Tuesday, May 28, 2024

"Giải cứu binh nhì Ryan"

Trương Hữu Hiền


Cuối tuần rồi tôi lại được xem phim Saving Private Ryan chiếu trên kênh HBO. Cuốn phim do tài tử Tom Hanks đóng vai chính mà tôi đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần. Vậy đó mà lần nào xem lại cảm xúc của mình cũng bị cuốn hút theo nội dung từ đầu đến khi dứt phim. Dù từng chi tiết nhỏ, từng đoạn gay cấn hầu như thuộc làu cả.

Saving Private Ryan là một trong những cuốn phim về chiến tranh xuất sắc nhất mọi thời đại. Phim đã giành được 5 giải Oscar, trong đó có giải đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim được ghi nhận là đã truyền cảm hứng cho nhiều phim chiến tranh tiếp theo sau đó.

Phim lấy bối cảnh trong Chiến tranh thế giới thứ hai của đạo diễn Steven Spielberg. Nội dung dựa theo một câu chuyện có thật. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đại úy John H. Miller (vai do Tom Hanks đóng) dẫn đầu toán biệt kích cố gắng tìm một người lính tên là James Francis Ryan, anh thuộc đội quân nhảy dù đang bị kẹt trong vùng địch chiếm đóng. Lý do họ phải cứu Ryan cho bằng được bởi vì gia đình anh có bốn anh em đều đi lính mà ba người anh lớn đã hy sinh. Ryan là con út, đứa con còn lại duy nhất của gia đình. Trong hoàn cảnh đó, cấp lãnh đạo Hoa Kỳ đã đưa ra mệnh lệnh phải cứu lấy Ryan về cho mẹ anh với bất cứ giá nào. Cuối phim, sau trận giao chiến khốc liệt thì toán biệt kích hoàn thành nhiệm vụ, nhưng họ chịu tổn thất lớn trong đó có sự hy sinh của đại úy Miller. Sau khi chiến tranh kết thúc, mỗi khi đến Memorial Day (Ngày lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ), Ryan đều ra nghĩa trang để đặt vòng hoa lên mộ vị sĩ quan tài ba đã cứu mạng mình.

Phim được người xem tán thưởng vì được dàn dựng quá sức công phu, đặc biệt ở đoạn diễn cảnh lính đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie. Cảnh quân Đức trú phòng xả súng xuống bãi biển, lính đổ bộ xung phong lên, những thây người ngã xuống, hết lớp này đến lớp khác. Cảnh tượng quá khủng khiếp. Diễn xuất của dàn tài tử trong phim, từ vai chính đến vai phụ đều quá xuất sắc. Một cuốn phim chiến tranh kinh điển đáng xem.

Nhưng bên cạnh giá trị nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh từng đoạt 5 giải Oscar, thì giá trị của Saving Private Ryan còn nằm ở thông điệp đạo đức mà nó muốn gửi đến cho chúng ta. Saving Private Ryan nói lên tính nhân bản trong một thể chế dân chủ, sự quan tâm của xã hội đến từng cá nhân, từng đơn vị gia đình trong mọi hoàn cảnh. Một xã hội lấy con người làm gốc, làm cứu cánh. Ryan cần phải sống sót để trở về với gia đình, trái tim của một người Mẹ cần phải được bảo vệ cho bớt đi khổ đau.

Tôi đã xem đi xem lại cuốn phim này biết bao lần. Nhưng cứ đến phân cảnh khi mẹ của Ryan thấy một chiếc xe dừng lại trước nhà mình, vài sĩ quan nghiêm trang bước xuống, bà ta đã biết điều gì lại đến với mình. Bà lặng người ngồi xuống thềm nhà. Bà chờ đợi với niềm hy vọng mong manh là các ông ấy không phải đến để đưa tin thêm một đứa con của mình không bao giờ trở về với nữa. Mỗi lần đến phân cảnh này tôi không thể chịu đựng được nên vội quay mặt tránh đi. Tôi không dám nhìn thẳng vào nỗi đau tột cùng của một người mẹ trong hoàn cảnh bi thảm ấy. Chiến tranh mang đến chết chóc, thương tật cho những người lính tham chiến đã đành. Nhưng người thân, người vợ, người mẹ của họ còn phải chịu thiệt thòi đau đớn nhiều hơn nữa. Vì họ vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân mang nỗi đau kéo dài biết bao giờ mới nguôi ngoai.

Phim ảnh là một cuốn tiểu thuyết rút gọn nên có nội dung đa phần hư cấu. Mặc dù vậy, chúng vẫn phản ảnh được cái căn bản tinh thần của một quốc gia nằm trong bối cảnh. Như Saving Private Ryan cho ta biết được giá trị của đất nước Hoa Kỳ nằm trong tinh thần nhân bản. Một thứ tinh thần cao thượng, bao gồm sự tôn trọng giá trị con người, quyền con người và đề cao lòng cảm thông nhân ái.

