Friday, January 6, 2017

NUÔI CHÁU

Đinh Tấn Khương



Ngày xưa, ở quê nhà thường nghe nói “nuôi con” chớ ít khi nghe nói đến  “nuôi cháu”
Ngày nay ở xứ người thì “nuôi cháu” không mấy xa lạ đối với những ai đã đạt chức “Nội” hay “Ngoại”. Có nhiều người nói diễm phúc lắm mới đạt được chức Nội/Ngoại!
Chúng tôi xin được kể một vài mẫu chuyện: vui có, buồn có, lo có và giận thì  cũng có… qua việc “nuôi cháu”

1.     VUI:
Trường hợp điển hình:

Ông bà gần tới tuổi hưu có một đứa con gái đã ổn định gia thất và sinh ra cho ông bà một đứa cháu ngoại. Đứa cháu mang lại niềm vui cho ông bà, bảo rằng, dường như bây giờ mình thương và vui với cháu nhiều hơn là với con mình lúc chúng còn tuổi thơ. Giải thích điều đó có thể do là, lúc sinh con ra thì lại bận sinh kế cho nên không có thì giờ để vui với chúng.
Niềm vui mang lại cho ông bà là những tiếng cười, những tiếng nói bập bẹ, ngây ngô và dễ thương của đứa cháu.
Niềm vui cũng xuất phát từ ý nghĩ rằng, nuôi cháu giúp các con an tâm làm việc đồng thời tiết kiệm được một số tiền.
Niềm vui cũng xuất phát từ ý nghĩ nuôi cháu giúp cho đứa bé được an toàn hơn và giúp cho tình thương gia đình được gắn bó, tình cảm giữa ông bà và cháu kết chặt thêm.


2.     LO:
Trường hợp điển hình 1:

Một bà nuôi cháu nội, một hôm đứa bé vấp té làm xướt trầy một mãng lớn trên một phần khuôn mặt. Vết thương không có gì quan trọng nhưng vì sợ để lại vết sẹo. Bà lo lung lắm, trong lúc chờ đợi để được chăm sóc vết thương mà bà cứ ngồi thẩn thờ, thở ngắn thở dài, đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ.
Trấn an nhưng bà vẫn cứ lo, cứ khóc 
-         Chẳng biết chiều nay con dâu của tôi đi làm về, thấy con nó như thế nầy không biết sẽ nói gì và tôi cũng không biết phải nói làm sao. Tôi biết nó chăm con giữ lắm!?
Bà sợ con dâu cũng phải, bà không sợ thằng con trai bởi biết chắc là thằng con không dám nói gì rồi!?

Mấy hôm sau bà mang đứa cháu ra để coi lại vết thương, vết thương không có dấu hiệu nhiễm trùng, trấn an là vết sẹ có thể không lớn và sẽ biến mất sau vài tháng. Trông bà có vẻ bớt lo âu.
Hỏi hôm đó con trai và con dâu của bà phản ứng ra sao, bà trả lời:
-         Thằng con nhìn thấy thì tỏ vẻ lo âu lung lắm, có lẽ nó vừa thương con, vừa sợ mẹ nó lo lắng và chắc chắn rằng  nó sợ vợ buồn nửa, tôi đoán vậy chứ hổng biết là đúng hay sai!?
Hỏi còn con dâu của bà có nói gì không?
Bà nói:
-         Con dâu vừa thấy thì khóc lớn, chỉ nói với con nó chứ không nói với tôi: “ai làm cho con té mà ra nông nỗi này hởi con, còn gì cái mặt của con nữa!?”
Hỏi bà trả lời sao?
Tôi chỉ ông nội nó mà nói:
-         Ông nội nó làm té chớ còn ai vào đây nữa mà hỏi!
Hỏi sao bà lại trả lời như vậy, nó tự ngã té chớ đâu có phải là do ông nội làm nó té, phải không?
Bà trả lời:
-         Bởi nó hỏi ai làm té chớ nó đâu có hỏi tại sao lại té cho nên tôi chỉ ông nội nó, thử coi nó nói cái gì!
Hỏi con dâu phản ứng ra sao khi nghe ông nội nó làm té, bà cho biết là nó chỉ nhìn ông rồi làm thinh.

Hôm đó bữa cơm gia đình thật yên lặng, kết thúc nhanh chóng và đố ăn còn thừa lại khá nhiều!

