Monday, December 17, 2012

Nói chuyện với nhà thơ Tô Thùy Yên.

Author: Nguyễn Mạnh An Dân.


Nhà Văn : Nguyễn Mạnh An Dân.
Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định trong một gia đình bình thường, đông các em, cha làm chuyên viên phòng thí nghiệm thuộc Viện Pasteur, sau về Bệnh Viện Chợ Rẫy, mẹ nội trợ. Học tiểu học ở Gia Định, trung học ở Sài Gòn (trường Petrus Trương Vĩnh Ký và tư thục Les Lauriers), có ghi danh theo học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ban Văn Chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở. Động viên vào cuối năm 1963, khóa 17 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tại ngũ cho đến ngày 30 - 4 - 1975, chủ yếu trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Cấp bực cuối cùng: Thiếu Tá. Tù Cộng Sản ba lần, tổng cộng 13 năm. Cuối năm 1993, cùng gia đình sang tị nạn tại Hoa Kỳ, mấy năm đầu ở Saint Paul, Minnesota, sau dọn về Houston, Texas cho đến nay.


  Thơ Tô Thùy Yên bắt đầu xuất hiện trên báo chí từ năm ông 16 tuổi. Gia nhập nhóm Sáng Tạo thành hình năm 1956, cộng tác đều đặn với nhiều tạp chí văn học ở miền Nam, chủ trương nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ. 
 Đã xuất bản : Thơ Tuyển (một ấn bản tại Đức năm 1994, một ấn bản tại Mỹ năm 1995), ThắpTạ (năm 2004). 

 -  Anh là một tác giả thành danh rất sớm, thường xuyên có thơ văn đăng báo từ khi mới 16, 17 tuổi, và cho đến năm 1975, anh đã gần như liên tục tham dự vào những hoạt động có liên quan đến chữ nghĩa như viết báo văn học, có lúc làm báo văn học, dịch sách văn học Pháp, thậm chí làm cả xuất bản văn học, vậy mà anh lại chẳng cho xuất bản một tác phẩm nào của anh, tại sao vậy?  

- Phải thú nhận là có rất nhiều lúc bất đắc ý với đời sống, tôi đã tỏ ra không mặn mà cho lắm với chữ nghĩa văn chương dù rằng hồi còn trẻ nhỏ, tôi đã cực kỳ mê đắm văn chương, nung nấu ước vọng sau này trở thành một tác giả giá trị. Tôi thường xuyên trăn trở trong cái ý nghĩ gai góc là văn chương phải chăng cũng chỉ là một trò chơi mà mắt, dối gạt, phù phiếm, vô bổ. Nên đã có mấy lần, đặc biệt hồi mới vào lính, bị đặt trước một tương lai sinh tử chờn rờn, trong mấy năm liền, tôi đã tự ý dứt khoát xa lìa mọi sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, đến độ chỉ một hai người bạn thân ở Sài Gòn lúc bấy giờ biết rõ tôi lưu lạc ở nơi nào của đất nước. Những đại họa giáng xuống con người vô phương tránh đỡ, văn chương cùng lắm cũng chỉ là thêm nữa một tiếng kêu đau. Còn nhớ hồi 19, 20 tuổi, tôi đã viết một câu thơ: Anh định ngày rất gần đây, sẽ thôi làm văn nghệ, tôn giáo của những anh hùng bất lực... Vào cái thời còn là ngựa non, dê cỏn, tôi lẫn quẫn với cái ảo tưởng anh hùng đương đầu với cuộc sống. Sau này, trên 60 tuổi, tôi lại viết:  Ôi, kinh điển nào chẳng là bia chú đoạn trường: / Nơi đây nhân loại cùng quẫn không yên nghỉ. Nói chung, trước kia cũng như sau này, đối với tôi, văn chương vẫn chỉ là một chứng từ sao lại về sự thất bại của con người trước cuộc sống. 

