Wednesday, February 22, 2017

Một Gia Đình

Tuyết Vân

Gần một năm nay Hương thường hay nghĩ đến Dì nhất là sau khi giỗ đầu cho mẹ chồng. Dì đây là mẹ ruột của Hương mà khi lớn lên Hương chỉ biết qua tấm hình trắng đen nhỏ trên bàn thờ với ba.
   
Mỗi năm má giỗ cho ba vào tháng sáu. Giỗ ba đơn giản lắm so với những đám giỗ bên chồng Hương. Má chỉ bày lên một mâm cơm, thắp nhang, rồi kêu ba chị em chắp tay bái. Không bao giờ thấy có giỗ cho Dì. Ở cái tuổi con nít, Hương cũng có thắc mắc nhưng rồi bỏ quên ngay. Sau nầy Má mất rồi, ba chị em làm thêm giỗ Má. Về sau nữa, chị Hai dồn chung làm giỗ cho ba má một lần luôn. Khi Hương hỏi Dì có giỗ không thì chị Hai nói có chớ, chị giỗ Dì chung với ba má luôn.


Nhà Hương nghèo nhưng có một xuất xứ khá giả. Ba cũng từng có một vai trò, quan chức trong làng. Căn nhà ba chị em Hương cao ráo, rộng rãi nhiều so với những gia đình khác. Nền nhà bằng xi măng láng. Má và chị Hai hay lau nước trong mùa hè cho nhà khỏi nóng. Mỗi lần như vậy, Hương và bạn hàng xóm hay kéo áo để lòi bụng lên rồi nằm xấp trên xi măng. Cái mát lạnh của xi măng làm tụi Hương cười rúc rích. Phòng khách có hai chiếc trường kỷ đen đặt hai bên chiếc bàn dài. Sau nhà là vườn bông với nhiều cây kiểng. Nhà cũng có chia các phòng rất khang trang như những nhà giàu xưa mà Hương thấy ở trong phim truyện. Nghe chị Hai nói hồi xưa ba có đi buôn bán trên nguồn, đem lên gạo muối, đem về quế, trầm, hay mật ông. Ba giỏi chữ nghĩa nên ai cũng quý trọng.

Theo lời kể sau này thì Hương được biết ba ưng má nhưng không có con. Mãi về sau, ba ưng Dì. Dì là người em bà con với má. Nghe nói hai chị em cũng hòa thuận. Dì sinh ra chị Hai rồi chị Ba. Bảy tám năm sau, dì có thai Hương. Trong nhà ai cũng ước mong đó là con trai. Nhưng thình lình ba bị bệnh rồi mất đi trước khi Hương ra đời. Lúc đó nhà Hương đã nghèo rồi. Nghèo nhưng còn giữ cái nền nếp, ngay thẳng của một gia đình khá giả trước đây. Hương lớn lên không biết mặt Dì. Má, chị Hai, chị Ba thương Hương nên Hương cũng không thấy thiếu tính phụ tử như người ta vẫn nói. Chắc cũng có thiếu đó thôi nhưng làm sao Hương biết được.

Má cho chị Hai đi xuống tỉnh học may một năm về rồi mở tiệm may bên cạnh buôn bán lặt vặt thêm. Nhờ có tiệm may đó nhà Hương cũng đỡ hơn. Hương bắt đầu có quần áo mới. Chị Hai thương em lựa những mặt vải đẹp, cắt áo tay bèo cổ nhún cho Hương. Bạn bè ai cũng khen Hương mặc đồ đẹp. Rồi má qua đời.Nhà có bà chị em thấy hiu quạnh lắm nhất là khi chị chị Ba có chồng hơi xa một chút. Năm đó Hương đang đọc lớp 12 chị Hai gã Hương cho Thành. Hương nghe lời chị, thật ra Thành thì cũng là gia đình người trong xóm thôi.Hương cũng rất quen biết thân thiện với Thành qua những cuộc họp thanh niên ở xóm với nhau. Và Hương cũng thấy an tâm khi chỉ ở xa nhà chị mình bảy tám căn thôi.

