Thursday, October 17, 2019

Hôn nhân không hạnh phúc? : 7 điều vợ chồng Việt thường thiếu hụt

.

Người xưa tin rằng duyên vợ chồng có được là nhờ sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có “ái” (tình cảm) thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng, thì “ân” (ơn) được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mà mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão. 
Vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách), có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.
Trong cuộc sống hiện đại, hôn nhân có ngọt ngào, hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc vợ chồng có chung tay xây dựng, chăm lo cho gia đình hay không. Tại sao ngày nay lại có nhiều cặp vợ chồng ly hôn đến vậy. Nguyên nhân chủ yếu chính là vì những điều dưới đây. Nhưng trước đó hãy cùng nghe câu chuyện của Minh…
***
Sáng nay, trên đường đi mua đồ ăn sáng, tôi lại đi qua gia đình vợ cũ. Cô ấy có một cửa hàng tạp hóa lớn gần khu nhà tôi. Ngày ngày thấy chồng mới của cô ấy bốc hàng, dỡ đồ, hỗ trợ bày biện dọn dẹp, thấy họ nhìn nhau âu yếm, hạnh phúc, tự nhiên tôi lại chạnh lòng. Tôi đã từng nghĩ cưới nhau rồi thì sợ gì mất, nên với người ngoài thì lịch sự, hào phóng, nhiệt tình còn với vợ thì hoàn toàn trái lại. Tuy nhiên sự thật lại không như người ta nghĩ, nhất là trong thời hiện đại này. Phụ nữ sẽ tự tìm cơ hội chọn lại một người như cô ấy muốn nếu chẳng may chọn sai chồng. Và một người đàn ông thật hèn nhát khi bị vợ bỏ chỉ vì không thể chia sẻ, quan tâm cô ấy. 
Cửa hàng quần áo của tôi không thuộc dạng đông khách, nhưng vì là hàng lấy buôn nên phải nhập đủ. Mỗi lần hàng về là cả trăm mẫu, nhân viên thì lại vừa xin nghỉ về quê nên tôi cứ loanh quanh một mình vừa bận gỡ hàng và treo lên móc. Thời gian trôi nhanh, thoáng cái đã đến chiều tối. Tôi mở ngăn tủ lấy thêm móc, chợt nhận ra cô vợ mới đang loay hoay lướt Facebook.
Bận tối mắt tối mũi, tôi quên mất là vợ mình vẫn ở đó. Tôi tới bên hỏi cô ấy: “Em đang làm gì thế? Nãy giờ sao không ra giúp anh?”. Cô ta vẫn mải mê lướt và lướt, không trả lời. Tôi tiếp tục hỏi: “Này! Em có nghe thấy anh nói không?”. “Có mà! Em đang bận cái này một tí!”. Tôi bực mình giật chiếc điện thoại trên tay cô ấy, thấy màn hình vẫn ở Facebook. Thất vọng chẳng nói lên lời, tôi trả lại điện thoại và bước ra cửa, châm một điếu thuốc. Lòng chợt bồi hồi nhớ lại chuyện đã qua.
