Monday, March 7, 2016

TRONG NỖI CÔ ĐƠN HÓA THÂN


kim thanh
 Tặng tất cả những ai không còn mẹ
 Portland, 4 tháng 3, 2016



 Sáng ba mươi Tết năm nay, Trường bỗng dưng lù lù xuất hiện tại cửa nhà tôi. Một cách bất ngờ, không báo trước –do một đệ tam nhân cho địa chỉ, nhưng không biết số điện thoại của tôi. “Để thăm và chúc Tết bạn”, Trường cười nói. Lần đầu tiên, sau ba mươi mốt năm. Tôi quen Trường, một cách sơ giao, từ khi mới đặt chân đến Mỹ, năm 1985. Thỉnh thoảng gặp nhau tại nhà thờ, cũng chào hỏi, à ới vài câu cho đúng thủ tục của người “có văn hóa”, nhưng trong thâm tâm không bên nào muốn bước thêm bước nữa để trở thành bạn, đúng nghĩa. Bởi anh rất đạo đức, đạo mạo, cẩn trọng, mặc dù suýt soát bằng tuổi, ngược hẳn với tôi tính tình bộc trực, bất cần đời, thấy chướng tai gai mắt là đốp chát liền. Thấy tôi đâu, anh không quên mời gia nhập hội này hội nọ trong giáo xứ, lại còn nhắc năng xưng tội, rước lễ  –điều mà tôi luôn hứa, cho qua chuyện, nhưng không bao giờ làm. Riết rồi anh chán, và tôi cũng tìm cách trốn anh. 

      Trường sống một mình, không vợ con, kiểu tu tại gia. Nghe nói anh đã được phong vài chức thánh nhỏ, mà tôi cũng chẳng hỏi anh tại sao không thừa thắng xông lên đi làm thầy sáu hay linh mục, cho ấm thân. Công việc chính, âm thầm, mà anh tự đặt, là đi thăm viếng những đồng hương bị bệnh đang nằm điều trị ở nhà thương, hoặc tại gia, để an ủi, nâng đỡ tinh thần, đọc kinh cầu nguyện, có khi đem Mình Thánh Chúa đến cho họ v.v…

      Ngoài ra, Trường còn tình nguyện đi thăm các ông bà già trong những nhà dưỡng lão. Đó cũng là mục đích chính đã khiến Trường đến tôi bất ngờ sáng nay. “Tiện đường, rủ bạn cùng đi cho vui ấy mà”, anh nói. Tôi hỏi vặn: “Bộ hết người để rủ đi hay sao mà ông cứ nhắm tôi hoài vậy cà?” Anh cười, không trả lời. Mặc dù lu bu bởi trăm thứ việc không tên, tôi cũng thấy mềm lòng và mặc cảm tội lỗi với anh. Bèn OK.

      1. Nhà dưỡng lão tư mà Trường chở tôi đến cũng ở cùng khu với nhà tôi. Một căn nhà diện tích trung bình, sạch sẽ, thoáng mát, có một vườn nhỏ đầy hoa muôn sắc, xen lẫn với rau thơm đủ loại mà chủ nhân trồng thêm, cho những bữa ăn thuần túy Việt Nam. Bên trong cải biến thành một gian rộng, chia ra sáu phòng nhỏ vừa đủ cho sáu giường nằm. Có bếp và phòng vệ sinh chung. Bình thường, tổng số “cư dân” –toàn là trên bảy, tám bó– là sáu, hôm nay chỉ còn ba, vì các cụ lần lượt từ giã cõi trần, hoặc con cái muốn “đổi nhà dưỡng lão, với nhiều lý do riêng”, bà chủ nhà nói. 