Ngoài Thế chiến 1 và 2, Hoa kỳ còn tham gia một cuộc chiến tranh đẫm máu khác trong lịch sử của mình. Nội chiến Nam Bắc (1861-1865). Cuộc chiến với khoảng 750.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng và một số lượng dân sự thương vong không xác định được. Một cuộc chiến diễn ra chỉ để giải quyết mâu thuẫn tranh cãi trong hiến pháp Hoa kỳ, đó là vấn đề người nô lệ da đen và xác quyết tuyên ngôn tự do “Mọi người sinh ra đều bình đẳng (all men are created equal).

Chiến tranh Nam Bắc của Mỹ thường được nhắc đến qua những trận chiến cân sức và đẫm máu giữa hai vị tướng Robert E. Lee của miền Nam và Ulysses S. Grant của miền Bắc. Tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant. Nhưng gần cuối cuộc chiến, vì quân miền Bắc với ngân sách dồi dào hơn và lực lượng áp đảo nhờ chiêu mộ từ những người nô lệ da đen vừa được giải phóng, cuối cùng tướng Lee phải chấp nhận đầu hàng.

Có một giai thoại nỗi tiếng. Khi đến ngày hẹn, trong căn phòng diễn ra kễ ký kết đầu hàng hai vị tướng bên Nam bên Bắc cứ ngồi hàn huyên thân mật về những kỷ niệm quân ngũ. Câu chuyện kéo dài đến nỗi tướng Lee sốt ruột, ông chủ động đề cập đến “mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng”. Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó có những nội dung:

1. Những người lính miền Nam không bị coi là phản quốc và không phải ở tù.

2. Chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ.

3. Lính miền Nam được mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào mùa xuân.

4. Và họ được quyền giữ khí giới cá nhân để giúp họ bảo vệ gia đình.

Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta.”

Khi tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc định bắn đại pháo ăn mừng. Tướng Grant ra lệnh ngừng ngay lập tức. Ông nói với các sĩ quan dưới quyền: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng hai bên không còn là kẻ thù, và cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam. Chiến tranh là để giải quyết những mâu thuẫn tồn tại chớ không phải với mục đích giết hại và đày đọa con người…

Cách đây khá lâu tôi có nhận được tấm hình của vị giáo sư người Pháp từng giảng dạy trường mình những năm đầu thập niên 70. Thầy cũng là một nhà báo. Tấm hình được chụp trên đường Độc Lập, Đà Nẵng lúc 8 giờ sáng chủ nhật 28/1/1973, một ngày sau khi ký hiệp định Paris. Trong tấm hình là cảnh mọi người đứng yên khi nghe tiếng còi hụ và bài hát quốc ca báo hiệu thời điểm ngưng tiếng súng trên toàn lãnh thổ Việt nam vang lên. Một bầu không khí trang nghiêm, ánh lên nét vui mừng trên những khuôn mặt hiện diện. Chắc chắn họ đang nghĩ đến viễn cảnh hòa bình đang thực sự về với đất nước. Một thời điểm lịch sử đầy lạc quan. Nhưng rồi thì không phải vậy! Chiến tranh vẫn tiếp tục với mức độ ngày một tàn khốc hơn. Máu vẫn đổ và người vẫn chết. Cho đến cái ngày lịch sử sang trang 30 tháng tư năm 1975. Những ngày, những năm tháng sau đó thì như chúng ta đã biết, không cần phải nhắc lại…

Nghĩ về điều bộ phim chiến tranh Saving Private Ryan muốn nói lên và cách giải quyết khi kết cuộc nội chiến Nam Bắc của người Mỹ, ta lại chua xót vì những gì đã diễn ra sau ngày 30 tháng 4, 1975 của nước mình. Tiếc cho một thời điểm mà lẽ ra là phải hàn gắn đau thương, phải xoa dịu những mất mát. Cơ hội vươn lên của một dân tộc sau một thời gian dài chìm đắm trong chiến tranh bị lỡ mất. Tinh thần đoàn kết, cái nguyên khí cần có của một dân tộc đã bị xoáy mòn. Để rồi chúng ta luôn ở thế yếu mà mất biết bao nhiêu đất liền, biển đảo vào tay “người anh em phía bắc môi hở răng lạnh”. Lịch sử chằng bao giờ có chữ nếu để tự sửa đổi. Và chỉ có chính chúng ta mới làm nên tương lai lịch sử cho mình.

Boston, Memorial Day 2024
Trương Hữu Hiền

__________________

No comments:

Post a Comment