Monday, May 6, 2019

“Ăn chay” bất đắc dĩ

Tạ Phong Tần 

Thập niên 70 (sau 1975) những gia đình sống ở nơi nửa quê nửa chợ như gia đình tôi rơi vào cảnh “khốn nạn hơn cả chữ khốn nạn”. Khi hợp tác xã phân phối hàng hóa hay quyền lợi gì đó cho dân nông thôn thì chúng tôi bị xếp vào loại “thành thị”, dù không có kinh tế tiểu thủ công nghiệp, buôn bán như dân Sài Gòn.

Khi có quyền lợi gì đó cho dân thành thị (thí dụ như phát bánh mì, bột mì) thì chúng tôi lại bị liệt vô “vùng nông thôn”, dù chẳng có cục đất nào để “mần guộng”, cũng không có vườn cây ao cá.
Sau nhà tôi có miếng đất nhỏ đủ để nuôi bầy gà, con heo, trồng vài chục gốc bạc hà, và để đám con nít tụi tôi trưa hè kéo nhau ra đó chơi nhà chòi dưới bóng mấy cây gòn cổ thụ. Vì vậy, cả xóm tôi hầu như nhà nào cũng bị buộc phải ăn chay bất đắc dĩ.

Mắm là loại thức ăn dự trữ của dân miền Nam. Vào mùa tát đìa, khi biển trúng luồng cá, không ăn tươi hết thì người ta đem làm mắm để dành ăn dần lúc không có cá. Tôi không hiểu tại sao miền Tây Nam-Bộ nổi tiếng “trên tôm dưới cá”, bờ biển dài ngút ngàn, mà đùng một cái cá tôm đi đàng nào hết sạch, dân đói không có cá ăn.

Quê tôi cá sặc, cá mồng gà, cá biển vụn người ta làm mắm để nấu rã thịt cá ra lấy nước ăn bún nước lèo. Cá ngon như lóc, rô, trê vàng, thu… mới làm mắm ăn sống. Sau 1975, mắm cá sặc, mồng gà, mắm cá biển vụn cũng không có ăn; lâu lâu mua được chén mắm mồng gà ăn sống coi như bữa đó “ăn sang”.

Mỗi tháng, hợp tác xã bán cho mỗi gia đình một gói bột nêm (150 gram); thành phần đường, bột ngọt, tiêu, tỏi, bột tôm chiếm đâu chừng 2%, còn lại toàn muối nghiền sấy khô. Mẹ tôi dùng nó để ướp đồ kho. Hoặc mỗi lần ăn cơm thì bới tô cơm ra, chan nước lạnh vô rồi rắc bột nêm đó vô ăn cơm.

Nước mắm chỉ là nước muối có màu, và lợ lợ vị ngọt kỳ quặc của cam thảo (không phải cá, không phải đường, bột ngọt). Cam thảo là một loại thuốc Nam có tính hàn, vị ngọt, giá bán rất rẻ; người ta dùng ướp vô kẹo ô mai bán cho con nít. Nói vậy chớ thứ nước mắm đó cũng là “đồ quý”, để dành chấm rau luộc ăn cơm, hoặc kho khóm làm thức ăn ăn cơm.

Lâu lâu, mua được nửa ký lô đậu nành coi như có bữa đậu nành kho “thịnh soạn”. Lấy ra vài nắm đậu nành để nguyên hột, ngâm nước cho nở, vo sạch rồi cho vô một chút muối, đường, chút bột ngọt, kho trên lửa liu riu cho gia vị rút hết vô hột đậu nành. Thấy còn nước sệt sệt thì tắt lửa.

Ðậu nành kho mặn mặn, ngọt ngọt, nhai giòn sần sật; vị hơi béo béo của hột đậu ăn với cơm thấy ngon vô cùng. Nửa ký đậu có thể để dành kho ăn được ba, bốn lần mới hết. Mua được trái dừa khô hợp tác xã bán thì đập ra, bào miếng cơm dừa thành sợi (như mứt dừa), cho thêm muối, bột ngọt vô kho mặn, rút kẹo nước lại để dành ăn cơm.

Thời gian đó cả nhà tôi không hề biết đến mùi vị những thức ăn như: tàu hủ chiên, nấm rơm, cá nục, cá lù đù… nên đã “sáng tác” ra những món mới có thể gọi là vô cùng kinh… ngạc cũng phải, mà gọi là kinh dị cũng đúng.

Tôi đi quanh quẩn các bãi cỏ trong xóm hái rau trái mọc hoang, ra ruộng lúa của người ta nhổ rau chóc đem về, nhận vô nồi cháo nấu lỏng bỏng toàn nước để cả nhà ăn độn.

Mắm ba khía là loại rẻ tiền nhưng nhà tôi cũng không có tiền mua ba khía. Em tôi đi bắt cua đồng về cho cha tôi ướp muối làm mắm cua đồng. Con ba khía thịt nhiều, xương mỏng. Còn cua đồng thịt ít, xương cứng. Ðược mỗi ưu thế thịt cua đồng ngọt hơn, nước muối cua đồng cũng ngọt, nên lấy nước muối cua thay nước mắm nấu các món kho.

