Tuesday, August 21, 2012

THIÊN HẠ SỰ 4

>


Author: Đinh Tấn Khương

Chuyện xảy ra cách nay chừng vài năm,  một nữ dân biểu Liên Bang Úc, một chính trị gia rất “nổi” trong đảng Lao Động đang cầm quyền, và cũng là phu nhân của một vị dân biểu có quyền lực “sanh sát”, thuộc đảng Lao động  tiểu bang NSW. Nói rằng, ông ta có quyền lực “sanh sát”, bởi vì ông là người có quyền quyết định ai sẽ được đảng đưa ra ứng cử, ai sẽ là người lãnh đạo và ai sẽ là người tham gia nội các của chính phủ Lao Động đang nắm quyền, bởi ông qui tụ quanh mình được nhiều “đảng cớm” (điều nầy vẫn được xem như giữ đúng nguyên tắc dân chủ)

Vào một buổi tối cuối tuần, hai vợ chồng có thế lực nầy  đã mời  vài người bạn,  đến dùng bữa ăn tối tại  một nhà hàng nổi tiếng trong đơn vị bầu cử của mình.Vì là cuối tuần cho nên thực khách đến dự khá đông.
Đúng theo thông lệ thì cần phải gọi điện thoại giữ chỗ  trước, nhưng vì không giữ chỗ trước cho nên hai vị dân biểu nầy đã “bị” yêu cầu sắp hàng chờ đợi, như bao người khác. Quá nóng lòng, bà dân biểu đã  hỏi một nhân viên phục vụ rằng, liệu có thể sắp xếp một bàn “ưu tiên” hay không. Dĩ nhiên là nhân viên  phục vụ nầy không giải quyết được, bởi vì ở những quốc gia văn minh dân chủ,  ai đến trước thì được phục vụ trước ( văn hóa xếp hàng).

Tỏ vẻ bực dọc vì không được giải quyết ưu tiên cho nên bà dân biểu nầy đã yêu cầu được gặp người quản lý nhà hàng. Người quản lý được gọi ra và nhận biết  ngay các vị nầy là ai,  nhưng ông vẫn phải giải quyết  theo  đúng  nguyên tắc “văn hóa xếp hàng”,  từ chối yêu cầu “nhảy rào” .

Có thể cảm thấy bị mất mặt trước những người bạn đi cùng, cho nên  bà ta đã  nổi cáu và hỏi lớn :
-         Ông có nhận ra chúng tôi là ai không?
Người quản lý nhà hàng vẫn giữ thái độ ôn tồn và đáp rằng:
-         Thưa bà, chúng tôi biết rõ ông bà là ai nhưng chúng tôi không thể làm gì khác hơn, mong ông bà thông cảm và hãy  kiên nhẫn chờ đợi đến phiên mình được phục vụ.
Thế là bà dân biểu nổi giận, kéo cả đám  rời khỏi nhà hàng  mà không quên kèm theo lời hăm dọa, sẽ đóng cửa nhà hàng nầy.
Sự việc được giới truyền thông mang ra ánh sáng. Kết quả, quyền lực của hai vị nầy  trong nội bộ đảng Lao Động  bị giảm sút rõ rệt và rồi mất hết, tương lai chính trị của họ đã bị mai một chỉ vì một “sự cố”rất  nhỏ nhoi !!!

****

Rồi thêm một câu chuyện khác cũng vừa mới xảy ra cách nay vài tuần, câu chuyện nầy cũng lại có liên hệ đến các vị đại diện dân, có nhiều quyền lưc trong nội bộ đảng Lao Động và trong chính quyền Liên Bang Úc  hiện nay.
Tổng trưởng Lao Động đương thời trong chính quyền Liên Bang, ông Bill Shorten, được xem là “lãnh tụ tương lai” của đảng này, nghĩa là một người đang có nhiều quyền lực trong đảng.

