Tuesday, May 21, 2024

XỨ HUẾ VÀ TÔI

Mấy ngày nay nghe tin nhiều về Huế. Nước dâng lai láng khắp nơi. Nó làm người ta nhớ đến trận lụt kinh hoàng năm 1999, vốn nhấn chìm cả kinh thành trong biển nước. Theo nhiều nhận định thì năm nay mực nước trên sông Hương không cao bằng trận lụt cũ, nhưng các sông Bồ, Ô Lâu, hay An Cựu thì cao hơn. 

Năm Giáp Thìn 1964, miền Trung  cũng đã từng có một trận hồng thủy kinh hoàng như thế. Những thước phim cũ còn sót lại cho thấy phần nào sự kinh hoàng của thần nước. Dĩ nhiên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội, youtuber, thông tin liên lạc, iphone ... không hiện đại như bây chừ nên những cảnh tang thương không tràn ngập để thu hút sự quan tâm của mọi người. Mấy người già xứ Huế kể lại, trận bão năm ấy giết hàng trăm mạng người. Trâu bò, súc vật, chó mèo ... chết la liệt. 

Với tôi, Huế là nguồn cội, là nỗi nhớ khôn ngơi. Bà ngoại tôi là dòng hoàng tộc. Là nhánh của Tuy Lý Vương Miên Trinh, hoàng tử thứ 11 của Thánh Tổ Minh Mạng, với bà Tiệp Dư Lê Thị Ái. Về vai vế thì bà tôi hơn vua Bảo Đại một bậc. Tức Vĩnh Thụy phải gọi bà bằng cô. 

Chắc nhiều người biết, vua Minh Mạng chọn tên dòng họ mình theo bài phả hệ:

MIÊN HƯỜNG ƯNG BỬU VĨNH

BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG

HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT

THẾ THOẠI QUỐC GIA XƯƠNG

Đến chữ Vĩnh là Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) thì nhà Nguyễn đứt. 

Bên Nữ, hàng đầu là công chúa. Sau đó là đến tước hiệu Công Nữ, Công Tôn Nữ, Công Tằng Tôn Nữ. Các thế hệ sau chỉ được gọi là Tôn Nữ. Bà tôi nếu theo thứ tự này thì đứng hàng 4 kể từ bậc công chúa. Trong khi ông Bảo Đại đứng hàng 5 (VĨNH). Bà là Công Tằng Tôn Nữ thị Kiệu. 

Dây mơ rễ má thế để biết rằng trong con người tôi cũng có chút máu ...hoàng gia. Chỉ tiếc là bà tôi có hai đời chồng, chồng 2 là con cháu của 1 quan võ. Me tôi lại là con đầu của dòng 2 nên hết là ... Tôn Nữ vì mang họ cha (không thuộc hoàng phái). Nên máu tôi dòng máu vương triều bị lạt mất thêm chút nữa. Có chăng chỉ còn là nhóm máu ... O. 

Mặc dù thế, tôi vẫn cho mình là con cháu đất Cố Đô. Tôi thần tượng bà ngoại vì giỏi giang nữ công gia chánh, tiếng Pháp nói nhanh như gió. Gần 30 trước, bà thăm tôi khi đã gần tuổi 70, vậy mà kể chuyện ngày xưa học trường Đồng Khánh (trường nữ sinh Đồng Khánh), kỉ niệm với mấy cô giáo thế nào, bà thỉnh thoảng buông vài câu tiếng Lang Sa, mà âm điệu không khác chi dân Paris chính hiệu. Tôi học tiếng Pháp về sau cũng là vì muốn theo chân bà. 

Năm lớp 7, lên học tiếng Anh nhà ông thầy trong làng, tôi biết đến Huế qua những bài báo xưa. Biết đến biến cố thảm sát Mậu Thân 1968 với cái chết của linh mục Bửu Đồng. 6800 người bị cộng sản giết rồi chôn trong những ngôi mộ tập thể. 