Trường hợp điển hình thứ 2:

Một bà nuôi hai đứa cháu, một cháu nội trai và một cháu ngoại gái.
Không biết tại sao đứa cháu nội bổng dưng biếng ăn, cha mẹ dẫn nó đi gặp bác sĩ và cho biết là nó không có bệnh gì cả, càng ngày cân nặng không thay đổi gì hết. Bà mua đủ thứ thức ăn, mua thêm bánh trái cho nó ăn mà chứng nào tật đó, dụ dỗ, hăm dọa đủ mọi cách mà nó vẫn một mực không ăn.
Ngược với thằng cháu nội, đứa cháu ngoại gái ăn uống dễ dàng, cất dấu đồ ăn mua cho thằng cháu nội mà nó cũng tìm cho ra mà ăn. Kết quả cân nặng đứa cháu ngoại đã vượt trội và trông béo trục béo tròn.

Một hôm, nghe đứa con dâu vừa khóc vừa nói với chồng nó (con trai của bà):
-         Con mình ăn uống ra sao mà càng ngày càng xanh xao lại không thấy lên cân chút nào hết?
Không nghe nó trách gì bà nhưng bà cũng cảm thấy xót xa, như có phần trách nhiệm làm cho đứa nhỏ ốm teo như vậy!

Nhưng nỗi xót xa của bà chưa kịp yên lắng thì đến một hôm, con gái của bà lại than phiền:
-         Con nói với má nhiều rồi, má cho con gái của con ăn ít ít lại, bộ má không thấy nó mập ú sao, con gái gì mà mập ú ù như thế nầy thì coi sao được!!
Bà chỉ biết than trời, một đứa cháu nôi không chịu ăn, mua nhiều thứ đổi thay mà vẫn không chịu ăn, còn đứa cháu ngoại thì cái gì cũng ăn, thức ăn gì của thằng cháu nội không ăn thì đứa cháu ngoại tiêu thụ hết. Kết quả, một đứa ốm teo một đứa mập ù.
 Nghe lời than phiền của con dâu và con gái mà lòng dạ bà xốn xang vô hạn!

3.     BUỒN:
Trường hợp điển hình:

Bà kia vừa  có cháu nội lẫn cháu ngoại bà hăng hái, vui vẻ nhận đủ các cháu mà nuôi. 
Thế thì sao lại bảo là buồn?
Không phải bà buồn mà là ông buồn bởi vì cả ngày bà dành hết thì giờ để chăm cháu, lâu dần mấy cháu ở lại luôn đêm, đành phải bỏ quên ông!
Tuổi bà đã trọng (chút thôi) có lẽ vì vậy mà bà đem mấy đứa cháu ra để làm bình phong mà có lý do “tránh né” ông.
Lúc đầu ông phản đối bằng cách thuyết phục bà:
-         Sức khỏe của bà lúc nầy coi bộ hơi tệ rồi đó, có lẽ mất nhiều thì giờ để chăm sóc mấy đứa cháu. Cắt giảm bớt đi, bà cần phải nghỉ ngơi để ổn định sức khỏe .
Nhưng bà không chịu nghe, cứ bảo là không giúp tụi nó thì mấy đứa cháu gởi ở đâu, mà gởi cho người ta, người ta có chăm sóc chu đáo như mình không? Còn tốn tiền của các con mình nữa, đâu nỡ!?
Ông bèn ra nghị quyết:
-         O K, bà giữ cháu ban ngày thôi, còn ban đêm thì bà cần phải nghỉ ngơi
Nhưng bà lại nêu lý do mấy đứa con cứ mang về nhờ giúp giữ dùm để tụi  nó có thì giờ thư giãn, gặp gỡ bạn bè, coi văn nghệ…
Thuyết phục vợ không được, ngăn cấm con mang cháu về gởi cũng không xong ông bèn nhờ đến bác sĩ gia đình khuyên nhủ bà nên giữ sức khỏe và cân đối trong cuộc sống vợ chồng.
Bà đang bước vào tuổi” hưu” hơi sớm (mãn kinh) nên bà rất sợ chuyện quan hệ vợ chồng.
Thấy không có biện pháp nào có thể thuyết  phục được bà vợ để bỏ cháu theo chồng, ông quyết định dọn qua tiểu bang khác mà sinh sống, nơi đó không có đứa cháu nào để cho bà bận rộn. 
Lâu lắm rồi không biết tin tức gì thêm, chẳng biết giải pháp đó có giúp ông bà hòa hợp thêm không?

4.  GIẬN:
Trường hợp điển hình:

Ông bà chỉ có vỏn vẹn một đứa con trai nuôi ăn học tới nơi tới chốn, cưới vợ đẻ ra cho ông bà một đứa cháu nội kháu khỉnh, khỏe mạnh ông bà mừng lắm, cảm thấy hạnh phúc tràn trề.

