Thursday, November 30, 2017

Consumer Reports - Tiến trình sản xuất "Dược thảo" (Bài 3)

ThinitolMột sản phẩm dược thảo "cực tốt" không hề được bày bán

ERIC TRẦN - VIỄN ĐÔNG


Thiniol, một sản phẩm dược thảo có “tên tuổi” nhưng không ai có thể mua


Thinitol là một hộp dược thảo được quảng cáo là có khả năng tăng cường cơ chế biến dưỡng, giúp ăn ngon ngủ khỏe, tăng cường sinh lực, và giúp giảm cân… do một tập hợp những chuyên gia nổi tiếng chế tạo. Trên nhãn hiệu có ghi rõ công dụng “Supports Metabolism& Boosts Energy.”

Nghe thì hay thật, nhưng vì tình trạng hỏa mù, hư hư thực thực trên thị trường dược thảo hiện nay, giới tiêu thụ bắt buộc phải đặt câu hỏi: Cơ quan sản xuất sản phẩm là ai? Tập hợp “những chuyên gia nổi tiếng” bao gồm những ai? Xin trả lời: Không ai khác hơn, đó là những chuyên gia trong Consumer Reports, một tổ chức bảo vệ giới tiêu thụ mà chúng ta nói tới mấy tuần nay. 


Qui luật bào chế và phổ biến dược thảo hiện còn rất lỏng lẻo, lợi nhuận cao, khiến cho ai cũng có thể vào nghề.


Đối với một số người trong giới tiêu thụ, lời giới thiệu này có thể coi như một cam kết khá chắc chắn rằng đây sẽ là một sản phẩm tốt, bởi vì nó được nghiên cứu và sản xuất bởi một tập thể vốn có uy tín trước nay. Nhưng đồng thời, đối với không ít người khác, lời giới thiệu này không khỏi gợi lên một thắc mắc: Consumer Reports đang có chiến dịch bạch hóa những quảng cáo không thật (và có thật) trong ngành kinh doanh dược thảo mà nay lại tung ra một sản phẩm của mình, hóa ra những gì Consumer Reports viết cũng chỉ là một cách quảng cáo để cạnh tranh mà thôi? 



Trách nhiệm tìm hiểu về ưu khuyết của dược thảo vẫn hoàn toàn đặt trên vai người tiêu thụ, nhà chức trách chưa có qui luật gì đối với nhà sản xuất


Cách thức cạnh tranh như vậy chẳng những không có thể coi như một bảo đảm cho sản phẩm, mà nó còn khiến người đọc phải đặt lại vấn đề với những gì Consumer Reports đã nói về kỹ nghệ dược thảo trước nay?

Đúng, cả hai ý kiến trên, mặc dầu đối nghịch nhau nhưng đều rất có “trọng lượng.” Câu trả lời không thể nghiêng về phía nào, và chắc hẳn sẽ là tùy theo quyết định của mỗi người thôi. 

Nhưng thực tế, không ai phải trả lời gì cả: Người tin tưởng vào uy tín của Consumer Reports trong sản phẩm Thinitol này, cũng như người nghi ngờ phẩm chất của nó, chẳng ai phải biện bạch hoặc phản kháng một lời, bởi vì cái hộp thuốc có hình thù rõ ràng đó thực sự không bao giờ được tung ra thị trường. Nghĩa là: Không ai có thể mua được! Mặc dầu Consumer Reports thực sự có làm ra một hộp có chứa tới 80 viên thuốc mang tên Thinitol, nhưng sản phẩm này sẽ không bao giờ được bán ra, không ai có thể mua được. 

Tại sao như vậy? Tại sao Consumer Reports lại dùng kiến thức và uy tín vốn có của mình để tạo ra một sản phẩm mà không bán?

Vì, trước hết, bán hàng không phải là một hoạt động của Consumer Reports. Uy tín của tổ chức này nằm ở vai trò khách quan, vì không bán ra một sản phẩm nào của mình, họ có thể duy trì vị trí hoàn toàn độc lập và vô tư khi nhận xét về các sản phẩm khác.


Lý do thứ hai, và có thể là lý do cụ thể trong việc làm ra sản phẩm Thinitol này là: 
Consumer Reports muốn trình bày về tiến trình làm dược thảo, cách thức tìm kiếm và hòa trộn nguyên vật liệu, cách hợp thức hóa để có thể bán ra hợp pháp trên thị trường…. Qua đó, giới tiêu thụ có thể thấy một cách rõ ràng 2 điều sau đây:

-  Bất cứ người nào, không cần được huấn luyện chuyên môn về y khoa và dược phẩm, cũng có thể chế thuốc với những phương tiện học hỏi và tìm kiếm thông tin sẵn sàng trên Internet như ngày nay.


-  Bất cứ người nào cũng có thể bán dược thảo một cách hợp pháp trên thị trường Hoa Kỳ, miễn là có ghi danh cơ sở - xin nhắc lại ghi danh cơ sở chứ không phải ghi danh sản phẩm - với FDA, cơ quan quản lý dược phẩm của nhà nước Hoa Kỳ. Việc ghi danh này chỉ bao gồm việc điền một tờ đơn khai báo những chi tiết căn bản như tên công ty và địa chỉ làm việc, v.v.. 

Qua những điều vừa trình bày trên đây, giới tiêu thụ có thể thấy thực chất của kỹ nghệ dược thảo chẳng qua chỉ là một ngành kinh doanh, nhưng nó lại hàm ý nhiều rủi ro cho khách hàng, vì nhà sản xuất không buộc phải có một kiến thức chuyên môn nào về sản phẩm của mình, một điều không thể thấy nơi những ngành khác. Điều đáng quan tâm nhất, đó lại là những sản phẩm có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật của người tiêu thụ. 


Đồng ý với nhận định của Consumer Reports, Tiến Sĩ Shawn Talbott, Ph.D, một chuyên viên về hóa học dinh dưỡng tại trường Harvard, tác giả sách “The Secret of Vigor” gọi kỹ nghệ dược thảo là “Buyer Beware Industry,” một ngành buôn bán đòi hỏi sự thận trọng tuyệt đối về phía người mua, hên xủi may rủi hoàn toàn người mua phải gánh, người bán gần như không có trách nhiệm gì. 

Giáo sư Talbott, phát biểu, “Người tiêu thụ phải nêu lên các câu hỏi, chứ không phải chỉ yên lặng nghe lời quảng cáo. Những công ty có uy tín, có trách nhiệm chắc chắn sẽ trả lời mọi thắc mắc, sẽ công bố thành phần sản phẩm, cũng như những bằng chứng nghiên cứu về kết quả và sự an toàn.” 

Để tìm hiểu thêm về cách kinh doanh dược thảo, chúng ta sẽ trình bày chi tiết về tiến trình chế biến thuốc Thinitol trong bài t
ới
(Còn tiếp phần 4, 5)

Erictran216@yahoo.com
http://www.viendongdaily.com/thinitol-mot-san-pham-duoc-thao-cuc-tot-khong-he-duoc-bay-ban-lCCeuoDw.html



______________________________________________

No comments:

Post a Comment