Trong suy nghĩ, với tôi Huế là cái ... nhà xác khổng lồ. Là kỷ niệm về bà tôi với nỗi nhọc nhằn oàn gánh nuôi con vì chọn nhầm người phối ngẫu. Là tiếng khóc nỉ non của những oan hồn chết tức tưởi ở Đập Đá. Là những con đò nghèo nàn dập dềnh trên bờ sông Hương với những cô gái làng chơi lấy thân kiếm tiền từ khách phương xa như phóng sự báo chí trên báo Đời của ông Chu Tử tháng 7 năm 1973. 

Rồi tôi về với Huế. Mấy anh em từ Nauy về, chúng tôi từ Đà Nẵng băng đèo Hải Vân đến xứ Thùy Dương. Chẳng hiểu sao tôi không thích Huế. Xứ chi mà nóng và nhỏ bé đến chi lạ. Nhà lụp xụp nghèo nàn, đường xá bụi mù oi bức. 

Chúng tôi đi nhiều nơi. Huế thay đổi nhiều quá. Nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế qua hình ảnh trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được xây dựng những năm cuối 1950s, đầu 1960s giữa những cánh đồng ruộng xanh mướt, giờ thì toàn nhà là nhà, bê tông cốt thép. Huế đã đô thị hóa. Huế không còn là kinh thành xưa cũ với những cụm dân cư nhà gỗ với những trang trí hoa văn mà nhà vườn tĩnh lặng. 

Còn chăng, chỉ là chút dư hương với món bún bò bán 2000 một tô ở sân trường Đại Học Huế của ông linh mục Cao văn Luận làm viện trưởng đầu tiên thời cụ Diệm mới về chấp chánh, hay từ những O hàng rong ở Đan Viện Thiên An. Hay những tô cơm hến thơm mùi ruốc Huế. Phải nói không nơi nào bún bò và cơm hến có mùi đúng vị như Huế. 

Ấn tượng với tôi nhất là Chùa Thiên Mụ. Chiều xuống, nhìn từ sân chùa ra bờ sông Hương, gió mát thổi bay mái tóc ngắn, và sự tĩnh lặng ở cửa thiền môn làm tôi cảm thấy thương Huế. 

Trong tâm tưởng tôi lúc ấy, Huế là nỗi nhớ nhung qua bài hát của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: 

Hoàng hôn lá reo bên thềm. Hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh. Bâng khuâng phím loan vương tình ... (Tiếng Xưa)

Là sự trầm mặc trong nỗi xót xa qua tiếng hát cô Hoàng Oanh:

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Mà mưa rơi vẫn rơi rơi hoài

Cho lòng nhớ ai ...

(Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương)

Là niềm đau của cuộc tình tan vỡ trong tuyệt vọng  qua trang sách của nhà văn Lệ Hằng, Tóc Mây, được in ở Sài Gòn trước 1975. Lòng lại liên tưởng đến bài thơ Người Con Gái ở Lầu Hoa của Nguyễn Bính: 

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng

Trên xóm mai vàng dưới đế kinh

Có một buổi chiều qua lối ấy

Tôi về dệt mãi mộng ba sinh. 

Phải nói, tình yêu Huế đến với tôi muộn màng, nhưng thâm trầm và sâu lắng. Phải đến khi rời Huế, tôi mới biết đến cảm giác nhớ nhung đến thành phố nhỏ bé này. 

Mấy bữa ni nghe tin Huế lại lụt, lòng tôi đứng ngồi không yên. Nhớ và thương Huế thật nhiều. Cứ nghe đi nghe lại Hương Lan ca bài Xứ Huế Bây Giờ (Lê Minh Bằng):

Xứ Huế bây chừ, trùng dương ngăn đôi

Một người bước đi sầu thương khôn nguôi

Một người thương nhớ trong muôn nỗi ngậm ngùi

Lạnh lùng đôi lứa trọn một đời

Có buồn không thành Huế ơi?

Răng mà cực rứa Huế ơi? 

Mưa trên phố Huế, hay là đang mưa trong lòng tôi rứa hề?

Hao Duc Nguyen 

__________________

No comments:

Post a Comment