Nhà thơ Tô Thùy Yên


Mặt khác, đối với văn chương, có lẽ tôi là người mắc chứng cầu toàn dù tôi hiểu rõ rằng sự hoàn chỉnh, ở bất cứ lãnh vực nào, cũng chỉ là một khái niệm chớ không thể là một thực tế. Bài thơ nào của tôi dẫu có được sửa tới sửa lui bao nhiêu lần, khi đọc lại, tôi vẫn cảm thấy hình như chưa phải vậy. Tôi rất dễ bị ray rứt, dằn vặt chỉ vì một tứ chưa ổn, một chữ chưa đắc. Thậm chí nhiều khi tôi cảm thấy hối tiếc sao đã lỡ viết ra chi vậy. Làm người đi qua trần gian, sao chẳng chịu như con chim bay qua bầu trời, không để lại dấu vết? Dường như không có tác giả nào không ân hận ít nhiều về những sai sót trong những tác phẩm đã công bố của mình. Là người sử dụng chữ nghĩa, nhưng tôi lại thường xuyên cảm thấy một cách vô vọng sự bất lực hàm hồ, đôi khi cả sự bôïi phản giảo ngụy của chữ nghĩa. Thậm chí lắm lúc tôi có cái ý nghĩ kỳ quặc là bài viết mới phải chăng là để sửa chửa bổ túc gì đó cho những bài viết cũ của mình. Thành thử, trước giờ tôi không hề có thói quen lưu giữ những bài viết đã đăng báo của mình. Nói chi tới việc gom góp lại cho in thành một cuốn sách. 

- Thế tại sao sau này khi ra khỏi nước, anh lại lần lượt xuất bản những hai tập thơ? 

- Có nhiều lý do nhưng lý do chính yếu có lẽ văn chương như người vợ hiền, đã chẳng phải để bỏ nhau khi hoạn nạn cùng đường thì chẳng bao giờ còn để bỏ nhau được nữa. Sau ngày 30 - 4 - 1975, bị trói tay, bịt miệng, thóa mạ, chà đạp, đọa đày, tôi càng nhận chân rằng có lẽ chẳng chỉ riêng gì đối với cá nhân tôi, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã mà con người có thể sắp bị tước bỏ chính cái nhân phẩm của mình, thật sự văn chương đã là một trong những trợ lực hữu hiệu để con người còn đứng vững được một cách xứng đáng. Cảm động hơn cả là chính trong tình huống cùng khốn khắc nghiệt đó, có nhiều bạn đồng cảnh đã nhiều lần trân trọng đọc bình cho tôi nghe chính những câu thơ nào đó của tôi viết từ những đời thuở xa xôi nào, trong số có nhiều câu thật tình tôi chẳng còn nhớ ra. Những lúc đó, tôi bỗng bồi hồi ý thức về một món nợ tình cảm lớn lao chưa trang trải, về một lời hứa nghiêm trọng chưa thi hành. Mãi sau này, mỗi khi cảm thấy lơ là ngao ngán với chữ nghĩa, tôi lại bần thần hồi tưởng một thời đau đớn đằng đẵng thèm có được giấy bút và tự do. Cũng y như mỗi lần bỏ lại thức ăn thừa mứa, tôi không tránh khỏi lặng người giây lâu vì những kỷ niệm mười mấy năm đói kiệt. Nói chung, về văn chương, tôi đặc biệt yêu quý lời nói này của cổ nhân Trung Quốc: Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ! (Tạm dịch: Than ôi! Cái chuyện văn chương, tấc lòng thiên cổ!) Quả động tâm can, tiếng chép miệng ta hồ bần thần khuya khoắt đó. 
 - Hình như hầu hết những thi sĩ thành danh xưa nay đều bắt đầu làm thơ từ tuổi 16, 17. Qua kinh nghiệm bản thân, anh giải thích sao về điều này? 

- Quả là hầu hết những thi sĩ thành danh xưa nay đều đã làm thơ từ tuổi 16, 17 hoặc sớm hơn nữa, tuy chúng ta vẫn thường có trong trí tưởng hình ảnh những nhà thơ lão trượng râu tóc rạng ngời như Homer, Khuất Nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hugo, Tagore... Tôi không chắc là tôi có thể có một lời giải thích thỏa đáng nào. Tôi chỉ mơ hồ cảm thấy rằng dường như thi ca là buổi hừng đông của nhân loại, là tiếng reo hứng khởi của cảm thức vừa bừng dậy của con người trước những huyền nhiệm thiên hình vạn trạng của sự sống. Nếu bản chất của triết học là tra vấn thì bản chất của thi ca phải là tán thán. Thành thử thông thường, người ta đến với thơ ngay từ khi mới lớn, tức lúc cảm thức về đời sống vừa định hình. 

- Nhưng cũng có những trường hợp không phải là hiếm ít những người cả đời chưa từng làm thơ, thậm chí chưa từng biết đến thơ nhưng khi về già lại say mê làm thơ. Anh nghĩ sao về những trường hợp này? 