Tôi chập chững bước vào nghề ở tuổi ngoài hai mươi. Vợ cũ tôi là người rất chăm chỉ, tìm đến mọi ngõ ngách để kiếm mối buôn. Cứ mỗi khi hàng về là cô ấy lại bận rộn tới mức chẳng có thời gian ngẩng mặt lên nhìn mọi người xung quanh. Có lần khách tới chơi, đợi cả giờ cô ấy mới biết. Còn lúc đó, tôi là gã đàn ông chỉ biết cắm đầu vào điện thoại, lúc chơi game, lúc đọc báo, thật là nhàn rỗi. 
Vợ cũ của tôi lúc nào cũng càu nhàu vì điều đó, rồi lại mải miết làm để rồi ngày ngày kêu mệt mỏi và trách móc tôi. Nào là: “Đàn ông gì mà lười thế, không biết đỡ đần gì vợ, nhìn thấy vợ làm mà không nỡ hỏi vợ có mệt không?”. Tôi cứng giọng: “Việc có gì đâu mà suốt ngày em kêu ca!”. Cứ cãi nhau như vậy, dần dần vợ tôi cũng chẳng buồn nói nữa. Ban đầu, thấy tôi cầm điện thoại, cô chỉ thở dài. Lâu dần, cô ấy cũng chẳng thèm để ý nữa. Còn tôi thì thấy thoải mái vô cùng. 
Được một thời gian, cô ấy đòi ly hôn vì không thể chịu đựng nổi. Tôi cũng chẳng hiểu sao, chuyện nhỏ thôi có gì mà không chịu với có chịu. Nhưng vì giận và cũng quá căng thẳng nên tôi lập tức đồng ý. Tòa giải quyết cho chúng tôi ly thân.
Những ngày sau đó, cửa hàng, nhà cửa bừa bộn, đồ đạc, bát đũa chồng chất chẳng ai dọn. Những đơn hàng về, những gói gửi đi xếp thành đống, nhầm lẫn hết cả. Các cụ dạy có ăn nhạt mới thương đến mèo quả không sai. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu vợ mình đã cực khổ ra sao. Mà thuở đó, vì mới cưới nên chúng tôi rất hà tiện, không dám thuê nhân viên. Tất cả mọi việc vợ tôi đều làm hết. Thấy mình sai, tôi cố gắng liên lạc và xin lỗi vợ. Vợ tôi chỉ soạn một tin nhắn mà khi tôi đọc nó, tôi biết mình đã mất vợ mãi mãi…
“Em nói anh là em vẫn chờ đợi anh nghe và thay đổi. Chúng ta cãi vã là vì em muốn anh cảm thấy điều đó làm em không vui để anh ngừng ngay việc đó lại. Và khi em thở dài để anh nghe thấy, đó là vì em quá chán ngán sau tất cả mọi thứ. Cuối cùng khi em im lặng là em đã chấp nhận được việc em vẫn có thể làm tất cả mà không cần có anh. Anh trở thành một người hoàn toàn thừa trong cuộc sống của em. Em đã quyết định ly hôn, vì thứ một người đàn bà cần là một người chồng có thể sẻ chia gánh nặng cùng mình chứ không phải một người đàn ông ngắm nhìn mình khổ và cho rằng mọi thứ vẫn ổn”. 
Từ ngày vợ tôi bỏ cửa hàng, tôi phải thuê thêm nhân viên. Tôi cũng đã thử làm tất cả nhưng không thể. Vài năm sau đó tôi ổn định lại cuộc sống và cưới một người khác. Cô ấy không biết làm một việc gì, cũng chỉ thích cầm điện thoại. Đúng là ý Trời, tôi đã phải gánh chịu tất cả những gì mình từng gây ra cho người vợ cũ. Lúc này tôi ân hận thì cũng đã muộn màng rồi.

