Thursday, March 10, 2016

Tâm Phật giữa bão nhân gian ..

Quinhon11

Sáng nay ra vườn thấy hai chậu Sống đời ra hoa khá đẹp, nên đem vô chưng bàn thờ. Nhân tiện lau bụi, thay nước, thắp nhang bàn thờ phật và Ông bà. Chợt nhớ đã lâu rồi, mình không đi chùa, hay đến với những tổ chức tôn giáo nào. Không phải vì mình mất niềm tin ở Phật, ở Chúa. Không! mình nhớ có nhiều khi lo lắng cho con, hay bệnh tình cha mẹ, trong đầu mình luôn tự động hướng về những đấng thiêng liêng này: "..Cầu Trời, Phật cho gia đình con tai qua nạn khỏi" ..

Nhưng thú thật, gần đây qua những gì mắt thấy tai nghe, mình dần mất niềm tin vào những người làm cầu nối với các đấng chí tôn này. Thời nay tôn giáo đã biến thể quá xa?. Hay tại mình lạc hậu? Giữa thế kỷ 21 mà vẫn mơ màng về một khung trời ảo mộng, thuở Hồn bướm mơ tiên. Luôn tin tưởng một cách mặc nhiên, tôn  giáo phải đi liền với thoát tục, khổ hạnh. Hay ít ra cũng không lẫn lộn với chợ đời?. Có lẽ mình đã đòi hỏi quá nhiều chăng?

Gia đình mình đạo phật. Tuy năm tháng ấy còn nhỏ, nhưng trong lòng mình vẫn êm đềm khung cảnh chùa Long Khánh ở Qui nhơn, những năm trước 75. Ngôi chùa trang nghiêm thanh tịnh. Các chú tiểu, đầu để chỏm vắt ngang, áo lam buông nhẹ, cắp sách đến trường, khuôn mặt ngây thơ trong sáng. Những buổi trưa iên lắng bọn trẻ chúng mình rình mò hái trộm trái cây, bị mấy chú chạy ra mắng. Tuy vậy chẳng đứa nào sợ. Bỏ chạy mất dép đấy, nhưng chỉ một lát rồi cũng quay lại phá tiếp. Lúc đó tụi mình đều có suy nghĩ: " người tu hành hiền lương, đã hoặc đang học tập buông bỏ?'"

Mỗi năm ngày lễ tết, tám chị em theo Ba Mẹ lên Tu viện Nguyễn Thiều thăm cảnh chùa, ăn cơm chay. Tu viện có cảnh trí thoát tục, dù nhiều năm đã đi qua, mình vẫn hình dung được con đường đất vòng vèo, buổi sáng có nắng vàng, nhẹ nhàng êm chiếu sáng .. các tịnh thất bằng gỗ nằm rải rác trong khu rừng thưa. Mọi thứ thật tĩnh lặng, êm đềm và trang nghiêm. Những vị Hoà thượng đạo hạnh, mỗi lần gặp khi đi ngang qua dãy hành lang trong chánh điện, Ba Mẹ và chị em mình đều cúi đầu chào Thầy nghiêm chỉnh. Lúc đó mình nghĩ cảnh giới thần tiên chính là đây.. 

Tôn giáo trong ký ức tuổi thơ mình thần thánh là như thế. Ngày nay, mình dị ứng với cảnh tranh chấp, dành giựt, hơn thua, bát nháo ở một số cửa thiền. Thấy thất vọng với việc dùng cửa thiền, như một cơ sở thương mại buôn thần bán thánh, làm giàu bản thân của một số người nhân danh tôn giáo. 
Những thước phim tài liệu, những cuốn sách được xuất bản, đã chỉ rõ ra những ẩn dấu sau tòa thánh, mà vì mặt mũi của giáo hội, những tội lỗi được che đậy, dẫn đến dung túng kẻ có tội. Làm ngơ bỏ mặt những nạn nhân còn bé thơ, chưa biết tự bảo vệ mình.
Gần đây nhất là Đạo Hồi, với những tội ác được nhân danh đấng Allah tối cao, đang gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp nơi trên thế giới....