-  Phải chăng tuổi già lại cũng là giai đoạn mà cảm thức về đời sống sau bao nhiêu xô giạt đảo điên, được hồi định, tức lấy lại cái dạng thái sơ khởi hồn nhiên của nó? Vả lại, dường như đến một lúc nào đó trong đời, sau khi đã thất bại vô vọng với những thử nghiệm khả hữu ngõ hầu chụp bắt được cái thực tướng thường trực trá hình trốn chạy của đời sống, người ta phải viện đến cái phương tiện khiếm khuyết cuối cùng của cảm thức là thơ trong việc săn đuổi hằng hằng đó. Thơ, một phương tiện mờ ảo, mơ hồ, bất đắc dĩ, chẳng thể khác được, như lời kệ thiền, công án thiền, kiệm chữ và chỉ nhằm phác gợi chớ không hề nhằm thuyết phục hay áp đặt, do đó thơ dễ dàng vượt ngoài mọi khuôn phép, vô giới hạn.

 - Riêng phần anh, bây giờ ở tuổi già anh làm thơ có khác với thời còn thanh thiếu niên không? 

- Dù muốn dù không, ta phải thừa nhận rằng tuổi tác là một trường lớp mà ta chẳng thể nhảy bỏ được, và tất nhiên đã học hỏi được rất nhiều. Nhưng giá học phí mắc mỏ phải trả chính là sự thận trọng đắn đo, điều này cản trở không nhỏ cho việc hình thành một bài thơ. Thơ của một thi sĩ lão thành có thể là thâm trầm hơn, điêu luyện hơn nhưng phần lớn chắc chắn là e dè, kềm chế và như vậy, ít nhiều kém phần tươi mỡn. Một thi sĩ, nói chung một nghệ sĩ hoàn chỉnh, dù ở tuổi nào, cũng vẫn phải giữ cho bằng được cái tâm tưởng hồn nhiên, không so đo, không quản ngại. Nghệ thuật bao giờ cũng khởi đi phơi phới từ hồn nhiên để rồi sẽ quay về tự tại với hồn nhiên. Đó là tôi nhận định chung vậy thôi. Riêng thơ tôi, xin hoàn toàn để dành cho người đọc đánh giá. 

- Nhưng anh lại là một tác giả rất mực đắn đo cân nhắc, sửa chữa tới lui... 

- Bản phác thảo là của nghệ sĩ, bản hoàn chỉnh là của nghệ nhân. Nói cách khác, tôi viết nháp một mạch bằng trái tim, hiệu đính nhởn nha bằng khối óc. Lý tưởng vẫn là sự cân bằng hài hòa giữa xúc cảm và tư duy. Một tác giả vô thượng thừa, theo ý tôi, chẳng bao giờ để lộ hình tích tuyệt tử công phu của mình khi thi triển tài năng trong tác phẩm. Một lời thơ siêu tuyệt, tinh túy thơ là một lời thơ nghe chừng dễ như không dù tác giả có phải lao tâm khổ trí đến mức nào khi hình thành nó. Tất nhiên, công kỷ với thơ không hề có nghĩa là làm cho thơ khác biệt hẳn với cách thức tư duy và phát biểu của dân tộc. 

- Anh đặt nặng vấn đề tư duy trong văn chương? 

- Thật sự, tôi không hề coi yếu tố tư duy nặng hơn là yếu tố xúc cảm trong văn chương. Văn chương mà chẳng tạo được mảy may xúc cảm nào nơi người đọc thì sao gọi được là văn chương? Cũng như một lời nói làm nhàm vô nghĩa lý thì làm sao có thể tạo được xúc cảm nơi người nghe? Thành thử, suy cho xa hơn, vấn đề thật sự muôn đời của văn chương nghệ thuật vẫn là sự trùng nhập đến mức nào đó giữa mạng lưới xúc cảm tư duy cá biệt của tác giả với mạng lưới xúc cảm tư duy tập thể của quần chúng thưởng ngoạn.   

- Lúc nãy, anh nói lúc trẻ anh từng ao ước sau này trở thành một tác giả giá trị. Vậy theo ý anh,  thế nào là một tác giả giá trị? 

- Một tác giả giá trị gây bất an và tạo vỗ về, và không chỉ được đọc một lần thôi. Hẳn nhiên, giá trị văn chương nghệ thuật phải là một điều kiện tiên quyết.

- Tại sao không chỉ được đọc một lần? Phải chăng sự tối nghĩa cũng là một yếu tố của một tác phẩm giá trị? 