Đây là tình trạng chung của rất nhiều đôi vợ chồng trẻ. Và dưới đây là 7 điều thường thiếu hụt giữa các cặp vợ chồng Việt Nam: 
1. Thiếu sự trò chuyện
Trong cuộc sống hiện đại, hai người có thể đến với nhau và nên vợ thành chồng đầu tiên vì trò chuyện hợp ý. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện chia sẻ lại giảm dần sau kết hôn. Đôi khi, nguyên nhân chính là vì họ phải đối mặt với những nỗi lo kinh tế, với cơm áo gạo tiền. Thực tế thì chia sẻ, nói chuyện là nền tảng cơ bản giúp ta có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Hãy học cách trò chuyện để chia sẻ và giải tỏa xung đột, khúc mắc giữa hai vợ chồng. Cần tăng cường hiệu quả của việc trò chuyện, khen ngợi thay thế cho phê bình, nhất là không được công kích về thể xác lẫn tinh thần đối phương. Ngoài ra, việc trò chuyện cũng nên tránh các khoảng thời gian như khi mệt mỏi, đói, ốm đau hoặc lúc công việc đang bận rộn, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc trò chuyện.
2. Thiếu hài hước
Hài hước có thể giúp hóa giải và làm dịu đi những mâu thuẫn, xóa đi khoảng cách của hai vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn. Không những vậy, nó còn mang theo rất nhiều thông điệp: yêu vợ/chồng, dỗ vợ/chồng, khen vợ/chồng đẹp. Người vợ, người chồng khi nhận được những thông điệp này, tâm trạng tự nhiên sẽ trở nên vui vẻ. Từ đó họ có thể dễ dàng khoan dung, độ lượng, tha thứ cho những sai sót của người kia.
3. Thiếu sự tán thưởng
Chúng ta rất biết cách khen ngợi động viên con cái, khích lệ con tự tin nhưng lại quen dùng ánh mắt “soi mói” để nhìn người bạn đời của mình. Có rất nhiều nguyên nhân gây mâu thuẫn, nhưng lâu dần điều này sẽ gây tổn thương đến tình cảm vợ chồng, làm phá vỡ sự ổn định của hôn nhân. Ai ai cũng đều mong được khen ngợi, động viên. Khen ngợi sẽ có thể cổ vũ để họ thể hiện được tốt hơn. Vì vậy, đừng ngại nói ra những lời khen ngợi với người bạn đời của mình.
4. Thiếu lời ngọt ngào
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu tâm lý, mỗi ngày giữa vợ chồng cần nói ít nhất 3 lời ngọt ngào với người bạn đời của mình chẳng hạn như: Anh yêu em, anh nhớ em… để duy trì một cuộc hôn nhân mĩ mãn. Một nghiên cứu của trường Đại học Houston cũng phát hiện rằng khi nói những lời ngọt ngào vào tai trái của người bạn đời, bạn sẽ càng khiến họ cảm động hơn.
5. Thiếu sự gần gũi
Nhiều cặp vợ chồng thường ngại ngùng, cảm thấy cử chỉ thân mật là biểu hiện của “sến”. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những động tác thể hiện sự thân mật như ôm, nắm tay, lại là những điều rất cần thiết cho cuộc hôn nhân của bạn. Hiệp hội yêu thương vợ của Nhật Bản từng phát động kế hoạch “ôm vợ”, yêu cầu người chồng ôm vợ mỗi ngày vài lần, bao gồm ôm vợ khi ra ngoài mỗi ngày, ôm eo tình cảm khi đợi xe, đợi đèn đỏ, ôm từ sau lưng.
6. Thiếu sự ngây ngô
Giữ lại một chút ngây ngô, đơn giản, thêm vào một chút sở thích, lòng hiếu kỳ là điều rất quan trọng đối với việc nâng cao hạnh phúc của hôn nhân. Những người biết giữ sự ngây ngô sẽ sống được nhẹ nhàng hơn, tâm trạng vui vẻ hơn và cũng dễ dàng nhận ra được những điều thú vị trong cuộc sống hơn. Sau khi về nhà, hai vợ chồng hãy học theo các con, chơi một vài trò chơi, đùa giỡn với nhau để tô màu cho cuộc sống vốn đã khô khan, đơn điệu.
7. Thiếu sự lãng mạn
Lãng mạn không nhất thiết phải là có hoa tươi, rượu ngon hay tiền bạc, có rất nhiều hình thức đa dạng phong phú, nhưng ý nghĩa chính là làm việc mà bạn đời của mình thích. Ví dụ như vợ thích xem phim, chồng có thể kiên nhẫn ngồi xem cùng vợ, đó chính là lãng mạn. Chồng nửa đêm mới về nhà vì công việc, vợ để đèn phòng ngủ đợi chồng và bưng lên một chén cháo nóng hổi cũng chính là lãng mạn…
Hãy khắc phục, thay đổi những điều khiến cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt để không khí gia đình luôn thú vị, vui tươi và tràn ngập tiếng cười bạn nhé!

Kiên Định | ĐKN

___________________________________

No comments:

Post a Comment