Thursday, January 5, 2017

Đi Thăm Trâm

Tuyết Vân

Khi nghe Trâm qua Mỹ đang ở bên Arizona thì cũng vào lúc cô sắp sửa về Việt Nam. Trâm là cô bạn tôi học chung chỉ một năm lớp mười hai, năm thi Tú Tài IBM, 1974.

Khi có được số điện thoại của Trâm, tôi gọi thăm cô liền. Nghe cái giọng nói thiệt thà Bình Định rặc của cô thì đúng là Trâm rồi. Lần cuối khi tôi gặp Trâm đó là năm 1976, nghe Trâm sinh đứa con đầu lòng, tôi có vào Bình Định thăm cô.

Vậy rồi thôi. Gia đình tôi rời Việt Nam mấy năm sau đó. Tôi biết cô vẫn ở Bình Định, đời sống cũng tạm ổn, nhưng chưa có lần nào liên lạc cả.
Tôi mời Trâm qua Cali chơi nhưng cô không đi được. Bận lo giùm cho cháu ngoại trong những ngày còn ở lại Mỹ. Cách đây mấy hôm, Trâm gọi hẹn gặp nhau ở phi trường Los Angeles (LAX). Cô đi chuyến bay nội địa rồi mới chuyển sang đi chuyến bay ngoại quốc về Việt Nam. Có ba bốn tiếng đồng hồ trống trong khi chờ đợi. Tôi nghĩ nói thì dễ đó nhưng LAX  không đơn giản đâu. Tôi cũng không muốn Trâm phải bị phân chia tinh thần hay thời giờ trên chuyến bay của cô. Đi đường xa càng đơn giản càng tốt hơn.

Tôi quyết định đi xe đò thăm Trâm. Bây giờ người Việt mình có đủ mọi phương tiện di chuyển hằng ngày qua các tiểu bang khác như Arizona hay Neveda. Thật là tiện lợi. Tôi nao nức cho cuộc tương phùng này, mong gặp lại cô học sinh hiền lành năm nào đã cùng với tôi ôn văn luyện võ.

Tôi biết rằng cái hình ảnh đó chỉ là kỷ niệm mà thôi. Tôi sẽ gặp một người đàn bà ở tuổi sáu mươi, một người có lẽ hơi tròn, một khuôn mặt có những nếp nhăn xung quanh hai mắt, như tôi, bởi vì lần trước chúng tôi gặp nhau là cách đây bốn mươi năm.

Lần đầu tiên tôi đi xe bus có đa số hành khách là người Việt mình. Vui lắm. Cứ như là một little Sài Gòn di động vậy. Tôi nghe có nhiều giọng địa phương khác nhau. Giọng Quảng Nam, giọng Bắc, giọng trong Nam, tôi và người bạn đồng hành có giọng miền Trung Bình Định. Những câu chuyện riêng tư nói ra trên xe bus nhưng không ai thấy lo ngại vì ai cũng là người lạ mà, rồi thì khi xuống xe có ai còn biết ai đâu. Những câu chuyện trao đổi huyên thuyên làm chuyến xe thêm thú vị.

Tôi nhận ra Trâm ngay khi xe vừa tới chợ Lâm. Cô không tròn người như tôi tưởng.Vẫn rong rảy, cao ráo và rất Bình Định. Chúng tôi ôm, nhìn nhau cười. Cái bốn mươi năm đó đi đâu mất, chỉ thấy rằng đây là hai chị em bạn rất thân mới vừa gặp sau một tuần trước thôi. Chúng tôi ăn bữa cơm chiều và bắt đầu hỏi-trả lời như bài thi vấn đáp. Tôi hỏi Trâm nhiều hơn bởi cô đang cất cả một quê hương và kỷ niệm của tôi.

