Monday, December 17, 2018

Công thức của anh hùng

Hồng Phúc

Hồng  Phúc
Nhà báo: Hồng Phúc
Hơn chục năm trước, một cuốn tiểu sử đã gây rất nhiều ồn ào. Với thông điệp “Từ cậu bé chăn trâu trở thành tổng giám đốc…”, sách do cán bộ trong một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam viết về sếp của mình.
Phần đầu viết về thân thế, tiểu sử, mô tả con đường từ cậu bé chăn trâu ở làng quê nghèo vươn lên thành tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước lớn. Thời niên thiếu, ông vừa đi học vừa phụ giúp gia đình, bao gồm việc "chăn trâu". Tuổi thanh niên, ông học ở một trường trung cấp, đi bộ đội rồi về làm việc tại huyện trước khi trở thành phó phòng rồi tổng giám đốc. Khi nào, ông cũng đều thể hiện sự vượt trội của mình và là tấm gương học tập của người xung quanh. Phần thứ hai đăng các bài báo đã viết về ông cùng các bài phát biểu của vị này ở hội nghị. Kèm thêm là các hình ảnh và danh sách chi tiết các thành tích của lãnh đạo.
Sách được quảng cáo rầm rộ trong nội bộ. Rồi chính lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lấy ngân sách hoạt động mua sách để yêu cầu các bộ phận đọc như một "tấm gương phấn đấu trong quá trình hoạt động", vì vị giám đốc đã "đóng góp vào sự nghiệp" chung. Tổng số tiền chi ra mua hơn 2.500 cuốn sách là hơn 150 triệu đồng. Số tiền khá lớn vào năm đó, khi giá vàng chỉ hơn một triệu đồng một chỉ.
Nhưng "tấm gương" ấy đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các độc giả bất đắc dĩ. Có những đơn vị được phát sách đã tiêu hủy không cho nhân viên đọc. Công chúng, báo chí bất bình. Người hùng đó không đáng được ngợi khen. Sự thật, ông không có thành tích nào đáng ngưỡng mộ với vai trò một doanh nghiệp của dân, thậm chí ngược lại. Số nhân viên của doanh nghiệp này lên tới hơn hai mươi nghìn người, nhưng hiệu quả kinh doanh thì rất thấp so với ngành. Vị phó tổng giám đốc ký văn bản phân phối sách và người liên quan bị kiểm điểm. Hình tượng người hùng bất thành.
Nó bất thành vì vi phạm nguyên tắc cơ bản trong "công thức anh hùng", đã được Joseph Campbell mô tả trong cuốn sách của mình "Nhân diện anh hùng" (The hero with thousand faces). Ông đã nghiên cứu các hình mẫu kinh điển trong nhiều nền văn minh để trả lời cho câu hỏi, tại sao chúng ta cần các anh hùng và mẫu số chung của họ là gì. Học giả này kết luận: Người hùng là hình mẫu cần thiết cho mọi người để hoàn thiện bản thân. Họ là những người khác nhau phải đảm đương những sứ mệnh khác nhau nhưng điểm chung là luôn coi nhiệm vụ đang gánh vác vượt lên trên các nhu cầu riêng của mình.
Tuy khát khao nhưng công chúng không dễ dãi thừa nhận thần tượng. Hẳn là người ta đã thấy ở vị tổng giám đốc "từ cậu bé chăn trâu" đã không có đủ các phẩm cách "vượt lên trên các nhu cầu riêng của mình", nên công chúng và cả nhân viên của vị này đã thẳng thừng từ chối nhân diện anh hùng của ông. Không phải sự ngợi ca nào cũng tạo nên anh hùng.
Vậy bí mật của người hùng là gì? Chẳng có bí mật gì, theo Campbell. Bạn rời khỏi vùng an toàn hoặc bị xô đẩy khỏi nó, trải nghiệm những thử thách mới, bị va đập, nỗ lực không ngừng nghỉ vì mọi người và trở thành con người khác; rồi có thể bạn sẽ lại quay về nơi xưa nhưng đã ở trình độ khác.
Những ngày này, chúng ta đang xướng tên những người hùng của trái bóng. Cũng một mô típ "cậu bé nghèo", nhưng họ lại được công chúng thừa nhận, tại sao?