- Bản chất của nghệ thuật là phác gợi. Và đã là phác gợi thì chẳng thể nào rõ ràng, thẳng đuột được. Thông thường một tác phẩm sáng rỡ mồn một không phải là một tác phẩm giá trị. À ra nó chỉ có vậy thôi, chẳng có gì hơn thế nữa. Nó vẽ vòng giam hãm người đọc, vì vậy không cầm giữ nổi người đọc. Sự trường thọ của một nghệ phẩm là ở chỗ nó luôn còn những chập chờn u ẩn. 

- Xin anh nói thêm về điều kiện tiên quyết vừa nêu ra của một tác phẩm văn chương cho là giá trị. Có thể có những định chuẩn giá trị nào khả dĩ áp dụng cho văn chương được không? 

- Nói về định chuẩn giá trị văn chương nghệ thuật quả không khác gì vớt trăng trong nước. Những định chuẩn văn chương nào đó trước giờø nếu có, cũng chỉ là những định chuẩn chung chung rút ra từ những tác phẩm cũ được công nhận là giá trị mà thôi. Phần nào chúng cũng mang tính chất lỗi thời, hay ít ra cũng là khiếm khuyết. Trong khi mỗi tác phẩm văn chương là một sáng tạo đặc thù mở rộng thêm nữa những chân trời thưởng ngoạn của quần chúng. Nếu như tác phẩm đó còn tồn tại qua thời gian, chắc chắn nó sẽ gợi ra thêm những định chuẩn thẩm mỹ mới khác nữa. Do đó, cảm thức của người đọc bao giờ cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc xác định tầm cỡ của một tác phẩm văn chương. Nếu như người sáng tạo là một hào phóng bất chợt nào đó của tạo hóa, thì người thưởng ngoạn cũng phải là một biệt nhãn họa hoằn nào đó của tạo hóa. Truyền thống Đông Phương đề cao người tri âm văn nghệ ngang hàng với người sáng tạo văn nghệ.  

- Nhiều nhà thơ qua đến Mỹ không còn làm thơ, hay không còn làm thơ được nữa. Điển hình là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Riêng anh lại khác, cho đến nay, sau mười mấy năm ở nước ngoài, anh vẫn còn làm thơ, làm được thơ. Anh giải thích sao về điều này? 

- Tôi không nghĩ là có thể có một giải thích chung ổn thỏa về vấn đề này, một vấn đề có tính cách cá biệt chớ không phải là tập thể. Làm thơ được, hoặc ở quê nhà hoặc ở nơi nào khác, chủ yếu tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như cảm thức riêng tư của từng thi sĩ. Tuy nhiên, mẩu số chung của những nhà thơ lưu vong hẳn là thảm trạng vĩnh viễn tách lìa khỏi thực tế của dân tộc mình, nhất là khỏi ngôn ngữ của dân tộc mình. Boris Pasternak khi phải chọn lựa từ chối giải Nobel Văn Chương để được ở lại đất nước Nga đã khẳng định : Một thi sĩ không thể sống xa cách dân tộc mình. Trường hợp nữ thi sĩ Marina Tsvetaeva khi trốn chạy khỏi Liên Sô, tự an ủi là trong cảnh lưu vong, ít ra nhà thơ cũng còn may mắn hơn nhà văn, bởi lẽ nhà thơ chủ yếu cần đến cảm thức tâm tư hơn là thực tế xã hội, nhưng rồi sau 20 năm lưu lạc ở Tây Âu, bà lại lộn về Liên Sô chỉ vì quá nhớ quê hương và tiếng nói, để rồiø cuối cùng không chịu đựng nổi nữa những thống khổ bầm dập do chế độ toàn trị gây ra, đã phải tự kết liễu oan nghiệt mạng sống của mình khi tuổi mới 50. Nhưng cũng có những trường hợp ngược hẳn lại, như trường hợp Czeslaw Milosz hay Joseph Brodsky chẳng hạn, những nhà thơ này vẫn tiếp tục sáng tác thơ đều đặn khi lưu vong. Còn với Thanh Tâm Tuyền, tôi đoán chừng hồn thơ của anh vốn ăn rể quá ư sâu đậm vào cảm thức mãnh liệt của anh về lịch sử đất nước, nên khi phải bứt nhổ khỏi môi trường cố hữu, đã bị chấn tử không hồi phục được. Mấy câu thơ làm khi sắp lìa bỏ Việt Nam của Thanh Tâm Tuyền đáng để suy ngẩm về trường hợp của anh: Rũ bỏ ký ức- ký ức người... Và đi... Biệt trí nhớ khuất ngoài tích sử... Biền biệt qua mảnh vỡ thất tung... Nhớ hồi tôi còn ở Minnesota, có hôm Thanh Tâm Tuyền đến hớn hở đọc cho tôi nghe một bài thơ vừa làm xong của anh. Tôi nói bài thơ hay, anh nên làm thơ lại, đừng bỏ. Tôi cũng đặt một câu hỏi với anh là đối với một nhà thơ đã có tay nghề cao, phải chăng còn làm được thơ cũng là do thói quen, do thao dượt, do gần gũi gắn bó với chữ nghĩa. Lúc đó, anh nói anh sẽ làm thơ lại nếu như anh tìm được một cách thức viết mới, anh không muốn sao chép lại chính mình, cũng như anh không muốn còn bị ràng buộc vướng víu bởi các tàn tích của quá khứ. Tôi nói đó là điều tuyệt vời, nhưng liệu người ta có thể nào làm những hai lần cách mạng trong đời mình không, hơn nữa sao làm được cách mạng, dù chỉ là cách mạng trong văn chương, khi chẳng có sẵn một môi trường quần chúng lịch sử thích ứng. Và câu chuyện về thơ bữa đó đã phải ngưng ngang bằng sự im lặng hồi lâu của cả hai người. Riêng tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng việc làm thơ hoàn toàn do hoặc nhu cầu, hoặc sở thích, cả hai điều này đều có tính giai đoạn và riêng tư. Điển hình là Rimbaud, lừng danh thi sĩ từ năm 16 tuổi, đến khoảng năm 21 tuổi ngưng hẳn làm thơ cho đến khi qua đời, năm 37 tuổi. Nên tôi hoàn toàn bình tâm thả nổi tôi. Hồn tính của thi sĩ bao giờ chẳng là một hồn tính lang thang? 