Ông Bill Shorten xuất thân là một lãnh tụ nghiệp đoàn và được đánh giá sẽ là người kế nghiệp bà Thủ Tướng đương nhiệm, Julia Gillard. Ông Shorten là người đã hạ bệ Thủ Tướng  Kevin Rudd bằng một  cuộc vận động trong nội bộ đảng Lao Động,  thực hiện cuộc  “đảo chánh” để đưa bà Gillard lên thay thế cách nay hai năm.
Theo những cuộc thăm dò mới đây thì uy tín của bà Thủ Tướng đương thời cũng như của đảng Lao Động đang nắm quyền đã và đang xuống thấp đến mức thảm não. Người dân và giới truyền thông đang đánh giá bà Thủ Tướng nầy không có khả năng lãnh đạo vì quá “mềm” (ý nói những quyết định của bà ta đều là do những quyết định bởi người bên trong  hậu trường)
Phải chăng vì thế mà mà ông Shorten đã bị “nạn”  chỉ vì câu chuyện có liên hệ đến một cái cái “bánh pie mềm”!?
Chuyện là như thế nầy:

Tối thứ Năm vừa qua, nhằm ngày 02 tháng 8 năm 2012, ông Shorten đã ghé vào một tiệm tạp hóa để mua bánh pie cho đứa con của ông ăn, trên đường đưa con ông tới sân tập đá bóng.
Xem TV nhiều lần cho nên biết ông khách là ai, bà chủ tiệm người Úc gốc Hoa đã vui vẻ bàn chuyện chính trị nhằm “vuốt” ông khách nầy. Tuy nhiên, trục trặc lại xảy ra khi bánh pie nóng đã hết, chỉ còn bánh nguội mà thôi. Bà chủ nầy đề nghị hâm lại bằng microwave nhưng cũng thú nhận rằng, "làm như vậy thì bánh sẽ mềm". Sau lời thú nhận đó thì bà lại “nịnh” thêm: “Tôi thích Julia Gillard”.
Thế nhưng chiêu "nịnh" nầy đã thất bại và có phản ứng ngược, vì đã khiến cho ông Shorten tưởng lầm rằng bà đã ví cái bánh pie là “mềm như Julia Gillard”.

Bà đã cáo buộc rằng, ông Shorten đã nổi nóng văng tục, “F*** off” rồi đùng đùng bỏ đi.Theo tường thuật của bà trên một đài phát thanh địa phương thì sau đó “ông khách” quay lại và dọa là sẽ cho đóng cửa tiệm tạp hóa của bà.
Chồng bà thì “tố khổ” rằng, chuyện này đã làm cho bà vợ của ông lo sợ, nằm khóc cả đêm vì biết ông Shorten là nhân vật đầy quyền lực, cho nên một khi ông ta hăm dọa thì chắc chắn sẽ hết đường làm ăn!
Chuyện nổ ra và được giới truyền thông khai thác rộng rãi, cho nên vài hôm sau ông  Shorten cũng đã “xuống nước” xin lỗi, cho rằng đã hiểu lầm việc bà ví cái bánh “ mềm giống như Thủ Tướng Úc". Tuy vậy, ông Shorten kiên quyết bác bỏ cáo buộc rằng ông đã chửi  thề.

Trong khi đó thì hình ảnh trên máy quay phim giám thị cho thấy hình ảnh ông Shorten đùng đùng bỏ đi và đùng đùng quay trở lại, có nói gì đó, nhưng đoạn băng nầy không có âm thanh cho nên chẳng ai hiểu ông ta nói những gì lúc ấy!?
Dĩ nhiên là các chính khách đối lập đã không bỏ qua. Vị Thủ Hiến Victoria đã thừa cơ tấn công ông Shorten: “Nếu hắn ta muốn chứng minh cho người Úc thấy rằng hắn là con người của tương lai, có lẽ hắn ta nên bắt đầu mở một cửa tiệm bán bánh pie”

Qua hai câu chuyện trên đã cho thấy, ở những  quốc gia tự do dân chủ thật sự,  thì giới truyền thông đã đóng một vai trò rất quan trọng, giúp cải thiện cách hành xử thiếu sót cũng như những sai trái trong hàng ngũ những người lãnh đạo.
Quý hóa thay!!!??

Cuối Đông 2012

Đinh Tấn Khương
___________________________________________________

No comments:

Post a Comment