Cũng bị tách khỏi gia đình từ khi còn nhỏ, cũng may mắn gặp những người chỉ giáo, người đồng hành, hy sinh cuộc sống cá nhân ở góc độ nào đó, chiến thắng thử thách một cách rất đời và không kém phần lãng mạn khi gặp được cô gái xinh đẹp, đó là những người hùng của công chúng yêu bóng đá Việt Nam. Những va đập và nỗ lực của họ là có thật. Chưa bao giờ, các câu chuyện được khai thác xung quanh các cầu thủ lại nhiều đến thế.
Chuyện ước mơ của một cậu bé chân đất mê đá bóng, ngôi nhà đơn sơ ở quê với cha mẹ làm nông, lúc nào cũng mong ngóng đứa con xa nhà trở về, thành chủ đề trên mọi mặt báo. Thậm chí, kịch bản quảng cáo thương mại cũng được dựng lên cũng theo mô típ kinh điển: từ cậu bé đồng quê, từ mái tranh nơi làng quê, không có nổi đôi giày đá bóng... thành anh hùng sân cỏ. Và nó có một phần sự thật. Nó đáp ứng đầy đủ tiêu chí cơ bản của "công thức anh hùng". Hình ảnh còn tạo nên cảm xúc quen thuộc bởi mái tranh nghèo hay một cậu bé như thế, ta có thể gặp trên khắp đất nước này, trong ký ức.
Joseph Campbell sau nghiên cứu nhiều năm, cho rằng nhân loại đã và sẽ luôn có nhu cầu về huyền thoại người hùng bởi con người luôn phản chiếu khát vọng của mình qua những câu chuyện biểu trưng cho mong muốn của họ. Bản thân ta ai cũng muốn làm được một điều gì đó trong cuộc đời. Và vì thế, chúng ta cần nhiều hơn các anh hùng cá nhân và có thật như Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức như bằng cớ để tin tưởng rằng: điều tốt đẹp là có thật nếu nó được tạo ra từ niềm tin, tri thức, kĩ năng, sự nỗ lực và tinh thần lao động không ngừng nghỉ. Công chúng yêu các câu chuyện về anh hùng sân cỏ của họ, để tin rằng một người bình thường - như chính ta đây – hoàn toàn có thể trở nên tốt hơn.
Không phải lúc nào ta cũng cần trở thành anh hùng để trả hết chi phí sinh hoạt cho tháng này. Cuộc sống thường xuyên đòi bạn cần giải quyết những vấn đề ta đang đối mặt, nói "có" với nỗi sợ của chính mình: công việc không như ý, những tiếc nuối không thành, các món nợ, sự cô đơn, bệnh tật...
Nhưng chính những nhu cầu giản đơn đó lại là lý do khiến cho những "cậu bé nghèo" từ Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa trở thành niềm cảm hứng. Con trai tôi, 10 tuổi, nó nhắc tên các cầu thủ mỗi ngày, tự dậy sớm ra sân đá bóng vào cuối tuần và ăn món mà cầu thủ cùng tên với cháu thích ăn. Cậu bé không ngần ngại tuyên bố muốn đá bóng giỏi và tích cực hơn hẳn trong mọi việc. Chỉ điều đó thôi cũng khiến cuộc sống của chúng tôi mang màu sắc khác. Đó cũng là lý do mà lắm người có tiền và có quyền tự viết hùng ca tô vẽ bản thân thành đại nhân vật xoay vần vũ trụ, không khiến công chúng mảy may xúc động (dù họ vẫn đang làm rất nhiều và làm liên tục).
Những ngày này, có một số ý kiến cật vấn rằng dẫu sao cũng chỉ là đá bóng, có cần phải vui sướng đến thế khi cuộc sống còn bao điều rối ren. Đúng là có thể mấy chàng trai trẻ ấy sẽ chẳng trở thành "tấm gương phấn đấu trong quá trình hoạt động" của ai. Nhưng chính tính chất đơn giản trong câu chuyện của những cậu bé ấy là điều khiến công chúng yêu mến. Xã hội chúng ta thiếu những câu chuyện truyền cảm hứng chất phác như thế, trong khi lại đang thừa những "tấm gương" tự đánh trống thổi kèn.
Hồng Phúc - VNE
________________________________

No comments:

Post a Comment