Tất cả những điều trên có làm mình mất niềm tin vào tôn giáo không? 
Không hẳn thế! Mình luôn tin rằng, tôn giáo nào cũng với mục đích cứu rỗi, hướng dẫn loài người ra khỏi bể khổ. Chẳng đấng tối cao nào khuyến khích những hành động sai trái của con người, dù nhân danh bất cứ điều gì?. Và mình, trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn này, thân phận nhỏ nhoi như hạt cát trong sa mạc, chỉ còn biết tự bảo vệ mình với ý nghĩ " Phật tại tâm" cũng như luôn nghĩ rằng: thượng đế, luật nhân quả là có thật. Mình gieo nhân nào thì rồi sẽ gặt quả ấy.

Mình tin rằng, mỗi người sinh ra đã có một số phận được sắp sẵn chờ đợi mình phía trước. Lắm khi mình không cưỡng cầu được. Chính bản tính đặc trưng, có sẵn, ẩn trong óc của mỗi người đã hướng dẫn, hình thành cuộc đời của họ sau này. Tuy nhiên, càng lớn tuổi, trải nghiệm nhiều, suy nghĩ con người sẽ được mở rộng dần. Cách nhìn nhận cuộc sống nhiều phần sẽ khác đi, trở nên sâu lắng hơn. Đây là thời điểm, tự mình có thể thay đổi phần nào cuộc đời theo ý mình. Tuy rằng có hơi muộn màng.

Buông bỏ. Mỗi ngày mình đều tự nhắc nhở. Ngày nào buông bỏ được ngày ấy sẽ thấy tâm phật chiếu sáng trong tim. Nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Còn khó hơn ngậm ngải tìm trầm. Những chấp nhất, những ích kỷ ,tham, sân, si, vẫn đeo bám mình miết từ lúc thức đến trong giất ngủ. Đời sống đôi khi như chiến trường mà mình là người lính duy nhất chiến đấu với chính mình. 

Nhưng dù khó đến mấy, vẫn hy vọng có một ngày, trước khi nhắm mắt, mình có thể thấy được tâm phật chiếu sáng trong tim. Tuy con đường phía trước còn lắm chông gai, cũng xin đừng bao giờ buông bỏ hy vọng, xin đừng buông tay. Bạn nhé./

Quinhon11.

_________________________________________

8 comments:

  1. Chi QN ơi.
    Tôn giáo là đề tài nhạy cảm, nhưng mình thật sự có cùng cảm nhận với chị. Cũng đã lau rồi mình không đi chùa. Phật tại tâm mà .
    Chúc chị có nhiều niềm vui bên con cháu . Mỹ H

    ReplyDelete
  2. Chào Chị QN:
    Trước đây em đi chùa và sau khi quan sát 1 số sinh hoạt trong chùa thì em dần bớt tới chùa. Em nhận thấy mỗi người khác nhau thì đi chùa với mục đích khác nhau em xin nêu ra sau đây:
    1. Loại đi chùa với mục đích làm lể, tụng kinh, niệm lạy Phật
    2. Loại thích làm công quả kiếm phước
    3. Loại thích cúng dường chủ yếu cũng để cầu phước hay xin xỏ gì đó
    Nói chung cả 3 loại trên đi chùa thì cũng là tu hình tướng, hình thức còn tu tâm sửa tánh thì phải hỏi lại vì em thấy tánh xấu của họ vẩn còn y chang: như thị phi, thích nói xấu người khác sau lưng (có nhiều vị làm tới hội trưởng mà về nhà đánh vợ như đánh chó, có ông tỏ ra tu hành tinh tấn nhất chùa nhưng ra khỏi chùa thì tà dâm...)
    Còn chùa chiền ngày nay không còn thuần chủng nửa rồi. Ngày xưa Phật bỏ hết đi tu, ngày nay mấy ông bà tu hành thì thích chùa to đẹp. Chùa mà thanh tịnh thì cũng khiến cái tâm của người tới chùa tu hành cũng được thanh tịnh theo. Đằng này thỉnh thoảng chùa tổ chức đám này tới đám khác, mời ca sĩ tới hát hò, sổ số rùm ben làm náo loạn cửa chùa. Tăng ni sư cứ chạy tới chạy lui chộn rộn.
    Chưa kể người xuất gia ngày nay đủ thành phần vàng thau lẩn lộn. Có người làm neo 1 thời gian thì xuất gia, thậm chí có người xuất gia gốc trước đây là xã hội đen...
    Nói tóm lại ai muốn tu thì nên tu tâm tu tánh sửa cái tâm tánh của mình cho hoàn chỉnh hoàn thiện hơn chứ còn đi chùa cả đời mà tâm tánh không sửa cong thành thẳng xấu ác thành thiện lành thì cũng chỉ là vô ích mà thôi. Nhiều khi đi chùa nhiều còn bị nhiểm cái trược, cái xấu, cái tánh thị phi nhiều chuyện của thiên hạ thì có khi còn tệ hơn là trước khi di chùa nửa á.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn.
      QN cám bạn vào đọc và chia sẻ cảm nghĩ. Thật ra ở đâu cũng có người tốt người xấu, mình không dám quơ đũa cả nắm đâu. Nhưng thời nay vàng thau lẫn lộn, mà thau nhiều hơn vàng, nên thật khó phân biệt đâu là CHÂN là GIẢ.