- Anh là tác giả người miền Nam duy nhất có mặt trong nhóm Sáng Tạo, gồm toàn những văn nghệ sĩ lẫy lừng và uy tín gốc miền Bắc, xin anh cho biết nguyên do nào dẫn đến  một kết hợp có vẻ như là một biệt lệ đó? 

- Hồi đó, vào khoảng cuối năm 1954, sau khi có một hai bài thơ đăng trên tuần báo Đời Mới, tôi thường lui tới với vị chủ biên của tuần báo đó là nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, người mà tôi rất kính mến. Một số các anh sau này là những tác giả nòng cốt của nhóm Sáng Tạo như  Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sy,õ... mới di cư, cũng thường lui tới với ông Nguyễn Đức Quỳnh, và tôi quen với các anh ấy từ đó. Một hai năm sau, tạp chí Sáng Tạo thành hình và tôi đã gia nhập bằng những bài thơ mà tạp chí sẵn sàng đón nhận. Tôi là đứa trẻ nhất trong nhóm, 17 tuổi, và lại là tên Nam Kỳ duy nhất. Dường như mãi cho đến ngày nay, đại đa số người Việt Nam từ độc giả cho đến tác giả, đều có định kiến nặng nề rằng dân Nam Kỳ không làm văn nghệ được, lại càng không làm thơ được. Tưởng cũng nên nhắc là trước năm 1956, tức trước năm tạp chí Sáng Tạo ra đời, miền Nam chưa hề có một tạp chí nào chuyên thuần về văn học nghệ thuật, và làm thơ viết văn tại miền Nam lúc bấy giờ là một công việc gần như hoàn toàn ẩn mặt phía sau những công việc sinh sống khác, hoặc giả thường đồng hóa với công việc làm báo. Nên theo chỗ hiểu biết có thể là thiếu sót của tôi thì lúc bây giờ tại miền Nam, những người làm văn chương thường không có những sinh hoạt văn nghệ tập thể, khiến người ta dễ có cảm tưởng là trên phương diện văn nghệ, miền Nam là một vùng đất hoàn toàn hoang dã, tuyệt nhiên không có sự hiện diện của quần chúng văn nghệ, độc giả cũng như tác giả. Riêng đối với tôi cũng như các anh trong nhóm Sáng Tạo, chẳng ai đặt thành vấn đề phân biệt Bắc Trung Nam, bởi việc kết hợp nhau trong một phong trào văn nghệ chủ yếu căn cứ vào việc đồng chia xẻ những quan điểm văn nghệ và tài năng cá nhân cùng tình bạn giữa những người trong nhóm với nhau, chớ nhất định không phải là vấn đề địa phương quê quán. Hơn nữa, theo chỗ tôi nhận thấy, mọi người trong nhóm đều phóng khoáng, đặc biệt là Mai Thảo với tư cách chủ biên, hễ thấy ai viết được, chơi được là sẵn sàng mở cửa mời vào. Thí dụ trường hợp Quách Thoại, gốc miền Trung. Hẳn nhiên, chúng tôi thỉnh thoảng cũng có dùng những chữ Nam Kỳ, Bắc Kỳ với nhau để đùa giỡn chớ hoàn toàn không có chút hàm ý kỳ thị nào cả. Hơn nữa, toàn thể các anh trong nhóm, hồi đó cũng như sau này, rất lấy làm thích thú vì tôi là một tên Nam Kỳ Quốc, với cái tính khí đặc thù của địa phương mà các anh đang cố gắng hội nhập. 