Gia đình chồng Hương khá giả và mẹ chồng dễ chịu nên cuộc sống Hương cũng thoải mái. Những lúc giỗ chạp tết nhứt Hương phụ với thím Tám lo việc bếp núc. Thím thương Hương, thường chỉ bảo chuyện nầy chuyện nọ. Gia đình chú thím nghèo nên thường hay lên nhà anh chị mình phụ giúp kiếm thêm cơm ăn, áo mặc. Có lần thím hỏi Hương có biết Dì không rồi thím kể chuyện của Dì cho Hương nghe. Lần đầu tiên Hương nghe câu chuyện của gia đình mình qua một người lạ kể. Cái cảm giác đó nó lạ lắm. Nó ngỡ ngàng và đôi khi Hương cũng không muốn nghe và muốn tin vào tất cả những gì thím Tám kể.

Ngay một tuần sau đó, gia đình chồng Hương vượt biên theo một gia đình người cậu có tàu đánh cá ở biển Nước Mặn. Chuyến đi rất đột ngột và không một ai trong gia đình biết ngoại trừ cha mẹ chồng Hương và người anh của Thành. Người cậu đã có ý định vượt biên hơn một năm rồi và muốn gia đình chị mình đi luôn. Đó cũng là lý do mẹ chồng Hương lo cưới vợ cho Thành. Gần nửa năm Hương thấy cha mẹ chồng mình bán đồ đạc ra nhưng cứ tưởng vì tiền bạc khó khăn nên phải làm vậy thôi. Thực rất thì bà đã có dự tính rồi. Cũng phải thôi, sau Thành còn có ba người em. Trong xã người ta đã nói đến việc đưa thanh niên đi kinh tế mới rồi.

Cũng như bao gia đình ty nạn mới tới đây cuộc sống lạ nơi xứ người rồi cũng đâu vào đấy. Vợ chồng Hương bắt đầu một gia đình riêng. Cứ hai năm lại sinh một cháu. Cái bận rộn với chồng con, bên cha mẹ, chị em chồng, giỗ chạp, tết nhứt, cuốn hút Hương như một chiếc quạt máy. Có đôi khi ngồi nghĩ đến chị Hai chị Ba cũng chỉ một thoáng thôi. Hương có về thăm chị mình được hai lần. Rồi chị Hai mất sau một cơn bệnh ngắn. Năm sau chị Ba cũng qua đời. Hương cũng không còn về Việt Nam nửa. Cứ mỗi lần Tết tới Hương gửi chút tiền về cho các cháu ăn Tết và cúng giỗ.

Hôm về thăm chị mình lần thứ hai cũng là lúc giỗ ba má. Lau xong ba tấm hình Hương lấy ngón tay vuốt xung quang khuôn mặt của ba má, trong lòng đầy ắp thương yêu. Cũng lạ, khi ba má đã không còn Hương lại thấy hiểu ba má hơn. Có lẽ vì bây giờ cũng là một bà mẹ, nó cho Hương sự hiểu biết tấm lòng của những bậc làm cha mẹ như thế nào. Hương cầm tấm hình của Dì vào lòng mình, ngập ngừng muốn hỏi chị Hai về Dì nhưng thấy chị Hai làm thinh nên Huong yên lặng luôn. Hương vẫn còn nhớ lời thím Tám kể Hương. Thím đã qua đời rồi nên câu chuyện cũng chấm dứt ở đây. Có lẽ chỉ còn có hai người là chị Hai và Hương biết về Dì mà thôi.

