Tuesday, December 6, 2022

Bạn đã thử bao nhiêu loại bánh kếp đặc sắc từ các quốc gia trên thế giới? (P.1)

.

Trong hơi nóng bốc lên, lớp vỏ bột của chiếc bánh kếp chuyển dần từ màu trắng sang màu vàng, mùi thơm phức cũng theo đó tỏa ra. Chỉ chốc lát sau, những chiếc bánh giòn rụm, vàng óng, béo ngậy cả hai mặt đã được dọn lên bàn. Nhúng, kẹp, cuốn, các loại nước sốt và nhân đa dạng… đều tùy bạn lựa chọn. Đây có lẽ là kỉ niệm khó quên nhất về món bánh kếp trong tuổi thơ của nhiều người.

Xét về mặt thời gian, bánh kếp là một trong những thực phẩm lâu đời, và gần như đều có một vị trí trong các nền văn hóa trên thế giới. Những miếng bánh kếp nóng hổi và thơm phức đã nuôi sống không biết bao con người trong suốt các thế hệ.

Ngày nay, hầu hết mọi quốc gia đều có một loại bánh kếp mang tính tiêu biểu. Lúa mì, ngô, cao lương, diêm mạch hoặc thậm chí các loại ngũ cốc đặc biệt của vùng đều có thể dùng để chế biến. Bánh kếp ở các nơi có ngọt có mặn, thể hiện sự sáng tạo của con người trong việc sử dụng sản vật. Dưới đây là những món bánh kếp đặc sắc của 14 quốc gia khác nhau. Chúng ta hãy cùng xem những người dân khắp nơi trên thế giới sử dụng sự khéo léo để biến những loại ngũ cốc đơn giản thành những món ăn tuyệt vời như thế nào.

Bánh hành chiên của Trung Quốc

Bánh hành chiên nổi tiếng của người Hoa là món ăn nhẹ rất phổ biến ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Malaysia.

Bánh hành chiên. (Ảnh: Dư Cương / Epoch Times)

Những người bán bánh hành chiên thường lấy những miếng bột đã làm sẵn, cán mỏng thành một miếng bột lớn rồi cho vào chảo chiên giòn. Những chiếc bánh tròn vừa thơm vừa giòn sau đó được cắt thành từng miếng, rất thích hợp cho bữa sáng và bữa phụ.

Tự làm bánh hành chiên cũng không hề khó, đầu tiên bạn cần chuẩn bị 3 chén bột mì đa dụng, dầu ăn, hành, 1 chén nước nóng, nửa chén nước lạnh, hồ tiêu và muối. Sau đó lấy một cái khay lớn, đổ bột mì đa dụng và nước nóng vào, dùng đũa khuấy đều, chia nước lạnh thành nhiều phần để cho vào, trộn đến khi nhuyễn rồi dùng tay nhào thành khối bột, phết một ít dầu ăn lên và để trong 20~30 phút.

Sau đó, nhào bột thành dải dài và cắt thành từng phần theo kích thước tùy thích. Cắt bột thành lát mỏng rồi rắc muối, sau đó rắc hành xắt nhỏ, cán thành dải dài rồi cuộn thành hình tròn xoắn ốc, như vậy là đã hoàn thành phần bột làm bánh hành chiên. Cần lưu ý cán phẳng các dải bột trước khi chiên bánh trong mỡ lợn, dầu ô liu hoặc dầu bơ.

Bánh kếp galette của Pháp (Breton galette)

Nhắc đến bánh kếp Pháp, rất nhiều người sẽ nghĩ đến bánh Crepe đầu tiên, nhưng món bánh kếp Breton nhân thịt nguội, trứng chiên và phô mai cũng ngon không kém!

Bánh kếp Breton. (Ảnh: shutterstock)

Bánh kếp Breton được làm bằng bột kiều mạch, không chứa gluten nên những người dị ứng với lúa mì cũng có thể thưởng thức. Các mép của bánh kếp Breton thường được gấp vào trong và để lộ phần nhân ở giữa. Đối với nhiều đầu bếp, Emmental là loại phô mai ưa thích của họ.

Vì đất đai ở Bretagne cằn cỗi nên không thuận lợi cho việc trồng lúa mì. Sau khi kiều mạch được nhập khẩu vào thế kỷ 14, nó đã trở thành lương thực chính mà người dân khu vực này quen dùng. Ngày nay, món bánh kếp cổ điển của Pháp này đã phổ biến trên khắp nước Pháp và cũng được người dân ở miền bắc Tây Ban Nha ưa chuộng. Ngoài hương vị phô mai trứng và giăm bông cổ điển, còn có hương vị gà hun khói, cá hồi, rau và các hương vị khác.

Bánh kếp Dosa của Ấn Độ

Bánh kếp Dosa là món ăn phổ biến ở Nam Ấn Độ, còn được gọi là bánh kếp Ấn Độ. Nó chủ yếu được làm bằng sữa gạo, cũng có thể thêm bột đậu ván hoặc sữa chua vào bột bánh. Khi bột bánh đã sẵn sàng thì chiên trong chảo đáy bằng. Có thể bọc khoai tây hoặc đậu để làm nhân, và có thể ăn kèm với nhiều loại nước sốt khác nhau.

