Sunday, March 6, 2016

Nhìn Lại

Tuyết Vân

 

Tháng Tư 75 hai chị em tôi đang ở Huế. Trước đó tôi còn làm việc với một số bạn bè ở Văn Khoa để giúp dân Quảng Trị đang ồ ạt di cư vào Huế. Tôi và một cô bạn, Kim Thông, đi tìm gia đình cô. Tôi phân phác đồ cho gia đình cô nhiều hơn. Kim Thông mừng lắm. Nhưng rồi người Huế bắt đầu di cư vào Đà Nẵng. Chị em tôi ngu
ngơ không hiểu được sự nguy hiểm của tình hình đất nước lúc bấy giờ, nên vẫn còn ở lại Huế đến một tuần nữa. Chị tôi lúc đó đang học ở trường Cán Sự Y Tế. Có nhiều sinh viên cũng từ xa đến Huế học và họ cũng nằm trong tình trạng chung là không biết đi đâu vì thật ra thì trường vẫn chưa đóng cửa. Cuối cùng, anh Nguyễn Đoàn, một sinh viên y khoa, đã tổ chức đưa những sinh viên này vào Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng được vài ngày thì một người bạn, Nguyễn Đình Quãng, đến nói với tôi là có chuyến tàu sẽ đi vào Cam Ranh tối nay. Đêm đó, tôi lên tàu đi và chị Mai tôi thì ở lại Đà Nẵng. Cũng có tin là trường chị sẽ hoạt động trở lại hoặc sẽ đưa vào Sài Gòn. Hồi đó, hình như ở Việt Nam chỉ có hai trường Cán Sự Y Tế, một là ở Sài Gòn, một ở Huế, nên nghe cũng đáng tin lắm. 

Khi vào tới Cam Ranh được biết tình hình thêm tệ hơn. Có nghe nói miền Nam sẽ bị cắt ở đèo Cả. Ai cũng nghĩ rằng Cam Ranh là vững, không thể nào mất Cam Ranh được. Tôi về Nha Trang vì có bác tôi ở đó. Tôi gặp em trai tôi, Đức. Đức cho biết là ba má tôi quyết định ở lại vì sợ rằng tôi còn kẹt ở Đà Nẵng. Ngày đưa em tôi đi ba tôi ưá nước mắt. Cứ nghĩ đi vầy là vĩnh biệt. Cảm giác của tôi lúc đó vừa buồn, vừa hoang mang. Không nghĩ là mình đang chứng kiến một hiện thực rất phũ phàng và đau lòng cho đất nước và cho cá nhân gia đình.

Hai ngày sau, 30 Tháng Tư, miền Nam mất. Chị em tôi về quê, rồi gặp lại ba má tôi và chị Mai tôi. Bốn năm kế tiếp là một quãng thời gian dài với hy vọng và tuyệt vọng để ra đi. Ra đi. Không biết sống chết thế nào nhưng ai cũng muốn đi. Phải đi vì tinh thần bị khống chế đến nghẹn thở.

Gia đình tôi dến Hoa Kỳ vào cuối năm 1980. Vừa đúng để mừng lễ Giáng Sinh. Người anh con ông Bác bảo lảnh và chúng tôi đã định cư ở Indianapolis. Hồi đó, tiểu bang Indiana rất ít nguời Việt. Người bảo trợ khổ công tìm kiếm một gia đình Việt Nam đến thăm chúng tôi.  Đêm Giáng Sinh vô cùng lạnh và tuyết trắng rơi đầy. Trong ngôi giáo đường ấm cúng, nhạc thánh ca và màu đỏ của hoa poinsettia là ấn tượng mà tôi không bao giờ quên.

Trong những tháng kế tiếp, chúng tôi tiếp tục lo thủ tục giấy tờ và tập quen vào đời sống mới. Đời sống mới của người tị nạn như gia đình chúng tôi thì thật là may mắn. Nhà thờ lo cho chúng tôi rất đầy đủ từ đi chợ búa đến ngân hàng đến việc đi thăm viếng những khu vực địa phương. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự tốt bụng của người Mỹ. Họ đã bỏ công của để giúp chúng tôi, những người hoàn toàn xa lạ đến từ bên kia bờ đại dương. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn còn giữ liên lạc được với nhà thờ.