- Xin anh cho biết - được hiểu như một chứng liệu sống của một người trong cuộc-  về mục đích và khuynh hướng sáng tác của nhóm Sáng Tạo, đồng thời cũng xin cho biết về những thành quả đã đạt được cùng những dự định dang dở nếu có. 

- Chủ trương của nhóm Sáng Tạo rất đơn giản, rõ ràng: làm mới văn học nghệ thuật. Còn làm mới như thế nào hoàn toàn tùy thuộc ở mỗi cá nhân tác giả, chẳng ai bảo ban gò ép ai. Nhóm Sáng Tạo gồm những tác giả cấp tiến lúc bấy giờ quy tụ chung quanh tạp chí Sáng Tạo, chớ chẳng phải là một văn đoàn với cương lĩnh, kế hoạch này nọ. Thời gian hiện diện của tạp chí này cũng rất ngắn ngủi, chỉ vài năm thôi nên khó thể định giá được một cách chuẩn xác những thành quả của nhóm, nếu chỉ thuần căn cứ vào những tác phẩm ít oi đã hình thành lúc bấy giờ của nhóm. Tuy nhiên, hầu hết những ai có quan tâm đến văn chương nghệ thuật đều sẵn sàng thừa nhận rằng ảnh hưởng của nhóm đối với sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam thật là sâu xa. Chẳng những đối với độc giả mà cả những tác giả về sau, cách thức sáng tác văn nghệ cũng như thưởng ngoạn văn nghệ nói chung rõ ràng không còn giống như trước nữa. Còn về những dự định dang dở, chắn chắn phải nhiều lắm. Lúc đó, hầu hết những tác giả của nhóm nói riêng, và cả những tác giả ngoại vi nói chung, còn quá trẻ, hẳn nhiên còn ôm ấp thiết tha bao nhiêu hoài bão, nhưng rồi lại không có đủ những điều kiện thuận lợi, nhất là thời gian cần đủ để thực hiện trọn vẹn. Nghĩ mà xót.  

- Nói làm mới văn học nghệ thuật là một hành vi hoàn toàn tự do, cá nhân, vậy anh có nghĩ rằng có thể có một sự làm mới khơi khơi, chẳng cần phải bắt nguồn từ  một điều gì đó hay không?  

- Sáng tạo đương nhiên là làm mới, là cá biệt. Tuy nhiên, trong văn học nghệ thuật, xét sâu xa nghiêm chỉnh, tôi không tin là có thể có một sự làm mới khơi khơi, làm mới vì muốn chơi trội, làm mới chỉ để làm mới. Sự làm mới nào của văn chương nghệ thuật cũng phải nương tựa vào một nhu cầu khẩn thiết nào đó của đời sống đã biến chuyển. Tính lịch sử của tác phẩm là điều chẳng thể phủ nhận. Nghệ thuật là cái bóng ảo của đời sống, và vì nhờ là cái bóng ảo nên nó có thể làm hiển lộ cái tướng tinh ẩn khuất của đời sống. Ngoài mức độ tài năng ra, sự thành bại của một cá nhân tác giả hoặc của cả một phong trào văn nghệ còn là có nhập được vào chính mạch đập của thời đại hay không.  

- Có không ít người cho rằng phần đóng góp quan trọng nhất của nhóm Sáng Tạo vào nền văn học là thơ. Anh nghĩ sao về nhận định này? 