Ông bà có cô con dâu rất khôn khéo, không bao giờ nói lời nào khiến cho ông bà phải buồn lòng.
Ông biết chắc là thằng con của mình được xếp vào group đàn ông rất  “nể" vợ, biết vậy, nhưng thấy nhờ thế mà chúng nó nên cửa nên nhà thì chẳng hề gì!
Đứa cháu càng lớn càng năng động cho nên thường hay té ngã, sưng đầu trầy trán. Cô con dâu xót lắm nhưng không nói gì hết mà cứ thúc dục chồng nhắc mẹ. Trù trừ mãi không được cho nên tới một ngày cậu con trai thưa với mẹ rằng:
-         Mẹ ơi, mẹ chịu khó đừng để con của con té nữa, té nhiều lần đụng đầu sợ lớn lên nó ngu học không được đó mẹ à!
Bà mẹ nổi giận:
-         Bộ con tưởng là mẹ cố tình làm cho cháu té đó sao, hồi nhỏ con cũng té đụng đầu hoài mà sao bây giờ học được bác sĩ?
Thằng con trai nín im, âm thầm dẫn con mình ra xe chở về nhà
Con trai vừa ra khỏi cửa, ông chồng nói với vợ:
-         Nó nói đúng rồi đó bà ơi!
-         Ông nói nó nói đúng là đúng cái gì?
-         Hồi nhỏ bà để nó té hoài cho nên bây giờ nó bị ngu, bà không thấy sao?
-         Ngu sao đâu mà ông nói nó ngu?
-         Thì nó ngu cho nên bây giờ nó mới “nể” vợ nó đó!
-         Xí, bộ ăn hiếp vợ như ông là khôn đấy, hữ?
Ông bước lại ôm chầm lấy bà mà cười lớn rồi nói:
-         Thấy bà giận con cho nên tui nói đùa như thế cho bà nguôi đi, thôi vào ăn cơm rồi đi ngủ, mai còn thức dậy sớm đón cháu!

Trường hợp điển hình không buồn, không lo:

Bà nọ chăm cả cháu nội lẫn cháu ngoại
Lúc đầu chỉ có một cháu nội, ông bà thương và vui lắm, nhận nuôi ngay. Con dâu cũng biết điều gởi bà 50 đô mỗi tuần để lo tiền sữa, tiền ăn. 
Từ cái hôm mà thằng con quên mang tã giấy theo, bà nhờ ông ra shop mua về một thùng và dặn con là tạm thời đừng mang thêm tã (dự trù) mỗi ngày. Từ đó, thằng con nghe lời mẹ nên không bao gờ mang tã (dự trù) theo nữa và dĩ nhiên là sau đó bà phải xuất tiền để mua tã tiếp. Bà nghĩ, cho con cháu chút đỉnh thì nề hà gì mà nhắc nhở dâu con. Lại sợ, nhiều khi nhắc nhở làm cho chúng buồn lòng không thèm đem con về gởi nữa thì buồn chết đi được!

Năm sau, có thêm một đứa cháu nội nữa, ông bà vui lắm, bà hăng hái nhận tiếp mà nuôi nhưng thằng con vẫn cứ tiếp tục đưa 50 đô mỗi tuần như mọi khi chứ không thấy tăng thêm ngân sách mặc dù nhân khẩu có tăng .Thương con, thương cháu cho nên ông bà không nhắc nhở, vẫn vui vẻ trong công tác nuôi cháu của mình.
Những năm kế tiếp, sau khi các con đã lập gia đình đủ, có thêm nhiều đứa cháu nội ngoại ra đời. Không thể từ chối, đâu thể đối xử bất công cho được và.gần đây ông bà đã có tới 5 đứa cháu để chăm sóc.
Ông bà vẫn thấy vui, nói cho đúng thì các con của ông bà cũng biết điều cứ đến ngày của Mẹ, ngày tết là các con mời đi ăn, biếu tiền, lâu lâu cho đi thăm (ngắn hạn) VN một lần. Nhưng bà cũng phải lì xì đầu năm, lì xì sinh nhật của các cháu, mua thêm tã, sữa và  thức ăn... Nói chung số tiền các con tặng không vượt quá số tiền của ông bà xuất ra.

Tuy vậy, tiếng cười và tiếng nói ngây ngô, ngộ nghĩnh, dễ thương… của mấy đứa cháu là niềm vui cho ông bà trong lúc tuổi già.

Sydney, đầu năm 2017
đinh tấn khương

____________________________________________

No comments:

Post a Comment