Người Việt mình khi đến Mỹ thì ai cũng muốn được đi học lại. Không bốn năm thì cũng hai năm. Ở Indiana, nếu không đi học thì cũng chẳng quen biết ai; thêm vào đó, có đi học thì mới được tiền học bỗng và kiếm work study. Đó là một lợi tức lớn cho những người Việt trẻ lúc bấy giờ. Tôi thích học lịch sử nhưng biết điều đó không thực tế nên quyết định học data processing. Trong buổi học đầu tiên, sau khi log in vào máy computer và thấy tên mình hiện ra, tôi hỏi một học sinh đang điều quản phòng lab là tại sao cái máy đó biết tên tôi.  Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười nhưng thật ra thế hệ chúng tôi chưa bao giờ được biết đến computer là gì cả.

Đời sống ở Indiana bấy giờ thì trầm lặng và buồn lắm. Có một thời gian tôi ở chung với người em bà con, ngày nào người em này cũng mở nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly,  hay lắm nhưng nghe buồn tê tái chịu không nỗi. Nhạc Trịnh Công Sơn là cả một tuổi trẻ mà tôi đã bỏ lại. Indiana lúc bấy giờ buồn lắm. Tôi không đủ can đảm để gặm nhấm cái buồn xa xứ đó. Khung cảnh mùa đông ngoài trời thì lạnh và xám. Tuyết rơi trắng nhẹ nhàng càng làm lòng mình chùng lại. Cứ mỗi lần cậu em này ra khỏi nhà thì tôi đến tắc nhạc ngay.

Năm 86 tôi được vào công dân Mỹ và đến năm 87 tôi dọn về làm ở Cali. Ba má và chị Mai tôi đã dọn về đây bốn năm trước. Gia đình bốn người sống trong căn apartment một phòng. Thuê apartment không dễ mấy vì người Mỹ chưa tin vào người Việt mình có đủ khả năng để trả tiền thuê hằng tháng đều đặn.  Nhưng phong tục ta có câu, an cư lạc nghiệp, nên hầu như ai cũng lấy chuyện trả tiền nhà hằng tháng là  điều quan trọng.

Thời đó thì hầu như ai cũng nghèo nhưng không ai lại cảm thấy mình nghèo. Cứ được thở cái không khí tự do là đã cảm thấy mình sung sướng rồi. Nghe ai được làm hai jobs thì ước ao lắm chứ không như bây giờ chỉ muốn ngày tám tiếng rồi về nghĩ ngơi. Người Mỹ thường thải ra những quần áo hoặc vật dụng trong nhà không dùng nữa ở một khu tập trung cho Good Will. Chúng tôi thường đến đó để mang về những món đồ còn dùng được từ bàn ghế đến ly dĩa.

Chúng tôi đi shopping ở Good Will xong rồi về nhà phải tự cắt ngắn quần hoặc tay áo cho vừa với kích thước của mình. Thời đó, vậy mà đã mấy chục năm, ai cũng hai bàn tay trắng và cái nhức đầu của đời sống vật chất bon chen thì chưa biết đến. Tôi tự ví von đó là cái thời ngây thơ trong trắng của người di tản buồn.

Khi xưa còn nhỏ đi học, tôi có  bài học thuộc lòng như thế này. Thời giờ như tên bay. Hết đêm lại hết ngày. Hết ngày rồi đến tháng. Năm khác đến năm này. Mười lăm năm đầu tị nạn thời gian đi qua như vậy đó. Đi đâu cũng nghe sao ở Mỹ không có thì giờ. Ai cũng vật vã đi làm để mua vật dung đời sống hằng ngày rồi đến chiếc xe đến căn nhà nhỏ. Đó là chưa kể còn nhiều gia đình còn phải gửi những thùng quà về cho người thân còn lại. Thời gian cứ tiếp tục đi qua không dừng lại cho ai. Và chúng ta cũng cuốn theo cái giòng thời gian ấy mà người ta gọi là định mệnh. Hôn nhân, gia đình và con cái, việc làm rồi thất nghiệp, cho đến một ngày kia cái từ ly thân, ly dị bắt đầu thâm nhập vào những gia đình Viêt Nam. Chúng tôi đã thay đổi nhiều lắm. Cái tự do đã cho chúng tôi những cơ hội và thật ra tốt nhiều hơn là xấu. Một điều nữa đã thay đổi chúng tôi, và tất cả các bạn, đó là sự trưởng thành, hiểu biết, và kinh nghiệm mà cuộc sống đã đem đến.

