Tuesday, November 28, 2017

Dược thảo: Nhiều lợi nhuận kinh doanh, nhưng hiệu quả đến đâu cho giới tiêu thụ? (bài 1)

 ERIC TRẦN - VIỄN ĐÔNG

Đây là loạt bài vạch trần về thực chất của hầu hết các loại thuốc dược thảo bày bán tràn lan một cách vô tội vạ trên thị trường. Đem về một khoảng lợi nhuận béo bở cho người sản xuất. QN nghĩ loạt bài này rất có ích cho mọi người tìm hiểu, nên mang về trang nhà để chia sẻ. Thay mặt độc giả QN11 xin gởi lời cảm ơn tới tác giả Eric Trần và Nhật báo Viễn Đông. / QN11


Sản phẩm dược thảo ngập tràn trong siêu thị

Hiện đang có những kiện cáo lùm xùm liên quan hai đài truyền hình trong cộng đồng người Việt tại Little Saigon. Muốn biết thêm chi tiết, các bạn có thể đọc lại bản tin đăng trên mạng của báo Viễn Đông ngày 25 tháng Năm tại đường dẫn sau đây:  http://www.viendongdaily.com/lm-joseph-nguyen-cua-dai-vbs-bi-kien-toi-sach-nhieu-tinh-duc-hUH2BLQh.html. 

Bản tin cũng trích dẫn những dư luận cho rằng vụ việc có nguyên ủy từ sự cạnh tranh bán thuốc dược thảo nhắm vào giới tiêu thụ người Việt, điều này cho thấy dược thảo đã là và vẫn là một nguồn lợi nhuận lớn cho những người làm kinh doanh biết tận dụng thời cơ. Thực ra, lợi nhuận do dược thảo mang lại không phải chỉ được khai thác nơi cộng đồng người Việt, nhưng mà còn từ các cộng đồng sắc tộc khác và cộng đồng những người bản xứ nói tiếng Anh.

Vậy dược thảo có giá trị tới đâu? Liệu những viên thuốc được gọi là “thần dược” vượt trên cả những nghiên cứu kỳ công của nền y học hiện đại có thực sự công hiệu như những gì được nghe ra rả hằng ngày trên tất cả mọi phương tiện truyền thông không? Là người trong giới tiêu thụ, chúng ta không thể không đặt câu hỏi về vấn đề này. 


Thứ dược thảo được nói là giúp giảm cân, giảm mỡ bụng?


Sau đây là những nhận xét và tìm hiểu của Consumer Reports, một tập thể các nhà khoa học và kỹ thuật làm việc với sứ mạng bảo vệ người tiêu thụ rất có uy tín tại Hoa Kỳ.

Dược thảo: Kinh doanh bùng nổ, không cần dựa vào cơ sở chứng minh!
Theo Nutrition Business Journal, một tạp chí lớn chuyên nghiên cứu về hoạt động kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng tại Hoa Kỳ, thì số bán các loại thực phẩm bổ xung (supplement), cụ thể là dược thảo, đã tăng 81% trong vòng một thập niên qua. Sự phát triển này cũng khá là dễ hiểu: Giới tiêu thụ có thể mua dược thảo dễ dàng hơn mua thuốc tây; Bên cạnh những e dè nghi ngại về phản ứng của thuốc tây, dược thảo lại được quảng cáo là sản phẩm “thiên nhiên,” “không công phạt,” “không phản ứng phụ”... mà lại có thể “chữa” được mọi chứng bệnh: Hiểm nghèo như ung thư? Nhức nhối như béo phì, mất eo? Phiền toái như mất trí nhớ, mất linh hoạt? Thậm chí như ... liệt dương? Tất cả đều có một giải pháp bằng ... dược thảo.

Ngành dược thảo gần như muốn nói gì thì nói, không hề bị một cơ quan chính phủ nào sờ gáy, miễn là biết cách ghi ra vài chữ chống lưng, chẳng hạn như “Sản phẩm này không được công nhận bởi FDA,” “Sản phẩm này không có mục đích chữa bệnh, và nếu có bệnh thì phải đến với bác sĩ,” v.v..

Quả thực, mặc dầu FDA, cơ quan quản trị dược phẩm thực phẩm tại Hoa Kỳ, có tiếng nói rất quyền lực về các loại thuốc men được phép lưu hành trên thị trường, thế nhưng chính phủ lại không có một điều luật nhỏ nhoi nào để kiểm soát những sản phẩm được gọi là “Supplement” (thực phẩm bổ xung), hay “dược thảo” cả. 