Năm đó, theo lời thím Tám kể, Dì bị cha mẹ mình bắt gã cho ba. Dì nhỏ hơn ba đến 15 tuổi. Cuộc sống cũng êm ấm, rồi ba qua đời, dì và người vợ lớn tức là chị bà con của mình cùng nhau nuôi ba đứa con gái. Có nhiều lần đã khuya chị Hai nghe tiếng động trong phòng Dì. Lâu ngày sanh nghi, chị Hai bắt đầu theo dõi. Rồi một đêm chị Hai bắt gặp cậu Tuất, một người quen trong xã, trong phòng Dì. Cái phản ứng gì đã xảy ra trong đêm đó, thím Tám không nói tới. Chỉ biết hai hôm sau, Dì uống thuốc chuột tự tử chết. Thím Tám nói cậu Tuất khóc nhiều lắm.Cậu ra mộ thắp nhang cho Dì trong suốt bảy tuần lễ đầu. Vài năm sau cậu Tuất mất. Thím Tám đây là cháu của cậu nên thím biết ngọn nghành câu chuyện.

Năm thím Tám kể câu chuyện của Dì Hương còn trẻ lắm. Cái bất ngờ của câu chuyện làm Hương tê cứng. Lúc muốn hỏi chị Hai về Dì Hương cũng rụt rè, e ngại. Bao nhiêu năm qua cái cảm giác đó như có một lớp đá lạnh bao phủ lên. Nhưng bây giờ, ở một cái tuổi lớn hơn và từng trải hơn, Hương hay nghĩ đến Dì, không nghĩ đến Dì như một người mẹ nhưng nghĩ đến như cũng đàn bà với nhau. Trong ba tháng mẹ chồng Hương phải vào hospice Hương lại càng nghĩ đến Dì nhiều hơn. Dì chỉ có hai ngày và hẳn là hai ngày đau đớn dằn vặt lắm. Nếu không, sao Dì lại đi tìm đến cái chết mà không một ai nhắc tới. Mẹ chồng Hương có đến ba tháng con cháu ra vào thăm hỏi. Dì chỉ có hai ngày lẻ loi.

Những lúc sau này với các con đã lớn, Hương bắt đâu có nhiều thời giờ để đọc sách. Tình cờ Hương đọc câu chuyện Anh Phải Sống của Khái Hưng và Nhất Linh. Cái nghèo khổ của đôi vợ chồng làm Hương chạnh lòng nghĩ đến cái không khí trầm buồn ở trong nhà khi Hương lớn lên. Khi đọc đến người vợ quyết định bỏ mình để cho chồng phải sống thì không làm sao Hương không nghĩ đến Dì. Hai hoàn cảnh hai không gian khác nhau nhưng sao đó Hương vẫn thấy có một cái gì giông giống. Chắc vì đó là hai người mẹ cùng quyết định phải bỏ con mình ra đi chăng? Người vợ trong Anh Phai Sống có chồng bên cạnh để chia xẻ cái quyết định định mệnh của mình, Dì chỉ có một mình.

Hương thường tự hỏi cái gì đã làm Dì phải ra đi. Theo Hương được biết Má cũng tốt với Dì lắm. Ba chết rồi, gia đình sa sút, hai chị em đùm bọc với nhau nuôi mấy đứa con. Cái gì đã làm Dì phải đi đến sự lựa chọn này. Bây giờ thì Hương đã hiểu, Dì đã hy sinh ra đi để gia đình có được sự bình yên. Không phải vì xấu hổ.Có cái xấu hổ nào lớn hơn tình thương của người mẹ dành cho ba đứa con. Chỉ có sự hy sinh mới làm Dì quyết định vậy. Hương thấy thương Dì quá. Thương cho sự cô đơn Dì chịu đựng, thương cho mấy mươi năm qua Dì chỉ là chiếc hình trắng đen trên bàn thờ với ba. Chiếc hình nhỏ mờ nhạt theo năm tháng thì tình thương Hương dành cho Dì lại mạnh hơn.

Ngày hôm qua Hương đi chợ mua thẻ điện thoại để gọi về cho mấy đứa cháu. Hương sẽ nhờ cháu đem sang ba tấm hình gửi qua Hương. Một chút phía bên ngoại cho mấy đứa con. Khi nào có bốn đứa nhỏ ở nhà Hương sẽ chỉ vào tấm hình của Dì và nói với con, bà ngoại sanh ra má đó. 

Hương muốn vinh danh Dì.

Tuyết Vân.

_______________________________________

No comments:

Post a Comment