      Nhất là từ khi gia đình người bạn thân mà mình hằng quí mên bị tan vỡ, mà lý do có liên quan đến một vị Đại Đức thì mình đâm ra chán ngán. Từ đó để ý, mới thấy tôn giáo bây giờ đã khác xưa nhiều. Ngày xưa tín hữu tìm đến tôn giáo để tu đạo, để tìm sự yên tỉnh. Trong khung cảnh trang nghiêm, tâm tư lắng đọng, buông bỏ.. những mong được giải thoát khỏi kiếp trầm luân..
      Bây giờ, Chùa mọc lên ào ạt, khắp nơi. Mỗi Thầy một cõi riêng. Phật tử không chạy kịp theo chùa, nên chùa phải chạy theo thị hiếu nhân gian để mong có khách vãng lai, hầu quyên góp được thêm nhiều..

      Thời nào theo thời ấy, mình không dám phê phán. Cũng như mình cũng có quyền tự do của mình là tham gia hay không tham gia.
      Cám ơn bạn đã chia sẽ những cảm nghĩ thật từ nội tâm của mình.Thật là quí./
      QN

      Delete
    2. Trưa thứ sáu, tạm gác qua mọi công việc, lang thang tìm 1 chút gì bình yên cho tâm hồn, cũng chút ý tưởng cho những cây bonsai trong vườn, chợt lạc bước đến trang nhà của Quinhon cũng chỉ bởi vì tựa đề của bài viết: "Tâm Phật giữa bão nhân gian" - một tựa đề rất ý nghĩa!