      Hôm ấy, Trường muốn thăm gặp, đặc biệt, một cụ ông 98 tuổi, Công giáo, không thân nhân. Vì vậy, chúng tôi vào thẳng phòng cụ trước, với sự hướng dẫn của bà chủ và một chị chăm sóc viên (caretaker), tên Sang, chuyên giúp các cụ ăn uống, làm vệ sinh, tắm gội, thay tã, dắt đi bộ ngoài vườn v.v…  Thấy có khách, cụ ông đang nằm cố gắng ngồi dậy, mặc dù Trường giơ tay ngăn cản. Trông cụ còn tráng kiện so với số tuổi, nói năng hoạt bát, nhưng đã lẫn, quên hết chuyện mới, ví dụ, vừa được Sang cho ăn đó, mà cụ lại không nhớ, kêu đói. Khiến chị phải cải chính, chỉ chỉ vào bụng của cụ. Trái lại, những chuyện cũ năm xửa năm xưa, cụ nhớ rất kỹ, và kể ra vanh vách, tuy không mạch lạc. Đặc biệt, nhớ cả bài thơ tình tám câu mà cụ nói cụ làm để tán tỉnh cô hàng xóm, thuở còn trẻ, “dễ thương ơi là dễ thương” (lời cụ), rồi cụ hứng chí đọc đi đọc lại bài thơ, lần nào cũng sai vài chữ, vài câu, rồi cười khanh khách, sảng khoái. Cười xong, cụ bỗng rơm rớm nước mắt, như trong lòng mang nặng tâm sự, và nằm vật ra giường. Trong lúc đó, bà chủ và chị Sang, vì bận việc, đã kín đáo bỏ đi, để mặc khách chuyện trò với cụ.

      Rời cụ ông 98 tuổi, chúng tôi thăm viếng xã giao, ngoài chương trình, hai “cư dân” còn lại, gồm một nam, một nữ. Cụ ông này, 85 tuổi, yếu lắm, bỏ ăn, một tuần trước đó, than khó thở, được xe cấp cứu chở đi bệnh viện nằm một ngày, và đưa về lại. Chủ nhà báo tin cho mấy đứa con cụ, nhưng ai cũng trả lời không thể ghé thăm, nại cớ bận đi làm. Nằm bất động trên giường, cụ chỉ lắng nghe, mà không nói, mà có nói cũng thều thào, không thành tiếng. Nửa tháng sau, tình cờ gặp lại Sang, tôi hỏi thăm về cụ, và nghe chị kể: “Mấy hôm sau khi hai anh gặp cụ thì cụ qua đời, lúc bấy giờ con cái mới tới, gọi nhà quàn cho xe đến chở xác cụ đi thiêu”.

      2. Rồi chúng tôi vào phòng cụ bà duy nhất. Cụ đã 86 tuổi, trông rất yếu. những còn tỉnh táo, minh mẫn, không lẫn chút nào. Gương mặt nhăn nheo phảng phất một nét đẹp thanh tú của ngày xưa còn sót lại. Sang nói, cụ được con cái thỉnh thoảng đến thăm.
      Lúc chúng tôi bước vào, cụ đang ngồi trên xe lăn, kế bên là Sang, tay cầm muỗng cơm, khom người dụ dỗ, thiếu điều năn nỉ, cụ mở miệng, để đút cho cụ ăn. Nhưng cụ lắc đầu, nhất quyết tuyệt thực. Chúng tôi nghe lời đối đáp giữa hai người:
      - Cụ ăn vài miếng giùm con đi. Đã hai ngày rồi, mà cụ không có gì trong ruột…
      Cụ òa khóc, nức nở:
      - Tôi nhớ con, nhớ cháu lắm, cô cho tôi về thăm nhà ba ngày Tết đi, rồi tôi trở lại, tôi hứa mà, giúp tôi đi, cô ơi. Con tôi không tới đón tôi về, thì tôi nhất định ngậm miệng…
      Mủi lòng, tôi tiến đến bên, cúi xuống, choàng vai cụ, vỗ nhẹ lưng, và lấy giấy Kleenex lau nước mắt cho cụ, trong khi Sang nói tiếp:
      - Cụ ăn đi, rồi chốc nữa, mấy anh mấy chị sẽ đến đón cụ về…
      Cụ ngừng khóc, vẻ mặt u buồn đổi sang một chút hớn hở, nhưng còn thút thít, hoặc nấc lên, tức tưởi, như trẻ thơ, và hỏi lại:
      - Thật nhé?
      - Dạ thật.
      Lúc đó, cụ mới hả miệng, chịu ăn hết chén cơm, có rau, thịt, và uống hết một ly nước cam vắt. Xong xuôi, như thường lệ, Sang bế cụ lên giường, để cụ nghỉ trưa.