Từ khi qua Mỹ đến giờ tôi vẫn chưa có dịp về lại Việt Nam. Nói tới Việt Nam thì tôi chỉ còn nhớ đến những người bạn đã chia ngọt xẻ bùi sau năm 75. Khổ lắm. Khổ vì sợ hãi. Khổ vì thiếu thốn và khổ vì những ước mơ đơn giản nhưng sao thấy xa vời quá. Tôi đặc biệt thương những lớp bạn trẻ, tuổi khoảng đôi mươi năm xưa, mầm sống và hy vọng tràn đầy nhưng rồi thế sự thăng trầm, cuộc đời của những người trẻ đó bây giờ đã ra sao? Tôi có liên lạc với Ái, một vài người bạn thân, và cho đến nay vẫn còn giử được sự liên lạc đó. Và đó là Việt Nam còn lại của tôi. Tôi không nhớ đến tuổi học trò thời trung học hay năm học đầu của trường đại học văn khoa nhưng nhớ lắm những ân tình trong bốn năm sống ở Sơn Hà, Quảng Ngãi. Ăn một miếng cơm cháy hay một tô canh rau với bột ngọt thấy ngon quá. Có một đêm đã khuya, người bạn đánh thức tôi dậy vì họ mới nấu một nồi canh rau tập tàng. Rau tập tàng là đủ loại rau nấu với nhau. Nồi canh chỉ có vậy. Chỉ có rau, bột ngọt và một muỗng cà phê mỡ heo. Nhưng ngon lắm. Tôi trân trọng cái kỷ niệm đêm hôm đó và không quên được người bạn năm xưa.

Khi còn ở  Việt Nam, tôi đọc Tuổi Hoa và Văn. Bên Tuổi Hoa tôi còn nhớ có anh Quyên Di phụ trách trang Tuổi Mười Sáu. Hình như là vậy. Năm Tết Mậu Thân 68, một người bạn viết trẻ của Tuổi Hoa tử nạn, anh Quyên Di đã làm một bài thơ khóc bạn rất cảm động. Bài thơ có những câu. Vũ Chinh, Vũ Chinh. Gọi tên Chinh giữa bầu trời còn đầy máu lữa. Và đêm nay hoả châu chắc sẽ rụng nhiều... Anh Quyên Di bây giờ là nhà giáo và tôi thường thấy anh trên đài truyền hình Việt Nam. Đọc Văn tôi mê lắm nhất Trần Hoài Thư và Mường Mán. Trong cái cuộc sống vội vàng ở đây, tôi đôi lần nghĩ đến Mường Mán, không biết nhà văn đó cuộc sống như thế nào. Mường Mán có một bài thơ đăng trên báo Tuổi Ngọc dễ thương vô cùng. Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó. Về đi thôi o nớ đã chiều rồi. Ngó làm chi mây trắng xa xôi. Mắt buồn quá chao ơi là tội. Và một nhà văn trẻ nưã tôi rất ái mộ là Hoàng Ngọc Tuấn. Năm lớp mười hai, tôi đọc hai cuốn sách của ông, Hình Như Là Tình Yêu và Ở Một nơi Ai Cũng Quen Nhau. Văn ông trong sáng, nhẹ nhàng. Tôi có nghe là ông đã qua đời. Thương quá chừng. Tôi cảm tạ ông đã cho tôi hai cuốn sách, câu chuyện viết thì tôi không còn nhớ nưã nhưng cái trong sáng của văn ông thì vẫn còn ấn tượng trong tôi.