Trời rớt hột mưa xuống, mấy đứa nhỏ nhà tôi túa ra đường bắt cóc, nhái, cá bẩy trầu, cá lòng tong… đem về làm sạch rang muối ớt để dành ăn cơm.

Ngày nào tôi cũng xuống sông lặn hụp – vừa là chơi vừa là để kiếm bắt còng gió, con chôm chép, cá thòi thòi trên bãi sình của sông khi nước ròng, đem về rang muối ớt. Bây giờ ai mà thèm ăn những thứ này, nhưng lúc đó có vài con còng gió nhỏ xíu bằng đầu ngón tay rang muối ớt ăn cơm thì nó ngon làm sao đâu.

Hôm nào kẹt quá lấy muối hột đâm với trái ớt rồi nặn nước chanh vô cũng trở thành thức ăn để ăn cơm. Không có sẵn chanh tươi, ớt thì lấy miếng chanh muối làm thức ăn ăn cơm. Tôi cũng chưa từng nhìn thấy hột mè nó ra làm sao, chỉ biết mè là thứ để ăn qua sách vở mà thôi.

Khi tôi lớn lớn một chút, lâu lâu có được 50 xu liền chạy ra chợ mua mắm ruốc. Người bán đựng mắm ruốc trong cái thau nhựa lớn, trên mặt thau mắm rắc ớt hiểm xắt miếng. Có khách mua, bà chủ lấy cái muỗng gang lớn múc một miếng mắm ruốc trét lên miếng lá chuối được cắt sẵn, gói lại đưa cho khách. Tôi đem gói mắm về bỏ vô chén, bằm thêm ớt hiểm trộn vô, tới bữa cơm bưng ra. Cả nhà ngồi bu quanh chén mắm ruốc, lấy đôi đũa quẹt quẹt từng chút một trong chén mắm ruốc rồi quẹt đũa vô cơm, sau đó và cơm ăn.

Rau muống đem muối chua ăn cơm cũng thấy ngon. Cọng sen non nham nhám muối chua ăn cơm cũng thấy ngon. Cọng bông súng đem muối chua mặn để ăn cơm cho đỡ hao cũng thấy ngon. Cải ngọt già khú cắt ra đem muối chua ăn cũng thấy ngon… Thậm chí lá mơ lông tím (loại ngoài Bắc dùng ăn thịt chó nướng) muối chua mặn ăn cơm cũng thấy ngon. Nói chung cái gì ăn vô không chết đều thấy ngon.

Tôi không biết ngoài Bắc kêu cây gòn là cây gì và có cây gòn hay không, chớ trong Nam có thứ cây cao bự thân gỗ mềm nhẹ tên là gòn.

Cây gòn có mủ màu trắng, vàng hoặc nâu, trong trong, tới mùa hè người ta hái mủ gòn phơi khô để dành ngâm chung với hột é uống giải khát. Lá gòn phơi khô xay nhuyễn ra làm nhang (hương), gỗ gòn để đóng bàn ghế loại rẻ tiền, làm củi đốt.

Gòn có bông màu trắng bóng như ngọc trai, trái giống như trái mướp (không có sọc). Xứ tôi trồng gòn làm hàng rào, lấy gỗ, lấy mủ, trái gòn già lấy bông dồn gối nằm hoặc bán cho nhà quàn dùng lót vô hòm người chết khi khâm liệm. Nhưng sau năm 1975 thì dân quê không có món gì ăn cho đỡ buồn miệng, họ bèn “phát minh” ra trái gòn non có thể ăn được.

Người ta lựa hái trái còn xanh mướt, lớn cỡ trái khổ qua là vừa, đem gọt bỏ lớp vỏ xanh rồi xắt khoanh mỏng chấm nước mắm đường dầm ớt, ăn như ăn xoài tượng xanh vậy. Khác ở chỗ ruột gòn có màu trắng phau, mềm, vị ngọt nhẹ.

Người miền Nam cũng không lạ với cơm mẻ, vị chua dịu và thơm đặc trưng, thường được làm từ cơm nguội. Cơm mẻ dùng nấu canh chua gọi là “truyền thống”. Cơm mẻ tán mịn trộn sả ớt bằm nhuyễn, thêm chút muối, đường, bột ngọt để chấm trái bần, trái nhàu (gọt miếng mỏng), ốc lác luộc, ốc đắng ăn với cơm cũng là “sáng tác mới” sau năm 1975.

Túm lại là kiếm được bất cứ thứ gì ăn không chết đều đem kho lại, ướp muối lại để dành ăn cơm. Có cái gì đó mặn mặn đưa cơm là được, mỗi bữa có ba bốn chén cơm ăn no bụng, không phải ăn độn rau muống là quý lắm rồi. Âu đó cũng là “Ơn đảng, ơn bác, ơn chính phủ, ơn nhà nước” ban bố cho dân ta vậy.

TPTbaotreonline
_______________________

No comments:

Post a Comment