- Nhận định này, theo ý tôi, chỉ đúng một phần, cái phần nổi. Ở Việt Nam, dường như cái phần nổi của một phong trào văn nghệ bao giờ cũng là thơ. Lấy thí dụ sinh hoạt văn học thời tiền chiến, thơ mới đã gây nhiều tranh luận ồn ào cũng như tạo nhiều ảnh hưởng sâu đậm hơn là văn. Tại sao vậy? Tôi hoàn toàn không nghĩ là dân tộc Việt Nam yêu thơ hơn là những dân tộc khác. Tôi chỉ nghĩ có lẽ dân tộc Việt Nam ít khi được yên ổn rảnh rang lâu dài, và làm một bài thơ không đòi hỏi nhiều thời giờ như là viết một quyển tiểu thuyết, chẳng hạn. Trở lại nhóm Sáng Tạo. Tôi nghĩ rằng phần đóng góp quan trọng của tạp chí Sáng Tạo là đã tiên phong phá vỡ những giam hảm tù đọng đối với cảm thức văn học nghệ thuật tại miền Nam, bước đầu chuyển đưa văn học nghệ thuật miền Nam vào một kỷ nguyên mới khác. 

- Anh vừa đề cập đến thời lượng tương đối ngắn để làm một bài thơ, nhưng anh lại là tác giả nhiều bài thơ dài hơi, những bài thơ mênh mông bát ngát, xem chừng đòi hỏi một thời lượng làm việc không ngắn. Vậy anh quan niệm như thế nào về một bài thơ dài hơi cùng sự hình thành nó? 

- Một bài thơ dài hơi tất nhiên chẳng phải đơn thuần là một bài thơ có nhiều câu, nhiều chữ. Điều bất lợi thấy ngay của một bài thơ dài hơi là người đọc dễ mất kiên nhẫn để đọc nó liên tục, cũng như không thể nhớ thuộc nó trọn vẹn. Còn đối với thi sĩ, làm một bài thơ dài hơi rất dễ bị sa đà, lảm nhảm. Do đó, tất cả những chi tiết phong phú trong một bài thơ dài hơi phải thật sự đắt giá ở chỗ cùng góp phần hữu hiệu vào việc làm sáng lên thêm chủ đề của bài thơ y như những mảng màu sắc tưởng chừng tách biệt, chẳng ăn nhập gì nhau trong một họa phẩm ghép khảm. Tinh ý một chút, người đọc sẽ nhận ra rằng có nhiều đoạn ngắn trong bài thơ dài hơi thành công,  nếu được trích tách độc lập, tự đoạn thơ ấy thôi có thể đã là một bài thơ ngắn hoàn chỉnh, kiểu tứ tuyệt Trung Quốc hay haiku Nhật Bản, nếu muốn so sánh. Tất nhiên, làm một bài thơ dài hơi bao giờ cũng đòi hỏi nhiều công sức hơn, đặc biệt thi sĩ phải nuôi dưỡng duy trì sự tập trung xúc cảm tư duy lâu dài hơn, mệt mỏi hơn. Công khó ghê gớm nhất đối với nhà thơ là gầy được không khí cảm hứng thơ. Và lại càng khó hơn gấp bội khi phải gầy lại cho bằng được cái không khí từng bị ngắt ngang, bỏ dở đó. Thành thử, xong được một bài thơ, việc đầu tiên ta phải làm là cám ơn vợ con đã biết ý để yên cho trong suốt thời gian ta làm bài thơ đó. 

- Một bài thơ rất nổi tiếng của anh, bài Chiều Trên Phá Tam Giang chuyên chở cả một cái nhìn đầy tính nhân bản, đầy tình tự dân tộc, vượt lên trên những đối nghịch vô cùng bi thảm của những chủ thuyết giáo điều, vân vân... Anh nghĩ sao về nhận xét này? Anh gởi gấm điều gì trong bài thơ đó? Và bây giờ, sau bao nhiêu năm dâu bể, nếu viết lại Chiều Trên Phá Tam Giang, anh có còn giữ cái nhìn đó về cuộc chiến đã qua không