Tôi hỏi từng vị giáo sư chúng tôi đã học trước đây. Đa số là họ đã qua đời. Có thầy cuộc sống cũng OK nhưng có thầy cực khổ lắm. Tôi hỏi từng người bạn, có người chỉ nhớ mặt nhưng không nhớ tên. Có ba người bạn nam sinh khá thân với chúng tôi, thì có hai người Trâm hoàn toàn không biết tin.Tôi nói với Trâm cố gắng tìm tin tức họ.Tôi nói như là năm 1974 vừa mới hôm qua đây thôi. Cứ một lần Trâm trả lời thì y như có một chút xúc động dâng lên. Tôi nhớ cái năm học lớp mười hai đó lắm. Nó làm tôi thấy mình lớn hơn. Nó như có đôi cánh chắp cho tôi tuổi trẻ đầy những ước mơ được bay cao. Những lời giảng bài của các thầy cô như mở ra một khung của mới. Thầy Tâm, thầy Thông dạy Triết, thấy Ba dạy Vật Lý, thầy Minh râu dạy Toán, thầy Dung dạy Sử Địa... tôi làm sao quên được. Tôi có cảm giác như có một cái gì đó đổ vỡ khi nhớ đến thời tuổi trẻ đó. Mặc dù đời sống tôi bên này bình yên nếu không muốn nói là thoải mái, tôi vẫn không bao giờ thấy trọn vẹn.

Tối đến hai chị nằm với nhau thủ thỉ cho đến khuya.Tôi bắt đầu hỏi về cuộc sống riêng tư của Trâm.Về người chồng và ba đứa con. Cuộc sống của Trâm khá thoải mái. Tôi mừng lắm. Nếu không chắc lòng tôi sẽ phải thấy nặng nề. Cảm ơn Trâm. 

- Bạn có nhớ Mạnh không?
- Nhớ. Tôi trả lời.
- Hồi đi học Mạnh cũng thích Bạn lắm đó.
- Biết. Tôi trả lời.
- Nghe tôi qua Mỹ, Mạnh nói không biết có gặp Bạn bên này không.


Tôi lặng yên. Mặc dù chỉ trả lời tiếng một với Trâm nhưng trong lòng tôi không biết bao nhiêu là cảm nghĩ. Năm đó tôi là học sinh mới ở trường, làm quen với Trâm và hai chị em luôn ngồi bàn đầu. Hình như trong suốt thời gian trung học, tôi luôn là người hoặc ngồi đầu bàn hoặc cuối bàn. Bên kia Mạnh cùng ngồi đầu bàn cách nhau giữa đường đi. Tôi chỉ thật sự quen Mạnh vào nửa năm học sau, khi tôi bắt đầu thật sự thấy quen thuộc hơn với những người bạn xung quanh. Bạn bè rủ đi chơi chung với nhau và đôi khi chúng tôi trao đổi những cái nhìn có tình cảm thầm kín. Tết năm 1975 Mạnh ra nhà thăm tôi. Đứng nói chuyện chỉ 10-15 phút. Rồi thôi. Tôi không có tin tức gì của Mạnh cho đến hôm nay khi nghe Trâm nhắc tới. Đã hơn bốn mười năm rồi. Tôi nhớ đến bài hát “Nỗi Lòng Người Đi” của cố nhạc sĩ Anh Bằng. Bây giờ tôi mới hiểu được sao bản nhạc ông viết hát ra nhiều xúc cảm như vậy. Cho dù cái tình cảm ấy có ngắn, có nhỏ nhưng nó vẫn là cuộc đời của mình mà.

Không hiểu sao tôi thấy tuổi trẻ của tôi chỉ nằm trong hai năm ngắn ngủi. Quãng đường còn lại, mặc dù cũng có nhiều kỷ niệm không quên được đó, nhưng phần nhiều chỉ là những vật lộn cho đời sống. Bởi vậy tôi xót xa nhớ thương cái tuổi trẻ của mình, như nhạc sĩ Anh Bằng đã nhớ thương người tình ông quen ở Hà Nội. Đời sống cứ đi. Dòng sông cứ chảy. Tôi đứng đây nhìn quay lại, nhớ lắm, bởi vì thầy Tâm dạy Triết ở năm mười hai có giảng cho chúng tôi, không ai có thể bước xuống dòng sông cũ một lần thứ hai (Heraclitus).

Tôi đi thăm Trâm mà thấy như đi thăm lại chính mình


Tuyết Vân


_________________________________________

No comments:

Post a Comment