Bánh kếp Dosa của Ấn Độ. (Ảnh: shutterstock)

Khi chiên bánh kếp Dosa, bạn có thể dùng muỗng hình tròn để tạo hình bánh kếp. Đợi bột đông lại thì phết một lớp dầu mỏng, chờ vỏ bánh ngả màu thì lăn trực tiếp vào chảo.

Một số người Ấn Độ cũng chiên bánh kếp Dosa với trứng. Nhân khoai tây bọc trong Dosa rất đa dạng, bạn có thể thêm cà ri, hành tây, nghệ hoặc mù tạt. Dosa thường được ăn với cơm sữa chua Ấn Độ (curd rice). Cơm sữa chua Ấn Độ được làm bằng cách trộn các nguyên liệu như cơm, sữa chua và dưa chuột… lại với nhau, rất thích hợp để ăn trong những ngày nóng nực ở miền nam Ấn Độ.

Bánh kếp khoai tây của Thụy Điển (Raggmunk)

Một món ăn mùa đông rất phổ biến ở Thụy Điển là món bánh kếp khoai tây vừa đơn giản vừa ngon miệng. Nguyên liệu chính của món bánh này là khoai tây, trứng, sữa và bột mì. Nó được chiên với kem và có thể ăn kèm với mứt Lingonberry hoặc thịt xông khói.

Bánh kếp khoai tây của Thụy Điển. (shutterstock)

Cách làm là trước tiên bào khoai tây thành sợi dày, sau đó trộn khoai tây bào sợi với bột mì, sữa và trứng, rồi rắc một chút tiêu đen và muối lên. Nếu muốn bánh kếp có thêm hương vị, bạn cũng có thể cho thêm một ít phô mai. Cuối cùng, chiên bột bánh đã chuẩn bị trên chảo đáy bằng cho đến khi cả hai mặt đều có màu vàng nâu là được.

Bánh kếp Maroc (M’semen)

M’semen là một loại bánh kếp truyền thống của Bắc Phi thường được tìm thấy nhất ở Algeria, Tunisia và Maroc. Nó thường được nhúng với mật ong, hoặc bọc trong nhân thịt và biến thành bánh burrito để thưởng thức cùng cà phê hoặc trà bạc hà.

Bánh kếp Maroc. (Ảnh: shutterstock

Thông thường bột bánh được sử dụng là bột mì Graham thêm với bơ tan chảy, muối, đường và một ít nước. Sau khi cắt bột, ở trên mặt phẳng đã thoa dầu, người ta dùng tay từ từ lăn bột thành hình tròn lớn rồi gấp lại thành hình vuông, sau đó để bột nghỉ một lúc rồi tiếp tục cán mỏng thành những chiếc bánh vuông vắn, cuối cùng xếp chồng chúng lên nhau.

Trải qua quá trình như thế, vỏ bánh sẽ có khoảng 8 lớp bên trong. Bánh sau khi nướng sẽ tạo thành từng lớp rõ ràng và có vị thơm giòn.

Bánh kếp Đức(Dutch baby)

Bánh kếp Hà Lan (Dutch baby) còn được gọi là bánh kếp Đức, khi chế biến cần được nướng trong chảo gang trong lò nướng. Khi nhiệt độ tăng lên, lớp ngoài của bánh kếp sẽ phồng lên và trở nên giòn. Nguyên liệu chính của nó là trứng, bột mì ít gluten, sữa và đường. Sau khi nướng bánh thường được rắc thêm đường bột và vỏ chanh, đồng thời rưới thêm nước cốt chanh hoặc mật ong, nếu ở nhà có các loại trái cây như dâu tây hoặc việt quất, bạn cũng có thể cho một ít vào giữa chiếc bánh.

Bánh kếp Đức. (Ảnh: shutterstock)

Vì sao chiếc bánh kếp này lại có tên ở hai quốc gia? Có hai giả thuyết chính về nguồn gốc của chiếc bánh này. Một giả thuyết cho rằng chữ “Dutch” trong tên bánh được cho là ám chỉ Cộng hòa Đức (Deutsch), nhưng sau đó bị nhầm thành “Dutch” (người Hà Lan).

Một giả thuyết khác là tại quán cà phê Manca’s Cafe ở Seattle, nơi bán ra những chiếc bánh nướng xốp với cái tên Dutch baby, đây là cái tên do con gái của người chủ cửa hàng chọn. Vì bất mãn với nước Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến nên cô đã đổi tên nó thành “Dutch”, một cái tên khá gần với văn hóa nước Đức. (Còn tiếp)

Trần Đình thực hiện -  Xuân Hoàng biên dịch
Nguồn: Epoch Times 
__________________________________________

No comments:

Post a Comment