 - Một tác giả tự trọng không bao giờ nên giải thích thêm nữa về tác phẩm của mình. Yếu tính của nghệ thuật là tự nó nói lên, đúng hơn là gợi lên, bằng những phương tiện đặc thù của mỗi tác phẩm những gì mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Chung cho tất cả những bài thơ khác của tôi, chớ chẳng riêng gì với bài Chiều Trên Phá Tam Giang, tôi xin phép không phải làm một việc vô ích nữa là phụ chú. Còn giả dụ bây giờ nếu phải viết lại bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang, tôi có giữ nguyên cái nhìn như cũ không? Tôi sẽ trả lời là có mà chẳng phải ngần ngừ gì. Chiến tranh, nhất là chiến tranh ủy nhiệm huynh đệ tương tàn, bao giờ lại chẳng gây thương tổn nặng nề cho nhân phẩm? Hẳn nhiên, trong thâm tâm, tôi mong mỏi tôi, hoặc là một thi sĩ nào khác sau tôi, sẽ chẳng bao giờ phải viết nữa môt bài thơ tung tóe máu xương như vậy. Tôi liên tưởng đến một kỷ niệm đặc biệt với Thanh Tâm Tuyền. Hồi đó, khoảng bắt đầu thập niên 90, anh đang thu xếp chờ ngày đi Mỹ, và trong một lần đến chơi với tôi, anh ngồi ngó mông ra ngõ trước nhà tôi một lúc lâu và buột miệng nói đất nước này rồi sẽ phải trải qua những biến động lịch sử tan tác kinh hồn chẳng thể cản tránh được, tôi ra đi xa lánh, anh còn ở lại, anh hoặc là ai đó sẽ phải viết một bài thơ mà chất liệu là núi xương sông máu, là hằng triệu cái xác chết. Lúc đó, tôi lặng thinh nhìn anh và thấy lại trước mắt không phải một Thanh Tâm Tuyền đã bắt đầu già chậm từ cử chỉ đến lời nói mà là một Thanh Tâm Tuyền nhiệt tình đau đớn của cái thời: Hãy cho anh khóc bằng mắt em/ Những cuộc tình duyên Budapest. Cũng trong hôm đó, anh có mang đến cho tôi mấy quyển sách ngoại quốc cũ, và trước khi ra về, anh mượn bút ghi lại nơi trang đầu của một quyển câu thơ cuối của tập Exil (Lưu Vong) của Saint-John Perse: Et c'est l'heure, ô Poète, de décliner ton nom, ta naissance, et ta race... ( Xin tạm dịch: Và đã đến giờ, hỡi Thi Sĩ, trút bỏ danh tính ngươi, dòng dõi ngươi,  và giống nòi ngươi... ) May mắn thay cho đến nay, thi sĩ Việt Nam chưa bị thúc bách phải viết ra bài thơ mà Thanh Tâm Tuyền viễn kiến đó. 

- Trong quá khứ, hình như thơ Tô Thùy Yên gắn liền với nhịp thở của cả một thế hệ Việt Nam. Cụ thể là những hào sảng bi hùng của người lính tác chiến Tô Thùy Yên, những bình thản đối diện và những lạc quan vượt lên trên những khổ lụy đời thường và hướng đến một cái gì hằng cửu đầy tính người của người tù Tô Thùy Yên. Vậy bây giờ thơ Tô Thùy Yên đang nhắm tới điều gì? 

- Tôi đang nhắm tới điều gì cho thơ tôi? Quả tình tôi không biết phải trả lời như thế nào cho được trung thực. Tôi vẫn luôn quan niệm rằng hồn thơ, ít nhất là trong trường hợp cá nhân riêng rẻ của tôi, là một tâm thái thường trực trôi nổi bất định, và bài thơ được làm ra như là một phản ứng hoàn toàn tùy duyên đưa đẩy. Nên với một nhà thơ, ước ao là một chuyện và bài thơ làm thành được lại là chuyện khác, hai chuyện này thường khi chẳng hề đồng dạng, nói chi đến đồng cỡ, và hẳn nhiên chẳng thể nào nói trước được. Với tôi, mỗi bài thơ hoàn tất quả là một may mắn bất ngờ vượt xa ngoài mọi dự kiến. Đời mình rồi sẽ sống hết, còn lòng mình thôi thì viết được chút nào, hay chút đó, biết sao hơn? 

- Vậy niềm ao ước của nhà thơ Tô Thùy Yên như thế nào? 

- Tôi vẫn hằng ao ước có đủ duyên may thành được một thi sĩ xứng đáng với những lời thơ thống khổ và hàm ơn của kiếp người, những lời thơ động lòng người, động lòng trời đất. Nói như vậy cũng nhằm tỏ lộ chính tấc lòng của mình đối với người đọc, đối với văn chương.  

- Xin cảm ơn anh đã chia xẻ với chúng tôi và độc giả Tin Văn những ý kiến và nhận định hết sức cụ thể và giá trị gần như là những lời tâm tình tim gan từ một tâm hồn đã chín mùi, đã trầm lắng lại đủ để thấy được  cái “lượng từ tâm của đất trời” và để nhận ra được “thế giới vui từ mỗi lẻ loi”.  Hy vọng và tin tưởng tủ sách của người yêu thơ không chỉ có Thi Tuyển và Thắp Tạ




Nguyễn Mạnh An Dân__________________________
_______________________________________________

No comments:

Post a Comment