Theo báo cáo phổ biến năm 2013 của GAO (government accountability office), cơ quan chính phủ phụ trách điều tra về tầm mức trách nhiệm liên quan, thì từ 2008 đến 2011, FDA đã nhận được 6,307 bản tường trình về những vấn đề y tế phát sinh từ dược thảo, trong đó có 92 trường hợp tử vong, hằng trăm vụ đe dọa tính mạng, và hơn một ngàn vụ thương tích hoặc bệnh tật phát sinh. Cơ quan GAO cho rằng, những trường hợp được báo cáo thực ra chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ, con số nạn nhân trong thực tế chắc chắn còn cao hơn rất nhiều. 



Giới tiêu thụ có phần dễ tin, biến dược thảo thành một nguồn kinh doanh mang lợi nhuận hấp dẫn

Bác sĩ Pieter Cohen, M.D., giáo sự phụ giảng tại Đại Học Y Khoa Harvard Medical School, một chuyên viên nghiên cứu dược thảo, tác giả nhiều bài khảo cứu sâu rộng đăng tải trên các tạp chí y khoa về vấn đề này, đã phát biểu, “Các nguyên vật liệu được quảng cáo trong thành phần cấu tạo dược thảo, có tiềm năng đưa lại nhiều nguy hiểm cho người tiêu thụ. Bởi vì, trong tình trạng chưa có luật pháp chế định như hiện nay, giới tiêu thụ không thể biết được mình bỏ những thứ gì vào miệng cả.”


Giới tiêu thụ: Lần đi trong bóng tối!
Các sản phẩm dược thảo chỉ phải chịu một qui định rất nhẹ - về việc đăng ký kinh doanh – nhẹ hơn tất cả mọi loại thuốc, nhẹ hơn cả những thứ mà giới tiêu thụ có thể mua tự do (over the counter). Các công ty dược thảo mặc sức chế tạo, quảng cáo và bán ra trên thị trường mà không hề phải chứng minh sự an toàn sử dụng, chưa nói đến việc chứng minh sự hiệu quả. Thậm chí, họ cũng không buộc phải xác minh là sản phẩm có đầy đủ các thành phần như ghi ra trong nhãn hiệu (labels) hay không.

Bởi vì sự dễ dàng ngon ăn như vậy, dược thảo tràn ngập trong các cửa hàng lớn bé, và từ từ xâm nhập cả vào các văn phòng bác sĩ và thậm chí bệnh viện. Mặc dầu không hề được chứng minh, nhưng khách hàng lại tỏ ra dễ dàng tin tưởng những lời quảng cáo của nhà sản xuất mà ít khi đặt câu hỏi về sự an toàn, phản ứng phụ, hoặc sự tương tác với các loại thuốc khác. Một cuộc nghiên cứu do Consumer Reports thực hiện trên toàn quốc vào năm 2015 cho thấy, gần 50% giới tiêu thụ tin rằng sản phẩm đã được thử nghiệm về mức công hiệu, và hơn 50% tin rằng nhà sản xuất đã xét nghiệm đầy đủ và chứng minh an toàn trước khi tung ra thị trường. Thực tế, không nhà sản xuất nào bị luật pháp hiện hành bó buộc làm như vậy cả.

15 thành phần phải tránh
Trước tình trạng “quân hồi vô phèng” vì chính phủ chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người dân, thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể nói: Nhất loạt tẩy chay! Nhưng các chuyên gia trong Consumer Reports đã thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu rộng, và xác định được 15 thành phần mà chúng ta bằng giá nào cũng phải tránh; Quá nhẹ dạ, cả tin, hoặc không để ý đến sự hiện diện của những thành phần này trong sản phẩm thì sợ rằng... “Phúc chưa thấy đã thấy tội”! 

Chúng tôi sẽ nói về 15 thành phần này trong bài kế tiếp.


Erictran216@yahoo.com
http://www.viendongdaily.com/duoc-thao-nhieu-loi-nhuan-kinh-doanh-nhung-hieu-qua-den-dau-cho-gioi-tieu-XqCtgveY.html



_______________________________________________________

1 comment:

  1. Cám ơn đã đăng bài này.
    Mấy cái này, ko testing, chữa mông lung ie: well being... đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ bị nộp tiền vào nhiều quá, nên supplements mới có dịp lên ngôi như vậy.

    ReplyDelete