Saturday, November 25, 2017

Tiếng hát trên xe đò

Phạm Lê Huy

* Cảm nhận về thân phận nghiệt ngã của người Thương Binh VNCH sau cuộc chiến.

 Nhạc phẩm Rừng Lá Thấp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nghe thật quen thuộc và gần gũi với chúng ta làm sao ! Một Thương Binh VNCH đã hát bài ca ấy trên chuyến xe đò.

Hình ảnh người Thương Binh ấy với những nét mặt đầy thương cảm của hành khách trên chuyến xe đò đã khiến tôi xúc động vô cùng... Thật bùi ngùi, xót xa... !

Hình ảnh ấy gợi nhớ lại lần từ Quân Y Viện tôi về nhà trên đôi nạng gỗ. Tôi về trong vòng tay ấm áp, giữa nụ cười mừng vui của thân nhân và bạn bè tôi...

Người Thương Binh với vóc dáng gầy còm tiều tụy ôm cây đờn guitar cũ kỹ, rê từng bước một chập choạng trên “đôi chân - một thật một gỗ” của mình, cất tiếng hát

Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca

           “Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà”           

 Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao

 Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu ?

Như đã quá quen với hoàn cảnh thương tật bất hạnh của mình, giọng hát người Thương Binh vẫn thản nhiên, vẫn rõ ràng và lanh lảnh...

Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu
...

 

Và, hành khách - những người đầy lòng trắc ẩn dành cho người Thương Binh, tuy không nói lên lời nào, nhưng nét mặt vẻ mặt của họ đã nói lên tất cả...

Không sao diễn tả hết được vẻ mặt đầy trắc ẩn và thương cảm của cô hành khách trẻ. Rõ ràng tôi đã thấy cô thổn thức (có lẽ có kèm theo tiếng thở dài) khi quay đầu nhìn và lắng nghe anh hát - tiếng hát không phải của một danh ca, tiếng hát bình thường mộc mạc thôi mà thật sâu lắng, tiếng hát cất lên từ nhịp đập con tim... Cô trân trọng nhặt lên chiếc mũ của anh rơi xuống sàn xe, mua giúp anh một xấp vé số và trao lại anh chiếc mũ.

Vẻ trầm tư của hành khách trên xe đò đã nói lên tâm trạng đau lòng, xót thương của họ trước hoàn cảnh này. Dường như họ cũng có ông, cha, chồng, con, anh, em... cùng cảnh ngộ như thế. Đôi mắt họ đăm chiêu nhìn về một chốn xa xăm nào đó nơi có hình ảnh người thân không may mắn của mình trong quá khứ hay hiện giờ...

Và, Người Thương Binh ấy vẫn an lòng, tươi cười mời gọi  “Mua giúp giùm con chú ơi... và chúc mọi người “Chiều nay dzô độ... Các thần tài gõ cửa, thay đổi cuộc đời... Chú ơi... !”. 

Phạm Lê Huy

(Los Angeles, Nov. 5-2017)



No comments:

Post a Comment