến chứng TKNB. Nhức mỏi, mất cảm giác ở phần xa của tứ chi là những triệu chứng thường than phiền.

e.      Biến chứng bàn chân ở bệnh tiểu đường

Nguy cơ bị tổn thương ở chân, bàn chân rất phổ thông ở những người mắc chứng bệnh tiểu đường. Nếu điều trị không đúng cách thì từ một tổn thương nhỏ cũng có thể trở thành một tổn thương lớn, phải cắt cụt ngón chân hay cả bàn chân.

5.   NGƯỜI  MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG CÓ NÊN TRÁNH ĂN TRÁI CÂY, KẸO BÁNH, NGŨ CỐC KHÔNG ?

Chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường nên tính toán sao cho có đủ lượng đường thích hợp trong máu để tránh những tình huống hạ đường huyết hoặc tăng lượng đường trong máu.
Chế độ ăn có carbonhydrat (đường) vẫn luôn phải có và đa dạng, nên thay đổi món ăn từng ngày. Carbonhydrat phải được cung cấp cho cơ thể 5- 6 lần/ngày. Người khỏe mạnh sẽ biến đường thành năng lượng, còn bệnh nhân tiểu đường phải có sự hỗ trợ của thuốc.
Trong cả hai trường hợp thì bổ sung lượng đường ở dạng tự nhiên (ngũ cốc, bánh mỳ, khoai tây, mì ống) vẫn tốt hơn là bổ sung nhanh (đường và các sản phẩm đường) và nên ăn các loại rau quả có chất xơ nhưng hạn chế quả ngọt.

PHẦN KẾT:

Ở những người có độ tuổi trên 40, có tiền sử gia đình mắc chứng tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, cao mỡ trong máu.. thì nên gặp bác sĩ gia đình để được thử máu nhằm phát hiện và điều trị sớm hầu tránh những biến chứng nguy hiểm do căn bệnh nầy gây ra.
Giảm cân, bỏ hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và thay đổi thói quen ăn uống là điều rất cần thiết song hành với việc dùng thuốc để điều trị căn bệnh tránh dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta.


 Đinh Tấn Khương .
(G.P, Australia)


_______________________________________________________

No comments:

Post a Comment