Tôi không còn đọc nhiều sách báo nữa nên cũng không biết đến những người viết mới. Nhưng dĩ nhiên ở thời đại nào cũng có nhân tài. Chắc rồi một ngày gần đây tôi cũng phải trở lại cái đam mê đọc sách của mình ngày xưa. Nói đến nhân tài, mới nhớ đến một người đồng nghiệp gốc đông âu, có nói với tôi là cộng đồng Việt Nam chúng ta tiến rất nhanh. Tôi và những người khác hoàn toàn đồng ý với cô. Chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta đã có không biết bao nhiêu là bác sĩ, dược sĩ, thầy giáo, hoặc kỹ sư. Sự cần cù, hướng thượng của những gia đình boat people hoặc HO đã đem đến nước Mỹ một thế hệ cao đẵng hơn. Người Việt Nam đã tỏa sáng trên khắp năm châu. Phở đã trở thành món ăn quen thuộc cho nhiều dân tộc khác. Gần nơi tôi làm có tiệm phở khá thanh lịch, vào giờ ăn trưa, trong khi những khách hàng Á đặc cơm bún, khách ngoại quốc thì đặc phở nhiều hơn. Riêng với tôi, tôi không đánh giá sự phát triễn của cộng đồng trên những dãy phố thương hiệu hay công việc làm. Tôi nhìn thấy sự phát triễn của cộng đồng qua Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, qua những giờ phát tin trên truyền hình, qua những cơ quan từ thiện, và đặc biệt là qua những chương trình gây quỹ cứu trợ nạn nhân thiên tai trong mấy năm qua. Tôi biết cộng đồng mình đã truởng thành và đã sẵn sàng nhập hội vào cộng đồng bạn.

Từ ngày sống ở Mỹ đã hơn ba mươi năm và đang ở cái tuổi cũng nghĩ đến chuyện về hưu, tôi đôi lần tự hỏi, vậy thì cái gì đã "khai mở" tôi. Thật tình mà nói, điều làm cho tôi bình yên nhất là nhận ra được sự chết. Ông trời thật công bình, tất cả chúng ta không ai thoát ra khỏi định luật này. Và chết thì hình như là hết. Tôi đã có nhiều người thân và bạn bè đã ra đi. Nghe bạn mất thì thương tiếc lắm vì tuổi đời còn trẻ. Từ Ngọc Chi, thầy Bài, chị Quang, anh Thọ, Lê Trọng Nghiã, Lâu. Tôi muốn nhắc tên của bạn mình ra đây như là thắp lên một nén hương trân trọng vinh danh cuộc đời của bạn. Tôi đã Khóc thật nhiều khi bác tôi, cậu tôi, và người bảo trợ Mỹ đã ra đi năm nào. Nhưng cứ mỗi lần như vậy thì cái nhận thức về cuộc sống lại càng thấm thía hơn. Năm ba má chồng tôi mất rồi đến ba tôi mất thì tôi thật sự trưởng thành trong cái sinh ly tử biệt là đau buồn. Buồn lắm và nhớ lắm nhưng bên cạnh đó là một sự chấp nhận trước Trời Phật. Tôi cảm thấy rằng nếu con người hiểu được về sự chết thì con người sẽ có thể trở nên bình an hơn. Và tôi hay bắt đầu nhớ lại chuyện nhày xưa. Tự nhiên có hôm đang lái xe thì lại nhớ một gia đình người hàng xóm lúc tôi vẫn còn học mẫu giáo. Ký ức như những lớp bụi mỏng. Một lúc nào đó chỉ cần một chao động nhỏ thì ký ức lại trỗi dậy. Cho tôi lại từ đầu. Chưa đi vội về sau. Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết như vậy từ lâu rồi bây giờ thấy sâu thắm lắm.

Một điều nưã đã khai mở tôi đó là niềm tin vào thuợng đế hay nói nôm na hơn là ông trời. Gia đình tôi không theo một tôn giáo nào, chỉ thờ ông bà, và lớn lên trong tinh thần Phật giáo và Khổng giáo. Càng có tuổi thì tôi lại càng tin vào một đấng thiêng liêng cao hơn cả con người và khoa học. Đó chính là đức Phật, chúa Giê Su, hoặc là đấng tối cao trong tôn giáo của bạn. Đã nhiều lần tôi thấy con người mình nhỏ bé và đời sống mình momg manh lắm. Nếu không có sự an ủi và che chở của bề trên tôi không tin rằng mình có thể tồn tại lâu dài được. Và tôi cũng mừng là chúng ta có nhiều tôn giáo khác nhau. Con người phức tạp, đôi khi tôn giáo này không thích ứng thì ta lại có thể tựa vào một tôn giáo khác. Phải vậy không bạn? Và tôi đã được khai mở. Thời gian có làm già hơn nhưng đẹp hơn. Lòng kiêu hãnh giảm xuống và sự chịu đựng tăng lên. Cả tôi và bạn. Hãy trải lòng mình và trả ơn cho đời trong cái khuôn khổ mà mình làm được. Đó là tâm niệm của tôi. Bốn mươi năm nhìn lại.

Tuyết Vân

___________________________________________ 

No comments:

Post a Comment