      Ra khỏi phòng, chị khẽ kể cho hai chúng tôi rằng, theo lời yêu cầu của cụ, bà chủ đã gọi các con cháu, khá đông, đến rước cụ về thăm nhà trong dịp Tết, nhưng ai cũng trả lời là bận đi làm, không thể đưa cụ về được. Chị nói: “Khi nãy, em phải nói như thế để cho cụ chịu ăn, chứ thật tình em biết qua bà chủ là họ sẽ không đến. Hóa ra mình nói dối với cụ”. Tôi trả lời: “Chị đừng áy náy. Lúc còn chiến tranh, tại Phan Thiết, tôi cũng đã một lần nói dối với bà mẹ của một người lính ở đơn vị vừa chết trận. Gặp bà mẹ anh đang bị bệnh nặng nằm thoi thóp trên giường, hỏi thăm con, tôi không nỡ, và không thể, nói thật… Trong trường hợp này, chị đã phản ứng không khác chi tôi.”     

      Trường đứng im, lắc đầu, không nói gì. Còn tôi, tự dưng, thấy tái tê, đau đớn, như có trăm nghìn mũi kim vô hình đâm xuyên trái tim. Chợt nghe vọng về bên tai những câu hát quen thuộc, bất hủ, tưởng đã chôn vùi trong ký ức từ lâu:

      Mẹ mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ mẹ là bài hát thần tiên. Là bóng mát trên cao. Là mắt sáng trăng sao. Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối. Mẹ mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ mẹ là nải chuối buồng cau. Là tiếng dế đêm thâu”… (Phạm Thế Mỹ).
      Hay “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào / Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào / Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào / Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu”… (Y Vân).
      Hay “Maman, Maman jolie (Mẹ ơi, Mẹ xinh đẹp ơi) / Maman tu es la plus belle du monde (Mẹ, mẹ đẹp nhất trần đời) / Aucune autre à la ronde n'est plus jolie (Không ai chung quanh đẹp hơn)”… (Dalida).                       

      3. Và tôi bỗng thấy nhớ Mẹ dấu yêu của tôi quay quắt –đã ra đi, về với Tuổi, từ bao thu rồi. Thầm ước mong, và tưởng tượng, một ngày nào Mẹ thức dậy từ giấc ngủ ngàn năm, và cũng bảo tôi đưa về thăm nhà, vì nhớ con, nhớ cháu. Để Mẹ ôm chặt các con, các cháu vào lòng, không rời, trong vòng tay trìu mến. Để cho tôi khóc cạn nước mắt, trên vai gầy của Mẹ, trên trọn cuộc đời này. Khóc cho mẹ tôi, giờ đây vẫn nằm dưới mộ sâu, vô vàn cách trở. Khóc cho tất cả những người mẹ thân xác còn đó mà một nửa hồn đã chết, như hoa tàn rụng, trong nỗi tuyệt vọng vô bờ và chờ đợi mỏi mòn.

     Trong nỗi cô đơn tột cùng. Trong nỗi cô đơn hóa thân. Qua hình hài của một bà cụ 86 tuổi tội nghiệp, một bà mẹ đáng thương đã bỏ ăn, bỏ uống, vì không được con cái đón về nhà để vui Xuân cùng với gia đình. Một bà mẹ bất hạnh, khổ đau, không quen biết –mà tôi đã không hẹn đến để thăm gặp, để lau hộ những dòng lệ héo hắt tuôn rơi, vào sáng ngày ba mươi Tết, năm nay, tại một nhà dưỡng lão Portland.

Lê Từ - chuyển tiếp

_____________________________________________________________ 

No comments:

Post a Comment