      Vào chùa Long Khánh, ghé qua tu viện Nguyên Thiều, quả đúng là quinhon và gia đình có phúc duyên rất lớn! Bởi những ngôi chùa nơi miền Trung, Bình Định nói riêng là nhưng nơi quý vị tu sĩ họ được đào tạo 1 cách rất nghiêm khắc, từ lúc chú tiểu còn để 3 chỏm tóc...đến khi thành 1 vị đại đức...thì "tương chao" đã thấm trong người những vị ấy nhiều lắm rồi, nên khi phật tử chúng ta nhìn vào thì thấy ngay sự thoát tục...nên rất dễ đem dến cho người nhìn cái sự thanh thoát trong tâm hồn.
      Còn giờ đây....nhất là nơi đất khách quê người, giữa bộn bề lo toan, con người chúng ta cũng đầy dẫy sự toan tính, những vị thầy ít nhiều cũng nằm trong quỹ đạo đó, chưa thể thoát ra được, nên "mắm muối" vẫn còn nhiều. Nhưng quinhon và mọi người ở đây có biết nguồn gốc tạo sao có sự đổi thay trong từng con vị thầy ấy hay không?! Nguyên nhân cũng là do mỗi người Phật tử chúng ta tạo ra đó.
      Minh chứng cho việc này, tôi xin đưa ra 1 trường hợp để mọi người chúng ta suy ngẫm:
      Trước đây, có 1 ngôi chùa tọa lạc 1 nơi hơi xa thành phố Houston, tăng chúng sinh hoạt rất thanh đạm, không lễ lộc, không hội hè gì cả, chỉ lo chuyên tâm tu hành. Hàng tuần, phật tử dù xa xôi cũng gắng về cùng tu tập...
      Năm tháng trôi qua, phật tử thì 1 phần ngày 1 đông thêm, cũng 1 phần ngày 1 lớn tuổi không thể tự lái xe, phải nhờ đến con cháu...nhưng mọi người biết cũng không thể nhờ con cháu mãi được...nên mới bàn bạc với nhau...rồi quyết định nhờ đến những vị thầy...có nghĩa là: quý thầy nên bán chùa cũ, rồi mua 1 mảnh đất lớn hơn, gần tp Houston hơn, còn kinh phí thì để chúng con tự lo, quý thầy khỏi bận tâm.
      Sau khi mọi xong rồi, thì tiền bill, phật tử chỉ giúp đỡ được vài tháng, xong rồi để chùa tự lo liệu...cho nên mới đẫn đến việc các chùa cứ lập nên, rồi gây quỹ này, quỹ nọ.
      Đó là phần của quý thầy, còn phần mỗi người Phật tử chúng ta là phải làm sao có chọn lọc. Điều ấy có nghĩa là nếu chúng ta muốn cúng dường cũng phải nên chọn lọc, phải lọc cho thật sạch, sạch tất cả cặn bã, chỉ giữ lại những gì trong sạch mà thôi! Có nghĩa là chúng ta phải chọn những vị thầy nào có thể vì tất cả mọi người mà cúng dường, chứ đừng chỉ vì lời nói và hình dáng của 1 vị thầy...có như vậy chúng ta mới góp phần vào việc thanh lọc nơi chốn thiền môn.
      ....và chính vì gạn lọc tất cả những dơ bẩn, chúng ta mới tìm ra được viên ngọc trong sáng...đó chính là "Tâm Phật giữa bão nhân gian .."
      Nếu có gì sơ xót, xin quinhon và mọi người thứ lỗi cho!
      Đình Thảo

      Delete
  3. Các ban nói không sai chút nào, vì mình cũng có nhân xét tương tư các bạn. Vậy thì mình phải làm gì để tình trạng được cải thiên hơn . Mình đau lòng khi thấy hàng tu sĩ Phật giáo rất nhiều người không xứng đáng trong khi nhu cầu của dân chúng thì rất cao, tuổi trẻ cần đươc hường dẫn giúp đỡ bởi những vị thầy đạo hạnh ngày càng hiếm. Thôi thì mình gắng làm những gi có thể, ví dụ góp ý chân thành với những bâc tu hành đi quá đà. Qui nhơn nên viết những bài như kiểu này và phổ biến bằng cách gửi cho các tờ báo Phât giáo hoăc các tu viên, chùa chiền .... Không cần gởi cho những người không là Phât tử

    ReplyDelete
  4. Quá đúng. Chúng ta cần lên tiếng để giúp các vi tu sĩ đi đúng con đường Phât pháp chân chính, giúp chúng sanh sớm giác ngộ. Cảm ơn QN

    ReplyDelete
  5. Muốn làm giàu thì kinh doanh, nhất là kinh doanh tôn giáo - Phật giáo.
    Nhiều, phải nói là rất nhiều, chùa mới "mở" ở Mỹ, Canada, Úc và sư tụ trị đến từ VN. Bạn biết họ là ai mà, phải o?

    ReplyDelete
  6. Chào bạn Đình Thảo, Tam Hoang, mai pham thân mến
    QN rất quí sự chia sẻ của các bạn về đề tài này. Các bạn đều có những lý lẽ rất đúng. Mọi việc thường phát xuất từ cả hai bên: Tăng và Chúng.
    Trong thời buổi nhiểu nhương lắm thị phi này, mình nhỏ nhoi như sợi rong trôi theo dòng, không làm sao thay đỗi dòng chảy xiết của nghiệp chướng được, chỉ còn biết nhắc nhở bản thân mình mà thôi.
    Thân chúc các bạn thân tâm an lạc.
    Mến/QN

    ReplyDelete